Tham dự cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các nhà máy nhiệt điện than có Thứ trưởng Đặng Hoàng An; Văn phòng Ban cán sự đảng; Văn phòng Bộ, các Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; các Vụ: Dầu khí và Than, Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Pháp chế; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Chủ đầu tư của 33 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã báo cáo về tình hình hoạt động của các nhà máy và bày tỏ sự thống nhất về chủ trương chuyển đổi nguồn nhiên liệu trong thời gian tới.
Theo đó, đại diện của PVN cho biết, chính sách giảm phát thải hiện nay đã được PVN triển khai từ khá sớm, năm 2021 PVN đã thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng trong đó hướng đến nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải CO2. Hiện nay, PVN có 3 nhà máy nhiệt điện than với công suất 300Kw, PVN đã tiếp xúc với các nhà thầu quốc tế nhằm nghiên cứu những công nghệ mới để giảm phát thải CO2. Đồng thời, Tập đoàn cũng đã tiến hành tìm hiểu về chi phí và chính sách trong việc sử dụng công nghệ đốt kèm hydrogen và amoniac. Sau buổi họp này, PVN sẽ nghiên cứu và đưa ra những đề xuất cụ thể về việc này để báo cáo Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng công ty Điện lực TKV cũng cho thấy, hiện nay, TKV đang quản lý và vận hành 7 nhà máy bao gồm 1 nhà máy thủy điện và 6 nhà máy nhiệt điện đốt than với tổng công suất 1.735MW. Hiện tại, Tổng công ty điện lực TKV đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác quốc tế về nghiên cứu, hợp tác phát triển các dự án sử dụng nhiên liệu sinh khối cũng như công nghệ đốt than - sinh khối tại các nhà máy trong Tổng công ty. Thời gian tới, sau khi có kết quả khảo sát cụ thể, Tổng công ty sẽ báo cáo và đề xuất các cấp có thẩm quyền, xem xét.
Theo đại diện BOT Mông Dương 2, nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 đã nghiên cứu phương án đốt than cùng amoniac nhưng vẫn còn ở công nghệ sơ khai. Hiện nay, Chủ đầu tư cùng với các đối tác đã và đang nghiên cứu mô hình các nhà máy xanh trên thế giới nhằm áp dụng với nhà máy tại Việt Nam và sẽ báo cáo với Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Đối với Dự án BOT Nghi Sơn 2, hiện nay Chủ đầu tư cũng đã triển khai nghiên cứu về lĩnh vực chuyển đổi nhiên liệu. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn tồn đọng như chi phí nhiên liệu và chi phí chuyển đổi còn chưa có hướng giải quyết. Chủ đầu tư sẽ nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để cùng chung tay tìm ra phương án tối ưu.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh và cảm ơn các chủ đầu tư, chủ sở hữu của nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua đã nỗ lực rất cao để góp phần bảo đảm nguồn cung năng lượng trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đối phó với thời tiết cực đoan và các nhà máy thủy điện không đủ nước để vận hành. Tuy nhiên, dự báo, thời tiết cực đoan có thể kéo dài, các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
“Hiện nay, có 9 nhà máy, 12 tổ máy điện đang xảy ra sự cố chưa khắc phục, Bộ Công Thương đề nghị các chủ đầu tư, chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than khẩn trương sửa chữa, khắc phục để sớm đưa các tổ máy vào vận hành. Đồng thời nghiên cứu, rà soát lại phương án để chuẩn bị các nguồn nhiên liệu sơ cấp, bảo đảm phục vụ hoạt động cho nhà máy trong mọi tình huống”, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh và đề nghị các chủ đầu tư, chủ sở hữu của nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thực hiện nghiêm Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 2/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện và Biểu đồ cung cấp than do Bộ Công Thương ban hành trong các năm. Đồng thời nghiêm túc thực hiện lộ trình giảm khí thải carbon trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
“Việc thực hiện chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện đốt than đang vận hành để giảm phát thải các bon theo lộ trình là cần thiết và không thể đảo ngược, bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và theo đúng Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII)”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các chủ đầu tư, chủ sở hữu của nhà máy nhiệt điện than đang vận hành khẩn trương tổ chức nghiên cứu, quán triệt tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của Hội đồng thành viên, tập thể lãnh đạo các doanh nghiệp, đồng thời khẩn trương xây dựng lộ trình theo đúng nội dung tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 3606/BCT-ĐL ngày 12/6/2023 của Bộ Công Thương. Theo đó, định hướng chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac với các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành 20 năm khi giá thành phù hợp và dừng hoạt động các nhà máy tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Kế hoạch này báo cáo gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/7/2023.
Cùng với đó, chú trọng tìm hiểu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và trong khu vực dựa trên cơ sở các tuyên bố, cam kết trên các diễn đàn, hội nghị quốc tế trong đó có Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đồng thời nghiên cứu hợp tác chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế (như sinh khối, amoniac...).
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách từ phía Chính phủ Việt Nam dựa vào các cam kết của các tổ chức quốc tế.