Đánh giá chung về chính sách quản lý nhà nước đối với rượu nhập khẩu thời gian qua ở Việt Nam

ThS. DƯƠNG THÁI TRUNG (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá thực trạng chính sách quản lý nhà nước của Việt Nam đối với kinh doanh rượu nhập khẩu bao gồm các chính sách quản lý thương nhân; chính sách thuế; chính sách quản lý chất lượng rượu nhập khẩu; chính sách về điều kiện kinh doanh và phân phối rượu nhập khẩu ở Việt Nam; Trình bày các kết quả đạt được cũng như các hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước trong kinh doanh rượu nói chung, rượu nhập khẩu nói riêng.

Từ khóa: rượu nhập khẩu, quản lý nhà nước, chính sách quản lý.

1. Đặt vấn đề

Theo Luật Thương mại năm 2005: rượu là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Còn theo Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh mặt hàng rượu là loại hình kinh doanh có điều kiện. Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 quy định Nhà nước phải có chính sách để giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, nghĩa là chính sách nhà nước được xây dựng để hạn chế nguồn cung rượu, trong đó có rượu nhập khẩu. Hiện, rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu (NK) để kinh doanh được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật liên quan khác.

Với quan điểm rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành đồng bộ nhiều văn bản pháp luật để quản lý kinh doanh rượu nói chung, rượu nhập khẩu nói riêng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước và đúng với các quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, tổng lượng rượu nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2013 - 2021 vẫn ở mức cao, trung bình 19,6 triệu lít mỗi năm (Tỷ lệ tăng lượng rượu nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2013 - 2021 trung bình 5,4% một năm). Việt Nam hiện là thị trường tiêu thụ rượu lớn trong đó có rượu nhập khẩu. Điều này đã gây ra không ít các hệ lụy cho người dân và xã hội từ việc sử dụng rượu. 

Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích thực trạng chính sách quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu thời gian qua, đánh giá các kết quả đạt được, cũng như các hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trong kinh doanh rượu nói chung, rượu nhập khẩu nói riêng, làm cơ sở đưa ra những giải pháp hoàn thiện quản lý NN về kinh doanh rượu nhập khẩu là cần thiết.

2. Chính sách quản lý thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu của Việt Nam

2.1. Chính sách thuế đối với rượu nhập khẩu

Rượu nhập khẩu ở Việt Nam hiện phải chịu 3 loại thuế sau:

2.1.1. Về thuế NK

Hiện nay, thuế nhập khẩu đối với rượu ở Việt Nam thực hiện theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế NK năm 2016 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Thuế suất đối với rượu nhập khẩu gồm:

(i) Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với rượu nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; rượu từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

(ii) Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với rượu nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam; rượu từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

(iii) Thuế suất thông thường áp dụng đối với rượu nhập khẩu không thuộc các trường hợp trước đây. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng rượu tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0% sẽ áp dụng mức thuế suất thông thường đối với rượu nhập khẩu.

Trị giá tính thuế NK rượu là trị giá hải quan; thời điểm tính thuế NK rượu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Rượu nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng rượu nhập khẩu theo quy định.

2.1.2. Về thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, 2014; Luật Sửa đổi các Luật về Thuế 2014, 2016 và 2022, RNK thuộc đối tượng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện nay, thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực hiện theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 14/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, rượu nhập khẩu từ 20 độ trở lên hiện áp mức thuế suất 35%. Trong đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với RNK là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có thuế giá trị gia tăng. Trường hợp rượu nhập khẩu được miễn, giảm thuế NK, thì giá tính thuế không bao gồm số thuế NK được miễn, giảm.

Rượu nhập khẩu vào Việt Nam không thuộc đối tượng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, gồm:

(i) Rượu là quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định;

(ii) Rượu chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, rượu chuyển khẩu theo quy định;

(iii) Rượu tạm NK, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái NK không phải nộp thuế NK, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế NK;

(iv) Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; rượu mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; rượu nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật; rượu nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, rượu từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, rượu được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau.

2.1.3. Về thuế giá trị gia tăng

Theo Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, 2013, Luật Sửa đổi một số Luật về các loại thuế năm 2014, 2016: hàng hóa dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam đều phải chịu thuế giá trị gia tăng. Trong đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với rượu nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh là 10%.

Hiện nay, việc thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng đối với rượu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Giá tính thuế đối với rượu nhập khẩu kinh doanh = giá nhập tại cửa khẩu + thuế NK + thuế tiêu thụ đặc biệt. Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng NK. Bên cạnh đó, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

2.2. Chính sách quản lý chất lượng rượu nhập khẩu

2.2.1. Về dán tem rượu nhập khẩu

Theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và Nghị định số17/2020/NĐ-CP: rượu nhập khẩu phải được dán tem, tem dán phải theo đúng quy định của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo Thông tư số 15/2020/TT-BTC quy định rượu nhập khẩu phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), mỗi chai được dán một (01) con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp NK thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì thùng, téc không phải dán tem.

Đối với rượu đóng chai NK qua các cửa khẩu: Doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở của doanh nghiệp và báo cáo với cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục NK số lượng thực sử dụng (ghi rõ số sêri tem) trước khi thông quan. Đối với rượu thành phẩm dạng thùng, téc NK về đóng chai trong nước: Doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ. Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu.

Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng theo nhu cầu của các đơn vị đã đăng ký theo định kỳ hàng năm. Căn cứ số lượng rượu nhập khẩu do người khaihải quan khai, cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục NK có trách nhiệm bán tem cho doanh nghiệp NK và ghi rõ số lượng, số sêri tem thực sử dụng vào tờ khai Hải quan NK rượu.

2.2.2. Về ghi nhãn rượu nhập khẩu

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: rượu nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Ngoài ra, các nội dung được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh như: Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của mặt hàng rượu trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa; Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất mặt hàng rượu.

Nhãn phụ sử dụng đối với rượu nhập khẩu, phải được gắn trên rượu nhập khẩu hoặc bao bì thương phẩm của rượu nhập khẩu rượu nhập khẩu và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của rượu nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của rượu nhập khẩu.

Rượu được NK để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân NK. Đối với rượu được NK để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất gắn với xuất xứ của rượu nhập khẩu và ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành rượu. Rượu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài NK vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hóa đó.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kểcả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của mặt hàng rượu. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn rượu nhập khẩu, phải thể hiện các nội dung: Tên rượu; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về rượu; Xuất xứ rượu; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại rượu.

Rượu nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên vàđịa chỉcủa tổchức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân NK. Rượu nhập khẩu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có cùng thương hiệu thìghi tên và địa chỉcủa tổchức, cá nhân là chủ sở hữu thương hiệu đó hoặc tên và địa chỉtổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở Việt Nam trên nhãn hàng hóa nếu được chủ sở hữu thương hiệu đó cho phép, nhưng phải bảo đảm truy xuất được cơ sở sản xuất ra hàng hóa khi cần thiết và/hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý và ghi rõ xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa. Ngoài ra, rượu nhập khẩu chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra mặt hàng rượu cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.

2.2.3. Kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm

Rượu nhập khẩu khi NK và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu NK” đối với từng lô hàng theo các quy định hiện hành. Rượu chỉ được NK vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục NK theo quy định, thương nhân NK phải xuất trình thêm Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà NK của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó.

Kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với rượu nhập khẩu hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Điều kiện bảo đảm an toàn đối với rượu nhập khẩu: Rượu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng rượu nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện: Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi NK; Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận rượu đạt yêu cầu NK” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định; Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với loại rượu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng rượu nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Rượu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng rượu nhập khẩu phải được kiểm tra theo quy định của nhà nước Việt Nam về an toàn thực phẩm, trừ trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ. Rượu nhập khẩu từ nước có ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về thừa nhận lẫn nhau đối với hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm được áp dụng chế độ kiểm tra giảm, trừ trường hợp có cảnh báo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm. Việc miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với một số mặt hàng rượu nhập khẩu theo trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước sẽ xuất khẩu mặt hàng rượu vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Chính sách quản lý hoạt động phân phối rượu nhập khẩu

3.1. Địa điểm không được kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu nhập khẩu

Hiện tại, không có quy định riêng của pháp luật đối với địa điểm không được kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu nhập khẩu. Kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu nói chung và rượu nhập khẩu nói riêng phài được hoạt động tại những địa điểm mà pháp luật không cấm. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP đã quy định những địa điểm không bán rượu, bia, bao gồm: các cơ sở y tế, nơi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe (bệnh viện, viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn); các cơ sở giáo dục (mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục đại học, sư phạm, cao đẳng, đại học tại chức, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm dạy nghề khác); các cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; các cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; các cơ sở bảo trợ xã hội (các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập); những nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

3.2. Quản lý việc quảng cáo đối với rượu nhập khẩu

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP: các hành vi bị nghiêm cấm đó là quảng cáo rượu có độ cồn từ 15o trở lên, đồng thời quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5o cũng như quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5o đến dưới 15o và bia có độ cồn từ 5,5o trở lên, cụ thể:

- Ngoài trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5o trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18-21 giờ hằng ngày bao gồm các quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ tại địa điểm diễn ra chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình. Quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5o trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định của Nhà nước đã ban hành.

- Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15o và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định của Nhà nước đã ban hành.

3.3. Quản lý việc khuyến mại đối với rượu nhập khẩu

Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP: Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15o trở lên; Sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15o trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức. Đồng thời, tổ chức, cá nhân thực hiện khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15o phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khuyến mại.

3.4. Điều kiện bán rượu nhập khẩu theo hình thức thương mại điện tử

Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định rượu nhập khẩu được bán theo hình thức thương mại điện tử trước hết phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tiếp theo, rượu nhập khẩu được bán theo hình thức thương mại điện tử phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Đồng thời, điều kiện bán rượu nhập khẩu theo hình thức thương mại điện tử phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia bảo đảm các yêu cầu: có ứng dụng khai báo tên, tuổi của người truy cập trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin; khai báo các thông tin về tên, địa chỉ cư trú của người mua, thông tin thanh toán qua tài khoản, thẻ ngân hàng hoặc các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác khi người đó thực hiện giao dịch mua rượu nhập khẩu; thông tin về sản phẩm rượu nhập khẩu trên website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân bán rượu không được liên kết, quảng bá đến các trang khác liên quan.

3.5. Quy hoạch đối với kinh doanh rượu nhập khẩu

Công tác quy hoạch phát triển ngành Bia - Rrượu - Nước giải khát nói chung được Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao. Trước đây có các văn bản, như: Quyết định số 28/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 58/2003/QĐ-TTg, Quyết định số 2435/QĐ-BCT đã nêu rõ định hướng phát triển: “Tăng cường hợp tác với các hãng rượu lớn trên thế giới để sản xuất rượu chất lượng cao thay thế NK và xuất khẩu”.

Hiện nay, quy hoạch ngành Rượu, bia được thực hiện theo Quyết định số 2219/QĐ-BCT và Quyết định số 3690/QĐ-BCT với mục tiêu xây dựng ngành Rượu Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế, có thương hiệu mạnh trên thị trường, sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Quy hoạch này đặt ra mục tiêu sản xuất đến năm 2020, 2025 và 2035 không thay đổi về khối lượng, cả nước sản xuất khoảng 350 triệu lít rượu, trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm từ 40 - 50%. Tuy nhiên, quy hoạch tập trung phát triển chất lượng và giá trị rượu.

Tuy nhiên, theo quy định Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh NK rượu nói riêng được tích hợp vào các quy hoạch có liên quan và là một nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng được lập để thực hiện việc tích hợp quy hoạch. Hiện nay, kinh doanh rượu đang được xem xét, quyết định lựa chọn phương án tích hợp các hợp phần quy hoạch vào quy hoạch cần lập đối

4. Đánh giá chung

4.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam đã trải qua quá trình lịch sử xây dựng và thực hiện chính sách tương đối dài. Từ ngày 25/5/1956, Phủ Thủ tướng đã ban hành văn bản quản lý nhà nước đầu tiên đối với kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng, đó là Nghị định số 897-TTg. Kể từ đó, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu được hoàn thiện qua từng giai đoạn kinh tế - xã hội khác nhau.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam đã được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Thứ ba, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua các chính sách quản lý thương nhân kinh doanh. Do rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do vậy tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Trước hết, thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu phải có giấy phép, đồng thời thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy. Thương nhân phải NK rượu nguồn gốc hợp pháp; niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền; cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được NK, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp; thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ theo quy định.

Thứ tư, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua hệ thống chính sách thuế, bao gồm thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Thuế NK đối với rượu nhập khẩu vào Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện theo các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nhất là phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thứ năm, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua hệ thống chính sách quản lý chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Thứ sáu, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua chính sách về điều kiện kinh doanh và điều kiện phân phối (quy định địa điểm không được kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu; quy định về quảng cáo đối với rượu, tiếp thị, khuyến mại rượu; và các quy định điều kiện bán rượu theo hình thức thương mại điện tử).

4.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Một là, điều kiện quản lý thương nhân kinh doanh NK rượu còn chưa chặt chẽ. Quản lý thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu chưa hướng tới việc giảm nguồn cung rượu và giảm mức tiêu thụ rượu, bia nói chung và rượu nhập khẩu nói riêng. Thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu trong thời gian qua tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế mức tăng hoặc giảm số lượng và quy mô thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu theo đúng tinh thần của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Hai là, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu chưa gắn với những chính sách quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam về hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chưa có những quy định cụ thể bắt buộc thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu phải có trách nhiệm trong hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, bao gồm chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

Ba là, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam chưa có những quy định về chính sách giá, quy định về giá tối thiểu nhằm giảm mức tiêu thụ rượu nhập khẩu; quy định mức giá tối thiểu đối với những chủng loại hoặc nhóm rượu cụ thể, áp dụng chung đối với rượu sản xuất trong nước và rượu nhập khẩu. Nhìn chung, chưa có những quy định trên cơ sở phối hợp hài hòa giữa đặc thù rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chính sách quản lý phải theo hướng giảm mức tiêu thụ chứ không phải theo hướng khuyến khích tiêu dùng, nhưng phải đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bốn là, chính sách thuế đối với rượu nhập khẩu chưa phù hợp, mức thuế đối với rượu nhập khẩu vào Việt Nam tương đối thấp dẫn đến giá rượu nhập khẩu rẻ, có tính cạnh tranh cao so với rượu sản xuất trong nước. Cụ thể: mức thuế đối với rượu nhập khẩu vào Việt Nam là do: (i) trị giá hải quan đối với rượu nhập khẩu chưa phù hợp với thực tiễn; (ii) thuế suất thuế NK đối với những quốc gia không ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam còn ở mức thấp; (iii) thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu nói chung còn thấp, chưa phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; (iv) chưa có cơ chế thuế suất thuế giá trị gia tăng riêng đối với từng nhóm rượu, xuất xứ rượu bao gồm rượu nhập khẩu.

Năm là, công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rượu nhập khẩu còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Rượu nhập khẩu được kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam chưa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Các luật có liên quan đến kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rượu nhập khẩu đều được ban hành trên 10 năm, chưa được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Sáu là, hoạt động kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng theo Luật Thương mại là mặt hàng hạn chế kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020. Vì vậy, phải “thiết kế” chính sách quản lý chặt chẽ, là “rào cản” nhằm hạn chế thương nhân tham gia thị trường để giảm nguồn cung rượu ra thị trường theo tinh thần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP, thời gian qua các điều kiện kinh doanh rượu nói chung, rượu nhập khẩu nói riêng được nới lỏng và cắt giảm nhiều là chưa phù hợp không nên cào bằng các lĩnh vực kinh doanh để cắt giảm điều kiện kinh doanh. Như vậy, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay đang theo hướng “phát triển”, bao gồm cả về phát triển thương nhân kinh doanh, phát triển mặt hàng rượu nhập khẩu,… là đang đi ngược lại với chính sách phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bảy là, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng cũng như quản lý là nước đối với kinh doanh rượu nói chung chưa thực sự theo hướng hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng. Chưa có những cơ chế, giải pháp hữu hiệu để: (i) hạn chế tính sẵn có của rượu, (ii) quy định cụ thể hoặc các quy định khả thi về địa điểm công cộng không được uống rượu, bia, (iii) hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình, (iv) quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia (vi) ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử cũng như các cơ chế, biện pháp hữu hiệu khác.

Tám là, việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Chín là, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh rượu mặc dù đã nỗ lực và có nhiều kết quả nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan nên việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh rượu vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật số 36/2005/QH11: Luật Thương mại, ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005.
  2. Quốc hội (2016). Luật số 107/2016/QH13: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ban hành ngày 16/4/2016.
  3. Quốc hội (2019). Luật số 44/2019/QH14: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ban hành ngày 14/6/2019.
  4. Chính phủ (2015). Nghị định số108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
  1. Chính phủ (2016). Nghị định số100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
  2. Chính phủ (2017). Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 về kinh doanh rượu.
  3. Chính phủ (2020). Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

GENERAL ASSESSMENTS OF VIETNAM’S POLICIES

ON MANAGING BUSINESSES RELATING

TO IMPORTED WINES

Master. DUONG THAI TRUNG

Department of Domestic Markets

Ministry of Industry and Trade 

ABSTRACT:

This study assesses the current policies of Vietnam on managing businesses relating to imported wines such as: policies for imported wine traders, tax policies, polices on the quality of imported wines, and policies on conditions of doing businesses relating to imported wines. This study is to evaluate achieved results, and point out limitations and difficulties in the state management of wine businesses in general, and imported wine businesses in particular.

Keywords: imported wines, state management, policies on management of imported wines.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]