Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam trước xu thế hội nhập

ThS. VŨ THỊ ANH (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật)

TÓM TẮT:

Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, ngành Ngân hàng càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển tốt nếu khu vực tài chính ngân hàng có thể thực hiện tốt các chức năng của nó. Vì vậy, việc nắm bắt những thay đổi của khu vực tài chính ngân hàng luôn góp phần quan trọng tới việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Từ khóa: Ngành tài chính Ngân hàng, thị trường, nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

I. Tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng trong những năm qua

*Năm 2015

Năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt mức tăng GDP 6,68% so với năm 2014, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và trở thành một điểm sáng tăng trưởng trên thế giới.

Lạm phát năm 2015 chỉ là 0,6%, thấp hơn năm 2014 (1,84%) và thấp nhất trong vòng 14 năm qua, mà nguyên nhân chính là do giá cả hàng hóa nguyên vật liệu toàn cầu giảm sút mạnh, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tổng lượng tiền cung ứng (M2) tăng 13,55%; lãi suất cho vay giảm 0,3 - 0,5%; tỷ giá hối đoái USD/VND giảm 5% so với cuối năm 2014. Lạm phát năm 2016 được đặt mục tiêu là dưới 5%, nhưng có thể chỉ khoảng 3%. Tuy nhiên, đến quý IV/2015, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) có chiều hướng tăng dần. Lãi suất cho vay bình quân đang chững lại. Tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn (18% so với 13,5%) và cạnh tranh về nguồn vốn cho những kênh đầu tư khác làm cho việc hạ lãi suất theo mức độ lạm phát là không khả thi. Tỷ giá hối đoái đến cuối năm 2015 bắt đầu theo hướng giảm giá đồng Việt Nam đồng (VND), do việc Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm giá đồng nội tệ; cũng như do đồng đô la Mỹ (USD) tăng giá; thâm hụt thương mại trở lại, dự trữ ngoại hối chính thức giảm còn khoảng 9 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán tổng thể năm 2015 thâm hụt. Việc đưa lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ về 0%/năm cũng ít nhiều làm giảm áp lực giảm mạnh giá đồng VND.

Chương trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được xúc tiến tích cực hơn. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại 3 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, kiểm soát đặc biệt một ngân hàng và một tổ chức tín dụng phi ngân hàng; sáp nhập 3 ngân hàng; cho phép ngân hàng thương mại mua lại 2 công ty tài chính; thu hồi giấy phép 1 công ty tài chính và 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành và triển khai áp dụng một số quy định mới về an toàn hoạt động, phân loại nợ, giám sát, phòng ngừa, cảnh báo sớm rủi ro, cũng như tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng; hỗ trợ xử lý kịp thời những tổ chức tín dụng gặp khó khăn. Năm 2015 đã không xảy ra những vụ việc gây biến động lớn về thanh khoản, về an toàn hoạt động trong ngân hàng. Lòng tin của doanh nghiệp và công chúng đối với hệ thống được củng cố hơn trước. Những biện pháp thúc đẩy xử lý nợ xấu thông qua việc VAMC tăng mua nợ; các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro; giảm phát sinh nợ xấu mới trong khi tổng dư nợ tín dụng tăng nhanh (18%) đã làm cho nợ xấu bình quân toàn hệ thống xuống dưới 3%, đạt mục tiêu đề ra. Song sẽ còn nhiều khó khăn cho việc xử lý dứt điểm nợ xấu tồn đọng, khi chưa có nguồn tài chính thực từ bên ngoài hệ thống, khi thị trường và khuôn khổ pháp lý cho mua bán nợ xấu còn nhiều vướng mắc.

Trong khi hoạt động của nền kinh tế nhìn chung khởi sắc, thì “sức khỏe” của hệ thống tổ chức tín dụng tuy có cải thiện, nhưng chưa hoàn toàn bình phục. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của cả hệ thống tổ chức tín dụng tăng khoảng 12,35%. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 13,14%.

*Năm 2016

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2016 về cơ bản đi theo đúng định hướng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo từ đầu năm và xuyên suốt từ Chỉ thị 01 ban hành từ đầu năm cho đến Chỉ thị 04 ban hành vào tháng 5/2016.

Tăng trưởng kinh tế đến cuối tháng 6/2016 là 5,52%, thấp hơn khá nhiều so với 6,32% của cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy để thực hiện được mục tiêu của Chính phủ đề ra, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ngân hàng Nhà nước. Về lạm phát, sau khi tăng tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm, lạm phát tăng chậm trở lại trong tháng 7, tháng 8. Đến hết tháng 8/2016, lạm phát tăng 2,58% so với tháng 12/2015 và tăng 2,57% so với cùng kỳ, bình quân là 1,91% trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn tương đối ổn định, dao động quanh mức 1,41% đến 1,9%, tính bình quân 8 tháng đầu năm là 1,81%. Điều đó cho thấy, những chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tương đối phù hợp với điều kiện lạm phát tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và một số mặt hàng cũng tác động làm tăng lạm phát. Xuất khẩu giảm, nhưng do nhu cầu nhập khẩu cũng giảm mạnh, nên Việt Nam đang có xuất siêu.

Về tỷ giá, từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành tỷ giá theo cơ chế trung tâm, linh hoạt, bám sát các diễn biến của thị trường ngoại tệ trong nước cũng như diễn biến của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, điều chỉnh linh hoạt, có tăng, có giảm phù hợp với diễn biến. Với cách điều hành như vậy, thị trường trong thời gian qua kết hợp với cung - cầu tốt, tỷ giá tương đối ổn định, hệ thống TCTD đã mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế và bán được khối lượng khá lớn ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước.

Những chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tương đối phù hợp với điều kiện lạm phát tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2016, chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và một số mặt hàng cũng tác động làm tăng lạm phát. Xuất khẩu giảm, nhưng do nhu cầu nhập khẩu cũng giảm mạnh, nên Việt Nam đang có xuất siêu…Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, NHNN Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho ổn định thị trường tiền tệ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả để hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển.

Về tỷ giá, từ đầu năm 2016, NHNN đã thực hiện điều hành tỷ giá theo cơ chế trung tâm, linh hoạt, bám sát các diễn biến của thị trường ngoại tệ trong nước cũng như diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, điều chỉnh linh hoạt, có tăng, có giảm phù hợp với diễn biến. Với cách điều hành như vậy, thị trường trong thời gian qua đã có sự kết hợp cung - cầu tốt, tỷ giá tương đối ổn định, hệ thống TCTD đã mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế và bán được khối lượng khá lớn ngoại tệ cho NHNN. NHNN nhận thấy các hoạt động về găm giữ ngoại tệ qua theo dõi đã có những chuyển biến tích cực, tiền gửi ngoại tệ từ dân cư có xu hướng giảm tương đối nhanh so với cuối năm trước.

Tuy vậy, một số ngân hàng thương mại (NHTM), như: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng… đã cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là phù hợp, nhưng diễn biến thị trường tiền tệ, lãi suất huy động thị trường I (dân cư, tổ chức) chưa giảm được khi lãi suất thị trường II thấp, thanh khoản dồi dào. Nguyên nhân chủ yếu là do các TCTD giảm thị phần, dư thừa thanh khoản là tạm thời, nhưng nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn đã khiến các TCTD vẫn cạnh tranh nguồn vốn huy động. Bên cạnh đó, vấn đề lòng tin của thị trường bị ảnh hưởng trước một số thông tin bất lợi đến hoạt động ngân hàng.

II. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng thời gian tới

1. Đối với các ngân hàng thương mại

Một là, thu hút các nguồn lực để nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi ngân hàng.

Đối với các ngân hàng đã thực hiện sáp nhập, hoặc tự tái cấu trúc... phải có lộ trình từng năm sau táicấu trúc (vốn chủ sở hữu thực, mức độ an toàn vốn tối thiểu, trình độ quản trị, công nghệ thông tin, về tính minh bạch và việc xử lý nợ xấu để lành mạnh hóa tài chính…). Đối với NHTM cổ phần hàng đầu, cần huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho việc nâng cao năng lực tài chính, trước hết là vốn tự có, vốn chủ sở hữu để bảo đảm CAR theo chuẩn Basel 2, bằng cách từ lợi nhuận để lại, mạnh dạn xử lý các tài sản không sinh lời và phát hành cổ phiếu để thu hút thêm cổ đông… Để nhà đầu tư rót tiền vào ngân hàng thay vì đầu cơ vào bất động sản (BĐS), vàng hay gửi tiết kiệm tại ngân hàng, thì việc cải tổ căn bản quản trị nội bộ và minh bạch thông tin là một trong những việc làm cấp bách. Đối với các NHTM có yếu tố Nhà nước cũng không nằm ngoài những biện pháp trên, bên cạnh đó, cần giảm tỷ trọng phần vốn nhà nước về mức hợp lý. Khi Nhà nước vẫn nắm cổ phần chủ yếu như hiện nay thì khó có thể quản trị theo hướng hiện đại để nâng cao khả năng cạnh tranh với các NHTM lớn trong khu vực.

Do các ngân hàng là các công ty đại chúng, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, độ nhạy cảm cao, nên cần thực hiện nghiên túc các nguyên tắc quản trị công ty từ việc công khai thông tin, tổ chức đại hội cổ đông, tăng cường hoạt động của Ban kiểm soát trong quản lý rủi ro, xây dựng cơ chế lương, thưởng minh bạch; xây dựng bộ qui tắc đạo đức nghề nghiệp đối với tất cả các vị trí trong ngân hàng… Chỉ khi nào kinh doanh song hành với quản lý rủi ro một cách hiệu quả, thì từng ngân hàng mới có điều kiện phát triển bền vững.

Hai là, đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính trong hoạt động ngân hàng.

Nợ xấu chỉ có thể giải quyết rốt ráo khi được xác định rõ ràng. Thực tế, việc xử lý nợ xấu hơn hai năm qua cho thấy, khi chưa minh bạch về số nợ xấu, thì hiệu quả mang lại rất thấp, cho dù NHNN có đưa ra nhiều chính sách và biện pháp. Việc thành lập VAMC để mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng và nợ xấu đã giảm,nhưng việc giảm này là do cơ chế hoán đổi nợ xấu sang trái phiếu đặc biệt. Vì thế, để VAMC cũng như từng NHTM xử lý có hiệu quả nợ xấu, thậm chí một số khoản nợ có khả năng mất trắng (nhóm 5) cần làm rõ yếu tố khách quan và chủ quan về tránh nhiệm pháp lý của các ngân hàng trong việc định giá tài sản bảo đảm ở giai đoạn cho vay (thường định giá quá cao trong điều kiện thị trường BĐS đang tăng trưởng nóng) với giai đoạn phát mại tài sản để thu hồi nợ (giá BĐS đang trở về giá trị thật, tính thanh khoản của thị trường BĐS thấp). NHNN cũng cần nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của các NHTM trong việc phân loại nợ, trích và sử dụng dự trữ rủi ro để xử lý nợ xấu (trong đó có việc trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt khi bán nợ cho VAMC). Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia thị trường mua bán nợ. Nâng cao năng lực định giá, đánh giá tài sản, tổ chức bán đấu giá nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. Các NHTM cần xây dựng lộ trình trong ngắn hạn để giảm sở hữu vốn lẫn nhau, giữa NHTM với các công ty con/cháu của NHTM và giữa NHTM với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác. Đối với các cổ đông đang có sở hữu chéo cần xác minh rõ nguồn lực tài chính cũng như giám sát chặt chẽ các cổ đông này trong việc mua bán chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Ngăn chặn việc thao túng, lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng là cấp thiết. Việc xử lý thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), thậm chí mua và nhận nợ thay (P&A) đều có những ưu điểm và hạn chế. Cần phải đánh giá đúng những bất lợi này (chi phí để khắc phục rất lớn, mất thời gian, chia sẻ nguồn nhân lực của các ngân hàng được giao nhiệm vụ, nếu không có những biện pháp hợp lý tiếp theo… dễ níu kéo sự bất ổn của cả hệ thống ngân hàng). Vì thế, cần tăng cường sự giám sát với các quy định rõ ràng, một lộ trình phải đạt được trong từng quí, hay 6 tháng đối với các ngân hàng yếu kém hậu tái cấu trúc, tránh sự biến tướng từ dạng yếu kém này sang dạng yếu kém khác tinh vi hơn.

Ba là, nâng cao văn hóa quản trị rủi ro trong ngân hàng.

Ở Việt Nam, khi thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển, tín dụng ngân hàng đã, đang và sẽ là kênh cơ bản đáp ứng vốn ngắn, trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Để giảm rủi ro, các NHTM cần phát triển hệ thống cảnh báo sớm rủi ro, trước hết là cảnh báo rủi ro tín dụng. Hệ thống cảnh báo rủi ro tín dụng là bước nhận diện sớm khả năng không trả nợ cho ngân hàng trong tương lai của khách hàng mà hiện tại khách hàng vẫn trong tình trạng hoạt động tốt. Từ đó, ngân hàng có những biện pháp ứng xử kịp thời nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra tổn thất. Việc nhận diện rủi ro sớm tỷ lệ thuận với khả năng tự bảo vệ khỏi tổn thất.

Bốn là, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin.

Cùng với việc hoàn thiện công tác hạch toán kế toán, việc xây dựng cơ chế cung cấp thông tin nhằm đảm bảo các thông tin của NHTM báo cáo NHNN, cung cấp trên các phương tiện đại chúng là đáng tin cậy. Do đó, cần minh bạch thông tin, đảm bảo tính cập nhật, độ chuẩn xác, củng cố được niềm tin của khách hàng. Có chế tài giám sát và xử lý nghiêm các ngân hàng cung cấp thông tin sai lệch, quá sự thật để lôi kéo khách hàng.

2. Đối với Ngân hàng Nhà nước

Cần chủ động, linh hoạt trong việc điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở) theo diễn biến của thị trường để vừa tác động đến hoạt động kinh doanh của các NHTM, tạo điều kiện cho các ngân hàng sử dụng vốn khả dụng hiệu quả nhất, vừa kiểm soát được lạm phát, tạo điều kiện quản lý và thu hút nguồn vốn “nhàn rỗi” vào hệ thống ngân hàng. Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung, NHTM nói riêng (về nợ xấu, chất lượng tài sản; về xử lý các NHTM yếu kém sau tái cơ cấu…); Hoàn thiện các cơ chế chính sách, luật pháp cũng như ban hành các tiêu chí xếp loại, đánh giá ngân hàng theo thông lệ quốc tế; Chú ý đến tính khả thi, tính đồng bộ, tính kịp thời của các chính sách, văn bản do NHNN xây dựng, chấm dứt tình trạng lách luật trong kinh doanh ngân hàng của các NHTM.

Đối với cơ quan thanh tra giám sát NHNN, cần bố trí đủ nguồn lực (nhân sự, công nghệ, tài chính) để hoạt động này có hiệu quả hơn; Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan giám sát ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát ngăn chặn rủi ro có tính hệ thống trong hoạt động ngân hàng; Mở rộng các đối tượng chịu sự giám sát thường xuyên đối với tất cả các hoạt động ngân hàng do bất kỳ đối tượng nào tiến hành, không có sự ngoại lệ kể cả Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Hoàn thiện các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo chuẩn mực quốc tế; Xây dựng qui trình giám sát vĩ mô và vi mô để có khả năng cảnh báo sớm đối với các tổ chức tín dụng có vấn đề, trước mắt cần xây dựng cơ chế kiểm soát tăng trưởng tín dụng và nợ xấu phát sinh đối với các tổ chức tín dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Frederic S, Economics of Money, Banking, and Financial Markets, Seventh Edition, Addison Wesley-Mishkin.

2. PGS.TS. Nguyễn Duệ, Giáo trình Ngân hàng Trung ương.

3. Đặng Hương Giang, Giáo trình Ngân hàng thương mại.

THE PERFORMANCE OF VIETNAMESE FINANCE AND BANKING SECTOR IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL INTEGRATION AND SOLUTIONS TO IMPROVE THIS SECTORS PERFORMANCE IN THE COMING TIME

MA. VU THI ANH

Faculty of Finance and Banking, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Since Vietnam’s shift towards a market economy, the role of Vietnamese finance and banking in the growth of Vietnams economy has been increasingly improved. An economy cannot achieve positive results, if its finance and banking sector does not perform well. As a result, it is important to keep up with the changes of the finance and banking sector in order to accelerate the Vietnam’s socioeconomic development in the context of international integration.

Keywords: Finance and banking sector, market, economy, international integration.