Con số này được đưa ra trong buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) mới đây.
Tham dự buổi làm việc còn có ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Phùng Quang Hiệp - Phó Tổng giám đốc, phụ trách Tập đoàn, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn và lãnh đạo Đạm Hà Bắc.
Khó khăn chồng chất lên "cánh chim đầu đàn" ngành phân bón
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Đạm Hà Bắc đang cho thấy hoạt động tốt từ đội ngũ lãnh đạo đến các chuyên gia và cán bộ nhân viên, “toàn tâm toàn ý” tập trung vào vận hành hiệu quả nhà máy.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Đạm Hà Bắc đã thực hiện tốt các chỉ tiêu cơ bản để đảm bảo hoạt động của nhà máy ngày càng hiệu quả hơn so với dự kiến.
“Đây là tiền đề để khẳng định với một đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh thế này chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm, vững tin sẽ có điều kiện hoạt động tốt nếu chúng ta tính toán được đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho nhà máy vận hành tốt”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Bảy tháng đầu năm 2019, kết quả sản xuất kinh doanh của Đạm Hà Bắc báo lỗ 240,6 tỷ đồng, tăng lỗ 53,8 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, giá bán Urê tăng và doanh thu hoạt động tài chính tăng nhờ lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phân bón Bắc Giang đã giúp Đạm Hà Bắc giảm lỗ trong năm 2019. Điều này được đánh giá là tích cực khi cho thấy hoạt động khai thác phân khúc tiêu thụ Urê nguyên liệu và tận dụng 2 dây chuyền độc lập sản xuất thêm Urê cao cấp của Đạm Hà Bắc đã có hiệu quả, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Urê trên thị trường.
Tuy nhiên, giá bán NH3 giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào là than lại tăng, cùng với mức tăng của thuế GTGT không được khấu trừ và chi phí phát sinh lãi phạt đã đẩy mức lỗ của Đạm Hà Bắc lên cao hơn.
Theo lãnh đạo Đạm Hà Bắc, sau khi Dự án Cải tạo mở rộng Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đi vào khai thác tháng 4/2015 với công suất 500.000 tấn Urê/năm, Công ty đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ sản xuất, nhờ đó sản lượng sản xuất nâng dần qua các năm, định mức tiêu hao luôn thấp dưới định mức bảo đảm của dự án, bảo đảm an toàn môi trường trong sản xuất.
Sản phẩm đảm bảo chất lượng và sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá bán tương đương và cao hơn bình quân trên thị trường.
Dù vậy, phía Đạm Hà Bắc cũng thẳng thắn cho rằng Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt liên quan đến nguồn cung và giá than nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất.
“Cùng với đó, sức ép cạnh tranh từ thị trường phân bón trong nước ngày càng lớn, trong khi các chi phí cố định tăng cao như khấu hao, lỗ tỷ giá, ảnh hưởng bất lợi kép của chính sách Luật thuế số 71/2014/QH13 (thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đưa vào chi phí và cạnh tranh về giá bán với hàng nhập khẩu) dẫn đến kết quả kinh doanh vẫn còn thua lỗ”, lãnh đạo Công ty cho biết, trong đó nhấn mạnh đến việc trả nợ không đảm bảo tiến độ nên chi phí tài chính, đặc biệt là lãi phạt quá hạn tăng cao, gánh nặng về tài chính (chiếm gần 1/3 doanh thu) ngày càng lớn theo thời gian.
Nỗ lực lật ngược tình thế, kỳ vọng sinh lãi
Để giải quyết các vấn đề này, thời gian qua Đạm Hà Bắc cho biết đã liên tục bám sát tình hình vận hành của thiết bị, khống chế các chỉ tiêu công nghệ phù hợp, duy trì ổn định phương thức sản xuất ở phụ tải hợp lý để giảm chi phí sản xuất, kết hợp với chú trọng quản lý vật tư đầu vào và tiết giảm chi phí.
Trong bối cảnh nguồn than từ TKV ngày càng thiếu hụt do nhu cầu than trong nước tăng cao, để chủ động cho sản xuất, Đạm Hà Bắc đang chủ động tìm kiếm các nguồn than khác ngoài TKV kể cả than nhập khẩu, từng bước đưa vào chạy thử nghiệm các chủng loại than để đa dạng hóa nguồn cung, chủ động cho sản xuất.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ Urê vào những thị trường truyền thống, thị trường mà Công ty có lợi thế về vị trí địa lý, thói quen và thương hiệu để giảm chi phí bán hàng, nâng cao hiệu quả. Trên cơ sở có 02 dây chuyền độc lập, Đạm Hà Bắc cũng đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất sản phẩm Urê mới với những ưu thế và sự khác biệt để nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường.
Đối với vấn đề tài chính, Đạm Hà Bắc cho biết đã triển khai đôn đốc thu hồi công nợ để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường huy động vốn cũng như làm việc với đối tác, xây dựng kế hoạch sử dụng dòng tiền đảm bảo cân đối giữa việc trả nợ/lãi vay dài hạn với dự trữ vật tư an toàn cho sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất về tài chính.
Công ty cũng đưa ra một số kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn cũng như các ngân hàng, nhằm xử lý bài toán tài chính hiện đang là vấn đề lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm:
Giảm lãi suất các khoản vay từ lãi suất vay vốn bình quân 10,78%/năm (các khoản dư nợ đang áp dụng lãi suất từ 8,55%/năm đến 12%/năm) về lãi suất 6,9%/năm, đồng thời không tính lãi quá hạn (tính trên nợ gốc và lãi chậm trả) từ thời điểm phát sinh.
Kéo dài thời hạn vay của Hợp đồng tín dụng từ 12 năm lên thành 30 năm cho tất cả các khoản vay trên cơ sở dòng tiền thực tế theo phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo khả năng trả nợ.
Đối với khoản chênh lệch giữa số lãi phải trả sau khi điều chỉnh về mức 6,9%/năm và số lãi công ty đã trả Ngân hàng Phát triển sẽ phân bổ trả đều trong 10 năm kể từ năm 2025.
Ngân hàng Công thương Việt Nam và các ngân hàng đồng tài trợ tiếp tục hỗ trợ áp dụng lãi suất cho vay dài hạn bằng đồng USD đối với Công ty là 4,5%/năm, bên cạnh đó đề nghị Ngân hàng Vietcombank tiếp tục ký hợp đồng tín dụng cho Công ty vay vốn lưu động với hạn mức là 225 tỷ đồng.
Điều chỉnh luật thuế 71/2014/QH13 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 đến 5%, đồng thời chấp thuận cho Đạm Hà Bắc được tiếp tục thực hiện trích khấu hao năm 2020-2022 bằng 50%.
Cùng với việc ổn định giá than và tổ chức lại thị trường phân bón để tránh cạnh tranh nội bộ, Đạm Hà Bắc cho biết nếu những đề xuất được chấp thuận thì kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2019 dự kiến sẽ có lãi là 25,8 tỷ đồng, năm 2020 sẽ có lãi 146,4 tỷ đồng.
Đảm bảo hiệu quả kinh tế trong đầu tư của Nhà nước
Đánh giá về việc này, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nguyễn Hoàng Anh cho rằng Đạm Hà Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp cần thiết, tuy nhiên cần có cái nhìn toàn diện hơn, đánh giá được thực trạng của dự án, để từ đó đưa ra được những kiến nghị, yếu tố không chỉ đảm bảo hoạt động trong năm 2019-2020 mà phải đảm bảo cả quá trình hoạt động chung, ổn định phát triển lâu dài.
Ông Nguyễn Hoàng Anh chỉ ra, là đơn vị sản xuất, một mặt bên cạnh tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đầu tiên phải lo về vấn đề đầu tư cho dự án. Cần tính toán chuẩn mực các vấn đề liên quan đến khấu hao, máy móc thiết bị, giá cả cạnh tranh, vòng đời của dự án để xây dựng chủ trương kêu gọi đầu tư hợp lý.
Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với hoạt động công suất dây chuyền đạt đến trên 90% như hiện nay, lại là doanh nghiệp “đầu đàn” về phân bón và đội ngũ cán bộ vững vàng, làm chủ công nghệ, chất lượng máy móc thiết bị tốt, Đạm Hà Bắc chỉ còn bài toán tài chính cần giải quyết. Vậy nên nếu có tính toán tốt để đưa ra được các giải pháp hiệu quả thì việc mời đầu tư sẽ dễ dàng hơn.
“Làm thế nào để hoạt động tốt, không chỉ phục vụ thị trường, đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên, đảm bảo ổn định phát triển nhà máy mà còn phải đảm bảo tăng trưởng trong đầu tư của nhà nước, đem lại hiệu quả kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Ủy ban Quản lý vốn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Đạm Hà Bắc về vấn đề chính sách, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Công ty hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.