Theo báo cáo của Sở Công Thương Long An, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra về An toàn thực phẩm được triển khai thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, có lồng ghép tuyên truyền bằng văn bản và trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Điều đó đã có tác động tích cực đối với ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý ATTP được Bộ Công Thương, UBND tỉnh Long An, Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định đến các cơ quan quản lý về ATTP thuộc Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các cơ quản lý ATTP các cấp triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo đúng chủ trương, có kế hoạch cụ thể, nội dung sát với tình hình thực tế tại địa phương và có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện.
Công tác truyền thông cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức, lực lượng truyền thông các tuyến không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền phong phú, gần gũi giúp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hiện.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, có lồng ghép tuyên truyền bằng văn bản và trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo báo cáo, đã có 8/11 cơ sở sản xuất, chế biến và 7/15 cơ sở kinh doanh được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
Về hoạt động cảnh báo và xử lý sự cố về ATTP, Sở Công Thương Long An đã tham gia phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Văn phòng HĐND và UBND huyện Bến Lức, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, UBND xã Thạnh Lợi và Công an xã Thạnh Lợi đến xã Thạnh Lợi huyện Bến Lức tỉnh Long An để tiến hành điều tra, xác minh thông tin nghi ngờ ngộ độc rượu tại tại Ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Đồng thời, Sở Công Thương đã lồng ghép nội dung phòng chống ngộ độc rượu để chỉ đạo các huyện và tuyên truyền trên Đài phát thanh 15 huyện, thị về việc tăng cường đảm bảo công tác ATTP dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Cũng trong 6 tháng năm 2022, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND huyện Thủ Thừa, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thủ Thừa, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại xây dựng và công bố mô hình cơ sở sản xuất bánh tráng trộn bảo đảm ATTP tại Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bạch Lan.
Kết nối tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu hàng hóa với TP HCM và các tỉnh khác; kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể. Giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh và các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hỗ trợ 20 doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam (Shopee, Sendo, Lazada, Tiki, Voso, Postmart) và hỗ trợ 06 doanh nghiệp tham gia Sàn thương mại điện tử bán sỉ quốc tế Alibaba.com. Phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, trong đó phối hợp với Sàn TMĐT Vỏ sò của Tập đoàn Viettel và Postmart của Bưu điện Việt Nam hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa hơn 130 sản phẩm tiêu thụ khoảng 150 tấn hàng hóa và gần 2.000 combo hàng nông sản là đặc sản đặc trưng của tỉnh như khô cá lóc, thanh long ruột đỏ, tinh dầu tràm…. lên bán trên sàn postmart. Đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên trang bán hàng của kênh Prefood.vn và của SaiGonTel…
Mặc dù, 6 tháng năm 2022, công tác kiểm tra ATTP kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp đã có tác động tích cực đối với ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên có đến 11/26 cơ sở được kiểm tra đã giải thể, dừng hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng (do thiếu lao động, thiếu nguồn cung sau dịch bệnh). Vì vậy tình hình chấp hành các quy định về điều kiện vật chất, trang thiết bị sản xuất, kinh doanh chưa được đánh giá toàn diện; công tác kiểm tra chủ yếu đánh giá được việc chấp hành các quy định về hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kiến thức về ATTP, quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn. Tiếp tục thực hiện kết nối các nông sản, thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp và trường học trên địa bàn tỉnh; kết nối cung – cầu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu giữa TP HCM, các tỉnh, thành phố và các hệ thống phân phối lớn. Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; chủ trì, phối hợp các ngành liên quan trong công tác quản lý ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hoàn thiện mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm để tiếp tục nhân rộng mô hình. Nâng cao năng lực để đảm bảo quản lý chặt chẽ điều kiện ATTP, chất lượng sản phẩm thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và tham mưu ban hành các quy định an toàn thực phẩm
Tổ chức cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế đặt ra và đúng quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm kết hợp với phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm như siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các chợ truyền thống.