Giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Bài báo Giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái do Hà Thị Thu Thủy (Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Với tiềm năng thế mạnh du lịch dồi dào, tỉnh Yên Bái đã và đang khai thác, đưa vào sử dụng đa dạng các sản phẩm du lịch. Bài viết tập trung phân tích thực trạng các sản phẩm du lịch huyện tại Mù Cang Chải, tinh Yên Bái, qua đó nêu ra những thách thức và đề xuất những giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở khu vực này.

Từ khóa: sản phẩm du lịch, Mù Cang Chải, sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm.

1. Đặt vấn đề

Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, được biết đến như một trong những điểm đến du lịch độc đáo nhất tại Việt Nam. Các thửa ruộng bậc thang ở đây đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và hấp dẫn, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Mù Cang Chải là một nhiệm vụ quan trọng.   

2. Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch tại Mù Cang Chải

Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã quan tâm phát triển nhiều sản phẩm du lịch đa dạng để thu hút du khách. Tính đến tháng 11/2023, huyện đã ra mắt 20 sản phẩm phục vụ du lịch, đạt 111% kế hoạch. 20 sản phẩm phục vụ du lịch gồm: điểm cắm trại Koong Hill (xã Cao Phạ); hợp tác xã Võng lúa và Chế tác Khèn Mông (xã Mồ Dề); homestay Dình Khiêm (xã Lao Chải); Nhà Du lịch cộng đồng dân tộc Mông Háng Phừ Loa (xã Mồ Dề); hợp tác xã Nông nghiệp sạch Háng Gàng (xã Lao Chải); Gạo Séng Cù (xã Hồ Bốn); mô hình tắm lá thuốc xông hơi xã Cao Phạ; khẩu si, khẩu thọng chảy - loại bánh làm từ gạo nếp của người Thái (thị trấn Mù Cang Chải); mô hình du lịch truyền thống văn hóa cộng đồng của người Mông bản Háng Chua Xay (xã Chế Cu Nha); sản phẩm Ớt thóc ngâm; táo mèo khô và mứt táo mèo (xã Kim Nọi); ra mắt điểm cảnh Check in Sunny Garden (tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải); gạo Séng Cù 2 (xã Khao Mang); gạo Rải Nù (xã Chế Tạo); homestay Hờ A Dì (xã La Pán Tẩn); tổ hướng dẫn đưa đón khách chinh phục đỉnh Lùng Cúng (xã Nậm Có); du lịch thác Rồng (xã Chế Cu Nha); sản phẩm hỗ trợ du lịch quà lưu niệm từ quả thông; tham quan đồi Pơ Mu (xã Nậm Khắt); homestay See Bugalow (xã La Pán Tẩn). Việc phát triển các sản phẩm du lịch đã góp phần quan trọng thu hút khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm tại huyện Mù Cang Chải. Trong năm 2023, đã có 365 nghìn lượt khách đến với huyện Mù Cang Chải, doanh thu 365 tỉ đồng, đạt 131,03% chỉ tiêu tỉnh giao. Doanh thu từ du lịch là 340/235 tỷ đồng, đạt 121,7% chỉ tiêu tỉnh giao. Tình hình phát triển các sản phẩm du lịch cụ thể tại Mù Cang Chải như sau:

- Du lịch ngắm cảnh ruộng bậc thang

Mù Cang Chải, vùng đất nổi tiếng với vẻ đẹp của ruộng bậc thang, được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. Những thửa ruộng uốn lượn quanh sườn núi đã tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, đặc biệt rực rỡ vào mùa lúa chín (tháng 9 và tháng 10). Đây là sản phẩm du lịch chủ lực và được khách du lịch trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích.

Theo báo cáo từ UBND huyện Mù Cang Chải, năm 2023, địa phương đã đón hơn 150.000 lượt khách, trong đó 70% du khách đến vào mùa lúa chín. Các địa điểm nổi bật như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thường xuyên kín chỗ trong thời gian cao điểm. Một trong những trải nghiệm đặc biệt du khách có thể tham gia là leo lên các điểm quan sát cao như Đồi Mâm Xôi để ngắm nhìn toàn cảnh ruộng bậc thang trải dài dưới ánh nắng vàng.

Ngoài ra, các dịch vụ chụp ảnh, quay phim cũng phát triển mạnh mẽ tại các khu vực này. Những bức ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ được lan tỏa trên mạng xã hội mà còn xuất hiện trên các tạp chí du lịch quốc tế. Hoạt động này không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế.

- Du lịch văn hóa bản địa

Mù Cang Chải không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’mong. Với hơn 90% dân số là người H’mong, nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, ẩm thực và phong tục tập quán. Du lịch văn hóa bản địa mang đến cơ hội cho du khách khám phá sâu sắc hơn về đời sống con người nơi đây.

Một trong những điểm nhấn của du lịch văn hóa tại Mù Cang Chải là các lễ hội truyền thống. Lễ hội Gầu Tào, một sự kiện quan trọng của người H’mong, thường được tổ chức vào dịp đầu năm để cầu phúc và mùa màng bội thu. Du khách tham gia lễ hội không chỉ được thưởng thức các màn trình diễn văn nghệ dân gian mà còn được hòa mình vào không khí lễ hội đầy màu sắc và sôi động.

Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động thường nhật của người dân như dệt vải lanh, nhuộm chàm, hoặc chế tác trang sức truyền thống. Đây không chỉ là cách để hiểu thêm về văn hóa mà còn góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương. Một số làng nghề đã bắt đầu mở cửa đón khách, biến các hoạt động thủ công truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

- Du lịch thưởng thức ẩm thức địa phương

Ẩm thực là một phần quan trọng trong trải nghiệm du lịch văn hóa tại Mù Cang Chải. Những món ăn đặc sản như thắng cố, mèn mén, thịt trâu gác bếp, hay xôi ngũ sắc không chỉ mang hương vị đặc trưng của núi rừng mà còn phản ánh nét tinh hoa trong ẩm thực truyền thống của người H’mong. Theo thống kê năm 2023, hơn 60% du khách khi đến Mù Cang Chải đã tham gia trải nghiệm ẩm thực địa phương. Một số homestay và nhà hàng còn tổ chức các lớp học nấu ăn, nơi du khách được hướng dẫn cách chế biến các món ăn từ nguyên liệu tươi ngon tại chỗ. Đây là cách để tạo sự tương tác và gắn kết giữa du khách với văn hóa bản địa.

Đặc biệt, các sản phẩm như rượu táo mèo, mật ong rừng, hay chè Shan tuyết đã trở thành món quà lưu niệm được ưa chuộng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân địa phương.

- Du lịch mạo hiểm và sinh thái

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, du lịch mạo hiểm và sinh thái đang được chú trọng phát triển tại Mù Cang Chải, mang lại những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho du khách. Các hoạt động tiêu biểu như:

Một là, trekking và leo núi, với địa hình đồi núi hùng vĩ. Các tuyến trekking tại Mù Cang Chải dẫn dắt du khách qua các bản làng, cánh rừng, và đỉnh núi cao. Tuyến đường từ La Pán Tẩn đến Chế Cu Nha được xếp vào nhóm tuyến trekking đẹp nhất Việt Nam, nơi du khách vừa chinh phục độ cao vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của ruộng bậc thang. Trong năm 2023, khoảng 10.000 lượt khách tham gia các tour trekking, tăng 15% so với năm trước.

Hai là, thám hiểm hang động, một số hang động tự nhiên tại Mù Cang Chải đang được khai thác phục vụ du lịch, như hang Thẩm Lé. Du khách tham gia các tour này không chỉ khám phá vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên mà còn tìm hiểu thêm về hệ sinh thái độc đáo của vùng núi cao.

Ba là, bay dù lượn tại Đèo Khau Phạ là một trong những điểm bay dù lượn hàng đầu tại Việt Nam. Các lễ hội bay dù lượn hàng năm thu hút hàng trăm phi công và hàng nghìn du khách tham gia. Theo thống kê, năm 2023 ghi nhận hơn 1.500 lượt bay, mang lại doanh thu đáng kể cho ngành du lịch địa phương.

Bốn là, cắm trại và quan sát thiên nhiên, các khu vực như rừng thông hoặc bên dòng suối trong xanh là điểm đến lý tưởng để tổ chức các hoạt động cắm trại. Du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim hót và tận hưởng không khí trong lành của vùng cao. Hồ Thác Bà cũng là một điểm đến nổi bật cho hoạt động quan sát hệ động thực vật đa dạng.

- Thách thức trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Mặc dù sở hữu tiềm năng phát triển du lịch phong phú, Mù Cang Chải vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua để đảm bảo phát triển bền vững các sản phẩm du lịch. Các thách thức không chỉ xuất phát từ những yếu tố khách quan như điều kiện địa lý, môi trường, mà còn từ những yếu tố chủ quan liên quan đến năng lực quản lý, cơ sở hạ tầng và ý thức cộng đồng.

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với du lịch Mù Cang Chải là hệ thống giao thông còn yếu kém. Các tuyến đường chính dẫn đến địa phương thường nhỏ hẹp, quanh co và xuống cấp, đặc biệt khó khăn vào mùa mưa khi sạt lở đất diễn ra thường xuyên. Hành trình của du khách bị gián đoạn bởi những tuyến đường hiểm trở, khiến việc tiếp cận khu vực trở nên mệt mỏi và kéo dài thời gian. Có thể thấy rõ ràng qua số liệu, trong năm 2023, tỷ lệ du khách quốc tế quay trở lại Mù Cang Chải chỉ chiếm 25%, thấp hơn nhiều so với các điểm du lịch khác trong khu vực. Điều này chứng tỏ sự cần thiết của việc đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tăng cường tính kết nối.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của du khách trong những năm gần đây đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho môi trường tự nhiên tại Mù Cang Chải. Ruộng bậc thang, một trong những di sản văn hóa độc đáo, đang chịu nhiều áp lực từ khách du lịch. Việc du khách đến thăm quan các thửa ruộng, để lại rác thải và khai thác quá mức có nguy cơ gây thoái hóa tài nguyên đất và đe dọa văn hóa lâu đời của người H'Mông. Việc xây dựng các công trình du lịch mới, nếu thiếu quy hoạch, có thể đánh mất cân bằng sinh thái. Theo số liệu từ Sở Du lịch Yên Bái, trong năm 2023, đã có gần 2.000 tấn rác thải được thu gom tại các điểm du lịch trong khu vực, tăng 30% so với năm 2022. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững.

Đồng thời, du lịch Mù Cang Chải phần lớn dựa vào sự tham gia của người dân địa phương. Tuy nhiên, đội ngũ lao động ở đây thường chưa được đào tạo chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa quốc tế. Theo một khảo sát gần đây, chỉ 35% lao động trong ngành du lịch tại khu vực có chứng chỉ đào tạo bài bản. Hơn nữa, khó khăn trong việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch sinh thái và những người hiểu biết sâu về phong tục, tập quán của người H'Mông, người Thái cũng đang gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ.

Hình ảnh du lịch Mù Cang Chải, tuy đã tạo được ấn tượng tốt đáng kể trong nước, nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế. Các hoạt động quảng bá chủ yếu thông qua qua các mạng xã hội tự phát, thiếu các chiến lược dài hạn để nhằm thu hút tối đa du khách quốc tế.

3. Giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Mù Cang Chải

Để thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải thông qua các sản phẩm du lịch, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả; trong đó, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên nền tảng số, mạng xă hội về h́ình ảnh miền đất và con người Mù Cang Chải “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, xóa bỏ dần các phong tục, tập quán không còn phù hợp trong nhân dân.

Hai là, tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, của tỉnh Yên Bái về hỗ trợ phát triển du lịch; tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố tự nhiên, văn hóa, con người phục vụ phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Ba là, chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch như nhà nghỉ, homestay, nhà hàng và các điểm tham quan; đảm bảo các dịch vụ này phù hợp với văn hóa và môi trường địa phương, không ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và đời sống của người dân. Khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch như hàng thủ công mỹ nghệ, trang phục, nhạc cụ truyền thống, ẩm thực địa phương, các tour du lịch trải nghiệm văn hóa, chú trọng đến chất lượng và tính độc đáo của các sản phẩm, tạo sức hút đối với du khách.

Bốn là, địa phương tiếp tục tăng cường quảng bá văn hóa dân tộc Mông thông qua các phương tiện truyền thông, sự kiện văn hóa và triển lãm du lịch, qua đó không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo, mà coi đó là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng cao Mù Cang Chải.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái (2021), Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
  2. Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái (2021), Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
  3. UBND Yên Bái (2022), Đề án “Xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2022 - 2025”.
  4. Thanh Chi (2024), Mù Cang Chải doanh thu du lịch đạt trên 355,8 tỷ đồng, Báo Yên Bái, truy cập tại: https://www.baoyenbai.com.vn/226/306717/Mu-Cang-Chai-Doanh-thu-du-lich-dat-365-ty-dong.aspx

Solutions to enhance the diversity of tourism products in Mu Cang Chai district, Yen Bai province

Ha Thi Thu Thuy

Faculty of Tourism and Hospitality

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Yen Bai province, rich in tourism potential, has been actively developing and utilizing a diverse range of tourism products. This study examines the current state of tourism offerings in Mu Cang Chai district, Yen Bai province, by identifying key challenges and proposing solutions. The findings aim to enhance the variety and quality of tourism products in the region.

Keywords: tourism products, Mu Cang Chai, ecology, community, experience.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương