TÓM TẮT:
Đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài trong những năm qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân - một thị phần quan trọng trong nền kinh tế quốc doanh có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà nước. Tuy nhiên, trước sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế tư nhân gần như chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn, vậy làm thế nào để khôi phục được và tiếp tục tạo động lực cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Trong bài viết này, tác giả đã khái lược những chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhằm khôi phục sự phát triển của kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Từ khóa: chính sách, nhà nước, kinh tế tư nhân, phục hồi, đại dịch Covid-19.
1. Đặt vấn đề
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”[1]. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới. Kinh tế tư nhân ở nước ta hoạt động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chịu sự chi phối, điều tiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm tham gia xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã được nâng lên, coi đó là động lực của nền kinh tế. Cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân. Đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu đạt tới, mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích các chính sách pháp luật của nhà nước ta trong thời gian gần đây nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển và khôi phục khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
2. Sự tác động của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển của kinh tế tư nhân trong những năm qua
Trong những năm qua, sự bùng phát dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, nó đã có những tác động đáng kể đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 9 tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, đợt dịch kéo dài từ tháng 7/2021, các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước, theo đó, GDP quý III/2021 có mức giảm sâu nhất kể từ khi tính và công bố GDP theo quý tại Việt Nam. GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngoại trừ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương 1,04% nhưng vẫn rất thấp trong 10 năm qua (chỉ cao hơn mức tăng trưởng 0,97% của 9 tháng năm 2016); khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đều giảm lần lượt là 5,02% và 9,28%. Mặc dù GDP quý III/2021 giảm sâu nhưng tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP vẫn đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngoài khu vực dịch vụ giảm 0,69% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ vẫn đạt tăng trưởng dương lần lượt là 2,74% và 3,57% nhưng đều thấp hơn so với kỳ vọng.[2]
Hoạt động kinh tế quý III/2021 suy giảm mạnh chủ yếu do các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt được áp dụng trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài theo Chỉ thị số 16 để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội; tổng GRDP của 20 tỉnh, thành phố này chiếm gần 57% GDP (Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 17%; Hà Nội chiếm 12,6%; Bình Dương 4,8%; Đồng Nai chiếm 4,5%; Bà Rịa-Vũng Tàu chiếm 3,8%). Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm gần 53% khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước; khu vực dịch vụ chiếm hơn 63%[3]. Do chiếm tỷ trọng lớn nên mỗi biến động trong tăng trưởng GRDP của các tỉnh, thành phố trọng điểm này đều có ảnh hưởng không nhỏ tới GDP của toàn nền kinh tế. Khi đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không sẽ phải tạm ngừng hoạt động làm ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động như vậy, các doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn, lực lượng lao động thiếu hụt do nghỉ việc, cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, trì hoãn việc sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của khu vực tư nhân càng trở nên cấp thiết nhằm tìm kiếm giải pháp hợp tác công - tư để huy động nguồn lực của khu vực này. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nguồn lực của Chính phủ, vốn hạn chế, đã được ưu tiên cho chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế trong đại dịch.
3. Một số chính sách đặc thù của nhà nước nhằm phục hồi và tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân hiện nay
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã luôn đồng hành, sát cánh với Chính phủ, kịp thời ban hành các Nghị quyết làm cơ sở pháp lý cho phép Chính phủ áp dụng ngay các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội, đồng thời nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Một số chính sách đặc thù như:
Một là, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có đủ vaccine phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho toàn dân, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh. Sớm có cơ chế hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa và nhanh chóng cho doanh nghiệp nhập khẩu vaccine bảo đảm chất lượng, mua máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch. Thực hiện việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước; duy trì hiệu quả, cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin, dữ liệu về tiêm vaccine phòng Covid-19 để tăng cường phòng bị, bảo đảm an toàn xã hội. Phân bổ, sử dụng có hiệu quả số tiền huy động từ các nguồn lực xã hội ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; đẩy nhanh tiến độ giải ngân Quỹ vaccine phòng Covid-19.
Hai là, nâng cao nhận thức về bối cảnh “bình thường mới”, áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.
Ba là, ban hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực. Trên phương diện kinh tế, quan điểm chung là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
Bốn là, tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 63-NQ/CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP và các văn bản có liên quan, nhất là những chính sách mới (như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giảm cước viễn thông...).
Năm là, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020”; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; các số liệu của Tổng cục Thống kê, một số nghiên cứu chuyên sâu khác về kinh tế Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, trong đó có Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng... để nghiên cứu, phân tích một cách khoa học nhằm xác định các mục tiêu cụ thể này; thảo luận kỹ với các ban, bộ, ngành và địa phương cũng như các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đây là căn cứ để Nghị quyết mới đề ra các mục tiêu cụ thể về chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp hoạt động; tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển mới đối với kinh tế tư nhân.
Sáu là, Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 theo hướng làm rõ đối tượng, lĩnh vực phù hợp tình hình thực tiễn và các quan điểm, chiến lược về phòng, chống dịch, mục tiêu phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong từng giai đoạn, như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh, mang lại hiệu quả thiết thực, mở rộng đối tượng là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiếp tục thực hiện và mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tiếp tục giảm tiền, gia hạn thời hạn nộp tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; bổ sung chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bảo đảm mục tiêu giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, giảm chi phí đầu vào cho các lĩnh vực kinh doanh khác, bảo đảm người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi, tránh tình trạng doanh nghiệp không giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ để trục lợi từ chính sách…
Bảy là, nhằm tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19; ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo Nghị quyết 105: (i) Lũy kế ít nhất khoảng 01 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; (ii) Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; (iii) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Nhìn chung, những chính sách, giải pháp đã ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
4. Kết luận
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với nước ta đặc biệt là đứng trước những tác động do đại dịch toàn cầu Covid-19 đã và đang gây ra. Để có thể thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội nước ta, thực hiện chủ trương đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước thì đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước, các thành phần kinh tế và toàn dân. Trong đó phải kể đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nó là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống nền kinh tế nước ta. Những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế là không nhỏ trong những năm qua. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp lớn vào GDP của cả nước mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động.
Song trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và cơ hội. Nguyên nhân một phần là do xuất phát điểm của nước ta còn thấp, chính sách của Nhà nước còn nhiều bất cập. Từ đó dẫn đến yêu cầu cấp thiết là phải có những giải pháp hợp lý để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trước thềm hội nhập đang đến gần. Trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, việc huy động các thành phần kinh tế, loại hình kinh tế trên các lĩnh vực, trong đó có loại hình kinh tế tư nhân rất quan trọng, việc thu hút được nhiều vốn đầu tư từ loại hình này góp phần để phát triển đất nước, đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu là nhu cầu khách quan, cần thiết. Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua Nhà nước ta đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển loại hình kinh tế tư nhân, vì vậy loại hình kinh tế này phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện đời sống các tầng lớp dân cư, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của cả nước, rút ngắn khoảng cách chệch lệch so với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.240, tr.240.
[2],[3]Tổng cục Thống kê (2021). Tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng các khu vực kinh tế quý III năm 2021. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/10/tac-dong-cua-dich-covid-19-den-tang-truong-cac-khu-vuc-kinh-te-quy-iii-nam-2021/.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.240, tr.240.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2017). Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
- Nguyễn Quang Tạo, Nguyễn Thị Ly (2021). Kinh tế tư nhân - Động lực phát triển của nền kinh tế. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/tim-hieu-noi-dung-cac-van-kien-dai-hoi-xiii/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-133368.
- Đỗ Minh Anh (2021). Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Tạp chí Tài chínhTruy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-day-manh-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-trong-thoi-ky-moi-331108.html
- Vũ Đình Ánh (2019). Khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, Chuyên đề đặc biệt năm 2019.
- Nguyễn Hùng (2021). Định vị và phát triển kinh tế tư nhân, Kỳ 1: Tạo niềm tin từ hành trình đổi mới. Báo Nhân dân, Truy cập tại: https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/dinh-vi-va-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-639465/.
Policies facilitating the recovery and growth of the private economic sector in the post-COVID-19 era
Master. Pham Xuan Vuong
Ho Chi Minh University of Banking
Abstract:
The prolonged COVID-19 pandemic has severely impacted all socio-economic aspects including the private economic sector which plays an important part in the economy. Hence, supporting the private economic sector to recover and grow in the post-COVID-19 era is an essential task. This paper is to summarize the major policies that the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam have promulgated to facilitate the private economic sector’s growth in the coming time.
Keywords: policy, government, private economy, recovery, Covid-19 pandemic.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2022]