Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp gỗ đẩy mạnh đầu tư

Các DN chế biến gỗ xuất khẩu đang đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị nhằm tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Từ đó tiến tới cạnh tranh với các đối thủ là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới hiện nay.
xuat khau go
Doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Vifa Expo 2019

 

Đầy ắp đơn hàng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, riêng sản phẩm gỗ đạt 998 triệu USD, tăng trưởng 15,6%. Kết quả này cho thấy một triển vọng tươi sáng cho xuất khẩu gỗ Việt Nam năm 2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, nhiều DN chế biến xuất khẩu gỗ cho biết đều đã ký đủ đơn hàng đến hết năm 2019. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt cho biết, từ cuối năm 2018, công ty đã nhận đủ đơn hàng đến hết năm 2019. Thậm chí, tại Công ty Scancia Pacific, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc cho hay, không những công ty đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm mà lượng đơn hàng năm nay còn tăng mạnh tới 30% so với năm 2018. Trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng mạnh nhất, tới 30%. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) còn cho biết, các khách hàng đến từ Mỹ còn đặt cả những mặt hàng vốn không phải là truyền thống của Việt Nam như nội thất nhà bếp hay những mặt hàng có tính công nghiệp cao…

Với lượng đơn hàng tăng mạnh, nhiều DN chế biến xuất khẩu gỗ đã mạnh tay đầu tư thay đổi công nghệ, mở rộng sản xuất. Ông Thắng chia sẻ, từ năm 2018, Scansia Pacific đã bắt đầu mở rộng đầu tư với số vốn lên tới vài triệu USD. Tương tự, Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA cũng vừa nhập về một chiếc máy chế biến gỗ có giá lên tới hơn 1 triệu USD nhằm đáp ứng các đơn hàng mang tính công nghiệp cao. Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Hiệp Long cho hay, công ty đang tiến hành đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, có công nghệ, năng suất tốt để thay thế cho các thiết bị đã cũ, lạc hậu.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM nhận định, năm 2019, hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Trong đó, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước. Năm 2018, ngành gỗ đã sử dụng trên 27 triệu m3 gỗ từ rừng trồng trong nước, chiếm tỷ lệ 75% trong tổng nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ, 25% còn lại là gỗ nhập khẩu. Mặc dù từ ngày 1/1/2019, Luật Lâm nghiệp mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng từ năm 2018, các doanh nghiệp đã bắt tay vào chuẩn bị bằng việc bắt tay với người dân để trồng rừng. Đây là tiền đề để thực hiện Luật Lâm nghiệp và nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam và nâng cao đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, ông Hạnh còn thông tin, với sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành gỗ hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến đã bắt tay vào mở rộng đầu tư. “Theo thông tin tôi nắm được, hiện đã có 6 doanh nghiệp hội viên của HAWA mở rộng đầu tư với số vốn khoảng 140 triệu euro” – ông Hạnh nói.

Triển vọng tươi sáng của ngành chế biến gỗ Việt Nam còn được thể hiện qua sự quan tâm của các khách hàng quốc tế tại Hội chợ đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam – Vifa Expo 2019 diễn ra cuối tuần qua. Ước tính, chỉ trong 4 ngày diễn ra, hội chợ đã thu hút tới 5.000 lượt khách tới tham quan. Trong đó, khách tham quan đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu thế giới

Trong bối cảnh đầy ắp cơ hội, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty Mifaco bày tỏ lo ngại về năng lực hấp thụ của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Cụ thể, sau 20 năm phát triển, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đạt trên 9 tỷ USD. Vừa rồi Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD. “Như vậy, trong 7 năm tới ta phải đi chặng đường thậm chí còn dài hơn chặng đường của 20 năm trước. Điều này chứng tỏ quy mô của ngành chế biến gỗ đang tăng một cách đột biến. Để đáp ứng cho quy mô như vậy, sẽ cần một quá trình. Bởi ngay cả năng suất lao động cũng không thể ngay lập tức tăng lên được” – ông Hiệp đặt vấn đề. Theo đó, ông Hiệp cho rằng cần xây dựng một khu công nghiệp tập trung cho ngành chế biến gỗ để DN có thể tập trung lại, tạo ra sức mạnh cộng hưởng, từ đó nâng cao năng suất lao động thay vì chỉ tập trung vào việc gia tăng quy mô của nhà máy như hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có một trung tâm triển lãm quy mô lớn để trưng bày, giới thiệu hàng hóa cho các khách hàng quốc tế. Hiện Trung tâm triển lãm SECC tại TPHCM, mặc dù đã có quy mô hàng đầu cả nước, song cũng đã trở nên quá chật hẹp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, tại Vifa Expo 2019 vừa qua, khu nhà triển lãm chỉ đáp ứng một phần nhỏ quy mô của hội chợ, còn hầu hết gian hàng phải trưng bày trong nhà lều, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong mắt người mua hàng quốc tế.

Ông Hiệp cũng trăn trở về việc, dù có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua, song Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ. “Hiện Việt Nam vẫn đang cạnh tranh bằng khối lượng, trong khi các nước phát triển như Đức, Ý, Ba Lan đều cạnh tranh bằng giá trị gia tăng, tức là họ đầu tư vào thiết kế và thương hiệu” – ông Hiệp nói. Theo đó, nếu giải được bài toán nay, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa và sự phát triển cũng thực sự bền vững.

Trong khi đó, với cái nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty Scancia Pacific chia sẻ, vào năm 1992, ông có dịp sang thăm một nhà máy chế biến gỗ của Malaysia, khi đó xuất khẩu gỗ của Malaysia đã đạt gần 1 tỷ USD, và ông thấy quy mô nhà máy và hệ thống máy móc của Malaysia là một niềm mơ ước. Thế nhưng hiện nay mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, các DN Malaysia lại nhìn một số DN Việt Nam là niềm mơ ước của họ, bởi ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã phát triển vượt qua tất cả các nước Đông Nam Á. Hiện thị trường của sản phẩm gỗ Việt Nam đã lên tới 120 nước và ông Thắng tự tin rằng, đồ gỗ Việt Nam đi tới thị trường nào thì đều giữ vững đến đó.

Đối với những nhà xuất khẩu hàng đầu như Đức, Ý, Ba Lan, ông Thắng chia sẻ, sản phẩm của các nước này đều có tính công nghiệp cao với mức độ tự động hóa gần như 100%, nên Việt Nam chưa cạnh tranh được. Hiện Việt Nam chỉ cạnh tranh được ở những mặt hàng cần đến tay nghề của người lao động. “Tuy nhiên, hiện nhiều DN Việt Nam đã nhập về các máy móc thiết bị rất hiện đại để nhắm tới phân khúc mặt hàng này. Do đó, ở tương lai không xa, Việt Nam sẽ cạnh tranh được ở phân khúc này, bởi chắc chắn chi phí quản lý, nhà xưởng tại Việt Nam sẽ rẻ hơn nhiều so với tại các nước phát triển này” – ông Thắng nhấn mạnh.