Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng qua thực tiễn tại Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai

Bùi Phương Dung (Sinh viên K44 - Trường Đại học Luật Hà Nội)

Tóm tắt:

Tranh chấp đất đai và quyền sử dụng (QSD) đất ngày càng nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, gay gắt về mức độ. Các quy định về giải quyết tranh chấp (GQTC) QSD đất nói chung, GQTC QSD đất cấp sai mục đích, sai đối tượng nói riêng bằng các phương thức đã được ban hành và triển khai thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Quy định pháp luật về GQTC QSD đất nói chung, GQTC QSD đất cấp sai mục đích, sai đối tượng nói riêng bằng Tòa án đã được ban hành, nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và việc thực hiện các quy định đó trên thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Bài viết này phân tích một số vấn đề về GQTC QSD đất cấp sai mục đích, sai đối tượng qua thực tiễn tại Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai, qua đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhằm đóng góp một số ý kiến khắc phục những điều này.

Từ khóa: tranh chấp đất đai, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất, cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng.

1. Đặt vấn đề

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai[1]. Do lợi ích của đất đai rất lớn nên tranh chấp xảy ra là tất yếu và mức độ ngày càng gay gắt, việc giải quyết tranh chấp đất đai luôn được quan tâm ở mọi thời kỳ cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tác giả đã chọn nghiên cứu các vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng tại một địa bàn cấp tỉnh có một số đặc thù là tỉnh Lào Cai và phân tích 2 vấn đề chính sau: i) Vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng tại Tòa án và ii) Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng tại Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai.

2. Vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng tại Tòa án

2.1. Cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng: Khái niệm, đặc điểm và phân loại

Về khái niệm GCN QSD cấp sai mục đích, sai đối tượng

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất một cách hợp pháp của chủ thể mang quyền. Bản thân hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo một trình tự, thủ tục thống nhất, chặt chẽ, cấp cho người sử dụng đất, thông qua đây người sử dụng đất thực hiện các quyền năng của mình đối với diện tích đất được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách hợp pháp.

Như vậy, GCN QSD đất cấp sai mục đích, sai đối tượng là GCN QSD đất được cấp không hợp pháp, không đúng theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người sử dụng đất. Việc cấp GCNQSDĐ không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013 thì được coi là hành vi cấp GCN QSD trái pháp luật.

Về đặc điểm của việc cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng: làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa những người sử dụng đất với nhau hoặc giữa họ với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác; làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các bên tranh chấp mà còn làm ảnh hưởng đến các bất động sản liền kề, gây mất ổn định, bất đồng trong nội bộ nhân dân và ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

Phân loại việc cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng

Có nhiều tiêu chí để phân loại tranh chấp liên quan đến cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng, cụ thể như sau:

- Dựa vào tiêu chí chủ thể: cấp GCN QSD sai mục đích, sai đối tượng của cá nhân (bao gồm cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) và của cơ quan tổ chức (bao gồm tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao).

- Dựa vào đối tượng của giải quyết tranh chấp: Hủy Quyết định cấp GCN QSD đất (sai mục đích, sai đối tượng) và hủy GCN QSD đất (sai mục đích, sai đối tượng).

- Dựa vào thẩm quyền giải quyết: cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết cơ quan hành chính.

Hậu quả pháp lý của việc cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng: thu hồi hoặc tuyên hủy Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

2.2. Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng tại Tòa án

2.2.1. Sự khác biệt của việc giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng bằng Tòa án so với các phương thức giải quyết khác

Có thể thấy, giải quyết tranh chấp đất đai thông qua Tòa án có sự khác biệt lớn. Để giải quyết tranh chấp này, Tòa án thường được các đương sự lựa chọn là hình thức giải quyết tranh chấp như giải pháp chắc chắn nhất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Pháp luật giải quyết tranh chấp đất đai cũng ngày càng đề cao vai trò và vị trí của TAND. Tòa án là lựa chọn tối ưu hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, bởi lẽ: Tòa án là cơ quan tài phán độc lập, hoạt động của Tòa án là một hoạt động đặc biệt. TAND được tổ chức theo một hệ thống độc lập với hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Hơn nữa, Tòa án có đội ngũ thẩm phán có năng lực và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao. Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp do cơ quan tài phán Nhà nước thực hiện. Tòa án Nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra các bản án, quyết định buộc bên có nghĩa vụ phải thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Do đó, quyền và lợi ích các bên đương sự trong vụ án tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSDĐ được bảo đảm bởi Nhà nước. (Xem Bảng)

Bảng: So sánh sự khác biệt giữa các phương thức giải quyết tranh chấp đất đai

Phương thức giải quyết TCDĐ

Thông qua Tòa án

Theo thủ tục hành chính

Hòa giải cơ sở sở

Chủ thể giải quyết

TAND

UBND hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai

Trình tự thủ tục

Theo thủ tục tố tụng dân sự

Theo thủ tục tố tụng hành chính

Theo thủ tục hòa giải tại cơ sở

Chi phí

Tốn nhiều chi phí

Ít tốn chi phí

Ít tốn chi phí

Hậu quả pháp lí

Bản án hoặc quyết định của Tòa án về yêu cầu giải quyết TCDĐ

Quyết định giải quyết TCDĐ

Biên bản hòa giả

2.2.2. Nội dung giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng bằng Tòa án

- Chủ thể của quan hệ pháp luật tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng bằng Tòa án: là chủ thể quản lý, sử dụng đất đai, các bên tham gia tranh chấp không phải là chủ sở hữu đối với đất đai, họ chỉ có quyền quản lý, sử dụng khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng, thuê lại, được kế thừa quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, chủ thể đó có thể là các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư hay các đơn vị hành chính.

- Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng:

a) Thẩm quyền theo loại việc:

Theo Điều 203 của Luật Đất đai, tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.[2]

Như vậy, tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

b) Thẩm quyền theo cấp Tòa án:

Tại Điều 35, Điều 37 BLTTDS 2015, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất được xác định như sau:

- TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất nói chung và GCTQ QSD đất cấp sai mục đích, sai đối tượng nói riêng nếu tranh chấp đó không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

- TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất và GCTQ QSD đất cấp sai mục đích, sai đối tượng nói riêng mà tranh chấp đó có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện, nhưng TAND cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

c) Thẩm quyền theo lãnh thổ:

Điều 39 BLTTDS 2015 quy định đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản giải quyết. Khi áp dụng quy định này cần phân biệt, khi giải quyết tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đang quản lý, sử dụng, thì xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ là Tòa án nơi có bất động sản.

-  Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng bằng Tòa án: phải thực hiện thủ tục hòa giải cơ sở, tiếp đó theo quy định của BLTTDS 2015, quá trình giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp liên quan đến cấp GCNQSDĐ sai mục đích, sai đối tượng tại TAND nói riêng được thực hiện theo một trình tự quy định theo Luật Tố tụng dân sự, bao gồm: khởi kiện, thụ lý, chuẩn bị xét xử, hòa giải, đưa vụ án ra xét xử, xét xử sơ thẩm, kháng cáo, kháng nghị, xét xử phúc thẩm, giải quyết đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến cấp GCN QSD đất do cấp sai mục đích, sai đối tượng bằng Tòa án: nhằm tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng được giao, xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự trên thực tế. Quy chế bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng của TAND đối với TAND huyện, thành phố, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo của UBND đối với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn trong công tác phối hợp liên quan đến hoạt động tố tụng dân sự của TAND hai cấp.

2.2.3. Một số yêu cầu khi giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng tại Tòa án

Yêu cầu về đội ngũ thẩm phán, nhân lực tham gia giải quyết: Để việc giải quyết tranh chấp có hiệu quả và dứt điểm các tranh chấp này đòi hỏi các cán bộ Tòa án phải có nghiệp vụ chuyên sâu, nắm vững các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự để xây dựng hồ sơ vụ án chất lượng.

Yêu cầu về hồ sơ, thông tin và thu thập chứng cứ: Cần có kỹ năng xây dựng vụ án, xác định đúng các quan hệ pháp luật đang tranh chấp, tư cách năng lực của người khởi kiện, người có liên quan, trọng tâm của công tác điều tra, kỹ năng thu thập chứng, giám định, định giá QSD đất, lấy ý kiến của chính quyền, cơ quan địa chính, nhà đất… đây là yêu cầu rất quan trọng đảm bảo cho việc Tòa án ra các bản án, quyết định đúng pháp luật.

Yêu cầu về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan: TAND cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn khác như cơ quan Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng đăng ký đất đai để thu thập tài liệu, chứng cứ là hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD để thu thập được chứng cứ có độ chính xác cao, nhằm phục vụ cho việc giải quyết án.

3. Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng tại Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai

Từ ngày 6/2022 đến ngày 4/2023, Tòa án Nhân tỉnh Lào Cai thụ lý 148 vụ án liên quan đến đất đai, trong đó có 57 vụ án tranh chấp về cấp GCN QSD đất sai đối tượng, 5 vụ án tranh chấp về việc cấp GCN QSD đất sai mục đích[3], tuy về số lượng không tăng so với các năm trước, nhưng lại gia tăng tính phức tạp. TAND tỉnh Lào Cai về cơ bản đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.

Chủ thể của quan hệ pháp luật về giải quyết tranh chấp: Tòa án về cơ bản đã xác định đúng nguyên đơn, bị đơn; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Đối tượng của việc giải quyết tranh chấp: quyền sử dụng đất.

Về thẩm quyền giải quyết: TAND tỉnh Lào Cai về cơ bản là đúng thẩm quyền, đã xác định đúng được các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến việc cấp GCN QSD đất sai mục đích, sai đối tượng: TAND tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan để thu thập các tài liệu chứng cứ về nguồn gốc đất, hồ sơ địa chính, hồ sơ xin cấp GCN QSD đất lần đầu, Chi nhánh văn phòng đất đai huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Trình tự, thủ tục: sau khi hòa giải tại UBND xã không thành, TAND tỉnh Lào Cai thụ lý và xử lý vụ án theo đúng trình tự, thủ tục của vụ việc dân sự.

Hậu quả pháp lý: dựa vào hồ sơ, chứng cứ TAND có quyền ra bản án, quyết định tuyên hủy GCN QSD đất.

3.1. Một số đánh giá, nhận xét

Một số khó khăn còn vướng mắc:

Thứ nhất, khó khăn trong việc xác minh, thu thập chứng cứ tại cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.[4] Trong nhiều trường hợp, việc xác minh tại cơ quan quản lý không thu thập được hồ sơ kỹ thuật thửa đất, không có trích lục bản đồ, không có hồ sơ, tài liệu về việc cấp đất, hồ sơ lưu trữ của UBND không có tài liệu gì về thửa đất tranh chấp, thời gian cung cấp hồ sơ cấp GCN QSD đất, bản đồ trích lục đo thực trạng sử dụng đất kéo dài, cung cấp các tài liệu đều là bản chụp đơn giản. Cũng có trường hợp Tòa án nhiều lần có công văn yêu cầu cung cấp tài liệu nhưng cơ quan chức năng không phối hợp, không có văn bản trả lời về việc cung cấp tài liệu hoặc có văn bản trả lời, nhưng chỉ mang tính chất chung chung, không cụ thể rõ ràng;

Thứ hai, nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ khi tham gia giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất chưa đầy đủ. Một số vụ án còn diễn ra tình trạng đương sự không hợp tác, gây cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, như: đương sự không cho đo vẽ nhà đất khi Hội đồng thẩm định đến làm việc (đóng cổng, đóng cửa, mỗi khi Tòa án đến xem xét, thẩm định tại chỗ), hoặc vắng mặt không tham gia thẩm định, cũng có trường hợp tỏ thái độ không hợp tác, bất bình;

Thứ ba, do không nghiên cứu kỹ hồ sơ dẫn đến có một số vụ án khi xét xử Tòa án bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Tòa án chưa được đào tạo, tập huấn, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan về đất đai nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ hoặc thực hiện không đúng quy định.

Nguyên nhân của hạn chế:

Về khách quan: kinh phí phục vụ cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai phân bổ chậm và chưa đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, sự thiếu ổn định, nhất quán của chính sách pháp luật về đất đai dẫn đến việc thực hiện pháp luật về đất đai nói chung và cấp GCNQSD đất nói riêng còn lúng túng, ảnh hưởng lớn đến việc cấp giấy CNQSD đất đúng quy định.

Về chủ quan: việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên lĩnh vực đất đai có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc hoàn thành công tác cấp GCNQSD đất.

Hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai theo mô hình mới còn bất cập; nhiều cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa được đào tạo, tập huấn, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan về đất đai, chưa đủ trình độ, năng lực chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và am hiểu về lịch sử, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất;

Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan chuyên môn cùng một cấp chưa tốt, chưa đồng đều.

3.2. Kết luận và một số ý kiến khuyến nghị

Một là: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai, phải xây dựng hệ thống pháp luật về đất đai đồng bộ, hoàn chỉnh, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp;

Hai là: cần có một cơ chế xử lý thích hợp, có hiệu quả đối với những trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang nắm giữ tài liệu, chứng cứ của vụ án mà thiếu sự hợp tác hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật;

Ba là: tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đất đai cho người dân để nhân dân có ý thức chấp hành pháp luật, từ đó giảm thiểu các tranh chấp đất đai;

Để nâng cao thực thi pháp luật giải quyết tranh chấp về cấp GCN QSD đất tại TAND tỉnh Lào Cai nói riêng và tại hệ thống Tòa án nói chung, sự quan tâm lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng. Trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, Nhà nước và xã hội, đòi hỏi ngành TAND phát huy những ưu điểm đã đạt được, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Tòa án, kịp thời phát hiện những yếu kém tồn tại để có biện pháp khắc phục. Các giải pháp nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND và Hội thẩm TAND cũng cần được chú trọng. Bên cạnh đó, hoàn thiện pháp luật liên quan đến đất đai cũng không kém phần quan trọng để các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
  2. Điều 203 Luật Đất đai 2013.
  3. Số liệu thống kê Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai.
  4. Phạm Văn Thịnh, Phạm Thu Hà (2018), Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, Tạp chí Kiểm sát, 13(7), 55-58.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội, (2013). Luật Đất đai.
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự.
  3. Quốc hội (2015), Luật Tố tụng hành chính.
  4. Tòa án Nhân dân tối cao (2017). Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.
  5. Nguyễn Thị Chi, (2019). Tìm hiểu quy định về giải quyết tranh chấp đất đai, quy định về bồi thường thiệt hại, tái định cư khi thu hồi đất. NXB Lao động.
  6. Phạm Văn Thịnh, Phạm Thu Hà (2018), Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Tạp chí Kiểm sát, 13(7), 55-58.

Resolving disputes over the issuance of land use right certificate for wrong purposes and wrong subjects through the practice at the People's court of Lao Cai province

Bui Phuong Dung

Hanoi Law University

Abstract:

Disputes over land and land use rights is increasing and they become more complex. Although regulations on resolving disputes over land use rights in general and disputes related to the issuance of land use right certificate for wrong purposes and wrong subjects, these regulations have revealed many shortcomings. Regulations on resolving disputes over land use rights in general and disputes related to the issuance of land use right certificate for wrong purposes and wrong subjects, these regulations have been promulgated by the Court but they are incomplete and inconsistent. This study analyzes some issues about the settlement of the issuance of land use right certificate for wrong purposes and wrong subjects through the practice at the People's Court of Lao Cai province. This study points out the difficulties and problems of the settlement process, thereby proposing some solutions to resolve these problems.

Keywords:  land disputes, disputes over land use rights, disputes related to the issuance of land use right certificate, issuing land use right certificate for wrong purposes and wrong subjects.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]