EVFTA và những vấn đề đặt ra cho ngành Nông nghiệp Việt Nam

ThS. VŨ THỊ HẢI ANH (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết tại Thủ đô Hà Nội và sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Đây sẽ là "cú hích" rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Từ khóa: EVFTA, Hiệp định thương mại tự do, ngành Nông nghiệp, hội nhập, Việt Nam, châu Âu.

1. Khái quát về hiệp định EVFTA và những nội dung cam kết có liên quan đến ngành Nông nghiệp Việt Nam

1.1. Hiệp định EVFTA là gì?

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính:

1.1.1. Thương mại hàng hóa

Đối với xuất khẩu (XK) của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch XK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế NK trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng XK của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch NK). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch XK từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế NK. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch NK). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế NK dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Việt Nam và EU cũng đã thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại…, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho XNK của các doanh nghiệp (DN).

1.1.2. Thương mại dịch vụ và đầu tư

Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

1.1.3. Mua sắm của Chính phủ

Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu…, Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.

Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.

1.1.4. Sở hữu trí tuệ

Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

1.1.5. Các nội dung khác của Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để 2 bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.

1.2. Thực trạng ngành Nông nghiệp Việt Nam

Năm 2018 đã khép lại 10 năm ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều kết quả đạt được, đồng thời mở ra một thời kỳ mới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10 năm (2008 - 2017) của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt khoảng 3,6 đến 3,7%. Trình độ canh tác không ngừng được đổi mới. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao; sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh. Năng suất lao động nông nghiệp đã được cải thiện, tăng từ 13,6 triệu đồng/lao động năm 2008 lên 35,5 triệu đồng/lao động năm 2017; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt tăng lên, từ 43,9 triệu đồng/ha năm 2008 lên 90,1 triệu đồng/ha năm 2017.

Từ một nước phải NK, đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch XK đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tổng kim ngạch XK 10 năm đạt hơn 261 tỷ USD, trong đó XK nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008 và dự kiến năm nay đạt hơn 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 3 tỷ USD. Độ che phủ rừng tăng mạnh, từ mức 38,7% năm 2008 lên 41,45% năm 2017 và 41,65% năm 2018.

1.3. EVFTA và các cam kết quan trọng, những điều cần lưu ý trong ngành Nông nghiệp

Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, quyết định sự thành công trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam. Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA… đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Với EVFTA, sau khi ký kết chính thức, hiện 2 bên đang trong quá trình vận động phê chuẩn và nếu được thông qua vào cuối năm nay, từ đầu năm sau sẽ có những thuận lợi, ưu đãi trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực công nghệ chế biến ở các ngành nông sản, thực phẩm, thủy sản… sẽ chịu tác động trực tiếp. Khoảng 50% số dòng thuế ngành Thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 đến 7 năm.

Cụ thể, sau khi hiệp định này có hiệu lực, nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh... thuế về cơ bản sẽ giảm xuống còn 0%.

Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế cũng về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu cũng sẽ được miễn thuế khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi. Đây được đánh giá là ngành được hưởng nhiều ưu đãi nhất khi tham gia Hiệp định EVFTA.

EU hiện là một trong 2 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư và là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam (đặc biệt, hàng thủy sản và cà phê  là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam).

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế NK sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Với các cam kết trên, Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân.

2. Cơ hội và những vấn đề đặt ra của ngành Nông nghiệp Việt Nam khi tham gia EVFTA

2.1. Cơ hội

Với EVFTA, thủy sản là một trong những ngành hàng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bứt phá với những ưu đãi thuế quan mới. Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản (khoảng 840 dòng thuế) sẽ về mức 0%. Đây là những dòng thuế hiện đang có thuế suất cơ sở từ 0% đến 22%, trong đó phần lớn ở mức cao từ 6% đến 22%. Còn 50% số dòng thuế còn lại hiện đang có thuế suất cơ sở từ 5,5% đến 26% và sẽ về 0% sau 3 - 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Ngoài thủy sản, các nước EU cũng cắt giảm thuế các mặt hàng gạo về 0% sau 3 - 7 năm; rau quả có 520 trong tổng số 556 dòng thuế về 0%, rau quả chế biến cũng có 85,6% dòng thuế về 0%; hạt điều hưởng thuế 0%; cà phê, hạt tiêu 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực…

Không chỉ giảm thuế đối với các mặt hàng cụ thể, EU còn có cơ chế bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam như vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, chè Tân Cương, nho Ninh Thuận, xoài Hòa Lộc, quýt Bắc Cạn, gạo Hải Hậu… Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nông sản Việt khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT), trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc ký hiệp định EVFTA tạo ra nhiều cơ hội cho các DN XK nông sản, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực mà Việt Nam XK sang thị trường EU là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản, điều và cà phê.

Cụ thể, các sản phẩm trồng trọt, rau quả: 520/556 dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực; trong khi đó, rau quả chế biến 85,6% dòng sản phẩm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tỉ lệ này ở cà phê, hạt tiêu là 93% dòng sản phẩm thuế về 0% và ngành điều hưởng thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) cho rằng: Với sự cạnh tranh của giá cả hiện nay, vấn đề DN đầu tư chế biến sâu nông sản vô cùng quan trọng, nhất là hiệp định EVFTA này giúp các mặt hàng nông sản giảm được thuế rất lớn. Riêng đối với cà phê, việc giảm thuế về 0% sẽ mang lại nhiều lợi thế. Hiện nay, DN nhiều nước đã đầu tư vào ngành hàng này tại Việt Nam.

2.2. Những vấn đề đặt ra đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam

Những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành Nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng EU vốn là thị trường khó tính. Bên cạnh những thời cơ, sẽ luôn là những thách thức, các nước EU sẽ chuyển sang hàng rào kỹ thuật như vấn đề hóa chất, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Và đặc biệt, họ liên tục đưa ra những hóa chất mới để tạo ra những rào cản... buộc chúng ta phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của thị trường XK.

2.1.1. Đối với XK nông sản

Nhắc đến EU, chính là đề cập đến một trong những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, các quy định đối với sản phẩm NK của các nước thuộc khối EU liên tục thay đổi khiến sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến khối lượng và kim ngạch XK.

Hàng hóa của Việt Nam khi NK vào EU hiện tại đang gặp nhiều khó khăn do những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra. Đối với hàng nông sản, EU đang áp dụng phương thức kiểm tra giá trị gia tăng, cơ chế này xuất phát từ việc phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU (như nhiễm vi khuẩn, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Đây là cơ chế EU áp dụng chung cho tất cả các đối tác thương mại. EU đã phối hợp tiến hành kiểm tra và kết quả cho thấy hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam đối với các sản phẩm rau gia vị XK sang EU còn hạn chế.

2.2.2. Khả năng đáp ứng cam kết về quy tắc xuất xứ

Việt Nam đang gặp phải vấn đề khi phải NK nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, nếu không thể đáp ứng được yêu cầu về giới hạn tỷ lệ % tối đa được phép của nguyên liệu NK thì không được áp dụng ưu đãi về thuế quan, từ đó giảm tính cạnh tranh của sản phẩm XK trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam đang bị EU yêu cầu áp dụng quy tắc xuất xứ thuần túy bao gồm: Mật ong, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được, trứng chim và trứng gia cầm, rau củ quả nguyên liệu, cà chua, nấm và nấm cục đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác trừ loại bảo quản bằng giấm, gạo, chế phẩm từ ngũ cốc, tinh bột, lá thuốc lá chưa chế biến...

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu để sản xuất hàng XK đều phải NK. Từ những yêu cầu chặt chẽ về quy tắc xuất xứ như trên, với hơn 70% nguồn nguyên liệu Việt Nam phải NK thì việc tìm ra giải pháp cho vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định EVFTA chính là một thách thức đối với ngành Nông nghiệp.

Riêng đối với NK nông sản từ EU, việc ký kết Hiệp định EVFTA, đồng nghĩa với việc, Việt Nam phải sẵn sàng cho việc tiếp nhận ồ ạt các sản phẩm có xuất xứ từ EU luôn được đánh giá cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã. Điều này dẫn đến áp lực cạnh tranh vô cùng lớn tại thị trường nội địa. Hàng hóa của EU  vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn và giảm giá mạnh do không phải chịu thuế NK. Hệ quả là, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được.

Với nhiều mặt hàng vốn là chủ lực, thế mạnh của EU NK vào Việt Nam như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, gà, bò, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá sẽ được giảm thuế, từ đó gia tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành được dự báo gặp bất lợi nhất là chăn nuôi.

2.2.3. Hoạt động thu hút đầu tư vào Việt Nam

Thực tế ghi nhận rằng số nhà đầu tư EU đầu tư vào Việt Nam còn thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản. Sở dĩ các DN còn e ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu do một số nguyên nhân:

Thứ nhất, Việt Nam còn thiếu chính sách thu hút đầu tư chủ động, sử dụng nguồn vốn và công nghệ. Bên cạnh việc mở cửa thị trường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhận dòng vốn tự do hóa từ khu vực phát triển hàng đầu thế giới, đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, có thể tác động tích cực đến nền kinh tế, thì các DN và bộ, ngành cũng cần có kế hoạch sử dụng nguồn vốn này một cách hợp lý và hiệu quả.

Thứ hai, khả năng tiếp nhận nguồn vốn và công nghệ của DN còn yếu. Đứng trước cơ hội tiếp nhận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến, DN sẽ cải cách, đổi mới về cơ cấu, về nhân sự, nâng cao chất lượng lao động, điều chỉnh đường lối chiến lược kinh doanh như thế nào để tiếp nhận được và phát huy tối đa các lợi thế đó vẫn còn là vấn đề cần giải quyết đối với các DN Việt Nam.

2.2.4. Vấn đề sở hữu trí tuệ

Ngoài các quy định mở cửa thị trường về thuế quan, các cam kết về hàng rào phi thuế quan cũng như về hoạt động thương mại dịch vụ và đầu tư, hợp tác và phát triển bền vững... thì vấn đề sở hữu trí tuệ là một trong số các vấn đề thể chế được nhấn mạnh trong EVFTA.

Đây là chế định tương đối nhạy cảm trong quá trình đàm phán do nhu cầu của EU và Việt Nam trong bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ không giống nhau. Kết quả của đàm phán về vấn đề này trong EVFTA là một hệ thống các cam kết theo hướng tăng cường các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu, tương ứng với đó là những hạn chế nhất định trong khả năng tiếp cận rộng rãi các sản phẩm sở hữu trí tuệ của công chúng hoặc người sử dụng các sản phẩm này so với mức của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, trở thành một trong những vấn đề đàm phán khó khăn, phức tạp nhất trong EVFTA, và Chương Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những Chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ Hiệp định.

Liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, EVFTA có một số quy định cụ thể và ảnh hướng lớn đến lĩnh vực Nông nghiệp của Việt Nam như: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng...

Tóm lại, khi EVFTA được thực thi, các vấn đề đặt ra đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh của nông nghiệp, bao gồm: hoạt động XNK, hoạt động đầu tư và sở hữu trí tuệ.

Trong hoạt động XK, nông nghiệp Việt Nam ngoài việc phải đối mặt với các vấn đề nội tại của DN còn phải đối mặt với các cam kết được coi là rào cản để XK vào thị trường EU như quy tắc xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào TBT hay các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong hoạt động NK, nhìn chung vấn đề lớn nhất mà nông dân và DN Việt Nam phải đối mặt là vấn đề cạnh tranh gia tăng tại thị trường nội địa khi mở cửa thị trường đối với các DN EU.

Đối với đầu tư, phải xét trên hai khía cạnh, việc thu hút đầu tư vào Việt Nam là một cơ hội rõ ràng cho Việt Nam, tuy nhiên sử dụng nó như thế nào để mang lại hiệu quả và không bị tác động tiêu cực ngược dẫn đến bị các DN nước ngoài thôn tính chính là vấn đề đặt ra.

Về sở hữu trí tuệ, các vấn đề chính nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt là việc ý thức về quyền sở hữu trí tuệ từ nông dân, DN cho đến người tiêu dùng còn ở mức thấp, chưa chú trọng vào xây dựng và quảng bá thương hiệu, các nông sản Việt Nam chưa được bảo hộ nhiều về chỉ dẫn địa lý, một mặt giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mặt khác không tạo được một môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút đầu tư.

3. Giải pháp cho các vấn đề của ngành Nông nghiệp Việt Nam khi thực thi EVFTA

Trước hết, các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đối mặt với các vấn đề đặt ra khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo đó, nông dân cùng DN Việt Nam phải tăng năng suất và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, bằng các hành động thiết thực, cụ thể như cải tạo và phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các quy trình gây giống, nuôi trồng tiến bộ, hiệu quả, tổ chức các hoạt động sản xuất một cách có tổ chức, quy hoạch cụ thể, hiện đại.

Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản XK, phải chịu sức ép cạnh tranh từ thị trường quốc tế, hoạt động sản xuất cần phải được tổ chức lại một cách chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn hơn nữa. Chú trọng thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, tạo lập duy trì và phát triển mối quan hệ với các DN và cơ quan chức năng, từ đó hình thành các hợp tác xã, vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tham gia các Hiệp hội ngành hàng, cùng nhau học hỏi, đưa ra các chính sách phát triển kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm nhận được nguồn vốn lớn và khoa học công nghệ tiên tiến.

Cùng với đó, DN và người dân cần chủ động xây dựng chiến lược XK nông sản. Ví dụ, đối với thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao như EU, cần có những nhóm nông sản XK chủ lực, đồng nghĩa với việc phải xây dựng một danh mục hàng hóa nông sản XK. Đối mặt với áp lực hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế, DN cần chú trọng đồng bộ về kĩ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quá trình sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm của mình đáp ứng với nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, các DN, bộ, ngành cũng cần xây dựng một chiến lược tiếp cận thị trường, trong đó đã có những nghiên cứu về thị trường tiếp cận, nhận định được những tiềm năng cũng như đánh giá được sức cạnh tranh của từng loại nông sản, tận dụng các thế mạnh của Việt Nam  làm tiền đề các doanh nghiệp tiến vào thị trường EU, khai thác mọi tiềm năng của thị trường này.

Về phía các cơ quan chức năng, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các vấn đề có liên quan đến Hiệp định, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoàn thiện các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ…, giúp hàng nông sản Việt Nam tận dụng được hết các cơ hội từ EVFTA.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trung tâm WTO và Hội nhập: http://www.trungtamwto.vn

2. Tài liệu Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức ngày 26/6/2019, tại Hà Nội.

3. Trang web về EVFTA của Bộ Công Thương: http://evfta.moit.gov.vn/

EVFTA AND CHALLENGES FOR VIETNAM’S

AGRICULTURAL FIELD

● Master. VU THI HAI ANH

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The EU-Viet Nam free trade agreement (EVFTA) was signed in Hanoi on June 30, 2019. It will officially take effect in the coming time. This agreement would be a huge boost for Vietnam's exports, helping our country to diversify its markets and export items, especially agricultural and aquatic products as well as other goods which Vietnam has many competitive advantages.

Keywords: EVFTA, free trade agreement, agricultural field, integration, Vietnam, Europe.