Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Ủy ban châu Âu vừa đăng công báo Quy định số 2021/1900, ban hành ngày 27/10/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả gồm rau mùi là 50%, húng quế 50%, bạc hà 50%, rau mùi tây 50%, đậu bắp từ 50%, hạt tiêu 50% và thanh long 10%.
Quy định này dự kiến được áp dụng từ ngày 15/11 tới.
Theo định kỳ, cứ 6 tháng một lần, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây của Việt Nam sang EU đạt 88,5 triệu USD.
Xuất khẩu nông sản của nước sang EU đã được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), trong đó, các nhóm sản phẩm như: chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang... đã bắt đầu thâm nhập thị trường EU khá nhanh nhạy, tuy nhiên, nếu so với dung lượng nhập khẩu tại EU hàng năm lên tới 35 tỷ Euro, chiếm 45% giá trị thương mại hàng rau quả toàn cầu thì thị phần nông sản Việt Nam tại EU chiếm chưa đầy 1% tại EU.
Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây sang EU đạt 88,5 triệu USD.
Rau quả sang EU vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất chưa cao, thiếu vùng sản xuất quy mô lớn đảm bảo chất lượng cũng như nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Chi phí vận chuyển logistics từ Việt Nam sang EU quá cao nếu đi đường hàng không, đã ảnh hưởng đến giá thành phân phối các sản phẩm rau quả trái cây tại thị trường này, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ như Nam Mỹ, châu Phi, Tây Á.
Khu vực thị trường EU ngày càng chú trọng nhập khẩu các sản phẩm rau quả hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, đề cao trách nhiệm xã hội và môi trường, cũng như đạo đức kinh doanh.
Do vậy, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU cần được xây dựng tổng thể, toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững.