Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải chia sẻ: Với chính sách đổi mới, Việt Nam đã tạo được những tiền đề cần thiết để đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cũng nhận thấy việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua bộc lộ những vấn đề cần quan tâm, như: sự phát triển không đồng bộ của cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực,… đưa đến yêu cầu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến việc phát triển vừa năng động vừa bền vững. Do đó, diễn đàn này sẽ đóng góp cho Việt Nam những kinh nghiệm quý để Việt Nam hoàn thiện mình mô hình phát triển kinh tế của mình.
Việt Nam đã trải qua 2 thập kỷ với mức tăng trưởng ấn tượng, trung bình khoảng 6%/năm. Tăng trưởng kéo theo sự phát triển của tầng lớp trung lưu, dự kiến tăng từ 12 triệu người năm 2012 lên 33 triệu người đến năm 2020. Tầng lớp trung lưu mới này khiến cho việc tiêu dùng hàng hóa tăng đáng kể. Bên cạnh đó, mức độ đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng; dự kiến có 52 triệu người sống ở các thành phố của Việt Nam vào năm 2025, trong khi năm 2009 chỉ có 25 triệu người. Việc gia tăng dân số ở các thành thị cũng làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, di chuyển thường xuyên hơn và tăng tiêu dùng hàng hóa.
Cùng với sự tăng trưởng này, nền kinh tế thế giới và người dân kỳ vọng các giải pháp giao thông công cộng cho phép con người di chuyển dễ dàng, giảm thiểu tắc nghẽn, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như các giải pháp năng lượng hiện đại cung cấp nguồn năng lượng chất lượng cao, giảm thiểu việc gián đoạn khi sử dụng. Bên cạnh đó, các giải pháp về sản xuất cũng được kỳ vọng sẽ an toàn hiệu quả, tuổi thọ cao và sản xuất những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Ngoài ra, những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của những giải pháp này cần được giảm thiểu để đáp ứng nhu cầu toàn cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Với việc phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự mở rộng của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức, như: Cung cấp các giải pháp về giao thông đến các thành phố đang phát triển; Giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông; xây dựng nguồn năng lượng bền vững; xây dựng Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu; xây dựng nguồn nhân lực dồi dào cho những thành phố công nghiệp.
Bà Ann Linde - Bộ trưởng phụ trách Thương mại của Thụy ĐiểnChia sẻ tại Diễn đàn, bà Ann Linde - Bộ trưởng phụ trách Thương mại của Thụy Điển cho biết: Với ý thức cao về môi trường cùng nền công nghiệp nhiều đổi mới sáng tạo, Thụy Điển tự hào là một trong những quốc gia bền vững nhất thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo của Thụy Điển chiếm thị phần cao nhất trong mảng năng lượng của đất nước. Chính phủ Thụy Điển cũng có tham vọng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, số vụ tai nạn giao thông đã giảm một nửa từ năm 2000 đến năm 2013, 30/1.000 mỗi năm là một trong những nước thấp nhất thế giới. Trong tiến trình tiến đến việc xây dựng những thành phố bền vững, Thụy Điển sử dụng ý tưởng kế hoạch tích hợp, nhấn mạnh việc tích hợp các công tác như thu gom rác, giao thông công cộng, sức khỏe cộng đồng và quy hoạch thành phố nhằm tận dụng tối đa sự hiệp lực của cả thành phố. Trong lĩnh vực sản xuất, chẳng hạn trong mảng chế biến thực phẩm, đồ uống và công nghiệp chế biến gỗ, các giải pháp của Thụy Điển nổi bật nhờ vào việc thường xuyên ứng dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo nhằm đạt được hiệu suất cao. Với 75% chi phí dành cho việc nghiên cứu và phát triển tập trung vào mảng sản xuất, những giải pháp bền vững nhằm tăng hiệu suất, sự tự động hóa và tính hiệu quả luôn tiếp tục được phát huy.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, chia sẻ về: Làm thế nào để nhu cầu năng lượng ngày càng được bền vững; Làm thế nào để các giải pháp sản xuất đổi mới sáng tạo có thể góp phần vào việc hình thành Việt Nam là một trung tâm sản xuất toàn cầu; Những thách thức Việt Nam phải đối mặt trong việc đồng bộ và tích hợp hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường; Làm thế nào để Thụy Điển và Việt Nam có thể hợp tác để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông thông qua các giải pháp giao thông công cộng thông minh; Làm thế nào để đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân tài trợ giúp vào việc phát triển kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhận tình cảm và sự ủng hộ mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt Nam sẽ mãi khắc sâu tình hữu nghị, sự ủng hộ tinh thần giúp đỡ vật chất hào hiệp và hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho nhân dân Việt Nam suốt 47 năm qua.