Theo Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC), tốc độ tăng của giá hàng hoá tại các cửa hàng bán lẻ ở Anh trong tháng 5/2023 đã lên tới 9%, vượt mức tăng 8,8% trong tháng 4/2023. Qua đó, xác lập mức tăng giá nhanh nhất kể từ Hiệp hội bán lẻ Anh bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2005.
Hiệp hội Bán lẻ Anh nhấn mạnh áp lực vật giá tăng lên vẫn ở mức cao cho dù tốc độ tăng giá thực phẩm đã giảm nhẹ, từ mức tăng kỷ lục 15,7% trong tháng 4 xuống mức tăng 15,4% trong tháng 5/2023.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Bán lẻ Anh bà Helen Dickinson cho biết đà tăng giá của các mặt hàng thực phẩm tại Anh hạ nhiệt chủ yếu do chi phí năng lượng và chi phí hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng bắt đầu giảm, áp lực tăng giá lên một số mặt hàng thực phẩm chủ chốt như bơ, sữa, trái cây và cá tại Anh cũng đã giảm xuống.
Hiệp hội Bán lẻ Anh cũng cho biết tốc độ tăng giá của các mặt hàng phi thực phẩm tại các cửa hàng bán lẻ ở Anh trong tháng 5/2023 đạt 5,8%, cao hơn mức tăng 5,5% của tháng 4/2023, mặc dù các cửa hàng đã giảm giá mạnh đối các sản phẩm giày dép, sách, đồ giải trí gia đình.
Dữ liệu chính thức của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy lạm phát của Anh trong tháng 4/2023 đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2022 nhờ giá năng lượng hiện đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát giá lương thực trong tháng 4/2023 đạt 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức tăng 19,2% - mức tăng cao nhất 45 năm được ghi nhận trong tháng 3/2023.
Tuy nhiên, lạm phát tại Anh hiện nay vẫn còn cách xa mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Do đó, giới quan sát nhận định BoE sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Thống đốc BoE Andrew Bailey vừa qua đã cảnh báo nền kinh tế Anh đang chịu tác động của lạm phát “vòng hai” và cường độ của lạm phát cơ bản phản ánh phần nào tác động gián tiếp của tình trạng giá năng lượng tăng cao, đồng thời bộc lộ tác động thứ cấp khi những cú sốc bên ngoài kết hợp với những tồn tại của nền kinh tế Anh.
Ông Andrew Bailey nhấn mạnh khi lạm phát toàn phần giảm, những tác động của lạm phát vòng hai đối với nền kinh tế Anh “khó có thể biến mất nhanh”. Các dữ liệu cũng cho thấy mặc dù thu nhập của người lao động tại Anh đã tăng lên nhưng không theo kịp mức tăng chi phí sinh hoạt.
Trong 18 tháng qua, Ngân hàng Trung ương Anh đã nhiều lần tuyên bố kiểm soát được nguy cơ giá lương thực và năng lượng tăng cao gây ảnh hưởng đến tiền lương và vật giá tại Anh nhưng với những nhận định của ông Andrew Bailey, dường như cơ quan này đã thất bại trong nhiệm vụ trên.
Giữa tháng 5, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lần thứ 12 liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản từ 4,25% lên 4,5% - mức cao nhất trong gần 15 năm trở lại đây. Cơ quan này cũng điều chỉnh tăng dự báo lạm phát trong ngắn hạn lên mức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát sẽ giảm từ mức 10,1% hiện nay xuống 5,1% vào quý 4/2023, thay vì mức 3,9% được dự báo trước đó.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh nhận định mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới mức 2% chỉ có thể đạt được vào đầu năm 2025 và nền kinh tế Anh sẽ tránh được một cuộc suy thoái. Mặc dù vậy, cơ quan này nhấn mạnh, dự báo tăng trưởng kinh tế vẫn yếu, với mức tăng trên 1% trong ba năm tới trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,8% hiện nay lên 4,5% năm 2026.