Giá dầu cọ giao tháng 4/2014 trên Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia đã tăng 0,4% lên mức 2.597 Ringgit (781 USD)/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 6/1/2014; kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, giá dầu cọ đã đạt 2.593 Ringgit/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ đã giảm 2,5%.
Trong ngày 22/1, đồng Ringgit Malaysia đã giảm xuống còn 3,3358 Ringgit/USD – mức thấp nhất kể từ ngày 28/8/2013. Theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg, đồng Ringgit Malaysia đã giảm 6,7% trong năm 2013, tính từ đầu năm 2014, đồng Ringgit Malaysia đã giảm 2,5%. Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá giữa dầu cọ với dầu đậu nành đã được nới rộng từ mức 64,78 USD/tấn trong ngày 21/1 lên mức 65,34 USD/tấn trong ngày 22/1. Dầu đậu nành là loại dầu thay thế dầu cọ để sản xuất thực phẩm và nhiên liệu sinh học.
Ông Benny Lee, chiến lược gia thị trường tại công ty Jupiter Securities Sdn (Malaysia), đã cho biết, trong trường hợp các thương nhân nước ngoài, dầu cọ đang trở nên hấp dẫn hơn so với dầu đậu nành. Ông Benny Lee nhận định: “Mức 2.500 Ringgit/tấn đối với dầu cọ là mức giá tốt để tiến hành mua vào”.
Theo số liệu của hãng giám định thương mại Intertek công bố vào ngày 20/1. Lượng dầu cọ xuất khẩu của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 1/2014 đã giảm 15% so với cùng kỳ tháng 12/2013 xuống mức 748.303 tấn. Malaysia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu đậu nành giao tháng 3/2014 trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã tăng 0,5% lên mức 38,28 cents/pound (0,454 kg); giá đậu tương cũng đã tăng 0,2% lên mức 12,825 USD/giạ (1 giạ đậu tương = 27,2 kg).
Trên Sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc), giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 đã tăng 0,2% lên mức 5.898 NDT (975 USD)/tấn; giá dầu đậu nành được giữ không đổi tại mức 6.666 NDT/tấn.