Giải pháp đổi mới và hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao tại Việt Nam

Bài báo Giải pháp đổi mới và hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao tại Việt Nam do ThS. Trần Tuệ An (Khoa Du lịch và Khách sạn - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

 Bài viết đánh giá toàn diện việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; việc bố trí, huy động các nguồn lực cho thiết chế văn hóa, thể thao. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu đông đảo của nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Từ khóa: thiết chế, văn hóa, thể thao, văn hóa, bảo tàng, thư viện.

1. Đặt vấn đề

Chủ trương của Đảng đã khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Thiết chế văn hóa đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa đảng bộ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân; là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân… tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng hệ thống này ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn, bất cập…

2. Thực trạng thiết chế văn hóa - thể thao tại Việt Nam

Giai đoạn 2011-2014, kinh phí đầu tư cho văn hóa, thể thao là 2.800 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 900 tỷ đồng, giai đoạn từ 2021-2023 là 670 tỉỷđồng. Từ nguồn kinh phí này, theo tác giả (Thanh Hoài, 2023), tính đến nay, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, đạt tỷ lệ 77,4%, trong đó có 5.625 trung tâm văn hóa – thể thao đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 nhà văn hóa đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%). Theo thống kê, cả nước hiện có 197 bảo tàng; 56 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh; gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia.

Trong những năm qua, các thiết chế văn hóa, thể thao mới góp phần kiến tạo nên những cảnh quan phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc của các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo rất đặc trưng cho không gian kiến trúc đô thị và nông thôn mới.

Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới các hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với từng đối tượng. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống được phát huy; các câu lạc bộ, nhóm sở thích được thành lập đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố đã đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tiễn hiện nay như tổ chức chương trình nghệ thuật, tuyên truyền lưu động thu hút đông đảo khán giả đến xem, bằng hình thức kết hợp chiếu phim, dựng chương trình tạp kỹ kết hợp xiếc, ảo thuật tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh, Cà Mau, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế…; Tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, trưng bày triển lãm như ở tỉnh Đồng Nai, Nghệ An...; Chương trình giao lưu văn hóa liên kết các tỉnh định kỳ hàng năm nhằm giới thiệu nét sinh văn hóa, dân ca dân vũ của địa phương đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh như ở Trung tâm Văn hóa tỉnh An Giang, Kon Tum, Bến tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi.

Việc xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, nhân rộng, duy trì các mô hình câu lạc bộ, các lớp năng khiếu, loại hình văn hóa, nghệ thuật tuyền thống, các bộ môn thể thao tiêu biểu được duy trì thường xuyên, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, các nhóm đối tượng, lứa tuổi, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào. Đây là phương thức đầu tư chiều sâu, tạo nguồn lực chuyên môn tại chỗ, kế thừa hoạt động liên tục tại hệ thống trung tâm văn hóa - thể thao các cấp.

Công tác tuyên truyền, cổ động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, biển đảo… Với trọng tâm đưa thông tin về cơ sở và tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua Đội Tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố nói chung, của trung tâm văn hóa các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc nói riêng... không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật phù hợp, để phục vụ nhân dân.

Những kết quả đạt được của các thiết chế văn hóa - thể thao trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng thực trạng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định.

Điển hình như việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao tuy đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, chưa đủ tác động rộng rãi và hiệu quả trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện và tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh. Đến nay, một số huyện, thị, thành phố vẫn chưa được đầu tư xây dựng thể chế văn hóa - thể thao, phải sử dụng công trình cơ sở vật chất cũ được bàn giao lại để hoạt động nên không đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động tại chỗ. Biên chế phục vụ tại các thiết chế văn hóa - thể thao hiện chưa ổn định, kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Ở cấp xã, phường, thị trấn, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa - thể thao ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn thiếu một số các hạng mục chức năng theo quy định, phương tiện trang thiết bị trang bị không bảo đảm về mặt kỹ thuật. Điều quan trọng là quy chế hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao xã đến nay vẫn chưa được ban hành nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức hoạt động, nhất là về kinh phí và biên chế.

Những tồn tại, khó khăn trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ban, ngành chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, của sự phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế. Trong chỉ đạo chưa bám sát Chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, chưa chú trọng công tác sơ, tổng kết đánh giá, kiểm tra giám sát chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, sự tác động của suy thoái kinh tế kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện theo đúng các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; công tác dự báo, định hướng trong các đề án, quy hoạch chưa sát với tình hình thực tế, tính khả thi chưa cao. Đối với địa phương xã, phường quỹ đất dành để xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở còn thiếu, kinh phí ngân sách dành cho đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các địa phương. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao chưa được xem xét đầy đủ tính hiệu quả, chưa bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư xây dựng với công tác chuẩn bị về nhân sự phục vụ cho công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng, gây lãng phí ngân sách. Đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở do chế độ, chính sách chưa phù hợp, không tuyển dụng được người có trình độ thích hợp theo yêu cầu vị trí công tác. Việc đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực còn bất cập, đào tạo chưa gắn với thực tiễn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội.

3. Giải pháp đổi mới và hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao tại Việt Nam

Để tiếp tục hoàn thiện và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, hoàn thiện về thể chế, chính sách: Cần xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Hoàn thiện cơ chế tài chính và đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập văn hóa và thể thao cấp thành phố, quận, huyện; phấn đấu đến năm 2025, các đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên chuyển sang tự chủ một phần chi thường xuyên, các đơn vị đang tự chủ chi thường xuyên thì tăng thêm 10 - 20% tỷ lệ tự chủ so với năm 2019 (theo Quyết định số 429/QĐ- TTg là 10%). Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, đảm bảo đồng bộ các yếu tố đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời có chính sách, cơ chế thuận lợi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy định của pháp luật nhằm huy động nguồn lực từ xã hội tham gia vào các hoạt động đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở.

Hai là, thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; tạo sự đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch các thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa công cộng. Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người, bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích.

Ba là, quản lý và phát triển hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đa dạng hóa nội dung, khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với từng loại hình, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân. Tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ, tài trợ các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cung cấp các dịch vụ công phục vụ học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ của các trung tâm văn hóa - thể thao cấp thành phố, quận, huyện đối với trung tâm văn hóa thể thao phường, xã; hằng năm có kế hoạch đưa các hoạt động văn hóa, thể thao của thành phố về cơ sở phục vụ người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế.

Bốn là, hỗ trợ nguồn lực về đào tạo hướng dẫn cán bộ chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí để trung tâm văn hóa thể thao phường, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động, giải, hội thi văn hóa, thể dục, thể thao phù hợp với điều kiện, nhu cầu và đặc thù tại địa phương. Trong đó, cần tập trung xây dựng các chính sách đào tạo đội ngũ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ trong các thiết chế văn hóa; chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học trong các cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật; cán bộ văn hóa có trình độ, chuyên môn phù hợp đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách khuyến khích các thành thần kinh tế, tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tham gia hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Năm là, phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương gắn với thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tự nguyện, tích cực tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao; phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò tự quản của cộng đồng đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa, thể thao.

4. Kết luận

Thiết chế văn hóa, thể thao sẽ tiếp tục đồng hành với đời sống nhân dân trong hưởng thụ các giá trị văn hóa và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của văn hóa nói riêng mà có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung; để văn hóa tiếp tục gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần cốt lõi mang giá trị bền vững, nội lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện; góp phần xây dựng quê hương phát triển, văn minh, giàu mạnh, phấn đấu trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Minh Chính (2023), Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: Thực trạng và giải pháp

phát triển, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật số 524, tháng 02/2023.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Hà

Nội, tr.146-147.

3. Chính phủ (2013), Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013- 2020, định hướng đến năm 2030.

4. Vi Thanh Hoài (2023), về nguồn nhân lực xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, Về nguồn lực xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)

Solutions for Innovating and Enhancing Cultural and Sports Institutions in Vietnam

MASTER. TRAN TUE AN

Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This article offers a comprehensive evaluation of the institutionalization and implementation of the Party's directives, resolutions, and the State's policies and laws regarding the development of cultural and sports institutions. It addresses the aspects of planning, investment, construction, management, and utilization of these institutions, as well as the allocation and mobilization of resources. Based on this assessment, the article proposes solutions for improving the institutions and policies to advance the system of cultural and sports institutions, thereby meeting the extensive needs of the populace, fulfilling the requirements for comprehensive human development, and fostering an advanced Vietnamese culture rich in national identity, in alignment with the spirit of the 13th National Party Congress Resolution.

Keywords: institutions, culture, sports, museums, libraries.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương