Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại SACOMBANK sau đại dịch Covid-19

ThS. HOÀNG THỊ HẢI YẾN (Viện Đào tạo Quốc tế - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hoạt động tín dụng là một hoạt động sinh lời chủ yếu của Ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Chính vì thế, chất lượng tín dụng là vấn đề quan trọng đối với tất cả các Ngân hàng. Bài viết phân tích thực trạng chất lượng tín dụng tại Sacombank trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và  đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của Ngân hàng sau đại dịch Covid-19.

Từ khóa: chất lượng tín dụng, Sacombank, Covid-19, nợ xấu, nợ quá hạn, dư nợ.

1. Thực trạng chất lượng tín dụng tại Sacombank

1.1. Về tổng dư nợ và kết cấu dư nợ

Dư nợ phân loại theo thời hạn tín dụng (Bảng 1)

Bảng 1: Kết cấu dư nợ phân loại theo thời hạn của Ngân hàng Sacombank (2019 - 2021)

Đơn vị: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Chêch lệch

(2020/2019)

Chêch lệch

(2021/2020)

TỔNG

256,623

296,030

340,268

số tiền

(%)

số tiền

(%)

Nợ ngắn hạn

123.168

153.783

191.203

30.615

24,86

37.419

24,33

Nợ trung hạn

56.710

60.080

53.434

3.370

5,94

-6.646

-11,06

Nợ dài hạn

76.744

82.166

95.632

5.422

7,07

13.465

16,39

(Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 - 2021 của Ngân hàng Sacombank)

Số liệu từ Bảng 1 cho thấy, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ cho vay khách hàng . Trong giai đoạn năm 2019 - 2021, tình hình dư nợ ngắn hạn có xu hướng tăng lên. Năm 2019, dư nợ ngắn hạn đạt 123.168 tỷ đồng, tăng 23,76% so với năm 2018, chiếm 48% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Đến năm 2020, dư nợ ngắn hạn tăng 30.615 tỷ đồng so với năm 2019 tương đương mức tăng trưởng 24,86%, đạt 51,95% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong năm này, Sacombank tập trung cho vay sản xuất - kinh doanh, giảm cho vay bất động sản, chứng khoán… Song song đó, khai thác tối đa tiềm năng phân khúc cho vay tài chính tiêu dùng, góp phần xoá tín dụng đen, cải thiện margin, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Đến năm 2021, dư nợ ngắn hạn của Ngân hàng tăng 24,33% so với năm 2020, đạt 191.203 tỷ đồng, chiếm 56,19% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, đạt mức cao nhất trong 3 năm qua.

Tỷ trọng dư nợ ngắn hạn tăng đồng nghĩa với tỷ trọng dư nợ trung và dài hạn giảm xuống, cụ thể như sau: Tỷ trọng dư nợ trung hạn năm 2018 đạt mức cao nhất trong cả 3 năm, chiếm 22,1%. Năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm xuống chỉ còn lần lượt là 20,3% và 15,7% trên tổng dư nợ. Mặc dù dư nợ dài hạn có tăng qua các năm, tuy nhiên tỷ trọng lại có xu hướng giảm xuống, cụ thể như sau: Năm 2019, dư nợ dài hạn đạt 76.744 tỷ đồng, tăng 23,36% so với năm 2018, chiếm 29,91% trên tổng dư nợ; đến năm 2020, con số này tiếp tục tăng lên 82.166 tỷ đồng, nhưng tốc độ tăng chỉ giảm xuống còn 7,07%, chiếm 27,76% tỷ trọng. Năm 2021, tốc độ tăng của khoản mục này có tăng nhẹ, khiến cho tỷ trọng dư nợ dài hạn tăng lên 28,1%.

Nhìn chung, dư nợ tín dụng của Sacombank trong 3 năm qua tăng trưởng khá tốt, mức tăng tưởng được kiểm soát trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Cơ cấu tín dụng đã được điều chỉnh theo hướng tăng cho vay phân tán nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Ngân hàng đã thực hiện một số chính sách thích hợp để hạn chế cho vay ngoại tệ, tăng cho vay sản xuất - kinh doanh trong nước và giảm cho vay lĩnh vực bất động sản, nâng cao hiệu quả và an toàn hoạt động.

Nguyên nhân của sự chênh lệch tỷ trọng này chủ yếu là do tính chất của các khoản vay ngắn hạn, chu kỳ sản xuất ngắn nên thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Đây vẫn là giải pháp an toàn, hiệu quả mà các ngân hàng hướng đến, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay. Mặt khác, lãi suất kỳ hạn dài hạn cao hơn kỳ hạn ngắn hạn do kỳ vọng lạm phát giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này.

Về tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu

Nhìn chung trong những năm qua, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng qua các năm đều đang có xu hướng giảm đi và có tỷ lệ < 3%, đáp ứng được quy định đề ra của Ngân hàng Nhà nước, được thể hiện qua Bảng 2:

 Bảng 2. Tình hình nợ xấu, nợ quá hạn của Ngân hàng Sacombank (2019 - 2021)

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

TỔNG DƯ NỢ

tỷ đồng

256.623

296.030

340.268

Nợ đủ tiêu chuẩn

tỷ đồng

250.019

289.470

333.701

Nợ cần chú ý

tỷ đồng

1.141

826

787

Nợ dưới tiêu chuẩn

tỷ đồng

194

298

277

Nợ nghi ngờ

tỷ đồng

311

413

958

Nợ có khả năng mất vốn

tỷ đồng

4.957

5.022

4.545

Tỷ lệ nợ quá hạn/ tổng dư nợ

%

2,57%

2,22%

1,93%

Tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ

%

2,13%

1,94%

1,70%

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2019 - 2021 của Ngân hàng Sacombank

Về nợ quá hạn

Nợ quá hạn là thước đo quan trọng nhất đánh giá về chất lượng cho vay ngân hàng. Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dự nợ cho vay của Ngân hàng Sacombank trong giai đoạn 2019 - 2021 nằm trong khoảng từ 1 - 3% và có xu hướng giảm dần. Cụ thể: Năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn của Sacombank đạt 2,57%, năm 2020 chỉ số này giảm xuống chỉ  còn 2,22%, giảm 13,89% so với năm 2019. Đến năm 2021, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 1,93%, tiếp tục giảm 12,9% so với năm 2020. Đây là một dấu hiệu khả quan, khi nền kinh tế - xã hội đang chịu nhiều yếu tố bất ổn. Trước tình hình này, Ngân hàng đã , điều chỉnh chính sách kịp thời giúp cho tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng giảm xuống.

Về nợ xấu

Năm 2019, Sacombank đẩy mạnh cảnh báo rủi ro, nâng cao công tác thẩm định, quản lý và giám sát chặt chẽ sử dụng vốn vay, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, tích cực đẩy mạnh thu hồi, xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng/nợ đã bán VAMC với tổng thu hồi/xử lý được gần 12.500 tỷ đồng. Kết quả, chất lượng tín dụng tại Sacombank đã cải thiện rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về mức 2,11%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) của Sacombank gấp hơn 2 lần so với năm 2019.

Năm 2020, tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về mức 1,94%. Đồng thời, tăng trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) tăng 4,8% (đạt 69,3%). Song song đó, Sacombank tích cực đẩy mạnh thu hồi và xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng (kể cả nợ đã bán VAMC) với tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ đạt hơn 18.400 tỷ đồng (bao gồm hơn 2.700 tỷ đồng đã xử lý và sẽ thu theo tiến độ hợp đồng trong năm sau).

Năm 2021, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1,7%. Sacombank tích cực khai thác Hệ thống quản lý, thu hồi, xử lý nợ, hạn chế những phân khúc có rủi ro phát sinh nợ quá hạn cao, cảnh báo sớm đối với những khoản vay tiềm ẩn rủi ro và đề ra phương án giải quyết, ngăn chặn nợ quá hạn phát sinh. Ngân hàng đã quản lý và chỉ đạo xử lý nợ quá hạn xuyên suốt, đẩy nhanh và tạo hiệu quả quản trị, giám sát và thu hồi nợ tốt hơn.

2. Đánh giá chất lượng tín dụng tại Sacombank

Từ đầu năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, Ngân hàng Sacombank trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, như: Tăng trưởng tín dụng gắn liền tăng trưởng nguồn vốn là mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng. Dư nợ trung và dài hạn chiếm tỷ trọng thấp góp phần giảm rủi ro tín dụng trước hoàn cảnh kinh tế không thuận lợi. Về chất lượng tín dụng, nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng nhất đến định giá chất lượng tín dụng của một ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank liên tục giảm trong 3 năm và đều đạt mức thấp hơn tỷ lệ quy định (3%). Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của Ngân hàng từ việc nghiêm chỉnh trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo từ Nhà nước, trước những chiêu thức cạnh tranh của các Ngân hàng khác Sacombank đã không ngừng cải thiện, nâng cao quy trình tín dụng, năng  lực của cán bộ tín dụng, áp dụng những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những hạn chế như sau:

Công tác thẩm định, công tác giám sát tiền vay còn nhiều bất cập, dẫn đến sai sót và ảnh hưởng tới hiệu quả vốn vay.

Lợi nhuận cho vay mang lại không đáng kể.

Chất lượng cán bộ còn nhiều bất cập, còn thiếu kinh nghiệm trong công tác tín dụng.

Công tác thu nợ, xử lý tài sản thế chấp còn kém hiệu quả.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Sacombank sau đại dịch Covid-19

Một là, tăng cường huy động vốn để cho vay

Mở rộng các hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm với nhiều mức lãi suất, thời hạn, phương thức gửi và thanh toán khác nhau như tiết kiệm không kỳ hạn, tiết kiệm có kỳ hạn, tiết kiệm bằng ngoại tệ (USD, EUR, JPY),...

Khuyến khích khách hàng mở tài khoản cá nhân và séc cá nhân trong thanh toán qua Ngân hàng bằng cách như: đơn giản hóa các thủ tục mở tài khoản; có các hình thức thông tin quảng cáo, giới thiệu về lợi ích của việc mở tài khoản cá nhân và séc cá nhân cũng như về những chuyển biến trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Hai là nâng cao chất lượng thẩm định

- Thực hiện tốt phân loại khách hàng, chính sách khách hàng. Việc xếp loại khách hàng cần được thực hiện ngay từ khi bắt đầu quan hệ cho vay và cần được thường xuyên đánh giá lại theo định kỳ giúp Ngân hàng có những ứng xử phù hợp, tăng trưởng cho vay an toàn, giảm thiểu được nguy cơ phát sinh nợ xấu.

- Hoàn thiện phương pháp xếp hạng cho vay theo tiêu chuẩn Basel II.

Ba là, tăng cường công tác giám sát tiền vay.

Khi tiến hành giám sát tiền vay cần phải được thực hiện lại như:

Xuống cơ sở kiểm tra định kỳ đối với tất cả các khoản vay, đối với những khoản vay lớn, Ngân hàng tiến hành kiểm tra theo chu kỳ 30, 60 hay 90 ngày, đồng thời cũng nên kiểm tra bất thường.

Tổ chức quá trình kiểm soát cẩn thận và nghiêm túc để đảm bảo đánh giá, xem xét tất cả các đặc tính quan trọng nhất của khoản vay bao gồm: đánh giá quá trình thanh toán, đánh giá hiệu quả hoạt động và tình trạng tài sản thế chấp, xem xét đầy đủ khía cạnh pháp lý của hợp đồng tín dụng để bảo đảm Ngân hàng có quyền hợp pháp sở hữu toàn bộ hay một phần của tài sản thế chấp của doanh nghiệp trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, đánh giá sự thay đổi trong tình hình tài chính của người vay và sự thay đổi trong các dự báo, đánh giá những yếu tố làm giảm nhu cầu tín dụng của người vay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phan Thị Cúc (2010), Tín dụng ngân hàng, Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Lê Vinh Danh (1996), Tiền và hoạt động Ngân hàng, Nhà xuất bản Chính trị - Quốc gia.
  3. Nguyễn Đăng Dờn (2012), Quản trị ngân hàng thương mại hiện đại, Nhà xuất bản Phương Đông.
  4. Sacombank (2021), Báo cáo thường niên của Sacombank năm 2019, 2020, 2021.

 Solutions to improve the credit quality of Sacombank in the post-COVID-19 period

Master. Hoang Thi Hai Yen

Faculty of International Training, Thuongmai University

ABSTRACT:

Credit activities are a major profitable operation of banks in the market economy. As credit activities face many risks, all banks pay a great attention to the credit quality. This paper analyzes the current credit quality of Sai Gon Thuong Tin Commercial Joint Stock Bank (Sacombank) in the context of the COVID-19 pandemic’s complicated developments. The paper also proposes some solutions to improve the credit quality of Sacombank in the post-COVID-19 period.

Keywords: credit quality, Sacombank, COVID-19, bad debt, overdue debt, outstanding balance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]