TÓM TẮT:
Xây dựng thương hiệu điểm đến có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch quốc gia nói chung và du lịch địa phương nói riêng. Bài viết nghiên cứu trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển du lịch của Phú Yên, đề xuất giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến Phú Yên.
Từ khóa: Thương hiệu, điểm đến, du lịch, tỉnh Phú Yên.
1. Mở đầu
Xây dựng thương hiệu điểm đến được xem là chiến lược chọn lựa và xây dựng một hình ảnh tích cực nhằm tạo lập và nhận dạng duy nhất để phân biệt một điểm đến với các đối thủ cạnh tranh, sau đó tiến hành định vị hình ảnh đó trong tâm trí khách du lịch nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý trên diện rộng của đông đảo du khách đến điểm du lịch.
Mục đích của việc xây dựng thương hiệu các điểm đến mang trọng tâm tạo ra một hình ảnh thích hợp. Đó là tính hấp dẫn, chất chứa những nội dung trung thực nhất trong từng phong cách. Hơn nữa, xây dựng thương hiệu của một điểm đến không chỉ phân biệt các điểm đến cạnh tranh, mà còn phục vụ như là phương tiện làm tăng giá trị cho điểm đến. Vì vậy, thương hiệu được sử dụng để chào bán những giá trị độc đáo tới khách du lịch tiềm năng. Và tạo dựng thương hiệu điểm đến du lịch có thể giảm rủi ro cho khách du lịch khi quyết định lựa chọn địa điểm du lịch cho kỳ nghỉ của họ. Khách du lịch sẽ cảm thấy tin tưởng với một thương hiệu mạnh vì nó cung cấp kiến thức, thông tin, an ninh và sự đảm bảo. Do đó, một hình ảnh của một thương hiệu mạnh sẽ tạo ra một bản sắc mạnh mẽ cho sản phẩm và dịch vụ.
Như vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành Du lịch của mỗi quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng.
2. Định hướng xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Phú Yên
Với thế mạnh là tài nguyên du lịch biển, đảo, hệ sinh thái đa dạng và chiều sâu văn hóa của một vùng đất, quy hoạch du lịch Phú Yên xác định ba sản phẩm du lịch chính theo thứ tự ưu tiên là: Du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan khám phá các vùng cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo gắn với biển - đảo của tỉnh; Du lịch gắn với sinh thái đầm, vịnh, hồ, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng cấm quốc gia; Du lịch gắn với văn hóa, tham quan di tích, nghiên cứu, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh.
Để giới thiệu sản phẩm du lịch đến du khách, việc hình thành các khu, tuyến điểm du lịch là rất cần thiết. Theo quy hoạch, ưu tiên phát triển du lịch theo hướng Nam - Bắc, gắn với biển và vùng ven biển, khai thác các cảnh quan tự nhiên, các khu nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi giải trí, hình thành mạng lưới không gian du lịch duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; liên kết phát triển lữ hành quốc tế, đa dạng các hình thức du lịch lữ hành nội địa… từng bước xây dựng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa) trở thành đô thị du lịch, trung tâm nghỉ mát của tỉnh; xây dựng một số buôn văn hóa, du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân; hình thành khu du lịch sinh thái gắn liền với các hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, các suối nước nóng Phú Sen, Lạc Sanh, Triêm Đức, Trà Ô…
Đến năm 2020, Phú Yên hình thành bốn vùng không gian du lịch có tính chất khác nhau, hỗ trợ cho nhau gồm: Không gian du lịch trung tâm: bao gồm thành phố Tuy Hòa và các vùng phụ cận thuộc các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An; Không gian du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo phía Bắc tỉnh: bao gồm vịnh Xuân Đài và các vùng phụ cận thuộc thị xã Sông Cầu và một phần của huyện Tuy An; Không gian du lịch miền núi phía Tây Bắc tỉnh: bao gồm cao nguyên Vân Hòa và vùng phụ cận thuộc các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An. Không gian du lịch miền núi phía Tây Nam: bao gồm huyện Sông Hinh và vùng phụ cận thuộc các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa.
3. Thực trạng phát triển du lịch đểm đến Phú Yên
Phú Yên là địa phương có giàu tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như Gành Đá Đĩa, Bãi Môn Mũi Điện, khu di tích Vũng Rô,… Những năm gần đây, tỉnh Phú Yên đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, du lịch địa phương từ chỗ chưa nhiều người biết đến, đến nay tiềm năng du lịch Phú Yên đã được đầu tư khai thác, nhiều du khách, hãng lữ hành trong và ngoài nước chọn là điểm đến mới trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, quy mô và chất lượng các loại hình du lịch chưa ngang tầm với tiềm năng, hiệu quả kinh doanh của các ngành du lịch còn khiêm tốn, chưa quảng bá được hình ảnh một cách rộng rãi để thu hút du khách. Mặc dù đã có những định hướng được ưu tiên đặc biệt, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất du lịch Phú Yên vẫn chưa tích cực phát huy hết lợi thế của mình và cũng chưa khai thác đúng tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Sản phẩm du lịch hầu hết khá đơn điệu, trùng lắp, chất lượng dịch vụ còn yếu. Hiện nay, chưa có nhiều dự án du lịch được đầu tư; việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm hàng hóa địa phương phục vụ du lịch còn yếu, chưa đa dạng về chủng loại, chưa hấp dẫn về mẫu mã, dịch vụ đi kèm tại các địa điểm di tích chưa được đầu tư… Việc nghiên cứu các giải pháp quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển du lịch ở địa phương này.
4. Giải pháp đề xuất xây dựng thương hiệu điểm đến Phú Yên
4.1. Giải pháp xã hội hóa phát triển thương hiệu du lịch
Phát triển thương hiệu du lịch của địa phương cần nhiều nguồn lực, trong đó vốn là quan trọng nhất. Do vậy, ngoài các nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ thì công tác xã hội hóa là cần thiết trong điều kiện tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu còn hạn chế. Ngoài 40% ngân sách Trung ương và địa phương chiếm hỗ trợ thì cần huy động vốn từ nguồn nội lực, từ các doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh. Để huy động được nguồn vốn này, du lịch Phú Yên cần tổ chức các diễn đàn du lịch mời họ tham gia để họ thấy được tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh để họ mạnh dạn đầu tư. Kế đến là kêu gọi đầu tư từ các nhà doanh nghiệp, các cá nhân là người Phú Yên đang làm việc, sinh sống trong nước và ở nước ngoài thông qua tổ chức các diễn đàn du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp qua báo, đài… Để tổ chức được các diễn đàn thành công nên mời các chuyên gia du lịch có kinh nghiệm để họ tư vấn trong việc tổ chức các diễn đàn này.
4.2. Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng mang đặc sắc riêng dựa trên thế mạnh và tiềm năng du lịch Phú Yên
Sản phẩm du lịch là sản phẩm đặc thù, riêng biệt, mang đậm phong cách của từng địa phương. Xây dựng sản phẩm du lịch là chiến lược cần được chú trọng, quan tâm để đưa du lịch phát triển toàn diện. Đối với Phú Yên, sản phẩm du lịch hiện nay chưa thực sự tạo cho mình một con đường riêng, chưa khẳng định được vị trí của du lịch tỉnh nhà trong xu thế hội nhập hiện nay. Trên thực tế, sản phẩm du lịch Phú Yên vẫn chưa có được lợi thế cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp, đó là tính đặc thù. Số lượng khách du lịch hằng năm có tăng nhưng chưa nhiều, số ngày lưu trú, tổng lượng chỉ tiêu cho dịch vụ du lịch còn thấp. Đặc biệt là sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp về dịch vụ, hàng hóa, các chương trình du lịch (tour) còn thiếu hấp dẫn. Hầu hết du khách đến với du lịch Phú Yên chỉ quen với một sản phẩm duy nhất là tham quan Gành Đá Đĩa, tham quan Bãi Môn - Mũi Điện gắn với khu di tích lịch sử Vũng Rô hay nếu có kết hợp tham quan một vài di tích khác như nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng, Nhạn Tháp… nhưng tại những nơi này lại thiếu trầm trọng cơ sở ăn uống, lưu trú và các dịch vụ bổ sung. Dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh còn hạn chế, nhất là hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ để phục vụ đối tượng là người nước ngoài. Vì vậy, du khách đến với Phú Yên thường không lưu trú, không tiêu dùng dịch vụ bổ sung và nhanh chóng di chuyển đến các tỉnh khác theo lộ trình.
Để sản phẩm du lịch Phú Yên có khả năng cạnh tranh với du lịch của các vùng miền khác, có khả năng thu hút khách đến và lưu khách lại lâu hơn, du lịch Phú Yên phải thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong thời gian tới, du lịch Phú Yên cần có sản phẩm mang tính đặc thù, phân biệt với các sản phẩm của các địa phương khác trong vùng; trong các chương trình hợp tác cần phải dựa trên cơ sở cùng thống nhất theo chuỗi liên kết đã tính đến đặc trưng tài nguyên và lợi thế của từng địa phương. Cụ thể là:
Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển: Khai thác các giá trị tài nguyên du lịch biển ở hai không gian du lịch chính là không gian du lịch Tuy Hòa và phụ cận; không gian du lịch vịnh Xuân Đài - Gành Đá Đĩa - Từ Nham và vùng phụ cận.
Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái: Khai thác các giá trị tài nguyên du lịch sinh thái ở hai không gian du lịch phía Tây tỉnh là không gian du lịch cao nguyên Vân Hòa và phụ cận; không gian du lịch Sông Hinh và phụ cận.
Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử với các giá trị di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, các giá trị ẩm thực, lễ hội, tâm linh, làng nghề…
Nhóm du lịch MICE (tham quan mua sắm, du lịch công vụ), vui chơi giải trí: Đây là nhóm sản phẩm du lịch bổ sung quan trọng gắn với các trung tâm du lịch của Phú Yên, đặc biệt là gắn với thành phố Tuy Hòa nơi có điều kiện tốt về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch trên, Phú Yên cũng cần chú trọng đến việc tạo tiền đề cho việc hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Yên là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp chuyên biệt (các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp ở những khu vực riêng biệt, ít bị tác động bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, đề cao giá trị “riêng tư” và giá trị thiên nhiên ) và du lịch thể thao biển tầm cỡ khu vực với việc hình thành trung tâm du thuyền gắn với tổ hợp du lịch hiện đại nơi tập trung nhiều khách sạn cao cấp 4 -5 sao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp hiện đại, đua thuyền… Du lịch Phú Yên sẽ tạo sự khác biệt với các tỉnh lân cận, mang lại hiệu quả đầu tư du lịch đưa du lịch Phú Yên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2020.
Thực sự Phú Yên cũng đã bước đầu hình thành và đưa vào khai thác một số cụm du lịch, tuy nhiên việc đầu tư vẫn còn chưa tương xứng, do đó cần phải có một cơ chế huy động vốn đầu tư thông thoáng theo quan điểm xã hội hóa du lịch, kết hợp các nguồn lực nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước thì mới có thể phát triển, mới đánh thức được tiềm năng du lịch tại Phú Yên.
4.3. Giải pháp quảng bá, tiếp thị phát triển du lịch Phú Yên
Công tác quảng bá, tiếp thị cho du lịch Phú Yên trong thời gian qua chưa được chú trọng, trong khi đây là một công việc hết sức quan trọng đối với sự sống còn của một ngành Du lịch. Để công tác quảng bá, tiếp thị du lịch Phú Yên đạt hiệu quả cao, đồng thời phải tiết kiệm chi phí và công sức, việc cần làm đầu tiên của du lịch Phú Yên là phải tiến hành nghiên cứu thị trường để có những chính sách thị trường phù hợp. Cần phải đa dạng hóa sản phẩm nhưng chú trọng đến tính độc đáo riêng của du lịch Phú Yên, chất lượng sản phẩm du lịch phải phù hợp với từng thị trường.
Tổ chức quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện trang web của ngành bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, Nga, Anh, Nhật, Pháp…, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh cũng như sản phẩm du lịch độc đáo. Các cơ quan truyền thông sẽ dành dung lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về du lịch Phú Yên; Hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị du lịch trong công tác quảng bá thông tin, hình ảnh của đơn vị mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc quan trọng kế tiếp là phải tuyên truyền nâng cao ý thức du lịch, nhận thức văn hóa du lịch trong cộng đồng dân cư địa phương và kể cả cấp lãnh đạo Tỉnh. Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các ngành du lịch và các cơ quan liên quan như ngành Hàng không, Ngoại giao, Hải quan…
Nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Phú Yên có giá trị thương hiệu mạnh, gia tăng sự nhận biết của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ du lịch. Hoạt động marketing quảng cáo thông tin du lịch không chỉ đơn thuần mang ý nghĩ kinh tế mà nó còn mang ý nghĩa xã hội. Xét phạm vi trong nước, hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức về sự phát triển du lịch cho các cấp, ngành, làm giảm bớt những tác động tiêu cực của các cộng đồng dân cư đến môi trường thiên nhiên.
Du lịch Phú Yên phải tiến hành chào mời và đơn giản hóa thủ tục, giảm giá tour cho các nhóm quay truyền hình nước ngoài đến Phú Yên, để họ xây dựng những chương trình quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung, trong đó có Phú Yên để phổ biến đến đất nước họ.
Một giải pháp quảng bá, tiếp thị rất hiệu quả nữa đó là, nên chủ động tham gia một cách thường xuyên vào các diễn đàn, hội nghị, hội chợ du lịch và hội chợ thương mại trong nước và tiến tới các hội chợ quốc tế ở các khu vực thị trường trọng điểm như các nước ASEAN, Trung Quốc, Tây Âu… Thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội chợ này giúp cho du lịch Phú Yên có điều kiện giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh và cũng nhờ đó mà có thể tiến hành xúc tiến du lịch với các đối tác.
4.4. Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy quản lý phục vụ phát triển du lịch
Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Phú Yên không đáp ứng được nhu cầu phát triển cả hiện tại và về lâu dài, vì thế, du lịch Phú Yên nên có các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển như:
Các cơ sở kinh doanh du lịch tăng cường công tác đào tạo tại chỗ. Thực hiện có hiệu quả về chính sách thu hút trí thức, ưu tiên cho lĩnh vực du lịch. Thực hiện tốt chính sách cán bộ, như: Quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bố trí đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện.
Du lịch Phú Yên phải đưa ra những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho những chuyên gia du lịch và những người làm du lịch chuyên nghiệp để họ đến làm việc. Sẵn sàng giao cho họ những trọng trách cao, giao việc quản lý và giao trách nhiệm cho họ. Tỉnh phải có chính sách hỗ trợ nhà ở và tạo các điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể yên tâm làm việc, cống hiến, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường làm việc thông thoáng để họ có thể phát huy hết khả năng của mình. Đặc biệt, nên có chính sách khuyến khích các sinh viên là người Phú Yên đang học tại các trường đại học trên toàn quốc nói chung và chuyên ngành Du lịch nói riêng, sau khi tốt nghiệp quay về phục vụ cho du lịch tỉnh nhà. Đây sẽ là nguồn nhân lực dồi dào nhất của tỉnh, có chất lượng cao, sử dụng được ngay, mà không phải tốn nhiều thời gian và kinh phí đào tạo.
4.5. Giải pháp liên doanh, liên kết với các công ty du lịch
Những năm gần đây, thị hiếu về du lịch đang có xu hướng dịch chuyển sang loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa và tìm về những giá trị nhân văn. Từ đó, việc liên kết thành các chuỗi dịch vụ khép kín để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên các không gian du lịch sẵn có và những sản phẩm dịch vụ đặc trưng mang bản sắc của đất và người Phú Yên là yêu cầu cấp thiết.
Với phương châm liên kết để tồn tại và phát triển, mối liên kết liên hoàn không gian - thời gian - ẩm thực - văn hóa trong các gói dịch vụ du lịch cần được thực hiện. Việc gắn kết này đòi hỏi có sự chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau. Mục tiêu là tạo nên sự khép kín chương trình về thời gian, sự hài hòa giữa không gian, sự trộn lẫn giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất và nhu cầu thưởng ngoạn tinh thần một cách thoải mái cho du khách. Để hình thành liên kết chuỗi dịch vụ du lịch thì cần giải quyết tốt bài toán về lợi ích. Một khi các bên tham gia đều thấy được mối quan hệ hài hòa giữa chuỗi dịch vụ và chuỗi giá trị, thấy được lợi ích của mình trong các mối liên hệ liên kết thì mối liên kết ấy mới có cơ sở phát triển bền vững.
4.6. Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý du lịch
Xây dựng bộ máy quản lý du lịch địa phương hoàn chỉnh với các chức năng: Sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển; nghiên cứu thị trường, thị hiếu du khách; quan hệ với các hãng thông tấn, báo chí, phát thanh trong và ngoài nước; tổ chức hội chợ, triển lãm; nghiên cứu, tìm hiểu các loại hình quảng cáo để ứng dụng vào từng thời kỳ, từng giai đoạn và từng thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng cáo thông tin du lịch; tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng với chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong từng giai đoạn phát triển và không ngừng cải tiến để sản phẩm thu hút du khách hơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các chính sách về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách đền bù giải tỏa, có chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, trình độ quản lý chuyên nghiệp, đầu tư dự án có quy mô, loại hình mới.
Thành lập các chi nhánh, đại lý du lịch Phú Yên để giới thiệu sản phẩm du lịch Phú Yên trên toàn quốc dựa trên cơ sở phân tích và đưa ra những định hướng chiến lược, du lịch Phú Yên có thể xác định những thị trường trong nước cũng như quốc tế cần ưu tiên khai thác trước.
4.7. Giải pháp an toàn và an ninh trong du lịch
Tại các điểm du lịch cần triệt để chấm dứt các hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch.
Áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ và hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam chung và Phú Yên nói riêng trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đào Bảo Minh (2012), “Một số giải pháp marketing địa phương nhằm phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020”, Luận văn Thạc sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
2. Hà Nam Khánh Giao (2011), Giáo trình Marketing du lịch, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Hồng Thản (2014), “Định hướng chiến lược phát triển du lịch cho tỉnh Phú Yên đến năm 2020”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Thị Lệ Chi (2014), “Phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên - thực trạng và giải pháp”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Đại học Lạc Hồng.
5. Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 19/01/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
6. Trịnh Xuân Dũng (2011), Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch; www.itdr.org.vn, 19/5/2011.
SOLUTIONS FOR BUILDING TOURISM
DESTINATION BRANDING IN PHU YEN PROVINCE
● BUI THI HONG TAM
Phu Yen Women's Union
● MA. DUONG VAN HUNG
Faculty of Business Administration - Electric Power University
● PhD. NGUYEN THI THANH DAN
Faculty of Business Administration - Electric Power University
ABSTRACT:
Branding tourism destination plays an important role in the development of national tourism in general and local tourism in particular. Research based on the analysis of tourism development status of Phu Yen Province, proposed solutions for building the tourism destination branding for Phu Yen.
Keywords: Brand, destination, tourism, Phu Yen Province.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây