Tóm tắt:
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng. Bài viết phân tích thực trạng Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động hành chính nhà nước và đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trên một số lĩnh vực.
Từ khóa: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp, UBND Quận Tây Hồ.
1. Đặt vấn đề
Quận Tây Hồ được thành lập năm 1995, là quận nội thành nằm ở phía Tây Bắc trung tâm Thủ đô, có diện tích 24km2 với 8 phường, gồm: Bưởi, Yên Phụ, Thụy Khuê, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng với dân số là 171.451 người. Đây cũng là quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa và làng nghề có giá trị văn hóa cao. Định hướng phát triển mang tính đột phá của Quận Tây Hồ là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị Quận tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động của chính quyền đô thị. Đồng thời tập trung thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; xây dựng và phát triển đô thị xanh - văn minh - hiện đại.
Căn cứ Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình 07) và Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 11/8/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Chương trình.
Căn cứ Công văn số 2380/SKHCN-KHTC ngày 28/11/2022 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 07-CTr/TU và Kế hoạch số 185/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố năm 2022.
Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chương trình số 07 gồm hàng loạt mục tiêu, yêu cầu và những giải pháp đồng bộ, căn cơ, cùng lộ trình triển khai cụ thể gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ. Trong quá trình thực hiện Chương trình 07, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ cũng đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
2. Nội dung nghiên cứu
Nội dung Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025”
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã xác định một trong những khâu đột phá của thành phố trong thời gian tới là dựa trên nền tảng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, Chương trình số 07-CTr/TU đề ra mục tiêu chung, trong đó có 5 mục tiêu cụ thể, 7 chỉ tiêu và 4 yêu cầu về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, mục tiêu chung là “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.”
5 mục tiêu cụ thể được đề ra, đó là: (1) Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; (2) Trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý quản trị tiên tiến trên thế giới; (3) Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045; (4) Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á; (5) Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
Để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trên, Chương trình số 07-CTr/TU đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:
Một là, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế;
Hai là, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ;
Ba là, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô;
Bốn là, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô;
Năm là, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
Sáu là, tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập.
* Kết quả thực hiện trên địa bàn quận Tây Hồ:
-
- Về công tác chỉ đạo, lãnh đạo
Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tiến hành kiện toàn: Hội đồng Khoa học và công nghệ Quận; Ban chỉ đạo ISO Quận.
- Về công tác tuyên truyền, quán triệt
Thông qua các chỉ đạo, Chương trình công tác trọng tâm năm 2022 của Ủy ban nhân dân Quận; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2022; Kế hoạch mở rộng, cải tiến, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin định hướng tiến đến ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước quận Tây Hồ năm 2022; Hội nghị, đào tạo, tập huấn,… Ủy ban nhân dân Quận đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các phường và đơn vị trên địa bàn quận quan tâm, áp dụng triển khai để phát triển hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Quận.
- Về kết quả thực hiện
Năm 2022, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã đạt được kết quả nhất định, cụ thể như sau:
- Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học.
Năm 2022 là năm đầu tiên Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ triển khai đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu đề tài cấp Thành phố. Tháng 6/2022, Ủy ban nhân dân Quận đã đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2023 với đề tài “Nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế du lịch Tây Hồ bền vững”.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đang triển khai thực hiện các Đề án theo Chương trình 02 của Quận ủy về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận”.
- Mở rộng, cải tiến, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 (ISO).
Ngày 16/02/2022, Ủy ban nhân dân Quận ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về Mở rộng, cải tiến, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tích hợp ứng dụng Công nghệ thông tin định hướng tiến đến ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước quận Tây Hồ năm 2022.
- Ban hành Mục tiêu chất lượng năm 2022.
Ngày 29/11/2022, Ủy ban nhân dân Quận đã báo cáo Thành phố, Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội kết quả công tác thực hiện duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.
Đến nay, 100% các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Ủy ban nhân dân 8 phường đã thực hiện duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; đảm bảo 100% các thủ tục hành chính được xây dựng quy trình ISO theo đúng quy định. Các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng, công khai giúp công dân, cán bộ thực hiện nhiệm vụ hiểu rõ về hồ sơ, tài liệu, các bước thực hiện công việc, thời gian hoàn thành; nâng cao sự hài lòng của người dân đối với tổ chức nhà nước, góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính của Quận.
- Hoạt động lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP Quận đã công nhận kết quả 6 sản phẩm OCOP (quất bonsai, quất ký đá, quất mộc căn, bún ốc nguội, ốc hấp đèn lồng, bánh tôm Bà Ngoại). Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn Quận đã có tổng số 23 sản phẩm đã được Hội đồng OCOP Quận đánh giá phân hạng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho tập thể và cá nhân các đơn vị có sản phẩm OCOP đã được công nhận kết quả đánh giá đăng ký thương hiệu để bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Triển khai xây dựng Đề án “Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch” của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ theo nội dung của Chương trình 02 của Quận ủy, vừa để phát triển kinh tế du lịch, vừa quảng bá và giới thiệu, hỗ trợ cho các sản phẩm, chủ thể đã xây dựng có thương hiệu trên địa bàn quận.
- Hoạt động sáng kiến kinh nghiệm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hội đồng Sáng kiến Quận đã xem xét và công nhận kết quả sáng kiến, kinh nghiệm cấp cơ sở (cấp Quận) với tổng số 305 sáng kiến. Trong đó, có 98 sáng kiến kinh nghiệm thuộc các phòng chuyên môn, đạt điều kiện xét duyệt công nhận chiến sỹ thi đua cơ sở (cấp quận); 207 sáng kiến kinh nghiệm năm học 2021 - 2022 thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở kết quả công nhận sáng kiến cơ sở năm 2022 của cả hệ thống chính trị các cấp và khối giáo dục - đào tạo, Hội đồng sáng kiến sẽ lựa chọn các kinh nghiệm sáng kiến tiêu biểu, điển hình, trình thành phố xét duyệt, công nhận Sáng kiến Thủ đô.
- Hoạt động khác trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Báo cáo số 162/BC-UBND ngày 28/4/2022 của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 01/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Báo cáo tổng kết, đánh giá hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2017 - 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ.
3. Kết luận
Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy là Chương trình lần đầu tiên được xây dựng riêng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định là những yếu tố “thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”. Để thực hiện Chương trình này, Quận ủy Tây Hồ cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch với mục tiêu, yêu cầu và những giải pháp cùng lộ trình triển khai cụ thể. Cùng sự quan tâm chỉ đạo và điều hành của Ủy ban nhân dân Quận, hoạt động khoa học công nghệ của Quận cũng đã có một số nội dung thúc đẩy mạnh hơn, từng bước phát triển trên địa bàn, như: nhiệm vụ nghiên cứu đề tài, tăng cường mở rộng sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động phát triển khoa học công nghệ đối với cấp Quận cũng bị giới hạn nội dung thực hiện theo phân cấp ngân sách, nhân lực triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do đó, hoạt động nghiên cứu đề tài, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ còn bị hạn chế nhất định; cần điều chỉnh nội dung, chỉ tiêu của kế hoạch phù hợp hơn với thực tiễn.
Tài liệu tham khảo:
- Thành ủy Hà Nội (2021). Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
- Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ (2021). Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND quận Tây Hồ về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo năm 2022 trên địa bàn quận.
- Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ (2022). Quyết định số 4619/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ về việc kiện toàn Hội đồng Khoa học và công nghệ quận Tây Hồ.
- Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ (2022). Quyết định số 4498/QĐ-UBND ngày 23/11/2022 của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ về việc Kiện toàn Ban chỉ đạo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước Quận Tây Hồ.
- Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ (2022). Báo cáo số 162/BC-UBND ngày 28/4/2022 của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 01/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Some achievements of the People's Committee of Tay Ho District in science
and technology development and creative innovation activities
Master. Dang Thi Thuy Duong
National Academy of Public Administration
ABSTRACT:
The socio-economic development strategy for the period 2021–2030 affirms that science, technology, and creative innovation are important strategic breakthroughs. This paper analyzes the current application of science and technology to the state administrative activities of the People's Committee of Tay Ho District and the committee’s achievements.
Keywords: science technology, creative innovation, industrial revolution, the People's Committee of Tay Ho District.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]