TÓM TẮT:
Trong những năm qua, chính sách giáo dục và đào tạo GD&ĐT ở nước ta đã được quan tâm chú ý và đổi mới, tạo ra nhiều kết quả quan trọng. Việc đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đóng góp một phần quan trọng trong việc thành công của những chính sách đó. Quá trình phát triển đội ngũ giáo viên ở cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả vĩ mô và vi mô cần phải được nghiên cứu kỹ, nhất là vấn đề đầu tư tài chính cho việc đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên. Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu và hệ thống hóa một cách bài bản cơ sở lý luận và nội dung về đầu tư tài chính trong đào tạo và phát triển giáo viên phổ thông, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện về mặt lý luận vấn đề này.
Từ khóa: đầu tư tài chính, đào tạo và phát triển, giáo viên phổ thông.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ đạt những bước phát triển nhất định, khối lượng thông tin và tri thức nhân loại tăng theo cấp số nhân, hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều nhận thức GD&ĐT trở thành nhân tố vừa là nền tảng, vừa là động lực góp phần quyết định tương lai của mỗi dân tộc. Với ý nghĩa đó, Đảng và Nhà nước ta khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và các lực lượng xã hội.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng về lĩnh vực giáo dục trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 với nhiều điểm mới. Trong đó xác định rõ mục tiêu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực trình độ, có ý thức và trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc; "Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc,... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”(1). Điều này thể hiện nhận thức ngày càng sâu sắc hơn của Đảng ta về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa; là giải pháp quan trọng để phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”(2). Mục tiêu duy nhất, cao cả nhất của Người là đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Người luôn yêu cầu Đảng, Chính phủ phải phục vụ Nhân dân, việc gì có lợi cho Nhân dân thì phải làm, việc gì có hại cho Nhân dân thì phải tránh.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, kế thừa nội dung về xây dựng con người ở những kỳ Đại hội trước, Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng không chỉ đặt ra vấn đề “ Đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam”, mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(3). Trong giai đoạn đất nước ngày càng phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới, việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người sẽ đánh thức, khơi dậy thế mạnh đang còn ở dạng tiềm năng, chưa được phát huy ở mỗi con người vào các hoạt động kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta di sản lý luận, thực tiễn đồ sộ về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì thành vô địch”(4)… Những quan điểm, tư tưởng trên không đề cập trực tiếp đến việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người, nhưng thông qua việc bồi dưỡng “sức dân”, khẳng định vị trí, vai trò của Nhân dân trong tiến trình lịch sử đã cho thấy từ các vương triều phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người toàn diện, nhất là những người “vừa hồng”, “vừa chuyên”, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy sức mạnh con người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đảng ta không chỉ quan tâm xây dựng chủ trương, chính sách, mà còn bằng những hoạt động thực tiễn, có chiến lược, kế hoạch chăm lo, bồi dưỡng phát triển con người cụ thể, sâu sắc để không ngừng hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”(5).
Để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện thành công thì người giáo viên có vai trò hết sức quan trọng, là gốc rễ của đổi mới, góp phần quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên. Khi đó, nhiệm vụ người giáo viên ngoài quy định tại Điều 31 của Điều lệ trường phổ thông được ban hành theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, còn phải tổ chức, hướng dẫn nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát huy năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và năng lực tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý các cấp và các nhà trường, cơ sở giáo dục và các bên liên quan phải chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phù hợp với bối cảnh mới và yêu cầu mới.
2. Một số vấn đề lý luận về đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển giáo viên phổ thông
2.1. Đầu tư
Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hiện nay, Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư đối với các cá nhân, tổ chức người Việt Nam cũng như nước ngoài dưới những hình thức đầu tư đa dạng. Vậy đầu tư là gì?
Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định:
Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
Khái niệm đầu tư theo cách hiểu phổ thông là việc “bỏ nhân lực, vật lực, tài lực vào công việc gì, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội”.
Khái niệm đầu tư theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm những hoạt động sử dụng các nguồn lực ở hiện tại nhằm đêm lại cho nền kinh tế - xã hội những kết quả trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã sử dụng để đạt được các kết quả đó.
Khái niệm đầu tư theo nghĩa rộng là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại (có thể là tài sản, là tài nguyên thiên nhiên, là sức lao động và trí tuệ) để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về cho người đầu tư các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được các kết quả đó. Các kết quả đạt được có thể là sự tăng thêm các tài sản tài chính, tài sản vật chất, tài sản trí tuệ nguồn lực, uy tín.
“Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.” (Điều 96, Luật Giáo dục 2019)
Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các địa phương thường xuyên quan tâm tạo chủ trương, cơ chế, chính sách tăng cường nguồn lực tài chính cho giáo dục, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư giáo dục tăng qua các năm. Kinh tế phát triển nhanh, nhưng không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; Công tác xã hội hóa giáo dục nhiều nơi còn khó khăn;...
2.2. Đầu tư tài chính
Tài chính phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế trong phân phối các nguồn lực tài chính thông qua tạo lập hay sử dụng các vốn tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu tích lũy hay tiêu dùng của các chủ thể trong xã hội.
Trên cơ sở tích hợp các khái niệm đã trình bày bên trên, đầu tư tài chính được hiểu như sau: Đầu tư tài chính là hoạt động sử dụng các nguồn lực tài chính để sản xuất - kinh doanh và hoạt động trong một thời gian tương đối dài nhằm thu về lợi nhuận, lợi ích kinh tế xã hội và gia tăng giá trị của số vốn đầu tư ban đầu.
Đầu tư tài chính là hoạt động sử dụng vốn nhàn rỗi để tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích kinh tế xã hội và gia tăng giá trị của số vốn đầu tư ban đầu trong tương lai bằng cách sử dụng các công cụ tài chính khác nhau.
2.3. Đầu tư giáo dục
Đầu tư giáo dục là chỉ nguồn vốn, điều kiện kinh tế và tài chính của giáo dục, là chỉ một quốc gia hoặc một khu vực căn cứ vào nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục, sự tổng hòa nhân lực, vật lực, tài lực để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu bị và nhân tài chuyên môn cũng như nâng cao biểu hiện tiền tệ của nhân lực và vật lực của trình độ trí lực nguồn lao động. Như vậy, đầu tư giáo dục chủ yếu là chỉ chi phí dùng cho giáo dục trường học và các hình thức giáo dục khác nếu hiểu theo cách tiếp cận này.
Lợi ích của đầu tư giáo dục hay còn gọi là lợi ích giáo dục hoặc hiệu quả giáo dục là chỉ việc thông qua giáo dục để nâng cao năng lực và tố chất của người lao động, làm cho số lượng hàng hóa và dịch vụ của quốc gia hoặc khu vực ngày càng tăng lên. Điều đó cũng có nghĩa là thông qua giáo dục, người lao động nắm bắt được kỹ năng tri thức nhất định và vận dụng những tri thức đó vào quá trình sản xuất nâng cao năng suất lao động, sáng tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất và của cải tinh thần cho xã hội. Nhìn chung lợi ích của đầu tư giáo dục được chia thành lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Lợi ích cá nhân của sự đầu tư giáo dục là chỉ cá nhân thông qua việc tiếp nhận giáo dục để thu được những lợi ích về vật chất và tinh thần cho bản thân trong hiện tại và tương lai; còn lợi ích xã hội của đầu tư giáo dục đó chính là sự nâng cao năng suất lao động của toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất xã hội, điều đó sẽ làm gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã hội, đồng thời làm cho đời sống văn hóa tinh thần, chính trị,… của xã hội không ngừng được nâng cao. Chính những lập luận trên cho thấy đầu tư tài chính cho lĩnh vực giáo dục có một vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia.
Theo Điều 95 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) quy định như sau:
Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm:
- Ngân sách nhà nước.
- Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước.
- Nguồn vốn vay.
- Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn, nhu cầu học tập tăng cao, đầu tư cho giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn. Nhà nước ban hành chính sách huy động xã hội hóa, đầu tư các nguồn lực để phát triển đội ngũ GV, huy động tài chính của xã hội và tự thân giáo viên, các cơ sở đào tạo sử dụng giáo viên, phối hợp với các cơ quan doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển tại chỗ…
3. Vai trò của đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông
Đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông mang lại nhiều lợi ích, cụ thể như sau:
- Những lợi ích xã hội lâu dài.
Bất luận là trước mắt hay lâu dài, cũng bất luận là yếu tố vật chất hay tinh thần, những báo cáo về hiệu quả của đầu tư giáo dục là tiền đề để xã hội hoặc cá nhân ra các quyết định đầu tư. Mặc dù vậy, đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông không phải là sự đầu tư nhằm đem lại lợi ích trước mắt, mà thông thường sau khi kết thúc quá trình đào tạo, người được đào tạo sẽ vận dụng kỹ năng, tri thức đã nắm bắt được vào thực tiễn sản xuất và việc kết hợp các yếu tố của quá trình sản xuất, mới có khả năng tạo ra hiệu quả. Đặc biệt, hiệu quả của đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông không giống đầu tư ở các nội dung khác. Sau khi chuyển thành tư liệu sản xuất, đa số các tư liệu sản xuất đó bị tiêu hao hết. Nhưng đối với lao động được đào tạo, sau khi nắm bắt được những kỹ năng tri thức sẽ không bị hao mòn hay mất đi trong quá trình sử dụng, mà có thể sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài. Trong quá trình vận dụng, do sự tích lũy về kinh nghiệm và sự học hỏi không ngừng, nên phát huy tác dụng ngày càng lớn, vì vậy đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông còn có tính hiệu quả lâu dài, do vậy đầu tư giáo dục có tính lợi ích xã hội lâu dài.
- Lợi ích xã hội lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp.
Sau khi tiếp nhận quá trình đào tạo, giáo viên chưa chắc đã trực tiếp làm việc trong lĩnh vực giáo dục, thậm chí làm việc trong lĩnh vực giáo dục cũng chưa chắc đã trực tiếp sáng tạo ra giá trị gia tăng trên sản phẩm giáo dục hoặc mức độ trực tiếp là khác nhau, nhưng vẫn có thể đem lại những lợi ích gián tiếp; do người giáo viên với những kỹ năng và tri thức ở trình độ cao khi sử dụng các yếu tố của quá trình hoạt động sẽ phát huy được hiệu quả ngày càng cao của các yếu tố làm cho tổng thể hiệu quả của xã hội được nâng cao, do vậy đầu tư giáo dục có tính tổng thể. Một số đặc tính trên của lợi ích giáo dục làm cho việc đo lường lợi ích của đầu tư giáo dục rất khó khăn và phức tạp. Đến nay, đã có nhiều phương pháp tính toán hiệu quả và mô hình hiệu quả của đầu tư giáo dục. Tất cả các phương pháp tính toán đo lường đều có chung kết luận, tỷ lệ của đầu tư giáo dục vào tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đầu tư vật chất. Vì vậy, quốc gia nên tăng cường đầu tư cho giáo dục, nhất là đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông.
Có thể hiểu đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên là đưa một khoản tiền nhất định vào hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ GV phổ thông và mong muốn đạt được những hiệu quả nhất định hoặc thực hiện được các nhiệm vụ từ khoản đầu tư đó nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của đội ngũ GV. Để đảm bảo tài chính trong tương lai, những chủ thể đầu tư cần dùng tiền một cách khôn ngoan và đầu tư thông minh.
4. Đặc điểm hoạt động đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông
Hoạt động đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông có những đặc điểm chính sau đây:
Một là, phải có nguồn lực
Nguồn lực có thể bằng tiền, bằng các loại tài sản khác như máy móc thiết bị, nhà xưởng, công trình xây dựng khác, giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển, các nguồn tài nguyên khác. Nguồn lực có thể là nguồn vốn Nhà nước, vốn tư nhân, vốn góp, vốn cổ phần, vốn vay dài hạn, trung hạn hoặc ngắn hạn.
Hai là, thời gian tương đối dài, khối lượng vốn lớn
Thường từ 2 năm trở lên, có thể đến 50 năm, nhưng tối đa cũng không quá 70 năm. Những hoạt động ngắn hạn trong vòng 1 năm tài chính được gọi là đầu tư ngắn hạn. Khối lượng vốn đầu tư lớn thường là tất yếu khách quan nhằm tạo ra những điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, như: xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các cơ sở công nghiệp luyện kim, chế tạo máy, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp lương thực thực phẩm, ngành điện năng,…
Ba là, lợi ích do đầu tư mang lại
Được biểu hiện trên 2 mặt: Lợi ích tài chính (biểu hiện qua lợi nhuận) và lợi ích kinh tế - xã hội (biểu hiện qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội). Lợi ích kinh tế - xã hội thường được gọi tắt là lợi ích kinh tế. Lợi ích tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ đầu tư, còn gọi lợi ích kinh tế ảnh hưởng đến quyền lợi của xã hội, của cộng đồng. Trong lĩnh vực giáo dục, thường lợi ích do đầu tư mang lại thiên về việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của xã hội, cộng đồng. Để quản lý tốt và có hiệu quả trong đầu tư tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý giáo dục phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đầu tư tài chính có hiệu quả đó cả trước mắt và lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này là làm sao để cải thiện chế độ tiền lương, hỗ trợ các chế độ tài chính cho đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên, nhằm tạo ra các điều kiện sống và làm việc trong một môi trường tốt cho giáo viên an tâm cống hiến và làm việc.
5. Một số khuyến nghị
Liên tục nhiều năm qua, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đó là sự bất hợp lý trong cơ cấu đầu tư cho GD&ĐT. Tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo trong đó chủ yếu là chi lương cho cán bộ, giáo viên. Chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên rất thấp so với nhu cầu cho phù hợp với đổi mới giáo dục giai đoạn hiện nay. Do đó, khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Đây là một trong những thách thức đặt ra đối với lộ trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Trong cơ cấu chi theo cấp học, chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70% tổng chi cho giáo dục, trong khi đó đây là bậc học chiếm số lượng người học đông đảo nhất.
Ở Việt Nam, việc Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mặt tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu đã giúp các đơn vị chủ động hơn trong công tác quản lý tài chính, phát huy tối đã khả năng của đơn vị để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí Nhà nước cấp có phần giảm xuống, nguồn thu bị khống chế trong khi nhu cầu chi tiêu lại lớn nên công tác huy động và quản lý nguồn tài chính là một vấn đề khá phức tạp. Việc đa dạng hóa nguồn tài chính và đổi mới quản lý tài chính sao cho tiết kiệm, hiệu quả là một thách thức không nhỏ đối với các đơn vị sự nghiệp nói chung và đối với các trường phổ thông nói riêng.
Với những tư tưởng chỉ đạo và thực tế đó, trong phạm vi bài viết của mình, tác giả xin đề xuất và tổng thuật một số khuyến nghị như sau:
- Điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng kế hoạch đầu tư tài chính phải trúng, đúng mục tiêu và có trọng tâm, trọng điểm. “Đầu tư làm sao để gia tăng giá trị sử dụng, tính lan tỏa. Đây là một bài toán đang rất hóc búa và cần hết sức cân nhắc, xem xét đó là: Đầu tư trúng, đúng, có trọng tâm và trọng điểm.
- Cần ban hành và xây dựng hệ thống pháp luật đầu tư trong giáo dục cụ thể và đồng bộ bao gồm: các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên và không thường xuyên, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật,…
- Xem xét bổ sung nguồn lực tài chính để đầu tư cho giáo dục đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước.
- Phân bổ ngân sách, điều chỉnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó với những biến động của xã hội.
- Đa dạng hóa các chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; các chính sách về cấp học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, hỗ trợ gạo... cho học sinh, sinh viên; trong đó ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là người các dân tộc ít người.
- Rà soát, ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Các địa phương cần chủ động ban hành chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa trên địa bàn như: chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ lãi suất vay thương mại…
- Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục; linh hoạt thay đổi khung thời gian đào tạo vì lợi ích người học, đổi mới phương pháp và phức thức đào tạo. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, và các yếu tố công khai, minh bạch
- Gia tăng phân cấp, phân quyền trong bộ máy tổ chức, rà soát quy chế hoạt động, tăng cường ủy quyền, phân cấp theo đúng quy định, trên tinh thần việc đáng làm, cần làm, có thể làm là phải thực hiện.
- Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên báo cáo, tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn.
- Giao tự chủ, công tác quản lý đầu tư, tài chính, tài sản cần được coi trọng, gắn với giải trình và thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề như đất đai, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo và tuyển sinh.
Trên đây là một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư nguồn lực tài chính cho lĩnh vực giáo dục. Để nâng cao hiểu quả và đa dạng hóa các nguồn lực thì vẫn đề này phải được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn, tổng thể của ngành Giáo dục để có phương hướng, kế hoạch và giải pháp phù hợp.
6. Kết luận
Trong bối cảnh nền GD&ĐT đã và đang đổi mới toàn diện, căn bản, đòi hỏi người thầy phải tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục trong suốt sự nghiệp nhằm chuyển từ một nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát huy tối đa khả năng của học sinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mỗi thầy giáo, cô giáo cần tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là phương thức tốt nhất giúp giáo viên tiến bộ, trưởng thành, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ GD&ĐT được giao. Xu thế chung của giáo dục hiện nay là phát huy tối đa khả năng của học sinh, giúp các em tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Vì vậy, người thầy với vai trò tổ chức, hướng dẫn quá trình sư phạm phải là tấm gương tự học, thành thạo trong các kỹ năng tự học. Người thầy có tự học, tự bồi dưỡng mới làm chủ được tri thức, chuyên môn và đáp ứng tốt nhất việc nâng cao chất lượng. Song song với những yếu tố bên trong, Nhà nước cũng cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài, cùng với cơ chế chính sách hợp lý để mở rộng và huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư tài chính trong đào tạo và phát triển giáo viên phổ thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Quốc hội (2019), Luật Giáo dục số 43/2019/QH14.
- Chính phủ (2020), Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
- Đinh Văn Ân, Hoàng Thu Hòa (2008), Giáo dục và đào tạo chìa khoá của sự phát triển, NXB Tài chính, Hà Nội.
- Một số tạp chí điện tử, website: https://tapchitaichinh.vn; https://moet.gov.vn
Investment for the high school teacher training process in Vietnam: Some theoretical issues and recommendations
Dang Thu Thuy
National Academy of Education Management
Abstract:
In recent years, Vietnam has paid more attention to education and training policies, leading to some encouraging results. The training and development of high school teachers for implementing the country’s general education program in 2018 play a key role in achieving these results. The high school teacher training process is affected by many macro and micro factors. It is necessary to analyze in-depth the factors, especially the investment for training activities, affecting the high school teacher training process. This study presents the theoretical basis and analyzes the content of investment in training and developing high school teachers. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the theoretical basis for the high school teacher training process in Vietnam.
Keywords: financial investment, training and development, high school teachers.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023]