Dư địa xuất khẩu còn rất lớn
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, thị trường Á - Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa.
Eurasia là thị trường rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 410 triệu người, tổng sản phẩm nội địa (GDP) gần 3.337 tỷ USD.
Đáng lưu ý, trong khu vực Eurasia gồm 15 quốc gia Đông Âu; trong đó, có 11 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu như Ba Lan, Czech, Roumania, Bulgaria, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Lithuania và Croatia.
Ngoài ra còn có 4 quốc gia Đông Âu khác gồm Nga, Belarus, Ukraina, Moldova; 5 quốc gia khu vực Tây Balkan là Albania, Bắc Macedonia, Bosnia-Herzgovina, Serbia, Montenegro và 8 quốc gia thuộc khu vực Trung Á như Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Gruzia, Uzbekistan, Tajikistan, Turmenistan.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương. Cụ thể:
Về thương mại, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu không ngừng được phát triển. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á – Âu đạt 12,7 tỷ USD tăng 20,4% so với năm 2019, chiếm 2,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,2% đạt 8,9 tỷ USD.
Mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại với khu vực Á - Âu trong 11 tháng năm 2021 cho thấy đây vẫn là khu vực có tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD tăng 10%, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.345 tỷ USD của các nước trong khu vực (chỉ chiếm 0,66% thị phần). Vì vậy, dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.
Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2021, có 18 trong tổng số 28 nước thuộc khu vực Á - Âu đầu tư vào Việt Nam với 319 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 1,78 tỷ USD tương ứng 0,44% tổng số vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Nga là quốc gia dẫn đầu các nước trong khu vực đầu tư vào Việt Nam với 151 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 954 triệu USD. Ba Lan đứng thứ hai với hơn 400 triệu USD (chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư của khu vực Á - Âu), tiếp theo lần lượt là Slovakia, Czech, Hungary, Bulgaria và Ukraine.
Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 9/2021, Việt Nam đã đầu tư sang 9 nước thuộc khu vực Á - Âu với 37 dự án, tổng số vốn khoảng 2,82 tỷ USD. Trong đó, Nga đứng đầu các nước trong khu vực tiếp nhận đầu tư của Việt Nam với 15 dự án, tổng vốn đăng ký 2,8 tỷ USD.
Về vấn đề logistics, các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin đến tuyến đường sắt liên vận quốc tế Á - Âu. Theo đó, hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam, thông qua 2 cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt Á - Âu, qua Trung Quốc đến các nước Trung Á (Kazakhstan, Tajikistan), Nga và các nước châu Âu. Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Tận dụng cơ hội, thúc đẩy hợp tác
Tại Diễn đàn, các diễn giả đến từ Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học, Xã hội Việt Nam) và các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Á - Âu còn cung cấp nhiều thông tin chi tiết và giải đáp các câu hỏi về chính sách nhập khẩu và thu hút đầu tư của các nước sở tại, cập nhật những thay đổi về nhu cầu và thị hiếu của thị trường, cùng những tư vấn bổ ích về tận dụng cơ hội từ các FTA trong khu vực (EVFTA, EAEUFTA).
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, cung cấp thông tin về chính sách, cập nhật tình hình thị trường, cơ hội từ FTA, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua các kênh thương mại điện tử vào thị trường các nước khu vực Á - Âu cũng như chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, tìm kiếm cơ hội nhằm khai thác tối đa tiềm năng của thị trường.
Đại diện Tập đoàn Skoda của Czech cũng thông tin về nhu cầu đầu tư, tìm kiếm các đối tác để đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Tập đoàn hy vọng qua đây có thể tìm kiếm thêm nhiều đối tác là doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác trong quá trình doanh nghiệp này xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Mareven Food Centra, Chủ tịch Hội người Việt tại Nga đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh và cơ hội hợp tác với các doanh nhân kiều bào tại Nga và các nước khu vực Á - Âu.
Mặt khác, đại diện Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Ozon của Nga đã giới thiệu cách thức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn thương mại điện tử của nước này để tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu, phân phối và bán hàng.
Kết thúc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường Âu - Mỹ nói chung và thị trường Á - Âu nói riêng.