Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả tháng 10/2020 đạt 230 triệu USD, giảm 3,2% so với tháng 9/2020 và giảm 22,2% so với tháng 10/2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,72 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 10/2020, trận lũ lịch sử kéo dài hơn 2 tuần tại miền Trung và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường xuất khẩu chính, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu ngành hàng rau quả trong thời gian tới.
Bên cạnh khó khăn do nhiều thị trường truyền thống giảm kim ngạch nhập khẩu trái cây thì ngành rau quả Việt Nam có những tín hiệu tích cực. Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga cho biết, nhập khẩu trái bưởi tươi của Nga trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 71,6 nghìn tấn, trị giá 57 triệu USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân trái bưởi tươi của Nga trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 796,3 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong số các thị trường cung cấp chính trái bưởi tươi trong 8 tháng đầu năm 2020, Nga tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Việt Nam, đạt 19 tấn, trị giá 71 nghìn USD, tăng 683,2% về lượng và tăng 355,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trái bưởi sang thị trường Nga là rất lớn, do nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới tại Nga ngày càng tăng, bởi Nga là xứ lạnh nên mặc dù có diện tích lớn, nhưng có ít đất canh tác do điều kiện khí hậu không thuận lợi.
Trước đó, quả bưởi cũng thành công nhập khẩu vào thị trường Chile sau khi vượt qua các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Theo đó, lô hàng xuất khẩu sang Chi Lê phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trong đó, phải ghi rõ lô hàng không có động vật chân khớp, là các loài có tên khoa học sau: Eutetranychus orientalis, Ferrisia virgata, Maconellicoccus hirsutus, Prays citri, P. endocarpa, Citripestis sagittiferella. Ngoài ra, lô hàng phải được xử lý chiếu xạ 150 Gy để kiểm soát các loại ruồi đục trái như Bactrocera cucurbitae, Bactrocera dorsalis, được xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Những năm gần đây, diện tích bưởi tăng nhanh (tốc độ hơn 10%/năm), với diện tích toàn miền Nam tính đến năm 2019 đạt 43.500 ha, sản lượng hơn 371.000 tấn/năm. Những tỉnh có diện tích bưởi lớn là Bến Tre (8.824 ha), Vĩnh Long (8.619 ha), Đồng Nai (5.426 ha) và hình thành những vùng trồng tập trung như bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi Biên Hòa (Đồng Nai)...
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết giá trị thương mại bưởi toàn cầu ước đạt khoảng 1,1-1,2 tỉ USD/năm. Riêng Việt Nam, giá trị xuất khẩu bưởi tươi từ 1,195 triệu USD năm 2015 đã tăng lên 4,827 triệu USD năm 2019 và sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Dự kiến cuối năm nay, bưởi tươi cũng sẽ có "visa" để xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, bưởi cũng là loại trái cây đang được ưu tiên để đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (sau sầu riêng). EU và Mỹ là 2 thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho bưởi Việt Nam.