Giải pháp đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

ThS. Phan Ngọc Tấn (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Năm 2019, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới với tỷ lệ 7,02% và hàng loạt các thành tựu khác như năng suất lao động tăng; tăng trưởng tín dụng giảm; cán cân thương mại thặng dư kỷ lục đạt 10 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tăng lên đến 80 tỷ USD; lượng kiều hối đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6%;  Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, từ vị trí thứ 77 năm 2018 lên thứ 67 năm 2019. Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%, tương đương năm 2019.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng như vậy là khá thách thức khi Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, trong khi môi trường quốc tế nhiều biến động và căng thẳng. Việt Nam cần thực thi đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, như: cải cách chính sách trọng yếu; phát triển kinh tế bền vững; giảm lãi suất; cải cách thuế; phòng chóng tham nhũng; ổn định vĩ mô. Đây là những nội dung được đưa ra phân tích trong bài viết dưới đây.

Từ khóa: GDP, tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại, kiều hối, tăng trưởng tín dụng.

1. Tăng trưởng kinh tế là gì?

 “Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng bền vững về sản phẩm tính theo đầu người”, Simon Kuznet (1966). Các nhà kinh tế học cổ điển đã sử dụng 2 chỉ tiêu: tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để đo lường tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế.

Có rất nhiều nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia nhưng tựu chung lại gồm có các nhân tố cơ bản sau:

Thứ nhất, nguồn nhân lực: Nhiều nhà kinh tế cho rằng nguồn nhân lực hay vốn con người là yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế. Theo Schultz (1961), vốn con người bao gồm thể trạng, trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động. Có thể thấy: “nguồn lực con người là nguồn lực của mọi nguồn lực”, là “tài nguyên của mọi tài nguyên”. Vì vậy, con người có sức khỏe, trí tuệ, tay nghề cao, có động lực và nhiệt tình, được tổ chức chặt chẽ chính là nhân tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, vốn đầu tư: Vốn đầu tư là một trong những nhân tố quan trọng của quá trình sản xuất. Vốn đầu tư bao gồm: đầu tư tư nhân, đầu tư chính phủ và đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư của toàn xã hội không chỉ là máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất, còn bao gồm cả lượng vốn đầu tư để phát triển lợi ích chung của toàn xã hội. Đó là lượng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia, mà phần lớn là do chính phủ đầu tư. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng.

Thứ ba, tiến bộ công nghệ: Tiến bộ công nghệ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng vì nó góp phần làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu suất sử dụng vốn, tiết kiệm lao động và vốn trên sản phẩm, nên cùng lượng chi phí, nhưng sản phẩm tạo ra nhiều hơn và mở ra các ngành nghề và sản phẩm mới. Ngày nay, với đà phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... đã làm tăng năng suất một cách nhanh chóng.

Thứ tư, xuất khẩu: Xuất khẩu có thể có tác động đến tăng trưởng kinh tế một cách trực tiếp vì nó là một thành phần của tổng sản phẩm hay một cách gián tiếp thông qua ảnh hưởng của nó đến các nhân tố của tăng trưởng. Xuất khẩu làm tăng nhu cầu trong nền kinh tế. Việc hướng về xuất khẩu và cởi mở thương mại cải thiện quá trình tái phân bổ nguồn lực, làm tăng năng lực sử dụng nguồn lực và cạnh tranh của quốc gia. Xuất khẩu làm tăng đầu tư trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu thúc đẩy thay đổi công nghệ và cải thiện nguồn nhân lực, qua đó làm tăng năng suất và cuối cùng xuất khẩu tạo thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập.

Thứ năm, tài nguyên thiên nhiên: Mặc dù tiến bộ độ khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển và được áp dụng sâu rộng trong sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn đóng vai trò quyết định trong sản xuất sản phẩm của ngành và quốc gia (nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng…). Thực tiễn minh chứng quốc gia nào có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, giàu về trữ lượng và chất lượng sẽ có nhiều thuận lợi trong thu hút FDI và ngược lại.

2. Thành tựu kinh tế Việt Nam năm 2019

Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế đạt 268 tỉ USD.

Năm 2019, Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới, mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12/2019 là thặng dư (tổng thu cân đối 1,469 triệu tỷ đồng, tổng chi cân đối 1,316 triệu tỷ đồng), nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Thu ngân sách nhà nước vượt trên 8% dự toán Quốc hội giao. Quy mô xuất nhập khẩu đạt hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục 10 tỷ USD (Hình 1), dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD.

Hình 1: Cán cân thương mại của Việt Nam    Nguồn: www.customs.gov.vn

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016 - 2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2% (theo giá cố định) - cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước chỉ khoảng 12,1%, trong khi nhiều năm trước tín dụng thường tăng trên 18% (Hình 2). Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc, trong khu vực ASEAN xếp thứ 2 sau Thái Lan, năm 2018 đứng thứ 3).

                                                                Nguồn: www.gso.gov.vn

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã công bố một báo cáo cho thấy, Việt Nam đã nhảy vọt 10 bậc về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, từ vị trí thứ 77 năm 2018 lên thứ 67 năm 2019, khiến quốc gia này được cải thiện nhiều nhất trong bảng xếp hạng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến lên nửa trên của danh sách 141 nền kinh tế. Kết quả này được cho là do các nỗ lực cải cách bền bỉ và có hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, bởi căng thẳng địa chính trị và thương mại.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (Hình 3), tăng 4,6% so với năm trước. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), lượng kiều hối năm 2019 vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 6-8% so với năm 2018, khoảng 13-14 tỷ USD. Như vậy, 2019 là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Các năm 2017, 2018, lượng kiều hối đổ về lần lượt là 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD.                                                    Nguồn: WB, NHNN

3. Thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

“Tăng trưởng hợp lý” là cụm từ thường có mặt trong mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm gần đây, nhưng trong Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cụm từ này đã không còn nữa. Thay vào đó là “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, “tăng trưởng nhanh và bền vững”. Điều đó có nghĩa, những kỳ vọng đặt vào nền kinh tế trong năm tới cao hơn. Áp lực và thách thức đối với nền kinh tế, theo đó, cũng nặng hơn.

Mặc dù vậy, một lần nữa, báo cáo Quốc hội, Chính phủ chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020, tương đương năm 2019. Tương đương về con số, nhưng nếu đặt trên nền tảng GDP của năm 2019, cũng như đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn, thì tốc độ tăng trưởng như vậy là thách thức.

Mặc dù đã đạt được những bước tiến ngoạn mục năm 2019, nhưng mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng. Việt Nam hiện đang tập trung vào khâu sản xuất hạn chế, nghĩa là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, yêu cầu tay nghề lao động thấp. Trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng trong nước và cải thiện thu nhập bình quân đầu người, đồng thời cần chuyển đổi sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, việc chuyển tiếp này tạo ra thách thức lớn hơn so với việc tiếp tục thành công ở mức độ sản xuất cơ bản.

Môi trường quốc tế nhiều biến động và căng thẳng. Đây vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức đối với Việt Nam.

4. Một số giải pháp đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và tương lai

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và trong tương lai, đòi hỏi cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quan trọng sau:

Cải cách chính sách trọng yếu:Các chính sách cần cải cách liên quan đến nhiều vấn đề, như: đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kết nối; thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo và duy trì nguồn nhân lực chất lượng có tay nghề cao.

Phát triển kinh tế bền vững. Nhìn xa hơn các nội dung về tăng trưởng; về phát triển bền vững và chia sẻ thịnh vượng; chú ý tới các chương trình về dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, đô thị hóa và hạn chế của hạ tầng giao thông, ô nhiễm không khí. Giải quyết được những vấn đề này sẽ tạo ra tăng trưởng và thu nhập cao hơn. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và để chuyển đổi sang kinh tế hiện đại tiên tiến, Việt Nam cần tập trung vào tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.

Giảm lãi suất. Thời gian vừa qua nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã thực hiện cuộc đua giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, trong đó có Mỹ, châu Âu, Nhật và các quốc gia khác. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm lãi suất điều hành, từ đó làm giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Điều kiện thuận lợi để thực hiện giảm mạnh lãi suất đó là lạm phát năm 2019 ở mức rất thấp 2,79% (thấp nhất trong hơn 10 năm qua). Việc giảm lãi suất không chỉ kích thích đầu tư mà còn kích thích tiêu dùng. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đi vay với lãi suất cao hơn nhiều (Hình 4) so với các nước trong khu vực. Rõ ràng đây là yếu tố bất lợi làm tăng chi phí của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, lãi suất cao còn là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước (NSNN). Theo Dự toán ngân sách năm 2020, chi trả lãi là 118.192 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng chi ngân sách nhà nước.

                                                                   Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Cải cách thuế. Việt Nam đã thực hiện việc giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có lộ trình từ 32% xuống còn 20% hiện nay. Tuy nhiên, đó vẫn là con số cao nếu so với 17% của Singapore. Do đó, trong thời gian tới, thuế TNDN cần phải được giảm thêm từ 1% đến 2% để tạo thêm sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Điều này cũng giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại sức khỏe, như: rượu, bia và thuốc lá. Việc này không chỉ góp phần tăng thu cho NSNN, mà còn làm giảm số lượng người dùng, từ đó, giảm số lượng bệnh nhân và giảm chi phí của toàn xã hội vào việc khám và chữa bệnh.

Ngoài các giải pháp trên, Việt Nam cần phải tiếp tục tích cực phòng chống tham nhũng; ngăn chặn tình trạng quan liêu; ổn định các yếu tố vĩ mô như: chính trị, lạm phát, tỷ giá hối đoái…; ký kết các hiệp định thương mại để tìm kiếm thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Có như vậy, hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh và bền vững, việc làm được tạo ra nhiều hơn, đời sống của người dân ngày càng cải thiện và tốt đẹp hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Xuân Phúc (30/12/2019). Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
  2. Nguyễn Phú Tụ và Huỳnh Công Minh (ngày 15/04/2010). Mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ 1, Khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  3. Pinelopi Goldberg (30/09/2019). Nhìn lại thành công và thách thức với Việt Nam. Khai thác trực tiếp từ https://blogs.worldbank.org/vi/developmenttalk/nhin-lai-thanh-cong-va-thach-thuc-voi-viet-nam
  4. customs.gov.vn
  5. gso.gov.vn
  6. sbv.gov.vn
  7. worldbank.org

Solutions for Vietnam’s economic growth in 2020

            Master. Phan Ngoc Tan

Facultty of Finance and Banking Ho Chi Minh City Open Universitty

ABSTRACT:

In 2019, Vietnam is one of the fastest-growing of the world’s economices with the GDP growth rate of 7.02%. Vietnam also achieved many economic achievements in last year including an increase in labor productivity. While the country experienced a recorded trade surplus of 10 billion USD, the national foreign exchange reserves increased to 80 billion USD and the remittances reached 16.7 billion USD. In addition, the country ranked 67th, up 10 spots in the 2019 Global Competitiveness Index. In 2020, the Goverment of Vietnam sets a target of 6.8% GDP growth, equivalent to 2019.

However, this GDP’s growth rate goal is a challenge for the country as Vietnam mainly produces and exports low value-added products. Moreover, the international environment becomes more volatile and stressful. To achieve its set economic goals, Vietnam needs to implement many measures simultaneously including policy reform, sustainable economic development, decrease in interest rates, tax reform, prevention of corruption and ensuring the macroeconomic stability. This article focuses on these mentioned contents and presents some solutions.

Keywords: GDP, economic growth, trade balance, remittances, credit growth.