TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, chỉ ra những bất cập còn tồn tại như: vòng quay vốn tín dụng chưa luân chuyển tốt, tỷ lệ thu lãi chưa đồng đều qua các năm, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn còn ít, chương trình xây dựng phát triển kinh tế xã hội của địa phương còn chưa gắn với chương trình giải quyết việc làm, … Từ đó, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh.
Từ khóa: chương trình cho vay, hỗ trợ tạo việc làm, việc làm, tỉnh Trà Vinh.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (gọi tắt là Chương trình GQVL) của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).
Đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay Chương trình GQVL đạt 618 tỷ đồng, chiếm 16,97%/tổng dư nợ của chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh, tạo thêm việc làm, ổn định thu nhập cho 20.275 lượt người lao động (Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Trà Vinh, 2018-2022). Đặc biệt, từ khi ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KH/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm , thể hiện sự quan tâm, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH).
Bên cạnh những ưu điểm, vấn đề lao động, việc làm của tỉnh Trà Vinh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt tác động của đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội (KTXH) mà cụ thể là vấn đề việc làm và thu nhập của người dân. Do đó, cần phải đánh giá toàn diện về hiệu quả chương trình GQVL về thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục huy động tốt các nguồn lực, nâng cao hiệu quả chương trình GQVL.
2. Thực trạng hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
2.1. Kết quả thực hiện
Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn: Đến cuối năm 2022, dư nợ chương trình GQVL từ nguồn vốn TW của tỉnh Trà Vinh đạt 618 tỷ đồng, chiếm gần 17% so tổng dư nợ, với 20.275 khách hàng còn dư nợ (Báo cáo tổng kết năm 2022 của chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh). Bên cạnh đó, trong các năm qua, tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay Chương trình GQVL, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH đến ngày 31/12/2022 đạt trên 334 tỷ đồng.
Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng nguồn vốn Chương trình GQVL 2018-2022: Số liệu từ báo cáo của NHCSXH cho thấy dư nợ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2018-2022 tăng mạnh, cụ thể: năm 2019, dư nợ 116.160 triệu đồng, tăng 27.644 triệu đồng (31,23%) so với năm 2018; đến năm 2022, dư nợ đạt 617.811 triệu đồng tăng 304.483 triệu đồng (97,18%) so với năm 2021.
Tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn chương trình GQVL 2018-2022: Số liệu từ báo cáo của NHCSXH cho thấy, tỷ lệ thu nợ Chương trình GQVL tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh trong 5 năm bình quân thu đạt 98,86%/tổng số nợ đến hạn phải thu. Điều này chứng tỏ khách hàng vay vốn làm ăn có hiệu quả, ý thức trả nợ của các đối tượng thụ hưởng rất tốt, công tác quản lý nguồn vốn chính sách đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tỷ trọng dư nợ cho vay GQVL qua các năm 2018-2022: Số liệu từ báo cáo của NHCSXH cho thấy, tỷ trọng dư nợ Chương trình GQVL so với tổng dư nợ các chương trình tăng dần qua các năm, cụ thể: năm 2019 tăng 4,48% so với năm 2018; đến năm 2022 tăng 16,97% so với năm 2021. Qua đó, chứng tỏ dư nợ cho vay GQVL tăng nhanh hơn so với các chương trình khác, cho thấy xu hướng, tiềm năng phát triển của chương trình GQVL trên địa bàn.
Tỷ trọng dư nợ theo nguồn vốn trong Chương trình GQVL 2018-2022: Số liệu từ báo cáo của Ngân hàng cho thấy dư nợ cho vay Chương trình GQVL có tăng nhưng không đồng đều, cụ thể:
- Dư nợ tăng tập trung chủ yếu là nguồn vốn do NHCSXH phân bổ và huy động, chiếm tỷ trọng dư nợ tăng theo từng năm và cao nhất năm 2022 chiếm tỷ trọng 63,8% trên tổng dư nợ cho vay GQVL.
- Dư nợ nguồn vốn là UBND tỉnh, Hội đoàn thể, các cơ quan TW tăng giảm không ổn định và có mức tăng trưởng thấp, đến, chiếm tỷ trọng thấp 11,75% trên tổng dư nợ cho vay GQVL.
- Dư nợ có nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang tăng dần theo các năm, chiếm tỷ trọng mức trung bình là 24,39% trên tổng dư nợ cho vay GQVL.
- Đặc biệt, không có đơn vị, cá nhân (chủ đầu tư) đầu tư vốn vào chương trình GQVL tại địa phương.
Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chương trình GQVL 2018-2022: Số liệu từ báo cáo của Ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần qua các năm, đặc biệt đến cuối năm 2022, nợ quá hạn chỉ còn 0,03%, giảm 2,6% so với năm 2018, điều này chứng tỏ khách hành vay vốn làm ăn có hiệu quả, thực hiện trả nợ đúng hạn, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Tỷ lệ nợ khoanh giảm dần qua các năm, đặc biệt trong năm 2019, 2021 nợ khoanh giảm nhiều so với năm 2018, 2022; đến cuối năm 2022 tỷ lệ nợ khoanh còn 0,04%, giảm 1,8% so với năm 2018, tuy nhiên số tiền nợ khoanh năm 2022 còn 277 triệu đồng cao hơn năm 2018 là 114 triệu đồng, nguyên nhân là khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan chưa khắc phục được cũng như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ năm 2021-2022, NHCSXH đã khoanh nợ để hộ vay có điều kiện tiếp tục vay vốn phát triển SX-KD.
Khả năng thu lãi/lãi phải thu chương trình GQVL: Số liệu từ báo cáo của Ngân hàng cho thấy tỷ lệ thu lãi nguồn vốn cho vay GQVL thu tương đối tốt trong 03 năm 2018, 2019 và năm 2022 bình quân đạt gần 97%; riêng năm 2020-2021, tỷ lệ thu lãi có giảm do tình hình dịch bệnh Covid-19, giá cả hàng nông sản giảm sâu, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, đặc biệt là đối tượng vay vốn NHCSXH,…
Số khách hàng còn dư nợ và mức độ tăng trưởng của khách hàng vay vốn chương trình GQVL 2018-2022: Số liệu từ báo cáo của Ngân hàng cho thấy số khách hàng vay vốn tăng cao qua các năm, Đến cuối năm 2022, số khách hàng đang vay vốn Chương trình GQVL là 20.275 khách hàng, tăng 14.523 khách hàng so với năm 2018, điều này chứng tỏ khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng đối với Chương trình GQVL rất tốt. Tuy nhiên, chỉ có 1 cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn Chương trình GQVL trong suốt giai đoạn 2018-2022.
2.2. Những tồn tại, hạn chế
2.2.1. Đối với nhóm chỉ tiêu định lượng
- Vòng quay vốn tín dụng: đồng vốn tín dụng Chương trình GQVL chưa luân chuyển tốt qua các năm, bình quân của giai đoạn 2018-2022 thấp (0,22 vòng/năm).
- Tỷ lệ thu lãi chưa đồng đều qua các năm (năm 2020 tỷ lệ 91,6%, năm 2022, tỷ lệ 90,89%).
- Hàng năm, số khách hàng vay vốn đều
tăng mạnh, tuy nhiên trong suốt giai đoạn 2018 - 2022 mới chỉ có 1 CSSXKD được vay vốn Chương trình GQVL.
2.2.2. Đối với nhóm chỉ tiêu định tính
- Còn 04 ý kiến (chiếm 3,48%) cho rằng trong quá trình xây dựng phát triển KTXH của địa phương không có đề xuất gắn với Chương trình GQVL.
- Nguồn vốn cho vay GQVL chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu vốn vay (52,18% ý kiến); phân bổ vốn hàng năm chưa hợp lý (16,18%); nguồn vốn GQVL phân bổ hàng năm chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của hộ gia đình và người lao động (45,11%), chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người vay (29,79%).
- Tạo công ăn việc làm bình thường hoặc không tạo công ăn việc làm (02/16 ý kiến của CSSXKD); không hạn chế và hạn chế một phần tình trạng cho vay nặng lãi (24,9% ý kiến)
- Tỷ lệ dư nợ bình quân/01 lao động là 30,5 triệu đồng quá thấp so với định mức tối đa của Chương trình GQVL.
- Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư khác trong Chương trình GQVL thấp (các nguồn), đặc biệt không có tổ chức, cá nhân nào ủy thác cho NHCSXH để cho vay.
- Theo Nghị định số 74/2019NĐ-CP của Chính phủ, người lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án là cùng địa bàn cấp xã, hiện nay gây khó khăn cho người lao động vay vốn Chương trình GQVL đang sinh sống tại khu vực phường, thị trấn vay vốn để SX-KD, mua bán tại các trung tâm thương mại, chợ, quầy nhưng không cùng trên địa bàn cấp xã,...
- Năng lực thẩm định của cán bộ tín dụng NHCSXH còn nhiều hạn chế nhất định trong việc thẩm định tài sản đảm bảo, thẩm định thông tin tài chính của doanh nghiệp đối với cho vay CSSXKD có thế chấp tài sản đảm bảo.
- Sự phối hợp giữa các ngành liên quan về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động TDCSXH của NHCSXH, một số nơi chưa được thường xuyên, làm cho hiệu quả sử dụng đồng vốn TDCSXH có phần hạn chế nhất định; một vài nơi công tác tuyên truyền chính sách chưa được đồng bộ, có nơi, có lúc chưa được kịp thời.
2.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
2.3.1. Nguyên nhân chủ quan
- Phía NHCSXH:
+ Vòng quay vốn tín dụng: Chưa làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn theo phân kỳ (kỳ con); mặt khác chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho vay đối tượng trung và dài hạn để phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của vật nuôi và cây trồng.
+ Tỷ lệ thu lãi chưa đồng đều qua các năm (năm 2020 tỷ lệ 91,6%, năm 2022, tỷ lệ 90,89%), do chưa làm tốt việc rà soát phân tích kỹ đến từng hộ vay vốn có lãi tồn đọng để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có giải pháp thực hiện, tình hình dịch bệnh Covid-19, giá cả hàng nông sản giảm sâu, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, đặc biệt là đối tượng vay vốn NHCSXH
+ Chưa chủ động mạnh dạn cho vay đối với CSSXKD tại địa phương (hiện chỉ mới cho vay 1 cơ sở) hoặc do trình độ năng lực thẩm định dự án của cán bộ tín dụng yếu nên hạn chế việc cho vay đối với các cơ sở này.
+ Một số nơi, NHCSXH nơi cho vay chưa làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng phát triển KT-XH của địa phương gắn với Chương trình GQVL.
+ Mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu nguồn vốn TDCSXH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi nhu cầu nguồn vốn cho vay Chương trình GQVL rất lớn; chưa chủ động trong công tác huy động vốn để cho vay Chương trình GQVL; chưa có đề án, phương án liên kết để thu hút nguồn vốn cho Chương trình GQVL.
+ Năng lực thẩm định của cán bộ tín dụng NHCSXH còn hạn chế trong việc thẩm định tài sản đảm bảo, mặt khác chưa được đào tạo sâu về lĩnh vực này.
+ Đối với Hội đoàn thể, Liên minh hợp tác xã, Hội người mù... cấp Trung ương chưa thực sự quan tâm và chuyển vốn cho NHCSXH để cho vay.
- Một số địa phương và các chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm đến việc dành một phần ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay Chương trình GQVL và các đối tượng chính sách khác. Chưa phối hợp tốt giữa các ngành liên quan về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động TDCSXH của NHCSXH.
- Đối với Hội đoàn thể nhận ủy thác: một vài nơi, công tác phối hợp giữa Hội đoàn thể và NHCSXH chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác.
- Đối với Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV): Do nguồn vốn Chương trình GQVL còn hạn chế, do đó khi bình xét chưa mạnh dạn nâng mức đầu tư lên mức tối đa/01 lao động và cho vay còn dàn trải.
- Đối với khách hàng vay vốn: Một bộ phận khách hàng sử dụng vốn chưa hiệu quả, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ; một số khách hàng trong quá trình SX-KD gặp thua lỗ, bỏ đi khỏi nơi cư trú, chưa tìm được địa chỉ, công tác thu hồi nợ gặp khó khăn,…
2.3.2. Nguyên nhân khách quan
- Thiếu cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của các ngành, các cấp trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), đào tạo nghề, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm… với hoạt động TDCSXH tại địa phương.
- Một số nơi công tác khuyến nông, chuyển giao KHKT còn hạn chế; nội dung khuyến nôngcòn nặng về triển khai xây dựng mô hình, công tác huấn luyện, đào tạo và công tác thông tin tuyên truyền, phương pháp chuyển giao cũng chưa phù hợp với thực tiễn.
- Theo Nghị định số 74/2019NĐ-CP của Chính phủ, người lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án là cùng địa bàn cấp xã, hiện nay gây khó khăn cho người lao động vay vốn Chương trình GQVL đang sinh sống tại khu vực phường, thị trấn vay vốn để SX-KD, mua bán tại các các trung tâm thương mại, chợ, quầy nhưng không cùng trên địa bàn cấp xã,...
- Hiện nay trưởng ban nhân dân ấp/khóm tham gia nhiều hoạt động trong quá trình triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở, tuy nhiên chưa có chế độ phụ cấp, gắn quyền lợi với trách nhiệm được giao nhằm tạo động lực, khuyến khích nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ.
- Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, đại dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn của khách hàng vay.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
3.1. Đối với chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh
- Tiếp tục quan tâm cân đối bố trí nguồn vốn phù hợp, đáp ứng đủ để thực hiện các chương trình TDCSXH, nhất là ưu tiên bổ sung tăng nguồn vốn cho vay GQVL nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển SX-KD, giúp cho người lao động và CSSXKD có điều kiện để tiếp cận và tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả SX-KD, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
- Tham mưu đề xuất với Chính phủ xem xét ban hành cơ chế tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình để phát triển SX-KD.
- Tham mưu đề xuất với Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 74/2019NĐ-CP về nội dung: “người lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án là cùng địa bàn cấp xã” sửa đổi thành “người lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án là cùng địa bàn cấp huyện” để tạo điều kiện thuận lợi cho người vay thực hiện phương án trên địa bàn.
- Tham mưu đề xuất với Chính phủ xem xét có chế độ phụ cấp cho trưởng thôn tham gia quản lý TDCSXH tại cơ sở.
3.2. Đối với UBND các cấp, Hội đoàn thể Trung ương, Chủ đầu tư
- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tiếp tục xem xét trình HĐND cùng cấp trích một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính chính sách trên địa bàn và phê duyệt Đề án cho vay chương trình GQVL theo từng giai đoạn để làm cơ sở cho chi nhánh NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch NHCSXH các huyện triển khai thực hiện.
- Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH, quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Chỉ đạo, tổ chức rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn làm căn cứ để NHCSXH giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng.
3.3. Đối với Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp
- Lập Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và cụ thể hóa trách nhiệm của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp trong chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện Chiến lược; tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, các đơn vị trong chi nhánh NHCSXH tỉnh và sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài NHCSXH trong việc thực hiện Chiến lược.
- Phổ biến, thông tin tuyên truyền về Chiến lược và quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Chiến lược đã đề ra để thống nhất kế hoạch thực hiện; triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Chiến lược. Phổ biến, thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để tuyên truyền về nội dung Chiến lược và Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược đến cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp thực hiện thật tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của TDCSXH trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH.
- Hằng năm xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát của Thành viên Ban đại diện đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; đồng thời đề xuất chính sách, chỉ đạo, giám sát thực hiện các chương trình TDCSXH đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh; rà soát tham mưu kiện toàn kịp thời Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, Ban giảm nghèo cấp xã nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND cùng cấp quản lý, phê duyệt danh sách hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn NHCSXH.
3.4. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp
- Hội đoàn thể Trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên cân đối bố trí nguồn vốn cho vay GQVL thuộc Trung ương Hội quản lý cho tỉnh Trà Vinh nhiều hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển SX-KD, giúp cho người lao động và CSSXKD có điều kiện để tiếp cận và tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả SX-KD, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
- Thực hiện đồng bộ các nội dung ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021, các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các Tổ TK&VV, các tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng; tập trung nâng cao công tác đào tạo, tập huấn theo kế hoạch hằng năm.
- Tiếp tục rà soát củng cố kiện toàn hoạt động của Tổ TK&VV theo cụm dân cư liền kề; tham dự họp giao ban hàng tháng đầy đủ tại Điểm giao dịch xã, họp giao ban hàng quý tại cấp huyện, cấp tỉnh theo quy định, chỉ đạo tổ TK&VV thuộc Hội mình quản lý tham dự tập huấn đầy đủ theo kế hoạch của NHCSXH.
- Thực hiện tốt công tác bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng, giải ngân cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tránh tồn đọng, lãng phí nguồn vốn; mạnh dạn bình xét cho vay nâng mức đầu tư (cho vay bổ sung) đối với các hộ vay có phương án làm ăn hiệu quả, nâng bình quân mức vay Chương trình GQVL đạt từ 50 triệu đồng trở lên/người lao động; tăng cường đôn đốc, xử lý thu hồi các khoản nợ xấu, đặc biệt là nợ quá hạn, tổ trung bình, tổ yếu, tổ có nợ quá hạn trên 2%.
- Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung công việc được NHCSXH ủy nhiệm; chú trọng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn, đạt hiệu quả cao đồng vốn TDCSXH trên địa bàn.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình MTQG đảm bảo lồng ghép có hiệu quả TDCSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, sử dụng vốn vay hiệu quả, khuyến khích người vay tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn TDCSXH.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
4. Kết luận
Hoạt động của NHCSXH nói chung và chi nhánh NHCSH tỉnh Trà Vinh nói riêng đã trở thành một đầu mối để Nhà nước huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên trong công tác nâng cao hiệu quả Chương trình GQVL trên địa bàn tỉnh Trà Vinh về lý luận và mô hình hoạt động thực tiễn còn tồn tại nhiều bất cặp và hạn chế nhất định.
Tại nội dung nghiên cứu, đề tài được xây dựng và tiếp cận những vấn đề cơ bản về quản lý nguồn vốn TDCSXH nói chung và Chương trình GQVL nói riêng, các tiêu chí đánh giá trong việc nâng cao hiệu quả Chương trình GQVL đã được nhóm nghiên cứu phân tích làm rõ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2012), Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (2014), Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng Chính sách xã hội
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (2021), Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
- Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, (2023), Quyết định số 20/QĐ-HĐQT ngày 20/3/2023 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
- Ngân hàng Chính sách xã hội (2013), Kế hoạch số 1357/KH-NHCS ngày 03/5/2013 Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2020.
- Ngân hàng Chính sách xã hội (2022), Tài liệu tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Trà Vinh (2018-2022), Báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS
OF LOAN PROGRAMS SUPPORTING THE EMPLOYMENT
CREATION, MAINTENANCE, AND EXPANSION IN TRA VINH PROVINCE
• DUONG HUY PHONG1
• LE HOANG PHI1
• DIEP THANH TUNG1
• DUONG QUANG NGOC1
• NGUYEN VAN TUAN1
• TRAN THANH BINH1
• CAO TIEN DOAN1
1Vietnam Bank for Social Policies - Tra Vinh Province Branch
ABSTRACT:
This paper analyzes the current effectiveness of loan programs supporting the employment creation, maintenance, and expansion in Tra Vinh province. The paper points out existing shortcomings of these loan programs. For example, the capital rotation is not good, the collection of profit is different over the year, the number of business establishments receiving loans is small, the local socio-economic development programs have not been associated with the employment creation programs. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the effectiveness of loan programs supporting the employment creation, maintenance, and expansion in Tra Vinh province.
Keywords: loan program, job creation support, employment, Tra Vinh province.