Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và xu hướng tự do hóa thương mại lên ngôi, nền kinh tế đang chứng kiến sự tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do của nhiều nước trên thế giới.
Song, để giữ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của hàng hoá nước ngoài, các quốc gia đồng thời cũng tiếp tục duy trì việc áp dụng một số biện pháp có tính chất bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến tháng 5/2019, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng cao, trong đó có 83 vụ chống bán phá giá, 30 vụ tự vệ, 19 vụ chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 14 vụ chống trợ cấp.
Những năm gần đây, đã có nhiều văn bản pháp luật được xây dựng và trở thành những công cụ pháp lý thay thế các Pháp lệnh về các biện pháp phòng vệ thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành trước đây, trong đó có Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại và Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 về miễn trừ.
Với hệ thống pháp luật mới về phòng vệ thương mại, việc điều tra, áp dụng và xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại đã có cơ sở pháp lý mạnh và đầy đủ nhằm đảm bảo tính thực thi của các biện pháp này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa nắm được đầy đủ các quy định về phòng vệ thương mại và sử dụng chúng một cách phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chưa ứng phó kịp thời và hiệu quả trước các vụ điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các cơ quan điều tra nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện, doanh nghiệp trong nước cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, đồng thời tích cực cập nhật, trao đổi thông tin với các Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp.
“Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định nâng cao công suất và mở rộng thị trường”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, khẳng định trong thời gian tới khi xu hướng bảo hộ vẫn tiếp tục gia tăng, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành và hiệp hội để kịp thời phát hiện, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.