TÓM TẮT:
Bài viết "Giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam" nhằm mục đích tìm hiểu và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, một vấn đề ngày càng phổ biến và đáng lo ngại ở Việt Nam. Việc rút BHXH một lần mang lại lợi ích ngắn hạn cho người lao động (NLĐ) nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro lâu dài, như mất cơ hội hưởng lương hưu, không được bảo hiểm y tế (BHYT) bảo vệ khi ốm đau và thiếu sự ổn định tài chính khi về già. Bài viết phân tích các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, bao gồm nhận thức chưa đầy đủ của NLĐ về lợi ích của việc tham gia BHXH dài hạn, áp lực kinh tế cá nhân và sự thiếu hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục về BHXH. Dựa trên những phân tích này, bài viết đề xuất một số giải pháp như: cải thiện công tác truyền thông và tư vấn trực tiếp cho NLĐ, tăng cường hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH. Mục tiêu nhằm giúp NLĐ hiểu rõ hơn về lợi ích của BHXH dài hạn, từ đó giảm thiểu xu hướng rút BHXH một lần, góp phần bảo vệ quyền lợi của NLĐ và đảm bảo sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) tại Việt Nam.
Từ khóa: bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động.
1. Đặt vấn đề
Chính sách, pháp luật về BHXH một lần ở Việt Nam đã trải qua nhiều lần sửa đổi và hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tiễn. Lần gần đây nhất, Luật BHXH năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua và tiếp theo đó là Nghị quyết số 93/2015/QH13 ban hành vào ngày 22 tháng 6 năm 2015, quy định về thực hiện chính sách BHXH một lần đối với NLĐ. Ngày 11 tháng 11 năm 2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết một số chế độ BHXH bắt buộc, bao gồm cả BHXH một lần.
Theo các văn bản pháp luật trên, NLĐ tham gia BHXH có quyền rút BHXH một lần trong các trường hợp cụ thể như: đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH; NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc NLĐ tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; người ra nước ngoài định cư; người mắc bệnh hiểm nghèo, v.v. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc rút BHXH một lần có thể gây ra nhiều thiệt thòi cho NLĐ về lâu dài, như mất cơ hội hưởng lương hưu, không được cấp thẻ BHYT miễn phí và chịu rủi ro về thu nhập khi về già.
Bên cạnh tác động trực tiếp đến NLĐ, tình trạng rút BHXH một lần còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hệ thống BHXH quốc gia và ASXH. Do đó, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa tình trạng này. Ví dụ, ở Thái Lan và Ấn Độ, NLĐ chỉ được nhận BHXH một lần trong những điều kiện nhất định và ở Trung Quốc, mặc dù có quyền lựa chọn rút BHXH một lần, nhưng Chính phủ khuyến khích duy trì việc đóng góp. Tại Đức, quy định rút BHXH một lần rất nghiêm ngặt, chỉ cho phép NLĐ nhận phần đóng góp của bản thân nếu chưa đủ 5 năm đóng BHXH.
2. Thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần ở nước ta
Quy định về việc rút BHXH một lần đã có từ lâu trong các chính sách và pháp luật về BHXH của nước ta qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này đang diễn biến phức tạp và số lượng người tham gia rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Điều này được thể hiện rõ ràng qua bảng số liệu thống kê dưới đây: (Bảng 1)
Bảng 1. Số người tham gia BHXH và số người rút BHXH một lần
giai đoạn 2016 - 2022
Năm |
Số lao động tham gia BHXH (1000 người) |
Tăng so với năm trước (1000 người) |
Số lao động rút BHXH một lần (người) |
Tăng so với năm trước (người) |
2016 |
13.506 |
- |
624.603 |
- |
2017 |
13.820 |
314 |
666.055 |
41.452 |
2018 |
14.724 |
904 |
666.476 |
421 |
2019 |
15.762 |
1.038 |
707.183 |
40.707 |
2020 |
16.162 |
400 |
761.080 |
53.897 |
2021 |
17.816 |
1.654 |
863.446 |
102.366 |
2022 |
19.407 |
1.591 |
897.487 |
34.041 |
Nguồn: BHXH Việt Nam
Theo số liệu Bảng 1 cho thấy, số người tham gia BHXH giai đoạn 2016-2022 đều tăng qua các năm, song số người hưởng BHXH một lần cũng tăng, nhưng tốc độ tăng lại nhanh hơn so với tốc độ tăng số người tham gia BHXH. Nếu xét theo độ tuổi, ta có Bảng số liệu sau: (Bảng 2)
Bảng 2. Tỷ lệ người hưởng BHXH một lần theo độ tuổi giai đoạn 2016 - 2022
(Đơn vị tính: %)
Độ tuổi |
2016 |
2018 |
2020 |
2022 |
Từ đủ 20 tuổi trở xuống |
0,16 |
0,19 |
0,23 |
0,25 |
Từ 20 tuổi đến đủ 30 tuổi |
39,20 |
40,18 |
42,06 |
42,70 |
Từ 30 tuổi đến đủ 40 tuổi |
39,04 |
39,14 |
39,03 |
38,20 |
Từ 40 tuổi đến đủ 50 tuổi |
16,40 |
17,22 |
17,11 |
18,04 |
Từ 50 tuổi đến đủ 60 tuổi |
5,12 |
2,83 |
1,48 |
0,74 |
Trên 60 tuổi |
0,08 |
0,08 |
0,09 |
0,07 |
Nguồn: BHXH Việt Nam
Từ số liệu Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần chiếm tỷ lệ cao nhất trong độ tuổi từ 20 đến đủ 30 tuổi, chiếm 42,70% vào năm 2022. Thực trạng này có thể giải thích do NLĐ ở nhóm tuổi này chưa có tích lũy về kinh tế, trong khi phải gánh vác trọng trách kiếm thu nhập nuôi sống cả gia đình. Họ bắt đầu phải đứng ra làm chủ gia đình một cách tự lập, con nhỏ, thiếu kinh nghiệm, nghề nghiệp chưa ổn định, hay nhảy việc... Tỷ lệ người hưởng BHXH một lần chiếm tỷ lệ thấp nhất ở độ tuổi trên 60 tuổi, chiếm 0,07% vào năm 2022. Nếu xét về giới tính, ta có bảng số liệu sau: (Bảng 3)
Bảng 3. Số người rút BHXH một lần theo giới tính giai đoạn 2018 - 2022
(Đơn vị tính: Người)
Giới tính |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Nam |
306.214 |
320.708 |
347.515 |
384.462 |
401.087 |
Nữ |
360.262 |
386.475 |
413.565 |
478.984 |
496.400 |
Tổng |
666.476 |
707.183 |
761.080 |
863.446 |
897.487 |
Nguồn: BHXH Việt Nam
Theo số liệu Bảng 3 cho thấy, cả nam và nữ nghỉ hưởng BHXH một lần đều tăng qua các năm giai đoạn 2018 - 2022. Trong đó, nữ giới nghỉ hưởng BHXH một lần cao hơn nam giới. Nguyên nhân do nữ giới luôn có những khoảng thời gian sinh đẻ, nuôi con nhỏ. Sau sinh, nữ giới duy trì hoặc kiếm việc làm mới ngày càng khó khăn hơn so với nam giới. Nhiều nữ giới phải hy sinh mục tiêu lâu dài để thực hiện mục tiêu trước mắt là rút BHXH một lần để khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Nếu xét theo nơi làm việc, ta có bảng số liệu sau: (Bảng 4)
Bảng 4. Số người rút BHXH một lần theo nơi làm việc giai đoạn 2018 - 2022
(Đơn vị tính: Người)
Nơi làm việc |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Nhà nước |
38.450 |
60.425 |
77.752 |
29.835 |
25.378 |
Ngoài nhà nước |
619.979 |
638.879 |
671.433 |
814.001 |
822.489 |
Tự nguyện |
8.047 |
7.879 |
11.895 |
19.610 |
49.620 |
Tổng |
666.476 |
707.183 |
761.080 |
863.446 |
897.487 |
Nguồn: BHXH Việt Nam
Theo số liệu Bảng 4 cho thấy, số lao động rút BHXH một lần chiếm tỷ lệ cao nhất là nơi làm việc ngoài nhà nước, tiếp đến là nhà nước và số người rút BHXH một lần ít nhất là đối tượng tự nguyện.
Như vậy, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng rút BHXH một lần của NLĐ tham gia BHXH có cả do chính sách, pháp luật chưa thật chặt chẽ, do cuộc sống của bản thân NLĐ, nhất là lao động nữ, lao động ở độ tuổi có trách nhiệm lớn đối với gia đình còn nhiều khó khăn. Đồng thời còn có những nguyên nhân do công ăn việc làm của NLĐ ở những khu vực kinh tế khác nhau. Số liệu thực tế cho thấy, những khu vực làm việc không ổn định, thu nhập thấp, NLĐ bị thất nghiệp, nhảy việc nhiều chắc chắn có tác động không nhỏ đến thực trạng rút BHXH một lần. Ngoài ra, còn do công tác tuyên truyền của cơ quan BHXH, các cấp ủy Đảng, chính quyền về vấn đề này chưa thực sự sát sao, hiệu quả chưa cao; chưa động viên, khuyến khích NLĐ, chưa tạo động lực cho NLĐ tiếp tục tham gia BHXH để đủ thời gian hưởng lương hưu. Tâm lý "đám đông" khi rút BHXH một lần đã xuất hiện ở nơi này, nơi khác, kéo theo đó còn do nhận thức của NLĐ về chính sách, pháp luật đối với BHXH, về việc đảm bảo ASXH lâu dài, bền vững cho bản thân và gia đình NLĐ chưa cao.
3. Giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần ở nước ta
3.1. Giải pháp về chính sách, pháp luật
Để giải quyết tình trạng rút BHXH một lần, một trong những giải pháp cần thiết là rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến chính sách BHXH. Cần xem xét lại các quy định về đối tượng hưởng BHXH một lần trong chính sách, pháp luật hiện hành, đồng thời đảm bảo sự tham chiếu với các tiêu chuẩn quốc tế và so sánh với chính sách BHXH của những quốc gia có hoàn cảnh tương đồng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống BHXH bền vững với các quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi lâu dài của NLĐ, đồng thời hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần trước hạn.
Việc tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như các khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giúp Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách BHXH theo hướng đảm bảo ASXH cho NLĐ trong dài hạn. Các tiêu chuẩn này thường khuyến khích việc duy trì quyền lợi BHXH đến khi NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu, nhằm đảm bảo họ có nguồn thu nhập ổn định khi không còn khả năng lao động. So sánh với các quốc gia có hoàn cảnh tương đồng về kinh tế và xã hội, như các nước trong khu vực ASEAN, có thể cung cấp những bài học quý giá. Ví dụ, một số quốc gia đã áp dụng thành công các biện pháp khuyến khích NLĐ duy trì tài khoản BHXH thông qua việc cung cấp các lợi ích bổ sung hoặc hỗ trợ tài chính tạm thời cho những người gặp khó khăn. Điều này giúp NLĐ không cần phải rút BHXH một lần để giải quyết vấn đề tài chính ngắn hạn. Việc sửa đổi Luật BHXH 2014 đối với các vấn đề liên quan đến BHXH một lần là bước quan trọng nhằm điều chỉnh những quy định chưa hợp lý. Đặc biệt, cần rà soát các quy định trong Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội để xác định những điểm cần sửa đổi, đảm bảo tính hợp lý và công bằng cho NLĐ.
Ngoài ra, cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chính sách khác có liên quan như chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ trợ cấp cho NLĐ đang nuôi con nhỏ. Đặc biệt, cần bổ sung các chế độ BHXH ngắn hạn cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách dự phòng rủi ro, đặc biệt khi NLĐ gặp phải thiên tai, dịch bệnh, cũng là yếu tố cần thiết để bảo vệ quyền lợi của NLĐ và giảm thiểu nhu cầu rút BHXH một lần.
3.2. Giải pháp về tổ chức thực hiện
Tăng cường công tác tuyên truyền: việc nâng cao nhận thức của NLĐ về lợi ích dài hạn của việc duy trì tham gia BHXH thay vì rút một lần rất quan trọng. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách rộng rãi và liên tục. Các phương tiện truyền thông gián tiếp như báo, đài, tivi và internet, có ít sự tương tác trực tiếp với NLĐ đã dẫn đến hiệu quả chưa cao và chi phí lớn. Do đó, cần đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác tuyên truyền của ngành BHXH nên tập trung vào các biện pháp tương tác trực tiếp với NLĐ như tư vấn, hội nghị tuyên truyền và tổng đài chăm sóc khách hàng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật BHXH, với số lượng người tham gia làm thước đo hiệu quả. Các biện pháp như tư vấn và hội nghị không chỉ tăng cường tiếp xúc trực tiếp mà còn giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh sống của NLĐ, từ đó đưa ra những thông điệp phù hợp.
Ngành BHXH nên thiết lập các đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, với mỗi quận/huyện có từ 3 đến 5 nhân viên thường xuyên theo dõi địa bàn, nắm bắt thông tin về NLĐ. Đội ngũ này cần có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kỹ năng giao tiếp để tư vấn tại nơi sinh sống và làm việc của NLĐ. Trước khi tư vấn, cần thực hiện rà soát, phân loại đối tượng để lên lịch gặp gỡ và lựa chọn hình thức tư vấn phù hợp. Đặc biệt, cần phối hợp với Cơ quan Bưu điện để mở rộng diện bao phủ của BHXH tự nguyện. Hơn nữa, việc đề xuất bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm Truyền thông của BHXH Việt Nam bao gồm cung cấp thông tin về BHXH cho NLĐ, giám sát hoạt động của đội ngũ tư vấn viên BHXH tự nguyện và xử lý phản ánh từ khách hàng. Trung tâm sẽ tiếp nhận và giải đáp thông tin qua phần mềm, điện thoại, tin nhắn hoặc email, đồng thời có thể đổi tên thành Trung tâm Thông tin Chăm sóc Khách hàng để tạo thiện cảm và tránh nhầm lẫn với các cơ quan báo chí. Ngoài ra, cần cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ BHXH, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với người dân, để tạo môi trường thân thiện và hỗ trợ NLĐ giải quyết các vướng mắc.
Rà soát lại chức năng và nhiệm vụ của cán bộ BHXH: cán bộ BHXH đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng BHXH một lần. Việc xem xét lại chức năng và nhiệm vụ của họ nhằm đảm bảo quy trình tiếp nhận hồ sơ được thực hiện một cách minh bạch, nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ BHXH để họ có thể tư vấn, hỗ trợ NLĐ tốt hơn trong việc lựa chọn các phương án bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh cá nhân.
Phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống NLĐ: phát triển sản xuất kinh doanh không chỉ là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của NLĐ. Khi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tối ưu hóa quy trình và tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, họ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, từ đó cải thiện thu nhập cho NLĐ. Bên cạnh việc cung cấp công việc ổn định, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Điều này bao gồm việc tuân thủ các quy định về lương thưởng, BHXH, chăm sóc sức khỏe và đào tạo nâng cao kỹ năng. Khi đời sống của NLĐ được nâng cao, họ sẽ có động lực và năng suất làm việc tốt hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hơn nữa, nâng cao thu nhập cho NLĐ sẽ tạo khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Phần lớn những NLĐ khu vực phi chính thức, lao động nông thôn, lao động di cư ra thành phố, lao động làng nghề có mức tích lũy thấp, chưa có thói quen tiết kiệm cho BHXH, chi tiêu còn thiếu kế hoạch. Giải pháp cho vấn đề này, Nhà nước và chính quyền địa phương cần có cơ chế, khuyến khích NLĐ nâng cao thu nhập gắn liền với trách nhiệm tham gia BHXH phù hợp với loại hình lao động địa phương. Thực trạng lao động khu vực nông thôn hay lâm vào tình trạng thiếu việc làm, thu nhập bình quân thấp và bếp bênh. Trong khi các làng nghề có thời gian lao động ổn định và thu nhập cao hơn, có những thời điểm thiếu lao động, áp lực thời hạn giao hàng. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương cần phải xem xét đến nhu cầu xã hội, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm và năng lực quản lý kinh tế để người dân có tầm nhìn rộng và toàn diện hơn. Đây là giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của NLĐ. Khi đời sống kinh tế của NLĐ được nâng cao, họ sẽ ít có nhu cầu rút BHXH một lần để giải quyết các khó khăn tài chính ngắn hạn.
Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào BHXH: cơ quan BHXH Việt Nam cần đẩy mạnh hiện đại hóa các công nghệ hỗ trợ, bao gồm hệ thống nhân viên chăm sóc khách hàng, hệ thống trả lời tự động, và hệ thống tra cứu thông tin. Những công nghệ này giúp người dân dễ dàng nắm bắt tình trạng đóng góp, lịch sử hưởng chế độ, cũng như các quy định mới. Hiện tại, BHXH Việt Nam đã có hệ thống chăm sóc khách hàng qua điện thoại, nhưng hiệu quả còn hạn chế và chưa được nhiều người biết đến. Cần tận dụng triệt để các công nghệ này để cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và tạo uy tín cho cơ quan BHXH. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình đăng ký, đóng, và hưởng BHXH. Mục tiêu là nâng cao chất lượng phục vụ, công khai minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, cần hoàn thiện và tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống liên quan để hỗ trợ công tác tra cứu, thẩm định, và hoạch định chính sách hiệu quả hơn.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH sẽ giúp giảm bớt thời gian và chi phí cho NLĐ khi tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm. Cơ quan BHXH cần tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý, tăng cường tính minh bạch và thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nộp hồ sơ và nhận kết quả, qua đó nâng cao sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công.
4. Kết luận
Rút BHXH một lần là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm đối với nhiều NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động đang có những biến động không ngừng. Việc triển khai các giải pháp hợp lý nhằm cải thiện quy trình và điều kiện rút BHXH một lần không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống BHXH. Để giải quyết vấn đề này, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, trong đó có giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, giải pháp tổ chức thực hiện như tăng cường công tác tuyên truyền. Tóm lại, việc tìm ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề rút BHXH một lần không chỉ giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận quyền lợi của mình, qua đó còn góp phần xây dựng một hệ thống BHXH công bằng, hiệu quả hơn. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và chính bản thân NLĐ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. ASXH ở nước ta: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (2012), Kỷ yếu Hội thảo khoa học (Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Lao động - Thương binh xã hội - Tạp chí Cộng sản).
2. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2018), Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
3. BHXH Việt Nam (2021), Tạp chí Bảo hiểm xã hội, số 4/2021.
4. Giải pháp cơ bản để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Truy cập tại http5://laodong.vn/congdoan.
5. Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật số 58/QH13 ngày 20/11/2014.
6. ThS. Lê Thị Quế (2022), Đề tài NCKH cấp Bộ - Thực trạng và giải pháp nhằm giảm tình trạng hưởng BHXH một lần ở Việt Nam.
7. Thu Cúc(2024). Đề xuất tích hợp hai phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/de-xuat-tich-hop-hai-phuong-an-nhan-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-102240527152032545.htm
8. Dương Hưng. (2024). Lý do người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng. Truy cập tại https://tienphong.vn/ly-do-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-tang-post1646308.tpo
9. Ngô Thanh Huyền. (2024). Số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.Truy cập tại https://media.chinhphu.vn/so-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-tiep-tuc-tang-102240614230400291.htm.
10. Bảo hiểm xã hội và cuộc sống: Giải pháp hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. (2024). Truy cập tại https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202404/bao-hiem-xa-hoi-va-cuoc-song-giai-phap-han-che-tinh-trangrut-bao-hiem-xa-hoimot-lan-6181085/
11. Vân Hà. (2024). Rút bảo hiểm xã hội một lần - người lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp.Truy cập tại https://kinhtedothi.vn/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-nguoi-lao-dong-doi-mat-voi-tinh-trang-that-nghiep.html
12. Nhật Anh. (2024). Giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Truy cập tại https://nhandan.vn/giai-quyet-tinh-trang-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-post812387.html
13. Hưng, G. (2024). Phương án tối ưu hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Truy cập tại https://nhandan.vn/phuong-an-toi-uu-han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-post812045.html
14. Dương Liễu. (2024). Số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.Truy cập tại https://tuoitre.vn/so-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-tiep-tuc-tang-20240614133209139.htm
15. Pham Thanh. (2024). Vẫn trăn trở phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.Truy cập tại https://dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/xa-hoi/van-tran-tro-phuong-an-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-662991.html
16. Hà Văn Sỹ (2024). Kỷ yếu hội thảo khoa học “Rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”. Nhà xuất bản Lao động.
Solutions to limit lump-sum social insurance withdrawal in Vietnam
Ph.D Ha Van Sy
Faculty of Business Administration, Trade Union University
Abstract:
This study proposed solutions to limit lump-sum social insurance withdrawal in Vietnam. Lump-sum social insurance withdrawal brings short-term benefits to withdrawers, but it poses many potential long-term risks, such as losing the opportunity to receive pensions, not being protected by health insurance, and lacking financial stability in old age. This study pointed out the main causes leading to lump-sum social insurance withdrawal, including employees' inadequate awareness of the benefits of long-term social insurance participation, personal economic pressure, and ineffectiveness of education and communication about social insurance. Based on the study’s findings, some solutions were proposed, such as improving communication and direct consultation for employees, increasing financial support and preferential policies, and improving the quality of social insurance services. This study is expected to help employees better understand the benefits of long-term social insurance, reduce the lump-sum social insurance withdrawal, protect the rights of employees, and ensure the sustainability of Vietnam’s social security system.
Keywords: social insurance, limit lump-sum social insurance withdrawal, workers.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]