TÓM TẮT:
Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước những thách thức lớn. Điều đó đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho khối doanh nghiệp này cần duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Từ khóa: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường, kinh doanh, kinh tế, nguồn nhân lực.
I. Đặt vấn đề
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. DNVVN là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và kỹ năng trong nước, sự phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tiến bộ khoa học với khả năng thu hút lao động rất lớn, giảm thiểu gánh nặng từ những tiêu cực của xã hội. Ở Việt Nam, với nền kinh tế đang phát triển, sự tập trung hóa trong sản xuất còn thấp, DNVVN đóng góp đáng kể trong việc tạo ra sản phẩm và GDP. Cùng với đó, Việt Nam còn là một nước đông dân (trên 90 triệu dân/331.212 km2 ), tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao, do đó sự phát triển của DNVVN sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quá trình phát triển của DNVVN đồng nghĩa với quá trình nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc tạo ra chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cao của nền kinh tế thị trường đến một mức độ nào đó và đóng góp giá trị không nhỏ cho quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của nước ta. Sự phát triển của DNVVN có vai trò quan trọng cho quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa (CNH, HĐH) đất nước cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, 20% số DNVVN đang hoạt động có thể trụ được trong cạnh tranh, 60% số doanh nghiệp (DN) đang cố gắng để tồn tại và 20% đã bị giải thể hoặc ngừng hoạt động. Số DN gặp khó khăn rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều do những thách thức của nền kinh tế đã và đang loại khỏi thị trường những DN yếu kém, không đủ sức tồn tại và không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Có thực tế như trên, ngoài ảnh hưởng của kinh tế cả nước cũng như toàn cầu, năng lực của đội ngũ lao động DNVVN cũng đóng góp một phần không nhỏ. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự toàn cầu hóa kinh tế quốc tế ngày càng sôi động. Sự ra đời của nền kinh tế tri thức đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực (NNL) đối với sự phát triển có hiệu quả của DNVVN.
Đứng trước thời kỳ hội nhập, việc phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao là vấn đề sống còn của DNVVN, bởi đây là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao tính ổn định và năng động của các doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực cho DNVVN có chất lượng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay và cũng là một bài toán đang đặt ra đối với Nhà nước và các cơ quan quản lý. Phát triển nguồn nhân lực DNVVN được hiểu là việc phát triển nguồn nhân lực cho DNVVN thông qua chính sách, giải pháp của các cơ quan quản lý. Đây là quá trình phát triển về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực DNVVN đáp ứng yêu cầu vị trí công việc trong tương lai để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương, thành phố.
II. Thực trạng nguồn nhân lực của DNVVN
Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, DNVVN là loại hình DN chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình DN này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Cụ thể, về lao động, hàng năm, DNVVN tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các DNVVN tư nhân đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Sự đóng góp đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác. Do vậy, đã tạo ra 40% cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư có hiệu quả nhất trong việc huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, khối DNVVN còn tồn tại một số hạn chế cố hữu trong đó phải nói đến bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động trong các DN này. Theo số liệu thống kê, có tới 55,63% số chủ DN có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Cụ thể, tiến sỹ chiếm 0,66%; thạc sỹ 2,33%; tốt nghiệp đại học 37,82%; tốt nghiệp cao đẳng chiếm 3,56%; tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp chiếm 12,33% và 43,3% có trình độ thấp hơn. Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực DNVVN, do vậy các DNVVN càng rơi vào vị thế bất lợi. Điều đáng chú ý là đa số các chủ DN, ngay cả những người có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên thì cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị DN, các lớp về pháp luật trong kinh doanh..., điều này có ảnh hưởng lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro pháp lý của các DN Việt Nam.
Nhìn nhận ra được lỗ hổng này, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các bộ, tổ chức hiệp hội và sự đồng thuận của cộng đồng DNNVV. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV đã tạo được sự phát triển lớn về chiều rộng và từng bước hướng vào đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và vào chất lượng đào tạo. Trong 3 năm 2014-2016, kết quả từ hoạt động này như sau:
Một kết quả rõ nét là hầu hết các học viên đều cho rằng, khả năng và năng lực kinh doanh của họ được cải thiện đáng kể sau khi tham dự các khóa đào tạo. Sự tự tin trong quản lý và điều hành hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN là tiến bộ rõ rệt nhất. Chương trình này đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cán bộ chủ chốt trong DN về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho DNVVN. Hoạt động đào tạo triển khai tại các đơn vị bước đầu mang lại hiệu quả và tác động nhất định cho các học viên, đặc biệt là học viên tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn tham gia tích cực các khóa đào tạo. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, chương trình đã bộc lộ một số hạn chế chính như sau: Ngân sách dành cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV còn hạn hẹp, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đào tạo của các DNNVV; Nội dung của các khóa đào tạo mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản về khởi sự doanh nghiệp, cũng như những kiến thức tổng quan về quản lý doanh nghiệp; Nội dung thiết kế còn khá đơn giản, phương pháp giảng dạy còn đơn điệu, thời gian thảo luận, giải đáp vướng mắc còn chưa nhiều.
III. Giải pháp
Một là, thực hiện hoạt động phát triển nghề nghiệp cho người lao động: DNNVV cần giúp nhân viên thấy rõ những cơ hội nghề nghiệp và động viên họ tự nhìn nhận về bản thân trong quá trình lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp của mình. DN cần lập kế hoạch bổ nhiệm cán bộ, có kế hoạch hỗ trợ họ thực hiện kế hoạch nghề nghiệp. Mặt khác, DN cần khuyến khích cá nhân có trách nhiệm trong phát triển nghề nghiệp của mình…
Hai là, thực hiện chính sách thu hút và duy trì những người lao động giỏi. Những chính sách khen thưởng và ghi nhận phù hợp này sẽ làm nhân viên hài lòng và thu hút được nhân viên mới. Để có nhân viên giỏi, DNNVV cần thực hiện thu hút ứng viên từ nhiều nguồn, tránh tình trạng chỉ sử dụng người nhà vì có nhiều hạn chế. Việc tuyển dụng đòi hỏi phải theo đúng quy trình tuyển dụng.
Ba là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng quản trị kinh doanh cho các DNNVV. Bộ Lao động Thương binh và xã hội (Tổng Cục dạy nghề) đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cho doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu lao động từ thô sơ sang lao động có tay nghề trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của DNNVV trong giai đoạn mới. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề trong đào tạo và giải quyết việc làm. Phát triển đồng bộ thị trường lao động; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, các hình thức thông tin thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật. Thực tiễn trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp hội viên và các hiệp hội địa phương phản ánh về Hiệp hội những khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, do không có nguồn lực, đội ngũ cán bộ không có kỹ năng, không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, vì vậy trong nội dung bồi dưỡng tăng cường cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị ngoài việc tập trung đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, cần tăng cường dành nhiều thời lượng cho chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp này. Đặc biệt là bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hiệp hội doanh nghiệp địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Năm là, đối với công tác quản trị nhân lực, cần: nâng cao chất lượng đội ngũ nhà quản lý. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của các cơ quan ban, ngành nhà nước trong công tác đào tạo nhà quản lý DN; hoàn thiện công tác tuyển dụng nhân sự. Các DNNVV ở Hà Nội nên tuyển dụng nguồn nhân lực từ các trường đào tạo, để tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời hoàn thiện chế độ lương bổng, đãi ngộ và chính sách bảo hiểm cho người lao động, nhằm củng cố mối quan hệ hữu cơ giữa họ với DN. Đây là nhân tố quyết định, không chỉ đảm bảo cho cuộc sống hiện tại, mà còn cho cả tương lai của người lao động.
Sáu là, hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNVVN. Theo đó, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách vĩ mô nhằm khuyến khích phát triển DNNVV, hình thành quỹ phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ về kinh phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các tổ chức quốc tế trợ giúp cho các DNNVV bằng các hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về quan hệ lao động. Bộ Luật Lao động cũng cần có những quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ DN, có những chế tài cần thiết để xử lý các vi phạm của người lao động tự ý bỏ việc hoặc thôi việc; Tạo điều kiện để đại diện lao động và chủ sử dụng lao động tham gia xây dựng chính sách về lao động và phát triển thị trường lao động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Thị Duyên, Bài toán phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV, http://tapchitaichinh.vn, 17/10/2014.
2. Phạm Thị Minh Nghĩa, Một số hạn chế liên quan đến sự phát triển của DNNVV Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, http://sokehoach.onme.vn, 13/10/2015.
3. Nguyễn Vân Điềm và Nguyễn Ngọc Quân (2004). Giáo trình quản trị nhân lực. Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Hà Nội, trang 8.
SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF HUMAN
RESOURCES OF VIETNAMESE SMES
Master. TRAN THI HUYEN TRANG
Faculty of Business Administration, Hanoi Community College
ABSTRACT:
The wide and deep international economic integration of Vietnam in recent years has created many business opportunities for domestic enterprises in expanding their markets and absorbing international business experience. However, this integration process also brings challenges to these domestic enterprises, particularly small and medium-sized ones which account for the majority of Vietnamese enterprises. Therefore, it is essential for Vietnamese small and medium-sized enterprises (SMEs) to find solutions to maintain and improve the quality of their human resources in order to operate profitably in the context of an increasingly competitive market.
Keywords: Small and Medium-sized enterprises (SMEs), market, business, economy, human resources.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây