Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 72,66 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 68,13 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/5, cả hai loại dầu thô chủ chốt của thị trường năng lượng thế giới giảm thêm 1 USD/thùng sau khi đột ngột mất tới 4 USD/thùng trong phiên giao dịch 30/5.
Giá dầu thô tiếp tục lao dốc sau khi dữ liệu cho thấy triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể yếu hơn kỳ vọng; đồng thời, liên minh OPEC+ có thể sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác trong phiên họp tới đây.
Cụ thể, dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Dầu khí Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 5,2 triệu thùng. Con số này trái ngược với dự báo giảm 1,4 triệu thùng được giới phân tích đưa ra trước đó.
Các dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng 1,9 triệu thùng, so với dự báo giảm 500.000 thùng của các chuyên gia. Điều này khiến thị trường lo ngại triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này có thể yếu hơn kỳ vọng, nhất là khi thị trường đang bước vào mùa Hè - mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu. Hiện giới đầu tư tập trung chờ đợi dữ liệu chính thức từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, dự kiến được công bố vào cuối ngày 1/6 (theo giờ địa phương).
Đồng thời, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2023 của khu vực sản xuất chế tạo chỉ đạt 48,8 điểm - chạm mức thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây, giảm so với mức 49,2 điểm trong tháng 4/2023. Đáng chú ý, chỉ số đơn đặt hàng mới, bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu, đối với các nhà máy tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Bên cạnh đó, chỉ số PMI khu vực dịch vụ của Trung Quốc cũng giảm từ 56,4 điểm xuống còn 54,5 điểm trong tháng 5/2023.
Sự sụt giảm của chỉ số PMI trong cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục suy yếu, trái ngược với kỳ vọng phục hồi được các chuyên gia dự báo trước đó.
Giới phân tích nhận định sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau 3 năm duy trì chính sách phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt đang đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm, bất động sản đóng băng và các lĩnh vực xuất khẩu suy yếu.
Ngoài ra, thị trường dầu mỏ còn chịu tác động từ việc sản lượng công nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã giảm xuống trong tháng 5 vừa qua.
Thị trường hiện tập trung quan sát các động thái liên quan đến định hướng chính sách khai thác của liên minh OPEC+ trong phiên họp diễn ra ngày 4/6. Nga và Saudi Arabia, hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất OPEC+, đang đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau về việc liệu liên minh này có cắt giảm thêm sản lượng khai thác hay không.
Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) và HSBC (Anh) hiện đều cho rằng liên minh OPEC+ sẽ không tiếp tục giảm thêm sản lượng khai thác trong phiên họp tới đây. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng giá dầu thô trong thời gian tới.