TÓM TẮT:
Việc vận dụng kế toán quản trị (KTQT) và các công cụ để phân tích tài chính ngày càng được các nhà quản trị doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là để đánh giá các chỉ số về hoạt động đầu tư tài chính trong doanh nghiệp (DN).
Ngành Dầu khí là một trong những trụ cột của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc vận dụng KTQT với việc đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính tại các DN kinh doanh dầu khí ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Bài viết trình bày thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường KTQT với việc đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính tại các DN kinh doanh dầu khí niêm yết ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Kế toán quản trị, hiệu quả đầu tư tài chính, kinh doanh dầu khí.
1. Khái quát về các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí niêm yết ở Việt Nam
Thị trường chứng khoán tập trung ở Việt Nam được thành lập năm 2000, cho đến nay đây vẫn là thị trường non trẻ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các công ty cổ phần nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí nói riêng cũng mới chỉ được niêm yết trong vài năm trở lại đây.
Năm 2006, Công ty cổ phần Vật tư Xăng dầu là công ty đầu tiên niêm yết và thực hiện phiên giao dịch cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, với khối lượng niêm yết là 3,4 triệu cổ phiếu và mã chứng khoán là COM.
Cũng trong năm 2006, sau niêm yết trên sàn chứng khoán của Công ty cổ phần Vật tư Xăng dầu là Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (PLC), Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP (PGC), Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội (PJC), Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Đường thủy Petrolimex (PJT) và Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS) tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đến năm 2007, sự ra đời lần lượt của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng Công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVT), Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PGS), Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) trên thị trường chứng khoán đã nâng số lượng các công ty được niêm yết lên con số 10.
Năm 2008 đánh đấu sự có mặt của Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP), Tổng Công ty tư vấn thiết kế dầu khí - CTCP (PVE), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT).
Năm 2015, thị trường chứng khoán tập trung có mặt thêm Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE), Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE).
Những năm sau đó, số lượng các công ty tham gia đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày một gia tăng. Ví dụ: Năm 2016, Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Phú Yên (PPY), Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE). Năm 2017, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX). Năm 2019, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Công ty cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - Miền Bắc (PCN).
Nhìn chung, các doanh nghiệp dầu khí niêm yết có giá cổ phiếu tăng đều đặn bất chấp thị trường chứng khoán có nhiều biến động bất lợi. Ngành Dầu khí là ngành chịu nhiều tác động của chu kỳ kinh tế hơn so với các ngành khác, chính vì thế cổ phiếu của ngành này là mục tiêu của các nhà đầu tư trong ngắn hạn, vì khi đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận đột biến khi thị trường tăng trưởng nóng. Trong thời điểm thị trường trầm lắng, cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí thường ít được các nhà đầu tư tìm đến, do tính chất của nhóm ngành này khá đặc thù, dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
2. Vai trò của kế toán quản trị với việc đánh giá khả năng sinh lợi
Theo Luật Kế toán Việt Nam (Quốc hội nước CXHCN Việt Nam, khóa XIII, 2015), kế toán quản trị là “việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Như vậy, kế toán quản trị là lĩnh vực kế toán được sử dụng để thỏa mãn nhu cầu thông tin của các nhà quản trị doanh nghiệp, các cá nhân, trưởng các bộ phận trong doanh nghiệp (Bộ Tài chính, 2006).
Kế toán quản trị (KTQT) cung cấp những thông tin cần thiết giúp nhà quản trị làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, tổ chức điều hành, kiểm tra giám sát việc thực hiện mục tiêu định trước. Đồng thời, KTQT cũng cung cấp thông tin cần thiết giúp nhà quản trị phân tích, đánh giá mọi hoạt động, nhờ đó có căn cứ để đưa ra các giải pháp phù hợp và đạt hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, KTQT còn cung cấp tài liệu dự toán phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh giúp các nhà quản trị phát hiện ra khả năng tiềm tàng và tìm ra các biện pháp huy động vào quá trình sản xuất kinh doanh của DN nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (Nguyễn Hoản, Hoàng Đình Hương, 2019).
Hoạt động đầu tư tài chính là hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn lực (tiền, tài sản) nhàn rỗi của DN để đầu tư ra bên ngoài với mục đích tăng doanh thu, thu nhập khác và tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN (Nguyễn Văn Công và cộng sự, 2017).
Hoặc có thể hiểu, vốn được huy động từ mọi nguồn lực của DN, bên cạnh việc sử dụng, để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh theo mục tiêu đã đăng ký. Doanh nghiệp còn sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực khác (đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đầu tư chứng khoán, bất động sản, cho vay vốn…), để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, làm sinh lợi vốn.
Như vậy, DN cần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, cắt giảm những khoản đầu tư không cần thiết, khai thác những khoản đầu tư mang lại tỷ suất sinh lợi cao.
3. Thực trạng kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính
Để đánh giá được hiệu quả đầu tư tài chính, DN sử dụng chỉ tiêu tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản và tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn trên tổng tài sản. Qua khảo sát trên báo cáo tài chính, kết quả 100% các DN kinh doanh dầu khí niêm yết ở Việt Nam trình bày dưới chỉ tiêu đầu tư tài chính ngắn hạn và đầu tư tài chính dài hạn. Qua khảo sát trên báo cáo thường niên, 52% các DN trình bày tình hình các dự án đầu tư, công tác đầu tư tài chính; 43% các DN không thể hiện tình hình đầu tư tài chính; 5% DN sử dụng chỉ tiêu về tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản và tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn trên tổng tài sản.
Ta có thể thấy, nội dung phản ánh hoạt động đầu tư tài chính tại mỗi DN không giống nhau. Có đơn vị thể hiện nội dung: Tình hình công tác đầu tư (PVE); Tình hình đầu tư, thực hiện các dự án (PLC, PTS, COM, PGC, PJC…) với hình thức biểu hiện là số liệu của chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư, tổng doanh thu, tổng lợi nhuận trước thuế, tổng lợi nhuận sau thuế. Cụ thể như tình hình đầu tư vào công ty con, công ty liên kết của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS) như sau:
Bảng 3.1. Đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư của Công ty cổ phần
Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS)
Chỉ tiêu |
Năm 2017 (VNĐ) |
Năm 2018 (VNĐ) |
Tổng doanh thu |
22.810.998.259 |
28.403.705.897 |
Tổng lợi nhuận trước thuế |
40.390.841 |
233.519.469 |
Tổng lợi nhuận sau thuế |
20.312.673 |
97.945.656 |
Nguồn: Báo cáo cập nhật của PTS
Ngoài ra, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) là đơn vị duy nhất trong những DN được khảo sát tính toán tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản và tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn trên tổng tài sản; đồng thời tiến hành so sánh giữa các kỳ trên bảng cơ cấu tài sản, nguồn vốn của báo cáo thường niên.
Bảng 3.2. Đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư của Tổng công ty
cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT)
ĐVT: Tỷ đồng
Khoản mục |
31/12/2019 |
Tỷ trọng/TTS 2019 |
31/12/2018 |
Tỷ trọng/TTS 2018 |
Tăng trưởng 2019/2018 |
Đầu tư tài chính ngắn hạn |
1.479 |
13,45% |
1.572 |
15,41% |
-5,94% |
Đầu tư tài chính dài hạn |
199 |
1,81% |
191 |
1,87% |
4,01% |
Nguồn: Báo cáo cập nhật của PVT
Qua phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí niêm yết ở Việt Nam, tác giả nhận thấy, đa số các DN chưa phản ánh tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản và tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn trên tổng tài sản.
Bên cạnh đó, các DN chưa thực hiện phân tích đánh giá hoạt động đầu tư tài chính như thực hiện kế hoạch đầu tư tài chính (ngắn hạn, dài hạn) cũng như chưa thành lập trung tâm kiểm soát đầu tư (trung tâm đầu tư) nhằm kiểm soát cả về doanh thu, chi phí, lợi nhuận và đầu tư tài sản.
4. Giải pháp tăng cường kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính
4.1. Phân tích tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư tài chính
- Phân tích tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư tài chính ngắn hạn
Để phân tích, đánh giá tình hình biến động của hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn, có thể tính toán và phân tích một số chỉ tiêu sau đây:
+ Tỷ suất đầu tư tài chính ngắn hạn so với tổng mức đầu tư tài chính DN:
Chỉ tiêu này phản ánh, cứ 100 đồng đầu tư tài chính DN thì có bao nhiêu đồng vốn đầu tư tài chính ngắn hạn. Chỉ tiêu này càng cao, nguồn lợi tức trong thời gian cho DN càng tạo ra nhiều. Công thức xác định:
Tỷ suất đầu tư tài chính ngắn hạn so với tổng mức đầu tư tài chính |
= |
Tổng mức đầu tư tài chính ngắn hạn |
x |
100 |
(4.1) |
Tổng mức đầu tư tài chính |
+ Tỷ suất đầu tư tài chính ngắn hạn so với tổng tài sản ngắn hạn:
Chỉ tiêu này phản ánh, cứ 100 đồng tài sản ngắn hạn thì có bao nhiêu đồng dành cho đầu tư tài chính ngắn hạn. Chỉ tiêu này phản ánh xu thế mở rộng hay thu hẹp của hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này được xác định bằng công thức:
Tỷ suất đầu tư tài chính ngắn hạn so với tổng tài sản ngắn hạn |
= |
Tổng mức đầu tư tài chính ngắn hạn |
x |
100 |
(4.2) |
Tổng số tài sản ngắn hạn |
- Phân tích tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư tài chính dài hạn
Để phân tích tình hình biến động về cơ cấu hoạt động đầu tư tài chính dài hạn, có thể tính và phân tích các chi tiêu sau đây:
+ Tỷ suất đầu tư tài chính dài hạn so với mức tổng đầu tư tài chính doanh nghiệp.
Chỉ tiêu này phản ánh, cứ 100 đồng đầu tư tài chính doanh nghiệp thì có bao nhiêu đồng dành cho hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn. Chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ nguồn lợi tức lâu dài được tạo ra cho doanh nghiệp càng nhiều. Chỉ tiêu được xác định bằng công thức:
Tỷ suất đầu tư tài chính dài hạn so với tổng mức tài chính |
= |
Tổng mức đầu tư tài chính dài hạn |
x |
100 |
(4.3) |
Tổng mức đầu tư tài chính |
+ Tỷ suất đầu tư tài chính dài hạn so với tổng số tài sản dài hạn:
Chỉ tiêu này phản ánh, trong 1 đồng TSCĐ và đầu tư tài chính dài hạn thì các khoản đầu tư hoạt động tài chính dài hạn chiếm bao nhiêu đồng. Chỉ tiêu này càng lớn, chứng tỏ việc vận dụng vốn dài hạn cho việc đầu tư tài chính của doanh nghiệp càng nhiều.
Tỷ suất đầu tư tài chính dài hạn so với tổng tài sản dài hạn |
= |
Tổng mức đầu tư tài chính dài hạn |
x |
100 |
(4.4) |
Tổng số tài sản dài hạn |
4.2. Thành lập trung tâm đầu tư
Trung tâm đầu tư là nơi mà nhà QT kiểm soát cả về chi phí, doanh thu, lợi nhuận và tài sản đầu tư. Khi đánh giá hoạt động của trung tâm, nhà QT cấp cao thường xem xét qua lợi nhuận từ các khoản đầu tư so với khoản đầu tư vào các thành viên khác. Trung tâm được đánh giá trên hai khía cạnh kết quả và hiệu quả.
- Về mặt kết quả: Để đánh giá và kiểm tra hoạt động quản lý tại trung tâm, cần xem xét và so sánh lợi nhuận ước tính theo dự toán với lợi nhuận thực tế đạt được.
- Về mặt hiệu quả: Để đánh giá thì cần có sự so sánh lợi nhuận đạt được với tài sản đã đầu tư vào các thành viên khác.
Công cụ này thường được sử dụng để đánh giá tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI). Đây là chỉ tiêu có thể so sánh hiệu quả giữa các trung tâm đầu tư. Nhà quản trị sử dụng chỉ tiêu ROI để đánh giá 2 nội dung:
+ Đánh giá hiệu quả đầu tư của các trung tâm đầu tư và các DN có vốn đầu tư khác nhau.
+ Sử dụng chỉ tiêu để tìm ra nhân tố tác động đến hiệu quả quản lý, từ đó đưa ra các giải pháp giúp cho DN đạt được được mục tiêu đề ra.
|
ROI |
= |
Lợi nhuận |
(4.5) |
|
|||||||
|
Vốn đầu tư |
|
||||||||||
|
|
|
|
|
|
|||||||
ROI |
= |
Lợi nhuận |
= |
Lợi nhuận |
x |
Doanh thu |
(4.6) |
|||||
Vốn đầu tư |
Doanh thu |
Vốn đầu tư |
||||||||||
ROI chịu tác động của hai yếu tố: Số vòng quay của vốn đầu tư và Tỷ lệ sinh lãi của doanh thu. Do đó, để ROI cao cần sử dụng các biện pháp để tăng ROI như: Giảm chi phí, tăng doanh thu, hoặc giảm vốn đầu tư.
ROI được sử dụng tương đối phổ biến, là cơ sở cho việc lựa chọn đầu tư, và khi quyết định mở rộng đầu tư thì ưu tiên bộ phận ROI là rất cao. Sử dụng ROI sẽ so sánh được HQHĐ của các bộ phận khác nhau về vốn và quy mô.
5. Kết luận
Đầu tư tài chính trong các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí niêm yết ở Việt Nam chính là hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn lực tiền nhàn rỗi để đầu tư ra bên ngoài nhằm mục đích sinh lời và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Do đó, các nhà quản trị cần đưa ra phương hướng và biện pháp đúng đắn để hoạt động đầu tư tài chính có hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cho DN./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính. (2006). Thông tư số53/2006/TT-BTC ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp. (Cơ sở dữ liệu văn bản pháp quy ngành Tài chính), truy cậptháng 3/2018, từ Văn bản quy phạm pháp luật: https://vbpq.mof.gov.vn/Detail?contentType=LegalDocument&id=29802&tab=99.
- Nguyễn Hoản, Hoàng Đình Hương. (2019). Giáo trình kế toán quản trị. NXB. Xây dựng, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Công và cộng sự. (2017). Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính. NXB. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Quốc hội nước CXHCN Việt Nam, khóa XIII. (2015). Luật số 88/2015/QH13 của Quốc hội : Luật Kế toán. truy cập tháng 10/2017, từ Thông tin chi tiết Văn bản quy phạm pháp luật: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=183198.
- Sàn Chứng khoán Hà Nội. (2020). Báo cáo cập nhật PTS. Chi tiết báo cáo
https://www.hnx.vn/cophieu-etfs/chi-tiet-chung-khoan-ny PTS.html?_des_tab=2
- Sàn Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. (2020). Báo cáo cập nhật PVT. Chi tiết báo cáo https://www.hsx.vn/Modules/Listed/Web/SymbolView/95
Enhancing the application of management accounting and the evaluation of the performance of financial investment activities in listed Vietnamese oil and gas enterprises
Master. Le Thi Minh Tri
Faculty of Economics - Business Administration - Hong Duc University
ASBTRACT:
Business executives and investors are increasingly paying attention to the application of management accounting and tools for analyzing financial performance, especially financial investment activities, of enterprises. In Vietnam, the oil and gas industry is considered one of the national economic pillars, ensuring national energy security, increasing exports, generating foreign currency revenue and contributing to the State Budget. However, the application of management accounting and the evaluation of the performance of financial investment activities in oil and gas enterprises in Vietnam is still limited. This paper presents the current situation and solutions to enhance the application of management accounting and the evaluation of the performance of financial investment activities in listed Vietnamese oil and gas enterprises.
Keywords: Management accounting, effectiveness of financial investment, petroleum.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]