Đánh giá những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam thời gian tới

Ngày 20/10, Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức Toạ đàm với chủ đề "Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới và những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam"
Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách Công Thương tổ chức tọa đàm
Toàn cảnh toạ đàm

Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Lương Văn Tự; PGS.TS Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp; PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại; TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, có sự tham gia của TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, TS. Lê Huy Khôi, TS. Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương và đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương.

Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách Công Thương tổ chức tọa đàm
TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương phát biểu tại toạ đàm

Phát biểu tại toạ đàm, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn gần đây, vai trò của ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại ngày càng nâng cao và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, ngành Công Thương là ngành có đóng góp lớn nhất vào cơ cấu GDP của cả nước, chiếm khoảng 42%, trong đó công nghiệp chiếm 27,5%; thương mại trong nước chiếm 11,6% và xuất nhập khẩu chiếm 27,5%. Bên cạnh đó, nhờ những cơ chế, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nước ta đang dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp (CIP) trung bình cao toàn cầu và ASEAN-4 với vị trí thứ 36 trên thế giới; quy mô xuất khẩu đứng thứ 2 ASEAN sau Singapore; thị trường trong nước liên tục được mở rộng, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Indonesia và Thái Lan, về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử, trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn và thuộc nhóm 30 quốc gia có tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn nhất thế giới và tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN.

Vai trò và tầm quan trọng của ngành Công Thương ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. 

Bên cạnh đó tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột khu vực Trung Đông;… xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng; gia xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào trong nước liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung và sức mua trong nước và tăng chi phí vốn sản xuất của doanh nghiệp; rủi ro tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng gia tăng,…

Hiện nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế,… đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với phát triển ngành công nghiệp, thương mại và cả nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách Công Thương tổ chức tọa đàm
Toạ đàm là nơi để các chuyên gia thảo luận, phân tích, đánh giá về những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm khai thác, tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thứ đặt ra với ngành Công Thương

Trước những vấn đề này, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức toạ đàm với chủ đề “Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới và những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại của Việt Nam” với sự tham dự của các chuyên gia nhằm thảo luận, phân tích, đánh giá về những tác động đến phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại. Đồng thời chia sẻ về những kinh nghiệm khai thác, tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới đối với ngành Công Thương.

Những phân tích, đánh giá và những ý kiến của các chuyên gia sẽ là những tư liệu quý báu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp, năng lượng và thương mại phát triển trong giai đoạn tới.” - TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.

 

Huyền My