Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dự án tại Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang

Nguyễn Tuấn Linh (Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang)

Tóm tắt:

Quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài rất phức tạp, nên việc nghiên cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý dự án là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang là cơ quan quản lý, điều phối các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài; vận động các nguồn đầu tư từ các nhà tài trợ quốc tế. Bài viết này nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dự án tại Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang.

Từ khóa: Công tác quản lý dự án, dự án vốn nước ngoài, tỉnh Tuyên Quang.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư là hoạt động chính quyết định sự tăng trưởng và phát triển, trong đó công tác quản lý dự án đầu tư là khâu then chốt. Để đảm bảo hoạt động đầu tư có hiệu quả, việc hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư ngày càng được chú trọng và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam; trong đó có những dự án vốn ODA đầu tư vào phát triển nông nghiệp và nông thôn. Các dự án này đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Việt Nam, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, công tác quản lý các dự án có nguồn vốn ODA vẫn còn nhiều bất cập, tính hiệu quả chưa cao.

Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang là cơ quan quản lý, điều phối các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài; vận động các nguồn đầu tư từ các nhà tài trợ quốc tế. Bên cạnh đó, là một tổ chức mới được thành lập và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài rất phức tạp nên việc nghiên cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý dự án là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

2. Thực trạng công tác quản lý dự án tại Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang (PCU)

2.1. Các kết quả đạt được

Thứ nhất, PCU đã thực hiện rất tốt công tác quản lý tài chính. Cụ thể:

- Phân bổ nguồn vốn Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ, Đóng góp của người hưởng lợi; Giải ngân theo hợp phần đều đạt và vượt yêu cầu.

- Hệ thống kiểm soát nội bộ của dự án được hoàn thiện và hoạt động hiệu quả.

- Bộ máy kế toán tại PCU được kiện toàn, bảng phân công hướng dẫn công tác kế toán rõ ràng và được cập nhật kịp thời theo yêu cầu công việc từng giai đoạn.

- Các gói thầu có cùng tính chất đã được gộp lại thành một gói thầu có quy mô lớn hơn để áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh hơn để đảm bảo tính hiệu quả và cạnh tranh trong đấu thầu.

Thứ hai, công tác quản lý tiến độ và thời gian được thực hiện một cách nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Thứ ba, công tác quản lý chất lượng dự án được thực hiện một cách thường xuyên. Chất lượng dự án đạt yêu cầu.

Thứ tư, các mục tiêu của dự án đều được hoàn thành.

Cụ thể đối với giai đoạn 2011-2016 (Dự án Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang):

- Tỷ lệ nội hoàn vốn về kinh tế (EIRR) đạt rất cao, trong đó, EIRR tổng thể của cả dự án đạt 23,17%, vượt chỉ tiêu đề ra trong thiết kế dự án là 20%; giá trị ngày công của các hộ nông dân từ các hoạt động liên quan đến các chuỗi giá trị của dự án tăng trong khoảng từ 70,5 nghìn đến 284,7 nghìn đồng (bằng 3,2 đến 12,96 USD), cao hơn mức tăng về giá trị ngày công của các hộ nông dân ngoài dự án từ 1,13 đến 1,89 USD; EIRR của các doanh nghiệp Quỹ CBG (Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp) đạt bình quân 128,0% và của các THT hưởng lợi từ CSG (Quỹ Tiểu cạnh tranh) đạt giá trị của EIRR bình quân bằng 255,2% và 5 công trình hạ tầng công có giá trị EIRR bình quân là 428,2%.

- Tỷ lệ hộ thiếu đói đã giảm 25,2% trong 6 năm (từ 27,3% năm 2011 xuống còn 2,1% năm 2016).

- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng mãn tính giảm 11,5% (từ 46,8% năm 2011 xuống còn 35,3% năm 2016), vượt chỉ tiêu là giảm 10%.

- Chỉ số tài sản hộ cũng có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là tỷ lệ hộ sử dụng một số tài sản, như: tủ lạnh tăng 35,9%, điện thoại di động tăng 23,3% và một số tài sản giúp các hộ sản xuất và kinh doanh như xe tải, ô tô, máy cày và máy tuốt lúa tăng 21,8%, xe máy tăng 12% và TV tăng 9,7%.

- Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án đã giảm 41,6% (từ 61,7% năm 2011 xuống còn 20,1% năm 2015) đạt 139% so với chỉ tiêu đặt ra; và tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt 4,6%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra 4%/năm.

Giai đoạn 2017 - 2019, các dự án khác đang được đề xuất để thu hút vốn đầu tư cho tỉnh Tuyên Quang bao gồm:

+ Dự án Sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc.

+ Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi, trung du Việt Bắc sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA).

+ Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á.

+ Dự án Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị vì người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang (Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Kông-Lan Thương).

+ Các dự án của tổ chức phi chính phủ (NGO);

+ Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang (KOICA), là dự án duy nhất trong giai đoạn đã ký biên bản ghi nhớ.

2.2. Hạn chế

- Chậm trễ trong quá trình giải ngân nguồn vốn IFAD, cụ thể chậm trễ xe cộ, trang thiết bị, vật tư (98%), Quỹ phát triển cộng đồng (99%); Quỹ hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (96%).

- Thiếu sự phối hợp, lồng ghép giữa các dự án IFAD và các chương trình, dự án khác.

Việc phối hợp, lồng ghép giữa các dự án do IFAD tài trợ và các chương trình, dự án khác được thực hiện trên cùng một địa bàn, vào cùng một thời điểm chưa được quan tâm đúng mức do chưa có cơ quan đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm gắn kết giữa các chương trình, dẫn đến việc trùng lặp, thiếu sự kế thừa và lãng phí thời gian của các bên. Hơn nữa, mỗi chương trình, dự án đều có quy trình, thủ tục riêng, dẫn đến tạo áp lực về công việc cho cán bộ cấp cơ sở.

- Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy tại các thôn bản thực thi dự án đều thành lập các nhóm vận hành, bảo dưỡng công trình và tổ chức tập huấn cho họ về công tác duy tu, bảo dưỡng công trình, nhưng do trình độ nhận thức và ý thức của người sử dụng còn kém nên công tác quản lý, duy tu và bảo dưỡng công trình chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy, một số công trình chỉ sau một thời gian ngắn bàn giao đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp nhanh, tuổi thọ công trình giảm.

- Công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, chất lượng và hiệu quả dự án còn buông lỏng.

Trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án do IFAD tài trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chưa được tiến hành thường xuyên mà mới chỉ được tiến hành khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy khó phát hiện được các sai sót để có biện pháp ngăn chặn và hỗ trợ kịp thời cho các dự án. Bên cạnh đó, công tác theo dõi các dự án mới dừng lại ở việc báo cáo tiến độ, tình hình giải ngân nhằm phục vụ yêu cầu của cấp trên và nhà tài trợ để được giải ngân vốn.

2.3. Nguyên nhân hạn chế

Năng lực cán bộ: Các cán bộ còn thiếu kinh nghiệm với các phương pháp tiếp cận và công cụ sáng tạo được dự án đưa vào, đặc biệt trong các năm đầu thực hiện dự án, dẫn đến chậm trễ đưa ra các hướng dẫn thực hiện (Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp, Quỹ Tiểu cạnh tranh, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển) và thực hiện chậm trong 2-3 năm đầu.

Các thể chế hỗ trợ thực hiện: Việc phân bổ vốn ODA và đối ứng Chính phủ chậm và thiếu từ Chính phủ Trung ương đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình lập kế hoạch, thực hiện và hoàn thành dự án.

Tiếp cận các đối tượng hưởng lợi: Khó khăn trong việc tiếp cận các nhóm dân tộc thiểu số và một số huyện do việc xa xôi hẻo lánh của một số huyện dự án như Na Hang và Lâm Bình; sự khác biệt về văn hóa và hạn chế về nguồn lực như ít đất nông nghiệp và thiếu vốn của một số nhóm dân tộc như Dao, Sán Chày,... đòi hỏi phải có các cách tiếp cận khác biệt.

Biến đổi khí hậu: Mưa nhiều trong mùa hè và lạnh vào mùa đông xảy ra trong một số năm đã ảnh hưởng không tốt đến cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Sự tham gia của khối tư nhân: Hầu hết các chuỗi giá trị được dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ đều có quy mô nhỏ và phân tán trong nhiều huyện và xã khác nhau, cùng với việc đa số các doanh nghiệp có mặt tại địa phương là nhỏ và vừa đã gây khó khăn cho dự án trong việc tìm các doanh nghiệp đầu tàu có năng lực tốt cho các chuỗi giá trị.

3. Một số giải pháp hoàn thiện công tác công tác quản lý dự án tại PCU

3.1. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn

- Chú trọng kế hoạch đào tạo mới cán bộ trẻ để đưa vào quy hoạch, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho đội ngũ cán bộ. Ngoại ngữ là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ cán bộ PCU vì công việc thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các đối tác nước ngoài. Việc thành thạo ngoại ngữ giúp cho các cán bộ nhân viên tự tin hơn trong hoạt động chuyên môn và dễ dàng hơn trong việc giao tiếp, diễn đạt ý kiến.

- Để việc thực hiện các nội dụng công việc thống nhất trong toàn Ban và triển khai trong các phòng chức năng, cần thiết phải xây dựng quy trình công tác và quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách công việc của mình. Phải quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách công việc được giao, có khen thưởng kỷ luật nghiêm minh và công bằng. Cán bộ trực tiếp thực hiện nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới tùy thuộc vào mức độ vi phạm của cán bộ đó mà có các hình thức kiểm điểm tương xứng.

Ví dụ như cán bộ tổ chuyên gia đấu thầu - thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công một hạng mục công trình còn sai sót, dẫn đến tăng dự toán công trình thì lãnh đạo tổ cũng phải chịu trách nhiệm cùng với cán bộ vi phạm của mình, có thể là bị giảm điểm thi đua, hoặc giảm mức thưởng, nặng hơn thì bị giảm lương,...

- Đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần để cho cán bộ yên tâm công tác để họ chuyên tâm vào công tác chuyên môn, hạn chế tiêu cực.

- Tập trung xây dựng văn hóa làm việc nơi công sở, quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để nâng cao sức khỏe và tinh thần, đồng thời tạo điều kiện để mọi người gắn kết, trao đổi học hỏi lẫn nhau.

3.2. Nâng cao nhận thức đúng đắn về bản chất nguồn vốn ODA

Thứ nhất, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang coi nguồn vốn ODA là một trong những nguồn huy động của quốc gia dựa trên nguyên tắc thương mại, nghĩa là phần vay ưu đãi mà các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (như lãi suất và thời gian ân hạn) phải được triệt để tận thu cho ngân sách nhà nước, không để thất thoát dưới dạng ưu đãi lại (cấp phát ngân sách), đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước có khả năng tạo vốn, sinh lời.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình,... hoặc các cuộc họp để các cán bộ trực tiếp tham gia dự án và người hưởng lợi hiểu đúng được bản chất, yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, để thu hút và sử dụng nguồn vốn đạt được hiệu quả cao.

Thứ ba, Bộ Tài chính là người nắm giữ đầu vào của nguồn vốn này, phải chủ động xây dựng lại “Quy chế cho vay lại nguồn vốn ODA”, dựa trên nguyên tắc tín dụng thương mại hiện hành nhằm gắn chặt trách nhiệm sử dụng vốn với nghĩa vụ trả lãi và nợ gốc khi đến hạn cho ngân sách nhà nước, chỉ có như vậy chúng ta mới nâng cao được năng lực trả nợ quốc gia trong thời gian tới.

Thứ tư, không vay ODA bằng mọi giá và tăng cường giám sát sử dụng vốn ODA. Việc vay vốn ODA sẽ được thắt chặt theo hướng kiên quyết từ chối các khoản vay nếu thấy không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp. Không vay thương mại ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn. Đồng thời, cần chủ động hơn trong việc vay vốn để tránh bị chi phối bởi các yếu tố ràng buộc, sự can thiệp quá sâu của các đối tác nước ngoài. Bản thân các Bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chất lượng, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA và chịu trách nhiệm khi phê duyệt chương trình, dự án đó.

3.3. Nâng cao năng lực trong việc thu hút và sử dụng ODA

- PCU nên chủ động kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án của tỉnh Tuyên Quang. Để chủ động kêu gọi nguồn vốn, điều cần thiết PCU phải thường xuyên khảo sát những vấn đề, lĩnh vực cần đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Trên kết quả khảo sát, xây dựng phương án khả thi và tiến hành kêu gọi thu hút nguồn vốn ODA để thực hiện được các mục tiêu đặt ra. Mặt khác, cần phải có bộ phận chuyên trách để thực hiện công việc này.

- Tổ chức hội thảo, hội nghị với các tổ chức tài trợ, giới thiệu nhu cầu sử dụng nguồn vốn ODA của tỉnh trên mạng internet, trên các phương tiện thông tin khác như giới thiệu trên sách, tạp chí, báo, tổ chức hội thảo để kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, cũng như các nhà tài trợ song phương và đa phương trên thế giới.

- Làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các dự án ODA trên địa bàn tỉnh. Tích cực thúc đẩy tiến độ xây dựng và bảo đảm hiệu quả các dự án ODA đang thực hiện. Trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và bảo đảm hiệu quả các dự án đã được đầu tư để tạo điều kiện tăng mức đầu tư, hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án do các tổ chức song phương, đa phương tài trợ.

- Tăng cường huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, đồng thời xây dựng cơ chế vận động thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo vận động xúc tiến đầu tư trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương và những lĩnh vực cần ưu tiên cho đầu tư phát triển trong những năm tiếp theo.

- Huy động mọi nguồn lực để tăng cường công tác vận động các nhà tài trợ.

3.4. Đào tạo, bố trí, sử dụng có hiệu quả cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư và quản lý các dự án ODA

- Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại có trình độ chuyên môn về kinh tế và quản lý giỏi, có trình độ về ngoại ngữ, tin học, có đầy đủ bản lĩnh và năng lực để sẵn sàng hợp tác và làm việc trong các chương trình, dự án ODA.

- Các ngành, các cấp phải kiện toàn và tăng cường năng lực cán bộ cũng như năng lực quản lý điều hành của các ban quản lý dự án ODA và bảo đảm đủ cán bộ làm việc cho các đơn vị này. Thực hiện phân cấp, phân quyền một cách minh bạch giữa chủ đầu tư và các ban quản lý dự án.

- Thực hiện chính sách thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn, có kỹ năng làm công tác kinh tế đối ngoại, cần có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ có nghiệp vụ kinh tế đối ngoại, có năng lực, đáp ứng các yêu cầu chuyên môn về quản lý, điều hành và bố trí phù hợp để thực hiện tốt các chương trình, dự án ODA.

- Kết hợp đào tạo mới, đào tạo lại, tranh thủ các nguồn tài trợ, học bổng, khuyến khích du học tự túc để tăng nhanh lực lượng chuyên gia khoa học công nghệ, nhà kinh doanh, quản lý giỏi, đội ngũ công chức có năng lực. Có chính sách ưu đãi đặc biệt và ngân sách dành một khoản kinh phí hợp lý, thỏa đáng để thu hút nguồn chất xám, nhân tài từ bên ngoài vào làm việc tại tỉnh, bổ sung nguồn cho các dự án ODA.

- Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý. Khuyến khích phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong hàng ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước và quản lý kỹ thuật.

- Tập trung quản lý theo phương pháp quản lý dựa trên kết quả. Với phương pháp quản lý này sẽ thúc đẩy năng suất, hiệu quả công việc cho cán bộ nhân viên.

3.5. Tăng cường công tác giải ngân vốn cho dự án nguồn vốn ODA

- Để tạo chuyển biến lớn trong công tác giải ngân, các bộ, ngành và tỉnh Tuyên Quang cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, chỉ đạo các chủ dự án thực hiện đúng tiến độ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và sử dụng hiệu quả vốn đối ứng hàng năm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

- Bố trí vốn đối ứng cần được tính toán, xác định rõ ngay từ khi bắt đầu để đảm bảo tính khả thi của dự án, xây dựng cơ chế tạo vốn dự phòng trong ngân sách nhà nước riêng cho các dự án ODA, đáp ứng kịp thời vốn cho việc chuẩn bị dự án, giảm bớt tính bị động trong điều hành vốn đối ứng và quy định về mức chi tiêu vốn đối ứng cho các dự án ODA hợp lý.

- Cần ban hành hướng dẫn về phân bổ, quản lý, thực hiện và giám sát việc giải ngân vốn đối ứng cấp phát từ ngân sách cho các chương trình dự án ODA, vốn vay ưu đãi, trong đó có chính sách ưu tiên đối với từng ngành, lĩnh vực và địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Điều phối Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang, Kết quả thực hiện các hoạt động của Dự án năm 2017 phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
  2. Ban Điều phối Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang, Kết quả thực hiện các hoạt động của Dự án năm 2018 phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
  3. Ban điều phối Các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang (2019), Kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019.
  4. Sangkijin, Korea Student Aid Foundation (KOSAF), South Korea & Cheolh.Oh, Soongsil University, South Korea, “revisiting effects and stratregies of officia development assistance (ODA): apnet analysis”, © International Review of Public Administration 2012, Vol. 17, No. 3.
  5. Lê Thị Phương (2013), Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Ban Quản lý dự án huyện Thanh Trì - Hà Nội. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  6. Từ Quang Phương (2005), Giáo trình Quản lý dự án đầu tư, Nhà Xuất bản Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  7. Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn viện trợ chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
  8. Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
  9. Quyết định số 2426/QĐ-TTg ngày 28/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025.
  10. Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020".
  11. UBND tỉnh Tuyên Quang (2017), Báo cáo kết thúc Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang.
  12. UBND tỉnh Tuyên Quang (2018), Quyết định số 336/QĐ-UBND thành lập Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang.

Some solutions to improve the effectiveness of project management of the Coordination Committee of Foreign-invested Projects of Tuyen Quang province

Nguyen Tuan Linh

Coordination Committee for Foreign-invested Projects of Tuyen Quang Province

Abstract:

Managing foreign-invested projects is a very complicated task. Hence, it is necessary to find out solutions to improve the effectiveness of project management in the current context. Coordination Committee for Foreign-invested Projects of Tuyen Quang Province is assigned to manage, coordinate programs and projects which use foreign capital, and mobilize investment sources from international donors. This article studies and provides some solutions to enhance the effectiveness of project management of the Coordination Committee of Foreign-invested Projects of Tuyen Quang province.

Keywords: Project management, foreign-invested project, Tuyen Quang Province.