Doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là DNNVV) có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia nhưng cũng là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển do những hạn chế về quy mô, vốn, trình độ công nghệ, khả năng quản trị doanh nghiệp, đại bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề pháp lý... chính vì vậy, trong những thập niên gần đây, nhóm doanh nghiệp này đang là mục tiêu trọng tâm của các chính sách hỗ trợ phát triển ở nhiều quốc gia. Nhiều chương trình và chính sách đã được Chính phủ các nước triển khai thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV, một số quốc gia đã luật hóa quy định, chính sách hỗ trợ DNNVV nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để phát triển khu vực doanh nghiệp này.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc, Singapore trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy rằng cho dù đối với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hết sức quan trọng, Chính phủ cần có những chính sách và bước đi phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của hệ thống doanh nghiệp này, trong đó hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn và hỗ trợ về mặt pháp lý được coi là then chốt,việc hỗ trợ được thể hiện một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên nhóm đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ hoặc nhỏ và vừa.
Xuất phát từ đặc điểm cố hữu của DNNVV, nội dung hỗ trợ phát triển DNNVV của các nước đều tập trung vào các vấn đề như: Cải thiện môi trường kinh doanh: Hỗ trợ về tài chính, tín dụng; Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ; Hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin và tư vấn; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp… Trong đó, mối quan tâm trọng tâm của nhiều nước là hỗ trợ DNNVV gia tăng khả năng tiếp cận tài chính và hỗ trợ tín dụng, gần đây, do sức ép hội nhập, các nước cũng đã dành sự quan tâm đến các hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm các nước cũng chỉ ra rằng hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV là mục tiêu và hoạt động hỗ trợ cơ bản cho DNNVV ở nhiều nước, do đó cần tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận được các hình thức hỗ trợ tài chính của Chính phủ, đồng thời cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các DNNVV, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến mức thuế suất thấp hơn cho các công ty siêu nhỏ và nhỏ.
Song song với những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, Chính phủ các nước đều cho rằng việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện, cung cấp thông tin về thể chế, pháp lý là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đều nhằm vào việc trợ giúp những bất lợi, cùng với sự tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ khai thác tốt các tiềm năng kinh tế, đặc biệt là tiềm năng trong nước.
Việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ cần có chương trình, chính sách hỗ trợ, có quan điểm, chiến lược đúng đắn mà còn cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau. Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời có định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn và phải khuyến khích, điều tiết hợp lý bằng hệ thống chính sách linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của giai đoạn đó.
Mặt khác, việc hỗ trợ đối với DNNVV ở các nước đều phụ thuộc vào nền kinh tế, tùy theo tình hình kinh tế - xã hội mà các nền kinh tế sử dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hiệu quả.
Đối với Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và đặc điểm của DNNVV để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV như sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu, một môi trường luật pháp thuận lợi, tích cực sẽ hỗ trợ các DNNVV nhiều hơn là những chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Hai là, xác định đối tượng được Nhà nước hỗ trợ pháp lý một cách thật sự khoa học, đánh giá đúng mức vai trò và vị trí của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế
Ba là, thành lập các tổ chức chuyên trách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nhiều lĩnh vực
Bốn là, cần có Chương hỗ trợ cho DNNVV từ Trung ương đến địa phương phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Năm là, cần nghiên cứu một cách đầy đủ các bước trong việc thực hiện công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp; chú trọng đến công tác đánh giá kết quả và tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV
Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và áp dụng cho Việt Nam phải dựa trên các nguyên tắc như các biện pháp hỗ trợ pháp lý cho DNNVV được áp dụng cho mọi DNNVV, không phân biệt hình thức sở hữu, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động nhưng phải lấy DNNVV làm đối tượng chủ yếu; các biện pháp hỗ trợ pháp lý cho DNNVV cần bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không làm thay công việc của doanh nghiệp, việc hỗ trợ của Nhà nước không làm hạn chế sự phát triển của thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý nói chung và thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng, việc hỗ trợ chủ yếu giúp nhóm doanh nghiệp này tìm lại sự cân bằng và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của pháp luật mà không ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế về chống trợ cấp, cạnh tranh không lành mạnh.
Nội dung của các biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định trên cơ sở có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của từng ngành, từng địa phương trong từng thời kỳ, bảo đảm sự hài hòa giữa trách nhiệm hỗ trợ với nguồn lực thực tế về tài chính, nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; tăng cường đầu tư, đổi mới các hình thức, phương thức hỗ trợ pháp lý theo hướng xã hội hóa, huy động sức mạnh của các tổ chức xã hội, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và công tác hỗ trợ pháp lý.
Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương (2023), “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương”, Đề tài KHCN cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Giang.