TÓM TẮT: Đánh giá đã trở thành công cụ tiêu chuẩn được áp dụng thường xuyên ở hầu hết các nước có nền khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm đánh giá, xếp hạng các tổ chức KH&CN của một số nước trên thế giới, từ hiện trạng công tác đánh giá tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực KH&CN, hiện trạng văn bản quy phạm, quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đánh giá tổ chức KH&CN. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả công tác đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ trong tình hình mới.Từ khóa: đánh giá, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập.
1. Đặt vấn đề
Đánh giá bao gồm một tập hợp các công cụ khác nhau được áp dụng để đánh giá các đối tượng khác nhau. Qua quá trình triển khai áp dụng các công cụ đánh giá tổ chức, cùng với sự thay đổi về bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước đã đặt ra những yêu cầu, thách thức mới, cần có sự thay đổi mạnh mẽ đối với các chính sách về KH&CN nói chung và về đánh giá tổ chức KH&CN nói riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách về đánh giá hoạt động của tổ chức KH&CN là cần thiết.2. Tầm quan trọng của việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ
Việc đánh giá đã trở thành công cụ tiêu chuẩn được áp dụng thường xuyên ở hầu hết các nước có nền KH&CN phát triển. Đánh giá bao gồm một tập hợp các công cụ khác nhau được áp dụng để đánh giá các đối tượng khác nhau. Những ứng dụng phổ biến nhất của đánh giá là đánh giá các chính sách, chiến lược nghiên cứu ở tầm cao hoặc “bức tranh toàn cảnh” về hệ thống nghiên cứu của quốc gia hay một khu vực nhằm cải thiện hiệu suất, kết quả và tác động của nghiên cứu; đánh giá chương trình nghiên cứu để đảm bảo chương trình tạo ra kết quả tốt và tạo ra giá trị cho xã hội và nền kinh tế; đánh giá các tổ chức nghiên cứu để xác định những tổ chức mạnh nhất hoặc hỗ trợ các tổ chức nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra khuyến nghị giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Các tổ chức KH&CN công lập đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính phủ cấp kinh phí cho các tổ chức nghiên cứu công để thực hiện các nghiên cứu nhằm tạo ra tri thức khoa học và phát triển các công nghệ mà các cơ quan nghiên cứu thuộc khu vực tư nhân không thể đảm nhiệm. Đánh giá tổ chức KH&CN nhằm giải đáp các vấn đề: kinh phí được cấp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có được sử dụng hiệu quả không? Các tổ chức KH&CN có thực hiện các nghiên cứu mới và tiên phong không? Họ có tạo ra các công nghệ mới và có chuyển giao một cách hiệu quả cho những người sử dụng để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải thiện các sản phẩm hiện có không? Các tổ chức nghiên cứu có làm việc hiệu quả không? Tổ chức nào cần phải phân bổ kinh phí nhiều hơn vì họ thực hiện hoạt động tốt? Tổ chức nào cần phải cải thiện chiến lược và phương thức hoạt động để trở thành những tổ chức nghiên cứu hoạt động tốt?...
Công tác đánh giá không chỉ được chú trọng ở các nước phát triển trên thế giới mà ở Việt Nam, trong các năm qua, cũng đã từng bước được coi trọng và đầu tư nhiều hơn. Tầm quan trọng và vai trò to lớn của công tác đánh giá trong quy hoạch, đầu tư phát triển cho các tổ chức NC&PT nói riêng và ngành KH&CN nói chung đã được quy định cụ thể tại các Điều 16, 17 và 18 Luật KH&CN năm 2013; Điều 24 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ. Các tiêu chí và phương pháp đánh giá các tổ chức đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 của Bộ KH&CN quy định về đánh giá hoạt động chất lượng dịch vụ của tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN (thay thế Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN ngày 16/12/2014 của Bộ KH&CN quy định về đánh giá tổ chức KH&CN). Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2584/QĐ-BKHCN ngày 17/9/2020 về kế hoạch triển khai Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 nêu trên. Theo đó, hàng năm, từ năm 2021, tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN cập nhật thông tin hoạt động và chất lượng dịch vụ của tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN và được đánh giá 5 năm 1 lần hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Qua quá trình triển khai áp dụng các công cụ đánh giá tổ chức, cùng với sự thay đổi về bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước đã đặt ra những yêu cầu, thách thức mới, cần có sự thay đổi toàn diện đối với các quy định về KH&CN nói chung và về đánh giá tổ chức KH&CN nói riêng. Chính vì vậy, từ năm 2023, kế hoạch nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN năm 2013 và tiến tới thay đổi các quy định pháp luật liên quan về KH&CN đã được triển khai. Trong xu thế này, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách về đánh giá hoạt động của tổ chức KH&CN là cần thiết.
3. Khó khăn triển khai công tác đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ
Công tác đánh giá tổ chức KH&CN đã được triển khai từ năm 2016 sau khi ban hành các văn bản hướng dẫn. Trong thời gian qua, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã triển khai đánh giá một số tổ chức KH&CN: 5 tổ chức thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu; 3 tổ chức trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ cho việc qui hoạch và đầu tư phát triển đến năm 2025; Viện Ứng dụng công nghệ theo đặt hàng của Viện; 4 tổ chức thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; 3 tổ chức có lĩnh vực hoạt động chính phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm và chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh theo đặt hàng của UBND Thành phố; 5 tổ chức điển hình thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã đề xuất 2 tổ chức để phát triển thành tổ chức KH&CN mạnh trong ngành Nông nghiệp theo Chương trình Phối hợp số 4672/CTPH-BKHCN-BNNPTNT ký ngày 11/11/2016 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh việc triển khai đánh giá các tổ chức KH&CN công lập, năm 2020 đã xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức KH&CN phục vụ công tác đánh giá tổ chức KH&CN công lập. Đây là Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đánh giá ở Việt Nam, sẽ là công cụ nhằm phục vụ hiệu quả hơn công tác quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt để triển khai Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN và tiến tới hiện thực hóa các mục đích đánh giá tổ chức KH&CN được quy định trong khoản 2 Điều 16 của Luật KH&CN 2013. Quy trình thu thập dữ liệu, đánh giá tổ chức KH&CN đã được tin học hóa một cách tối đa. Mọi thông tin phục vụ công tác đánh giá tổ chức KH&CN sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu, thuận lợi cho việc tìm kiếm, kết xuất thông tin. Thời gian, các nguồn lực sẽ được tiết kiệm do việc nhập dữ liệu logic, được tối ưu hóa, báo cáo tổng hợp, phân tích được hệ thống xây dựng tự động theo định dạng cho trước,…
Mặc dù công tác đánh giá tổ chức KH&CN công lập đã được quy định trong (1) Luật Khoa học và Công nghệ; (2) Nghị định số 08/2014/NĐ-CP; (3) Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN; (4) Quyết định số 2584/QĐ-BKHCN nhưng qua triển khai việc đánh giá tổ chức KH&CN công lập/đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực KH&CN trong thời gian qua, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đang triển khai công tác đánh giá tổ chức KH&CN ở quy mô đề tài cấp Bộ nên số lượng tổ chức được đánh giá rất hạn chế, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, thiếu tính hệ thống, chưa phục vụ được công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Nguyên nhân:
Thứ nhất, mặc dù Luật KH&CN quy định các tổ chức KH&CN công lập phải được đánh giá để phục vụ quản lý nhà nước nhưng không quy định nguồn kinh phí, đang dừng lại ở kinh phí cho đề tài cấp Bộ.
Thứ hai, Kế hoạch triển khai Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN, bao gồm công tác đánh giá định kỳ, thu thập định kỳ hàng năm (từ năm 2021) thông tin hoạt động KH&CN phục vụ công tác đánh giá tổ chức KH&CN, tuy đã được quy định trong Quyết định số 2584/QĐ-BKHCN ngày 17/09/2020 của Bộ KH&CN nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho triển khai.
Thứ ba, chưa có chế tài, văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức KH&CN, cơ quan chủ trì, chủ quản.
Thứ tư, mục đích đánh giá tổ chức KH&CN trong Luật KH&CN năm 2013 chưa đầy đủ, chưa giúp các tổ chức nhận ra điểm mạnh, điểm yếu để nâng cao năng lực hoạt động và triển khai trong thực tiễn, chưa sử dụng kết quả đánh giá để làm căn cứ cấp kinh phí hoạt động/ưu tiên tuyển chọn, xét chọn tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN. Do vậy tổ chức KH&CN chưa nhận thấy lợi ích, trách nhiệm khi tham gia đánh giá.
4. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Để có cơ sở pháp lý và công cụ triển khai công tác đánh giá tổ chức KH&CN hiệu quả, nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định đánh giá tổ chức KH&CN vào Luật KH&CN sửa đổi, cụ thể:- Bổ sung “Quy định chung về đánh giá tổ chức KH&CN”gồm: 1/Nguyên tắc của hoạt động đánh giá: công khai, khách quan, độc lập; 2/Đối tượng chịu sự đánh giá: tổ chức KH&CN; 3/Tiêu chí đánh giá gồm: chiến lược phát triển tổ chức; các nguồn lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu; hoạt động và đầu ra nghiên cứu khoa học; hoạt động và đầu ra công nghệ; hoạt động dịch vụ KH&CN; hoạt động giảng dạy và đào tạo; hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế; 4/Phương pháp, hình thức đánh giá; 5/Tổ chức hoặc đơn vị tiến hành hoạt động đánh giá; các tổ chức đánh giá độc lập trong nước và quốc tế; các đơn vị đánh giá do các Bộ, ngành, địa phương thành lập hoặc chỉ định; chuyên gia đánh giá.
- Bổ sung “Mục đích đánh giá tổ chức KH&CN” gồm các nội dung: 1/Cung cấp cho các tổ chức khoa học và công nghệ biết kết quả hoạt động được so sánh đối chuẩn, điểm mạnh, điểm yếu, từ đó tổ chức có cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao; 2/Cung cấp thông tin về việc thực hiện và kết quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước xác định những tổ chức có kết quả hoạt động tốt nhất để ưu tiên đầu tư, như: tuyển chọn, xét chọn tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay của các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; 3/Cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ.
- Bổ sung quy định về “Tổ chức đánh giá độc lập” gồm: 1/Tổ chức có tư cách pháp nhân, cá nhân đủ điều kiện thực hiện đánh giá được thực hiện đánh giá tổ chức KH&CN theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; 2/Việc đánh giá tổ chức KH&CN phải tuân theo nguyên tắc, tiêu chí quy định; 3/Tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.
- Bổ sung quy định về “Chuyên gia đánh giá” gồm: 1/Cá nhân là chuyên gia am hiểu lĩnh vực đánh giá; 2/Có kinh nghiệm đánh giá tổ chức KH&CN; 3/Cam kết về sự khách quan, trung thực khi đánh giá; 4/Chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.
- Bổ sung quy định về “Cung cấp thông tin, dữ liệu để đánh giá” gồm: 1/Tổ chức KH&CN được đánh giá hoặc đơn vị chủ trì hoặc đơn vị chủ quản có trách nhiệm phối hợp phục vụ công tác đánh giá; 2/Định kỳ tổ chức KH&CN công lập có trách nhiệm cập nhật thông tin hoạt động KH&CN về Bộ KH&CN; 3/Định kỳ các tổ chức KH&CN công lập phải tự đánh giá, gửi kết quả tự đánh giá về Bộ KH&CN.
- Bổ sung quy định về “Kết quả đánh giá”: Quy định sử dụng kết quả đánh giá để làm căn cứ để cấp kinh phí hoạt động/ưu tiên tuyển chọn, xét chọn tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay của các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Bổ sung quy định về “Kinh phí đánh giá”: Nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn khác.
5. Kết luận
Từ kinh nghiệm đánh giá, xếp hạng các tổ chức KH&CN của một số nước trên thế giới, từ hiện trạng công tác đánh giá tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực KH&CN, hiện trạng văn bản quy phạm, quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đánh giá tổ chức KH&CN, chúng tôi đã phân tích và đưa ra khuyến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về đánh giá tổ chức KH&CN, cụ thể:
- Hệ thống hóa các loại hình tổ chức KH&CN gồm: tên gọi, định nghĩa, tiêu chí phân loại, chức năng, nhiệm vụ, các quy định. Đảm bảo tính duy nhất và được phân định rõ ràng đối với các thuật ngữ “Tổ chức KH&CN”; “Tổ chức KH&CN công lập”; và “Đơn vị sự nghiệp công lập” lĩnh vực KH&CN. Qua đó, xem xét hợp nhất hoặc bổ sung hoặc sửa đổi văn bản quy phạm hoặc văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
- Đề xuất bổ sung nội dung về quy định Đánh giá tổ chức KH&CN vào Luật KH&CN sửa đổi gồm: Quy định chung về đánh giá tổ chức KH&CN; Mục đích đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ; Tổ chức đánh giá độc lập; Chuyên gia đánh giá; Cung cấp thông tin, dữ liệu để đánh giá; Kết quả đánh giá; Kinh phí đánh giá.
- Đề xuất xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KH&CN sửa đổi, đặc biệt hướng dẫn về đánh giá tổ chức KH&CN nhằm: 1/Hoàn thiện quy định pháp luật về đánh giá tổ chức KH&CN công lập theo hướng quy định trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập sử dụng ngân sách nhà nước phải được đánh giá; đưa mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức KH&CN công lập là mục tiêu chính của công tác đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức KH&CN công lập, bên cạnh đó là mục tiêu cung cấp thông tin để xem xét ưu tiên trong việc giao nhiệm vụ KH&CN hay để ra quyết định về đầu tư; 2/Xây dựng cơ sở pháp lý và các hướng dẫn để hình thành tổ chức đánh giá độc lập cùng với cơ chế kiểm soát chất lượng của hoạt động đánh giá; hoàn thiện quy trình tự đánh giá, đánh giá ngoài và hướng dẫn sử dụng kinh phí để thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài các tổ chức KH&CN công lập.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013). Luật Khoa học và Công nghệ, 2013.
- Bộ Khoa học và Công nghệ (2014). Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN ngày 16/12/2014 quy định về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ.
- Bộ Khoa học và Công nghệ (2019). Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 quy định về đánh giá hoạt động và chất lượng dịch vụ của tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Bộ Khoa học và Công nghệ (2020). Quyết định số 2584/QĐ-BKHCN ngày 17/09/2020 của Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch triển khai Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN quy định về đánh giá hoạt động và chất lượng dịch vụ của tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Bộ Khoa học và Công nghệ (2024). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Khoa học và Công nghệ số 2270/BC-BKHCN ngày 30/6/2024.
- Nguyễn Thị Thu Oanh (2013). Báo cáo tổng kết đề tài Khoa học và Công nghệ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư: “Nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức để nâng cao năng lực đánh giá hoạt động của các tổ chức Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ.
- Phạm Xuân Thảo (2017). Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ: “Đánh giá một số tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu ở Việt Nam”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ.
- Nguyễn Thị Hà (2017). Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Đánh giá một số tổ chức Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ cho việc qui hoạch và đầu tư phát triển đến năm 2025”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ.
- Phạm Quỳnh Anh (2018). Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ: “Đánh giá một số tổ chức nghiên cứu lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ.
- Trần Hậu Ngọc (2019). Báo cáo tổng kết đề tài cấp Tỉnh: “Đánh giá một số tổ chức nghiên cứu và phát triển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có lĩnh vực hoạt động chính phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm và chương trình đột phá của Thành phố”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ
- Nguyễn Thị Hà (2021). Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng phương án và giải pháp đánh giá một số tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ việc phát triển tổ chức khoa học và công nghệ mạnh trong ngành nông nghiệp”, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ.
Solutions for enhancing the evaluation of science and technology organizations in the new eraAbstract:
Evaluation has emerged as a standard practice in countries with advanced science and technology (S&T) sectors. This study explores global experiences in evaluating and ranking S&T organizations, focusing on the current state of evaluation processes for public S&T organizations and service units. Additionally, it examines the existing normative documents and legal frameworks governing these evaluations. Building on these insights, the study propose practical solutions to enhance the effectiveness of S&T organization evaluations, addressing the challenges and demands of the evolving context.
Keywords: evaluation, science and technology organizations, public science and technology organizations, public non-business units.