Tóm tắt:
Giấy tờ có giá (GTCG) được xác định là một loại giấy tờ có giá trị như chứng cứ, bằng chứng để xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành GTCG (thường là ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng) với người sở hữu GTCG (ví dụ người mua trái phiếu, tín phiếu,...) trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác trong giao dịch ghi nợ. Bài viết đã nêu một số vấn đề lý luận về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại. Thông qua phân tích về mặt lý luận, bài viết cũng đã nêu rõ định hướng các giải pháp hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại.
Từ khóa: giấy tờ có giá, bảo đảm tiền vay, vay vốn, ngân hàng thương mại.
1. Đặt vấn đề
Một trong những rủi ro dễ nhận thấy nhất trong hoạt động cho vay của ngân hàng chính là rủi ro không thu hồi được nợ. Do đó, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay hay còn gọi là bảo đảm tiền vay luôn được đặt ra trong quá trình cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) như một biện pháp dự phòng để có thể chủ động xử lý đối với loại rủi ro này. Để hoạt động cho vay của các NHTM được an toàn, hiệu quả, cần phải xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất trong hoạt động cho vay của các NHTM.
2. Một số vấn đề lý luận về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại
GTCG nói chung, được hiểu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá nhân) xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thế khác.[1] Tuy nhiên, đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, khái niệm GTCG được hiểu theo nghĩa rất hẹp, chỉ bao gồm các phiếu nợ do ngân hàng phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền chủ nợ của người sở hữu phiếu nợ và nghĩa vụ trả một số tiền nhất định của ngân hàng phát hành vào một thời điểm xác định ghi trên phiếu nợ.
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành[2] có quy định cụ thể về khái niệm GTCG như sau:
GTCG được xác định là một loại giấy tờ có giá trị như chứng cứ, bằng chứng để xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành GTCG (thường là ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng) với người sở hữu GTCG (ví dụ người mua trái phiếu, tín phiếu,...) trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác trong giao dịch ghi nợ này. Quy định các loại GTCG bao gồm:
- Trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu theo quy định của Pháp lệnh về ngoại hối.
- Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác theo quy định của Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 (trừ công cụ nợ dài hạn được tổ chức phát hành nhằm huy động vốn trên thị trường).
- Tín phiếu, trái phiếu, hối phiếu, công trái và các công cụ khác theo quy định của pháp luật quản lý về nợ công.
- Các loại chứng khoán theo quy định tại Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010; gồm các giấy tờ như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, nhóm chứng khoán, chỉ số chứng khoán, Hợp đồng vốn đầu tư và các loại chứng khoán khác.
Theo Thông tư số 01/2021/TT-NHNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
“Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”[3].
2. Định hướng các giải pháp hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại
2.1. Việc hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại phải đảm bảo quyền tự chủ của các chủ thể và tôn trọng sự bình đẳng thỏa thuận giữa các bên
Mặc dù quyền tự do của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 được quy định rõ nét: các bên có thể tự thỏa thuận về phạm vi cầm cố, lãi suất cho vay, thỏa thuận cầm cố một tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng tổng giá trị nghĩa vụ được bảo đảm để thực hiện nhiều nghĩa vụ, các bên có thể thỏa thuận về biện pháp xử lí tài sản cầm cố khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, thực tế ngân hàng vẫn áp đặt các điều kiện khác trong hợp đồng. Cụ thể, các NHTM thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng, từng loại khoản vay và từng thời gian cho vay khác nhau.
Ví dụ, nếu khoản vay của X là khoản vay có bảo đảm, của Y là không có bảo đảm thì thời gian cho vay của X sẽ lâu hơn của Y. Hoặc X là doanh nghiệp lớn, có vị thế trên thị trường; Y là doanh nghiệp mới thành lập thì mức lãi suất cho vay sẽ khác nhau. Và cùng một đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đơn vị A có kế hoạch kinh doanh tốt hơn, sử dụng các dịch vụ của ngân hàng thường xuyên hơn thì tất nhiên mức lãi suất cho vay sẽ thấp hơn khách hàng B. Các NHTM vẫn tự quyết định cho vay với những điều kiện mang tính chất cứng nhắc, áp đặt ý chí của các bên. Vì thế cần hoàn thiện pháp luật pháp luật đảm bảo quyền tự chủ, quyền bình đẳng của các chủ thể cũng như kết hợp với việc đề cao nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên về quyết định của mình trong giao dịch bảo đảm. Từ đó tạo điều kiện cho các bên tham gia giao dịch cầm cố có thể chủ động hơn, linh hoạt hơn khi giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tế mà pháp luật không thể dự liệu được. Nhà nước có thể can thiệp nhưng ở trong một mức độ nhất định.
Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã có những quy định tăng cường quyền tự do, quyền tự nguyện cam kết, thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên trong giao dịch dân sự nói chung cũng như các bên tham gia giao dịch bảo đảm nói riêng theo tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013, ví dụ như tại khoản 2, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”. Quyền dân sự (bao gồm cả quyền tự do cam kết, tự do hợp đồng) chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[4]. Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các NHTM sẽ đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của khách hàng và hơn hết sẽ giúp đa dạng hóa và phát triển ngành ngân hàng.
2.2. Việc hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại phải đặt trong tổng thể của việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm
Trên thực tế, pháp luật về giao dịch bảo đảm chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt nhất lợi ích cho các chủ thể trong quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động cho vay có bảo đảm của các ngân hàng thương mại nói riêng. Những năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã vượt ngưỡng an toàn. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là có một bộ phận chủ thể trung gian lợi dụng các khe hở của pháp luật cùng với sự thiếu hiểu biết của người dân, sự non yếu trong nghiệp vụ và sự tha hóa về đạo đức của một bộ phận cán bộ tín dụng để tiến hành ký kết, thực hiện các hợp đồng có dấu hiệu lừa đảo, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm để khắc phục những nhược điểm yếu kém của pháp luật so với nhu cầu thực tiễn là một yêu cầu vô cùng quan trọng.
Biện pháp cầm cố GTCG cũng là một trong những biện pháp bảo đảm phổ biến được các bên lựa chọn áp dụng cho vay trong hoạt động của các NHTM. Như đã phân tích ở các chương trước thì hiện nay pháp luật về cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay tại các NHTM đang được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Điều này khiến các chủ thể áp dụng rất lúng túng và mất thời gian để nghiên cứu, vận dụng cho đúng. Vậy vấn đề đặt ra đó là tất cả các quy phạm pháp luật, cho dù được ban hành trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau thì đều phải tạo thành một hệ thống, một chỉnh thể có mối liên hệ hữu cơ với nhau, không mâu thuẫn, chồng chéo, loại bỏ hay vô hiệu lẫn nhau.
Pháp luật về cầm cố GTCG là một bộ phận của pháp luật điều chỉnh các giao dịch bảo đảm nói chung trong nền kinh tế thị trường nên trong quá trình hoàn thiện pháp luật về cầm cố GTCG phải đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm. Rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật có liên quan để tiến hành loại bỏ những quy định không phù hợp và hạn chế tối đa việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Các quy định về giao dịch bảo đảm phải xuất phát từ những quy định nền tảng của Bộ luật Dân sự về quyền bảo đảm, về trái quyền, về nguyên tắc thỏa thuận bình đẳng trong quan hệ dân sự... Phải coi Bộ luật Dân sự là văn bản pháp lý gốc cho các quy định về giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, các quy định khác về giao dịch bảo đảm phải phù hợp, có tính thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành như pháp luật về ngân hàng, pháp luật về chứng khoán,...
Việc xây dựng các văn bản pháp luật trong tiến trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm nói chung và giao dịch bảo đảm bằng biện pháp cầm cố GTCG nói riêng phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Thứ nhất, các văn bản pháp luật phải tôn trọng những quy định mang tính kế thừa, có tính ổn định cao vì đó là kết quả của hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua. Thứ hai, việc xây dựng hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm bằng biện pháp cầm cố GTCG cần mạnh dạn đưa ra những quy định mới, phù hợp với tính chất và xu thế vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự - kinh tế. Thứ ba, hệ thống pháp luật của Việt Nam cần hoàn thiện theo hướng tiếp thu các bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, những tư tưởng, quy định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
2.3. Việc hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá phải đồng bộ và phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan đến giấy tờ có giá
Đối tượng cầm cố bảo đảm tiền vay là GTCG, bao gồm nhiều loại như cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ và các loại GTCG khác. Như vậy, thực chất đối tượng cầm cố GTCG khá đa dạng, phức tạp và hiện những đối tượng này đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Ngân hàng và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Trên thực tế, do có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh về loại tài sản này dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, tuy vậy lại vẫn có những khoảng trống chưa được pháp luật điều chỉnh. Như Bộ luật Dân sự 2015 mặc dù thừa nhận GTCG là một loại tài sản, song lại không hề có một quy định nào khác giải thích GTCG là gì cũng như các đặc điểm pháp lý của loại tài sản này. Hay khái niệm GTCG được giải thích không giống nhau tại các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau.
Như vậy, để hoàn thiện pháp luật về cầm cố GTCG thì quy định về GTCG giữa các văn bản pháp luật có liên quan phải được đặt trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, phải được điều chỉnh một cách động bộ và thống nhất. Để giải quyết vấn đề này cần quy định thống nhất các nội dung liên quan đến cho vay cầm cố GTCG trong các văn bản luật, hạn chế việc ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật để người dân tiếp cận và thực hiện các quy định được nhanh chóng, thuận tiện. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về cho vay có bảo đảm bằng cầm cố GTCG phải đặt trong mối quan hệ với việc hoàn thiện các quy định của các đạo luật khác có liên quan. Thêm vào đó, việc sửa đổi pháp luật cần phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung về hoạt động tín dụng ngân hàng.
2.4. Việc hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay phải dựa trên đặc điểm hình thành, phát triền nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
Sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam có những đặc điểm riêng đòi hỏi sự phù hợp của pháp luật. Vì vậy, việc nắm rõ đặc điểm hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phương hướng hoàn thiện pháp luật. Ở các quốc gia phát triển, các quy định về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ nói chung và biện pháp cầm cố GTCG nói riêng xuất hiện từ rất sớm nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình giao lưu dân sự và mua bán, trao đổi hàng hóa, qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ kinh tế - dân sự, hạn chế tranh chấp phát sinh, nâng cao kỷ luật thực hiện hợp đồng và ý thức thượng tôn pháp luật. Đồng thời, còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong giao dịch kinh tế - dân sự trong trường hợp đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Tại Việt Nam, các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có cầm cố GTCG được quan tâm xây dựng từ sau khi Việt Nam tiến hành thực hiện công cuộc đổi mới hướng tới xây dựng một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Trước khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, pháp luật Việt Nam phân chia hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế thành hai chế định hoàn toàn độc lập, giống như pháp luật về hợp đồng ở Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây do chịu ảnh hưởng của chế độ kinh tế bao cấp[5]. Theo đó, pháp luật về giao dịch bảo đảm nói chung và cầm cố GTCG nói riêng cũng có sự phân chia tương ứng. Hệ quả là các giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực dân sự chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành, còn các giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực kinh tế thì chịu sự điều chỉnh trước hết của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong điều kiện nền kinh tế phát triển mạnh như hiện nay, sự thay đổi liên tục của nền kinh tế thị trường đặt ra yêu cầu pháp luật về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự nói chung và pháp luật về cầm cố GTCG nói riêng phải đưa ra các quy định mới phù hợp với sự thay đổi đó. Đồng thời, quy định của pháp luật cần bảo đảm tính cân bằng giữa phát triền nền kinh tế với việc bảo đảm các lợi ích khác trong xã hội. Mục tiêu quan trọng của pháp luật về các biện pháp bảo đảm là bảo đảm quyền cho các NHTM trong quan hệ cho vay dù có bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra đối với bên cho vay cũng như bên bảo đảm.
2.5. Việc hoàn thiện pháp luật cầm cố giấy tờ có giá phải bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế
Để đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế quốc tế, tạo sự hấp dẫn trong đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần đẩy mạnh quốc tế hóa pháp luật, trong đó có các quy định về cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay tại các NHTM. Để đáp ứng được điều này, trong tiến trình hoàn thiện pháp luật cần phải kế thừa, phát huy những quy định pháp luật tiến bộ, phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, phải ghi nhận, phát triển được các quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các NHTM nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam nói chung trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm lập pháp tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Pháp luật phải có nhiều quy định được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Đây là mục tiêu đầy khó khăn của các nhà làm luật, cũng như các nhà hoạch định chính sách trong giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Nguyễn Thị Thu Thủy (2015). Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản của các tổ chức tín dụng. Tái bản lần thứ 2, Nxb. Trẻ, Tr.54
[2] Khoản 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010.
Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 04/2016/TT-NHNN.
Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 01/2012/TT-NHNN.
Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21 tháng 9 năm 2011.
[3] Điều 5, Thông tư số 01/2021/TT-NHNN năm 2021.
[4] Khoản 2, Điều 3, Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5] Nguyễn Thị Nga (2015). Pháp luật về biện pháp bảo đảm bằng các loại giấy tờ có giá trị trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tr.35.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Thị Thu Thủy (2015). Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản của các tổ chức tín dụng. Tái bản lần thứ 2, Nxb. Trẻ, Tr.54
- Bùi Đức Giang (2018). Sửa đổi chế định cầm cố tài sản - góc nhìn từ thực tiễn. Tạp chí Ngân hàng, số 5, tr.13-14.
- Trần Luyện (2018). Để quy chế chiết khấu, tái chiết khẩu giấy tờ có giá đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Tạp chí Ngân hàng, số 2, tr.33-34.
- Nguyễn Đức Toàn (2018). Giải pháp phát triển thị trường giao dịch các giấy tờ có giá ngắn hạn ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện Tài chính.
Orientations and solutions to improve regulations
on pledging valuable papers to secure loans from commercial banks
Pham Dieu Linh1
Nguyen Giang Truong1
1University of Law, Hue University
Abstract:
Valuable papers are defined as a type of paper that has value as evidence to confirm the debt repayment obligation between the issuer of valuable papers (e.g., bank, non-bank financial institution, etc.) and the owner of the valuable papers (e.g., the buyer of bonds, treasury bills, etc.) for a certain period of time, interest payment conditions, and other conditions in the debit transaction. This paper presented theoretical issues about pledging valuable papers to secure loans at commercial banks. The paper also proposed orientations and solutions to improve regulations on pledging valuable papers to secure loans from commercial banks.
Keywords: valuable papers, loan guarantees, loans, commercial banks.