Với quy mô dân số gần 100 triệu người, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định này được coi là “cú hích” để thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng. Việc EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường trong nước, điều này tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phân phối Việt Nam cũng được cung ứng những nguồn hàng chất lượng cao hơn được nhập khẩu từ các nước thành viên của EU, từ đó có thể nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước.
Trước đó, trên thị trường Việt Nam đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn lớn và có thương hiệu nổi tiếng như: Auchan, Family Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của doanh nghiệp nước ngoài, đã và đang gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại đối với các nhà bán lẻ trong nước. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần đáng kể. Bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế.
Thực tế, cho đến nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Saigon Co.op, VinCommerce, Massan…gây dựng được thương hiệu, đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Một số doanh nghiệp khác hoặc là đóng cửa hoặc liên doanh liên kết hoặc dừng hẳn hoạt động.
Hiệp định EVFTA đã được thực thi, dự kiến thời gian tới, các doanh nghiệp lớn của nước ngoài sẽ liên tục gia tăng thị phần và nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh. Đây sẽ là sức ép rất lớn với các nhà bán lẻ nội địa.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để giải quyết những hạn chế, tồn tại và để có đủ năng lực cạnh tranh với thị trường các nước, các nhà bán lẻ Việt Nam cần tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm. Với những mặt hàng cao cấp thì chúng ta phải chấp nhận nhường sân cho đối tác nước ngoài.
Bởi thực tế, các doanh nghiệp trong nước chưa đủ trình độ để sản xuất các mặt hàng như: điện máy gia dụng, điện lạnh hay những hàng cao cấp hơn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất để gắn kết với phân phối, bởi sản xuất hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không đảm bảo thì rất khó “bước chân” vào siêu thị và kênh phân phối.
“Phải đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp chất lượng của kênh bán lẻ truyền thống khi mà hiện nay vẫn chiếm tới 80% lương thực, thực phẩm hàng thiết yếu. Cần chú trọng đến các chợ truyền thống, một thị trường tiềm năng nhưng đôi khi bị lãng quên. Cần phải đi bằng nhiều chân, như vậy mới có thể từng bước cùng cạnh tranh và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Ông Phú cũng cho rằng, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ EVFTA, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cần nghiên cứu kỹ những nội dung, quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng cơ hội có được từ EVFTA; tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường, qua đó, tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường./.