Theo Bộ Công Thương, tình hình thị trường trong dịp Tết tại thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung không có nhiều biến động do thành phố đã làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng. Cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, chủng loại phong phú. Giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết ổn định; hàng hóa được cung ứng đầy đủ, đa dạng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Bên cạnh việc làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng và xúc tiến bán hàng, thành phố Hồ Chí Minh còn đẩy mạnh công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để phục vụ nhân dân đón tết đầy đủ, an toàn.
Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch Thành phố giao và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018, cụ thể: Các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 06/01/2019 đến 04/02/2019 (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% – 58% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)... 03 Chợ đầu mối (chiếm khoảng 60-70% thị trường) với lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày (vào thời điểm cận Tết lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày). Các thành phần kinh tế khác (ước chiếm khoảng 10-20% thị phần), đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 02 - 03 lần so với tháng thường. (Năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán 2019, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách với sự tham gia của 90 doanh nghiệp, tăng 02 doanh nghiệp so với năm 2017. Nguồn vốn các ngân hàng tham gia đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng (8,14%) so năm 2017, lãi suất tương đương năm 2017).
Tổng số điểm bán hàng BOTT là 10.817 điểm bán, tăng 513 điểm bán so với năm 2018. Riêng Chương trình Lương thực – thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhìn chung, giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường được giữ ổn định.
Tháng cận Tết, thành phố thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống phân phối lớn như: Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt... Nhằm bảo đảm thời gian cung ứng hàng hóa Tết, các hệ thống siêu thị tham gia BOTT đều đã có kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng trong các ngày từ 20 tháng Chạp đến mùng 5 Tết.
Từ ngày mùng 2 Tết, các siêu thị, chợ và cửa hàng kinh doanh bắt đầu mở cửa bán hàng trở lại, nguồn hàng tương đối đa dạng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, giá các mặt hàng thiết yếu tương đương những ngày giáp Tết, một số mặt hàng như rau củ, thủy hải sản tăng giá so với những ngày trước Tết.
Trong các tháng giáp Tết, Thành phố tổ chức bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 02 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 344 chuyến. Tập trung tăng cường thực hiện tại các quận ven - huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết...