Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung hàng hóa cho thị trường EU đang đứt gãy. Ở thời điểm hiện tại, lần đầu tiên các đầu mối nhập khẩu hàng hóa tại EU phải nghĩ tới việc bán hàng cầm chừng để dành hàng hóa cho dịp cuối năm. Đây là cơ hội rất khó lặp lại trong lịch sử mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hết sức quan tâm nắm bắt.
Tham tán nông nghiệp tại EU Trần Văn Công cho biết, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới. Mỗi năm, thị trường này nhập khẩu khoảng 35 tỷ Euro, chiếm 45% giá trị thương mại hàng rau quả toàn cầu. Đây là thị trường tiềm năng cho rau quả Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây của nước ta sang EU đạt 88,5 triệu USD.
Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam gồm xoài, chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang… Tuy nhiên, Tham tán Trần Văn Công cho rằng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU hiện mới chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của EU. Xuất khẩu rau quả sang EU vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất rau quả của Việt Nam chưa cao. Chúng ta chưa có vùng sản xuất quy mô lớn đảm bảo chất lượng cũng như nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công tác bảo quản chế biến, công nghệ sau thu hoạch để đảm bảo thời gian lưu hành tại thị trường EU còn hạn chế. Các vấn đề liên quan đến bao bì, nhãn mác, đóng gói, thiết kế chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Hơn nữa, chi phí cho vận chuyển logistics thời gian qua quá cao đã ảnh hưởng đến giá thành phân phối các sản phẩm rau quả trái cây tại thị trường EU, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ như Nam Mỹ, châu Phi, Tây Á.
"Chúng ta còn thiếu các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia về rau quả tại thị trường EU. Các chương trình quảng bá tại thị trường này chưa được đầu tư đúng mức", ông Trần Văn Công chỉ rõ.
Cùng đánh giá trên, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, thị trường EU đang phục hồi mạnh mẽ. Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiẹp cần đặc biệt coi trọng yếu tố thương mại điện tử xuyên biên giới và trong EVFTA có Chương về thương mại điện tử, theo đó gần như các giao dịch thương mại cả 2 bên đều được miễn thuế. Xuất khẩu hàng hóa sang EU qua thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề mới mở ra mà doanh nghiệp cần lưu ý.
“Dù xuất khẩu qua thương mại điện tử hay theo cách truyền thống, doanh nghiệp Việt cũng luôn phải đối mặt, thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt kịp thời những thay đổi. Trong đại dịch những quy định của EU, đặc biệt là những quy định trong lưu chuyển hàng hóa thay đổi thường xuyên”, bà Hiền khuyến cáo.
Ngoài những quy định thông thường, bà Hiền còn lưu ý thị trường EU còn có quy định riêng theo từng mặt hàng, sản phẩm khá khắt khe. Ví dụ, mặt hàng dệt may, da giày có bộ quy định riêng, nông sản thực phẩm cũng có quy định riêng… “Doanh nghiệp phải đầu tư bài bản, tận dụng công nghệ tiên tiến từ đầu tư EU vào Việt Nam để sản phẩm sản xuất ra phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của EU”, bà Hiền nói.
Mặc dù kỳ vọng rất nhiều vào thị trường EU, song nhiều chuyên gia cũng lưu ý đây là thị trường xuất khẩu lớn nhưng khó tính và EU xây dựng hàng rào bảo hộ chắc chắn với các quy định khắt khe để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng EU đang hướng đến những sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số nên áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Liên kết, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu
Để giải bài toán xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang EU, ông Trần Văn Công cho rằng trước hết các Bộ, Ngành cần tập trung vào tạo cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo hướng chứng nhận và hữu cơ đảm bảo nguồn cung sang thị trường EU.
Có cơ chế chính sách với vận chuyển logistics để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ số, truy xuất nguồn gốc minh bạch.
Đối với doanh nghiệp, Tham tán Nông nghiệp Trần Văn Công khuyến cáo, cần tập trung nghiên cứu tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Thay đổi phương thức tiếp cận đối với các doanh nghiệp EU: nắm chắc quy định về thị trường, kỹ thuật, nghiệp vụ ngoại thương. Nắm chắc khách hàng là ai, tôn trọng các cam kết khi ký kết hợp đồng…
Cùng với đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, liên kết với các hợp tác xã để mở rộng vùng nguyên liệu, ổn định nguồn cung; hình thành hiệp hội hoặc nhóm xuất khẩu rau quả sang EU, kết nối với doanh nghiệp tại địa bàn EU…
“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu tại EU liên kết thành hiệp hội các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây rau củ quả Việt Nam để tạo sức mạnh, mở rộng thị phần tại EU”, ông Trần Văn Công khuyến nghị.
Vấn đề thâm nhập kênh phân phối tại nước sở tại rất quan trọng để nhắm tới khách hàng châu Âu nhanh nhất. Do vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần tạo sự uy tín đối với đối tác thông qua hợp tác liên doanh, có sự liên kết, bảo đảm của các công ty EU. Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan lưu ý, cần tránh tự biến mình thành vùng cung cấp nguyên liệu thuần tuý chứ không phải cung cấp sản phẩm.
Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng đề nghị, doanh nghiệp xuất khẩu, cần nghiên cứu cụ thể, bài bản hơn về nhu cầu, thói quen tiêu dùng của khách hàng thực tế chứ không phải trên văn bản để cung cấp cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà nông.
Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến khích, các doanh nghiệp xuất khẩu nên tập trung phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người châu Âu, đó là sản phẩm thông minh, tiện dụng, nhãn mác đầy đủ, đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản trong trung và dài hạn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp và các địa phương cần chú ý chặt hơn việc tiếp nhận đầu tư từ các nước xung quanh, tránh để ngành hàng bị ảnh hưởng do EC phát hiện ra các nước khác lợi dụng Việt Nam như nơi trung chuyển xuất khẩu sang EU, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
[Quảng cáo]