TÓM TẮT:
Hiệu quả kinh doanh là một nội dung quan trọng trong hoạt động của một công ty, bởi nó chính là cơ sở tạo nên nội lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để đạt được tính chính xác trong đo lường hiệu quả kinh doanh, hiện nay, các nhà phân tích thường sử dụng thước đo giá trị kinh tế tăng thêm (EVA). Thước đo này đang ngày càng nhận được nhiều sự công nhận và ủng hộ từ các công ty khác nhau. Bài viết phân tích những ưu điểm và hạn chế của thước đo hiệu quả kinh doanh EVA.
Từ khóa: Giá trị kinh tế tăng thêm, hiệu quả kinh doanh, đo lường hiệu quả kinh doanh.
1. Hiệu quả kinh doanh và đo lường hiệu quả kinh doanh
1.1. Hiệu quả kinh doanh
Adam Smith (1776) định nghĩa: “Hiệu quả là kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, là doanh thu tiêu thụ hàng hóa”. Paul A. Samuelson (1989) cho rằng: "Hiệu quả tức là sử dụng một cách hữu hiệu nhất các nguồn lực của nền kinh tế để thỏa mãn nhu cầu mong muốn của con người". Trong định nghĩa này, hiệu quả kinh doanh được hiểu là mức độ tận dụng các yếu tố đầu vào để tạo nên sản phẩm hay dịch vụ. Trong một số công trình khoa học, hiệu quả kinh doanh được nhìn nhận là yếu tố liên quan đến khả năng tận dụng các nguồn lực (nhân tài, vật lực, tiền vốn,...) để đạt được mục tiêu xác định, được đo lường dựa trên sự xem xét mối quan hệ giữa chất lượng của kết quả tạo ra với mức độ hao phí nguồn lực. Như vậy, bản chất của hiệu quả kinh doanh là mức độ sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu đã định. Cụ thể, khi đánh giá hiệu quả kinh doanh, sự tính toán hiệu quả lao động xã hội được đặt mối tương quan giữa lượng kết quả hữu ích cuối cùng thu được với mức hao phí lao động xã hội bỏ ra.
1.2. Đo lường hiệu quả kinh doanh
Việc đo lường hiệu quả kinh doanh đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý của bất kỳ công ty nào (Demirbag, Tekinus and Zaim, 2006). Theo Kim và Takahiro (1991), việc đánh giá hiệu quả kinh doanh hướng tới hoạt động quản lý thường sử dụng các phương pháp khoa học tương ứng bằng cách so sánh kết quả đạt được với mục tiêu đề ra ban đầu, do đó, có thể đạt được hiệu quả cao. Quan điểm này được nhiều nhà khoa học áp dụng và phát triển trong các nghiên cứu của mình (Gadenne and Sharma, 2002; Madu, Aheto, Kuei and Winokur, 1996).
Waggoner, Neely & Kennerley (1999) đã khẳng định hoạt động đo lường hiệu quả kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp, nó có thể cung cấp thông tin đáng giá, cho phép các nhà quản trị kiểm soát vấn đề hiệu quả, báo cáo tiến độ, tạo động lực làm việc. Chính vì vậy, rất nhiều nhà khoa học đã và đang nỗ lực nghiên cứu để tìm ra các thước đo phù hợp, chúng chính là công cụ giúp các nhà quản trị so sánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong các thời kỳ khác nhau, và so sánh với hiệu quả kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, qua đó có những giải pháp kịp thời và hữu ích. Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có thước đo đặc biệt nào có khả năng đo lường mọi khía cạnh của hiệu quả kinh doanh.
Trong tài chính, hoạt động này được thực hiện thông qua các số liệu liên quan được lấy từ báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế và một số những nguồn dữ liệu khác, chúng được thu thập, tính toán, so sánh và giải thích để chỉ ra tình trạng tài chính, khả năng sinh lời, và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Suwignjo, Bititci and Carrie, 1997). Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu, hướng tiếp cận phù hợp sẽ được lựa chọn. Các thước đo có tính đến yếu tố thị trường đang được nhiều nhà phân tích lựa chọn vì nó có một số ưu điểm vượt trội so với các thước đo truyền thống, vì các thước đo hiệu quả kinh doanh truyền thống không tính hết được chi phí sử dụng vốn, do đó, có có thể dẫn tới những kết luận sai lầm.
Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng không có một thước đo dựa trên số liệu kế toán nào có thể giải thích những thay đổi về tài sản của cổ đông (Worthington và West, 2001). Điều này dẫn tới sự nghiên cứu và phát triển thước đo tập trung vào giá trị kinh tế gia tăng để vượt qua những hạn chế của các thước đo cũ. Alfred Marshall (1890) là người đi tiên phong trong việc khái quát hóa lợi nhuận kinh tế, thể hiện dưới dạng lợi nhuận thực tế bên cạnh các chi phí hoạt động và chi phí vốn đầu tư khác nhau. Sau đó, vào năm 1991, khái niệm EVA do Joel Stern và Bennet Steward (đồng sáng lập công ty Stern Steward & Company) đưa ra và được ứng dụng rộng rãi trong việc đánh giá kết quả hoạt động của các nhà quản lý.
2. Giá trị kinh tế tăng thêm (EVA - Economic value added)
2.1. Cách tính EVA
EVA được xác định theo công thức:
(1) EVA = Lợi nhuận sau thuế - Chi phí tính bằng tiền của vốn chủ sở hữu
Hay EVA = Lợi nhuận sau thuế - ks x Vốn chủ sở hữu
Với ks - chi phí vốn của vốn chủ sở hữu.
Để xác định được EVA, nhà phân tích cần biết chi phí vốn của vốn chủ sở hữu ks. Tuy nhiên ks chỉ có thể ước tính bằng các phương pháp khác nhau và không thể tính chính xác được như chi phí vốn của nợ nên không thể yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đưa ra thông báo về EVA, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa.
Giá trị kinh tế gia tăng cũng có thể được xác định bằng hai công thức khác tương đương:
(2) EVA = NOPAT - Chi phí tính bằng tiền của vốn
Trong đó, NOPAT là Lợi nhuận hoạt động thuần sau thuế
(3) EVA = EBIT(1-T) - (Tổng vốn hoạt động do nhà đầu tư cung cấp x WACC)
Với EBIT là lợi nhuận trước thuế và lãi vay
WACC là chi phí bình quân gia quyền của vốn.
Nếu EVA dương thì lợi nhuận sau thuế lớn hơn chi phí vốn cần thiết để tạo ra thu nhập và hoạt động của ban quản lý đã tạo ra giá trị cho các cổ đông. EVA dương sẽ đảm bảo MVA cũng dương hàng năm. Trong khi MVA được áp dụng cho cả công ty thì EVA có thể áp dụng cho một bộ phận trong công ty cũng như toàn công ty. Mặc dù các hệ số về tỷ suất sinh lợi và các thước đo về giá trị gia tăng như MVA, EVA được sử dụng rộng rãi để đánh giá về kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
2.2. Ưu điểm và hạn chế của thước đo hiệu quả kinh doanh EVA
2.2.1. Ưu điểm
EVA trong những năm gần đây đã trở thành một thước đo đáng tin cậy về hiệu quả hoạt động của công ty vàngày càng nhận được nhiều sự công nhận và ủng hộ từ các công ty khác nhau; những người đã sử dụng như một biện pháp kiểm soát nội bộ.
Điểm hấp dẫn của EVA là xem xét lợi nhuận kinh tế và vốn kinh tế để biết giá trị được tạo ra và mất đi của một tổ chức trong một thời kỳ cụ thể. Lợi nhuận kinh tế và vốn kinh tế được tính bằng cách thực hiện một số điều chỉnh dựa trên số kế toán. Nhiều nhà nghiên cứu như Forker & Powell (2004); Maditinos, Sevic, & Theriou (2006); Houle (2008); Issham (2010); Issham (2011) đồng tình với quan điểm của Stewart (1994) rằng “EVA nổi bật so với các thước đo khác vì là thước đo tốt nhất và duy nhất về việc tạo ra của cải trên một cơ sở nhất định”.
Nhà kinh tế học Stewart cũng khẳng định việc sử dụng EVA tốt hơn so với các chỉ số tài chính như Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), Lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) và Lợi tức đầu tư (ROI)] trong việc giải thích những thay đổi về tài sản của cổ đông. Mặt khác, các công cụ đo lường hiệu suất truyền thống (ROI, RONA và ROCE, ROIC) không đánh giá được lợi nhuận kinh tế thực sự của một công ty, vì tất cả chúng đều dựa trên các giá trị quá khứ (Haque, Akter & Shil, 2004). Do đó, có ý kiến cho rằng EVA là một công cụ đo lường hiệu quả tài chính tốt hơn so với bất kỳ công cụ nào khác trong việc đo lường lợi nhuận kinh tế thực của một công ty.
Bên cạnh đó, Young (1997) khẳng định lợi thế đáng kể của việc sử dụng EVA có thể giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề xung đột lợi ích của cả chủ sở hữu và người quản lý. Các nhà quản lý thường có xu hướng thực hiện những quyết định giúp họ tăng thưởng và đãi ngộ, trong khi chủ sở hữu lại muốn tối đa hóa tài sản của mình. Việc sử dụng EVA để đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ hạn chế được khả năng thao túng số liệu của các nhà quản lý và định hướng họ hoạt động để tối đa hóa sự giàu có của chủ sở hữu công ty.
2.2.2. Hạn chế
Tuy nhiên, có một số vấn đề liên quan đến các hệ số này:
Trước hết, giá trị kinh tế gia tăng được tính cho từng kỳ hạn và dựa trên thông tin tài chính của kỳ hiện tại. Do đó, giống như các hệ số sinh lợi trên khoản đầu tư, lợi nhuận kinh tế có đặc tính của một chỉ số ngắn hạn. Có thể xảy ra trường hợp công ty hy sinh lợi ích dài hạn cho lợi nhuận kinh tế của kỳ hiện tại.
Khi tính toán giá trị kinh tế gia tăng, các nhà phân tích sử dụng chi phí vốn như là một tỷ số ‘rào’ (tỷ số giới hạn). Nếu công ty thực hiện các hoạt động mang tính rủi ro hơn so với các hoạt động thông thường thì việc tính EVA sẽ không phản ánh được mức độ rủi ro tăng lên và dẫn đến kết quả là phóng đại khả năng sinh lợi hiện tại.
NOPAT và chi phí vốn chỉ là giá trị được ước tính. Do đó chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong các giả định sẽ dẫn đến kết quả thay đổi đáng kể.
Giá trị kinh tế gia tăng được tính theo đơn vị tiền là đô la hay đồng và dễ gặp phải sự sai lệch trong việc so sánh các công ty có qui mô khác nhau.
3. Kết luận
Tóm lại, EVA là một công cụ cung cấp thông tin một cách hiệu quả. Nó cho biết lợi nhuận kinh tế và vốn kinh tế để biết giá trị được tạo ra và mất đi của một tổ chức trong một thời kỳ cụ thể và giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề xung đột lợi ích của cả chủ sở hữu và người quản lý. Chính vì thế, EVA đang ngày càng được nhiều nhà phân tích sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
TIẾNG VIỆT:
- Samuelson và W. Nordhaus (2002). Kinh tế học, Nhà xuất bản thống kê
TIẾNG ANH:
- Demirbag, M., Tatoglu, E., Tekinus, M., & Zaim, S. (2006). An analysis of the relationship between TQM implementation and organizational performance: evidence from Turkish SMEs. Journal of Manufacturing Technology Management, 17(6), 829-847.
- Forker, J. and Powell, R. (2004). Does EVA Beat Earnings? Evidence on Associations with Stock Returns and Firm Values-Revisited. EAA Meeting, Prague, 301-336.
- Houle (2008), Economic Value Added, Liberty University, Lynchburg.
- Issham (2011). Company Performance in Malaysia after the 1997 Economic Crisis: Using Economic Value Added (Eva) as a Predictor. African Journal of Business Management, 5 (7), 3012-3018.
- Kim, H. J., & Yoon, S. S. (2007). Corporate governance and firm performance in Korea. Malaysian Accounting Review, 6(2), 1-18.
- Maditinos, D., Sevic, and Theriou, N. (2006). A Review of the Empirical Literature on Earnings and Economic Value Added (EVA) in Explaining Stock Market Returns. Which Performance Measure Is More Value Relevant in the Ath- ens Stock Exchange (ASE)?. Annual Conference of the Hellenic Finance and Accounting Association Thessaloniki, Kevala, 1-38.
- Stern, M. J., Stewart, B., Chew, D. and Stern Stwart & Co. (1997). The EVA Financial Management System. Journal of Applied Corporate Finance, 8 (2), 474-488.
- Suwignjo, P., Bititci, U.S. and Carrie, A.S. (1997). Quantitative models for performance measurement system: an analytical hierarchy process approach'', Managing Enterprises Stakeholders, Engineering, Logistics, and Achievement, Mechanical Engineering Publications, New York, 237-43.
- Waggoner, D., Neely, A., & Kennerley, M. (1999). The forces that shape organizational performance measurement systems. An interdisciplinary review. International Journal of Production Economics, 53-61.
- Worthington, C. and West, T. (2001). Economic Value-Added: A Review of the Theoretical and Empirical Literature. Asian Review of Accounting, 9 (1), 67- 86.
The Economic Value Added - An effective business performance measurement
Le Thanh Huyen
Thuongmai University
ABSTRACT:
Effective performance is essential for businesses as it creates internal resources for the sustainable development of businesses. In order to correctly measure the business performance, analysts often use the measurement of Economic Value Added (EVA). This measurement is used more and more by companies in different fields. This paper analyzes the advantages and disadvantages of the EVA in measuring business performance.
Keywords: Economic value added, business performance, business performance measurement.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]