Đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch làng nghề Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch làng nghề Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Huyền (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện. DOI: https://doi.org/10.62831/202502007

Tóm tắt:

Du lịch làng nghề (DLLN) là một loại hình du lịch khá mới mẻ tại Việt Nam, nó mang lại một số lợi ích thiết thực như: giúp đa dạng hóa các loại hình du lịch; khôi phục, phát triển một số làng nghề có nguy cơ bị mai một, thất truyền; góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trong làng nghề và gia đình xung quanh làng nghề; quảng bá văn hóa Việt Nam và văn hóa mỗi vùng miền. Tuy nhiên, khi phát triển DLLN cũng gặp không ít khó khăn, thách thức cần phải có giải pháp tháo gỡ. Trong bài viết này, tác giả đề xuất một số giải pháp giúp DLLN tiếp tục phát triển để mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.

Từ khóa: du lịch làng nghề, lợi ích cơ bản, du lịch, làng nghề, quản lý du lịch.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, do kinh tế, xã hội ổn định và không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, nhu cầu đi du lịch của người dân việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung cũng tăng lên. Du lịch là một ngành kinh tế khá quan trọng góp phần tăng thu nhập quốc dân, để thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam và cả khách tham quan nội địa đi du lịch trong nước cần phải có những loại hình du lịch độc đáo, mới lạ, nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt Nam và của từng địa phương trên đất nước Việt Nam tươi đẹp.

DLLN là một trong những loại hình du lịch khá độc đáo, du khách được tham quan và trải nghiệm một số ngành nghề truyền thống của Việt Nam, thấy được sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam và cũng thấy được truyền thống yêu lao động, tính sáng tạo trong những sản phẩm đặc trưng của từng làng nghề trên đất nước.

2. Những lợi ích cơ bản của du lịch làng nghề

2.1. Du lịch làng nghề giúp đa dạng hóa loại hình du lịch

Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều thuận lợi để phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch. Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi và có nhiều phong cảnh tuyệt đẹp đã giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch kỳ quan, thắng cảnh thiên nhiên, hang động, du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch biển, rừng... Việt Nam còn có hàng chục nghìn di tích và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm, giúp phát triển loại hình du lịch lịch sử, lễ hội, tâm linh, văn hóa, thể thao... Để chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho mọi người dân, Việt Nam cũng đang phát triển loại hình du lịch điều dưỡng, tắm khoáng, chữa bệnh và ẩm thực. Ngoài ra còn phát triển thêm loại hình du lịch làng quê, vườn, leo núi và sông nước; du lịch hội thảo khoa học, hội nghị và kết hợp học tập… DLLN là một trong những loại hình du lịch đang được các cơ quan chức năng tại Việt Nam quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển nhằm góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch và thu hút cả khách quốc tế, khách nội địa tham quan du lịch mua sắm tại các làng nghề. Trong những năm gần đây các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và chính bản thân người dân ở mỗi địa phương đã quan tâm nghiên cứu, tìm tòi, đầu tư để phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch thông qua việc quảng bá thương hiệu những sản phẩm có tính chất đặc trưng, độc đáo, của từng địa phương, ví dụ như ở Hà Nội hiện nay còn lưu giữ được một số làng nghề rất đặc trưng và độc đáo được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư phát triển như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sơn mài Hạ Thái… “Thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 2 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng nghề gốm sứ Bát Tràng huyện Gia Lâm”[5]. Ở Huế cũng có những làng nghề rất đặc trưng như: làng nghề nón lá Tây Hồ, làng nghề làm tranh làng Sình, làng nghề làm hương Thủy Xuân, làng nghề gốm cổ Phước Tích, làng nghề mây tre đan Bao La... hay như ở Hội An thì có các làng nghề như: làng gốm Thanh Hà, làng lụa Hội An, đèn lồng Hội An, làng mộc Kim Bồng... Việc kết hợp du lịch gắn với làng nghề là một hướng đi rất mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch. Việc tập trung vào những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của mỗi địa phương đã giúp cho ngành Du lịch ngày càng phát triển cụ thể: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023, đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt; nguồn thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu của năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19 [8]. Thêm một loại hình DLLN là thêm sự lựa chọn cho du khách và cũng thông qua du lịch mang Việt Nam và các sản phẩm du lịch Việt Nam đến với thế giới, cũng như mang tinh hoa thế giới đến với Việt Nam.

2.2. Du lịch làng nghề giúp khôi phục, phát triển một số làng nghề có nguy cơ bị mai một, thất truyền

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.490 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống, giá trị kinh tế từ sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề khoảng 600 triệu USD/năm [4]. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, làng nghề còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng. Tuy nhiên, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều làng nghề đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, một số ví dụ cụ thể như sau: tại Hà Nội, những làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền như: nghề làm giấy sắc Nghĩa Đô, cốm làng Vòng, đúc đồng Ngũ Xá, nghề làm tranh dân gian, làng thuốc nam Đại Yên...; tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với tranh Đông Hồ, nhưng nay làng tranh đã thành làng làm hàng mã; xứ Huế có nghề chạm bạc, nghề chằm nón truyền thống... Sở dĩ một số làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền do đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc giá bán quá thấp, dẫn đến người dân phải bỏ nghề truyền thống để tìm kế mưu sinh. Để khắc phục tình trạng này, ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó nêu rõ đến năm 2025 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống; phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỉ USD. Đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỉ USD. Như vậy, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống đã được Chính phủ quan tâm và đề ra những mục tiêu nhiệm vụ cụ thể để thực hiện, trong đó phải gắn việc phát triển làng nghề với du lịch. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tìm đầu ra cho các sản phẩm của làng nghề giúp cho người dân làng nghề có thu nhập, nâng cao đời sống và có động lực để tiếp tục phát triển nghề truyền thống. Thông qua loại hình DLLN sẽ góp một phần quan trọng giúp các làng nghề truyền thống tiếp tục phát triển tránh được nguy cơ bị mai một, thất truyền. Ngoài ra, để thu hút khách du lịch, các làng nghề cần không ngừng đổi mới và sáng tạo, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp cho các làng nghề vẫn được tiếp tục tồn tại và không ngừng phát triển.

2.3. Du lịch làng nghề góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình cho người dân trong làng nghề và gia đình xunh quanh làng nghề

Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần thiết đối với nông dân, nhất là khi nông nhàn. Các hộ gia đình tại các làng nghề có thể phát triển sản xuất tăng thu nhập nhờ trực tiếp bản sản phẩm của làng nghề cho du khách tới tham quan, các sản phẩm đặc trưng, tinh xảo và mang đậm nét văn hóa riêng chính là những món quà đặc sắc đầy ý nghĩa đối với các du khách tới thăm quan tại các làng nghề. Ví dụ, các làng nghề ở Hà Nội đã có sự tăng trưởng cả về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình tại các làng nghề. Hiện nay “có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm” [5]. Phát triển DLLN đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế cho các hộ gia đình, đồng thời đóng góp cho ngân sách địa phương, tạo thêm việc làm cho người lao động. Ví dụ, tại thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng nhờ làm nghề mây tre đan, hay nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng bình quân người lao động đạt 10 triệu đồng/tháng. Những người làm nghề tại làng nghề mây, tre, đan Phú Vinh cũng có thu nhập rất tốt vì sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha...

Sở dĩ các sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng ưa thích vì các sản phẩm mang nét độc đáo và đặc trưng riêng như tranh chân dung, hoành phi câu đối, chao đèn, lu nước... Đặc biệt, trong những năm gần đây, mặt hàng thời trang túi xách của thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang là loại hàng xuất khẩu chủ yếu, được du khách nước ngoài ưa chuộng. Các hộ kinh doanh ở làng Phú Vinh có thể nhận hàng về làm gia công tại nhà mà không phải tới công ty hay nhà máy để sản xuất. Hình thức lao động này rất thuận tiện cho những người làm nông nghiệp, tranh thủ những lúc nông nhàn tham gia làm thêm nghề thủ công góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình sống ở làng nghề hoặc ở xung quanh làng nghề. Mỗi một làng nghề có những sản phẩm rất đặc trưng, rất riêng, đây là những lợi thế giúp cho các làng nghề có thể kết hợp với du lịch để duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống của làng nghề, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình tại các làng nghề nâng cao chất lượng cuộc sống và có thể làm giàu từ DLLN. DLLN không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt những người trẻ tuổi có thể gắn bó lâu dài với nghề truyền thống, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn hiện nay.

2.4. Du lịch làng nghề giúp quảng bá văn hóa Việt Nam và văn hóa mỗi vùng miền

Việc quảng bá văn hóa Việt Nam với du khách thế giới và văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền thông qua DLLN là việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Các làng nghề như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi)], gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng hương Thủy Xuân (Huế), làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam)...  đã góp phần vào quảng bá văn hóa Việt Nam trên nhiều phương diện, từ bảo tồn nghề truyền thống đến nâng cao giá trị tinh thần của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Du khách đến tham quan tại làng hương Thủy Xuân (Huế) sẽ thấy sự sáng tạo của các nghệ nhân đã nghiên cứu và chế tạo ra nhiều loại hương với những màu sắc khác nhau. Du khách trẻ tuổi thường thích chụp ảnh với những cảnh sắc của làng hương bởi nét độc đáo và lạ mắt khi tham quan nơi này. Hiện nay, tại phường Thủy Xuân có hơn 100 hộ gia đình sản xuất hương trầm, bên cạnh những điểm đặc sắc, thú vị của nghề làm hương trầm Thủy Xuân, con người nơi đây còn thể hiện được những nét văn hóa tinh túy, đặc trưng của xứ Huế thể hiện qua cách tiếp đón lịch thiệp, nhã nhặn, tạo ấn tượng sâu đậm đối với du khách. Các làng nghề truyền thống không chỉ là nơi sản xuất mà còn là không gian sống động của văn hóa dân gian. DLLN giúp duy trì các nghề thủ công, đồng thời tạo cơ hội để các thế hệ trẻ học hỏi và tiếp nối truyền thống, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Các hoạt động du lịch tại làng nghề tạo ra cơ hội giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng và du khách quốc tế thông qua việc khám phá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, khách du lịch được tiếp cận với những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam, từ đó góp phần tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các nền văn hóa. Các sản phẩm thủ công như gốm sứ, vải lụa, đồ mây tre đan, tranh dân gian... không chỉ là vật dụng hàng ngày mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. DLLN còn giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được xuất khẩu và phát triển ra thị trường quốc tế, từ đó nâng cao giá trị kinh tế và danh tiếng của các sản phẩm văn hóa Việt. Như vậy, DLLN không chỉ là một hình thức du lịch giải trí mà còn là một phương thức hiệu quả trong việc bảo tồn, quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

3. Những khó khăn cần giải quyết giúp phát triển du lịch làng nghề

Mặc dù DLLN mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển, cụ thể là:

Thứ nhất, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh mạnh như vũ bão làm cho việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gặp không ít khó khăn, thách thức. Một mặt, phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác phải đáp ứng nhu cầu hiện đại của du khách, đây là một mâu thuẫn không dễ giải quyết. Nếu chạy theo lợi nhuận có thể làm mất đi nét đặc sắc của các làng nghề truyền thống, nhưng nếu không có lợi nhuận thì người lao động sẽ không mặn mà với công việc truyền thống. Cũng có khi do sự biến đổi trong cách thức sản xuất hoặc sự thương mại hóa quá mức cũng có thể làm mất đi sự tinh túy của nghề truyền thống.

Thứ hai, nhiều làng nghề vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng du lịch cần thiết, như giao thông, hệ thống lưu trú, nhà hàng, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác. Điều này có thể gây khó khăn trong việc thu hút du khách, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự lựa chọn hình thức du lịch cho du khách. Chất lượng dịch vụ tại các làng nghề còn thấp, còn thiếu hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn cao, thiếu nhân lực có tay nghề, khiến cho nhiều làng nghề gặp khó khăn trong duy trì sản xuất và phát triển các sản phẩm thủ công.

Thứ ba, nhiều làng nghề truyền thống có quy trình sản xuất thủ công gây ra ô nhiễm môi trường, như khói, bụi, nước thải, hay sử dụng nguyên liệu không thân thiện với môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của làng nghề trong mắt du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, đây cũng là vấn đề các làng nghề phải quan tâm giải quyết. Việc phát triển du lịch có thể dẫn đến áp lực lên các tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống xung quanh làng nghề nếu không được quản lý đúng cách.

Thứ tư, chiến lược quảng bá thương hiệu của các làng nghề còn chưa đủ rộng và đủ độ hấp dẫn để thu hút du khách. Muốn thu hút được du khách trong và ngoài nước đòi hỏi phải đầu tư lớn vào marketing và xây dựng thương hiệu, điều này là một thách thức lớn đối với nhiều làng nghề. Ngoài ra, nhiều làng nghề vẫn chưa hiểu rõ về việc áp dụng công nghệ số, nên việc quảng bá trên các nền tảng trực tuyến hay kết nối với các đối tác du lịch cũng gặp khó khăn.

Thứ năm, khi quá nhiều du khách đến thăm, các hoạt động sản xuất truyền thống tại các làng nghề có thể bị gián đoạn, hoặc môi trường sống của người dân có thể bị ảnh hưởng do lượng khách đông đúc.

Những khó khăn thách thức nêu trên cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách, cơ sở hạ tầng, cho đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng mới có thể phát triển DLLN một cách hiệu quả.

4. Một số giải pháp giúp phát triển du lịch làng nghề

Chính quyền tại một số làng nghề cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch một cách đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông để việc đi lại của du khách được thuận tiện. Thêm vào đó, chính quyền và nhân dân tại các làng nghề cần đầu tư để phát triển các ngành dịch vụ như hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và các tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thường xuyên đổi mới sáng tạo để có được những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Phát triển tour du lịch trải nghiệm để khách du lịch có thể tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm làng nghề như làm gốm, dệt lụa, chế tác đồ thủ công, hoặc tham gia các hoạt động truyền thống, giúp du khách cảm nhận sự độc đáo của nghề thủ công truyền thống tại các làng nghề của Việt Nam. Thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội làng nghề như hội chợ sản phẩm thủ công, lễ hội nghề truyền thống, hoặc các cuộc thi nghệ thuật để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Người dân trong làng nghề cần được đào tạo về kỹ năng phục vụ khách du lịch, bao gồm kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn du lịch, phục vụ khách, và quản lý dịch vụ du lịch... Tổ chức các chương trình đào tạo giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của việc phát triển du lịch bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường. Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các dự án DLLN, đồng thời giúp các làng nghề tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường quảng bá các làng nghề truyền thống qua các kênh truyền thông, mạng xã hội và các nền tảng du lịch trực tuyến. Cần tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ du lịch của các làng nghề Việt Nam. Phát triển các tuyến du lịch liên kết giữa các làng nghề với các khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử, hoặc các điểm đến văn hóa khác để tạo ra một trải nghiệm phong phú cho du khách. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hợp tác với các làng nghề để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đồng thời giúp các làng nghề có thể tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn.

5. Kết luận

DLLN trong những năm gần đây đã có khởi sắc nhờ những lợi ích thiết thực mà ngành Du lịch mang lại cho làng nghề và các làng nghề cũng góp phần đa dạng hóa ngành Du lịch. Để đảm bảo DLLN phát triển bền vững, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương. Phát triển DLLN tại Việt Nam không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Các giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, kết hợp với sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để DLLN ngày càng mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.

 

 Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Minh Phong (2010). Đa dạng hóa để phát triển du lịch Việt Nam. Báo Chính phủ điện tử. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/da-dang-hoa-de-phat-trien-du-lich-viet-nam-10235149.htm.

2. Đăng Nguyên (tháng 3/2024). Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế (Bài 1): Tạo động lực để "về đích". Truy cập tại https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-viet-nam-va-muc-tieu-don-18-trieu-luot-khach-quoc-te-bai-1-tao-dong-luc-de-ve-dich-20240313170330762.htm

3. Trịnh Xuân Thắng (2014). Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. Tạp chí Cộng sản. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/28470/bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-mot-cach-ben-vung.aspx

4. Thương mại (2004). Nguy cơ mất làng nghề truyền thống. Báo Tuổi trẻ điện tử. Truy cập tại https://tuoitre.vn/nguy-co-mat-lang-nghe-truyen-thong-33714.htm.

5. Nguyễn Phương (tháng 2/2024). Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống ở Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam. Truy cập tại https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-kinh-te-tu-lang-nghe-truyen-thong-o-ha-noi-144729.html.

6. Lương Hằng (2019). Làm giàu từ nghề truyền thống. Báo Lao động Thủ đô. Truy cập tại: https://laodongthudo.vn/lam-giau-tu-nghe-truyen-thong-99604.html.

7. Nguyễn Công Hậu (2023). Đặc sắc làng hương xứ Huế. Báo Nhân dân điện tử. Truy cập tại https://nhandan.vn/dac-sac-lang-huong-xu-hue-post746306.html.

8. H.B (2023). Năm 2023, du lịch Việt Nam tăng tốc, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Báo Nhân dân điện tử. Truy cập tại https://nhandan.vn/nam-2023-du-lich-viet-nam-tang-toc-don-126-trieu-luot-khach-quoc-te-post789860.html.

 

Solutions for advancing the development of craft village tourism in Vietnam

Ph.D Nguyen Thi Huyen

Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

Craft village tourism is an emerging form of tourism in Vietnam, offering numerous practical benefits. It diversifies tourism offerings, aids in the restoration and development of endangered craft villages, contributes to the economic growth of households within and around craft villages, and promotes Vietnamese culture and regional identities. However, the development of craft village tourism faces significant challenges that must be addressed to ensure sustainable growth. This article analyzes these challenges and proposes targeted solutions to enhance the development of craft village tourism, maximizing its cultural and economic benefits.

Keywords: craft village tourism, basic benefits, tourism, craft village, tourism management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2025]