Cùng dự có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát; các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, trên cơ sở kết quả làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội khóa XV với Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã có Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 12/9/2023 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Phiên họp thứ 7 này nhằm cho ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến vào Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trên cơ sở các kiến nghị của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 444/TTr-CP để Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 27.
Tại Phiên họp, Đoàn giám sát đã thảo luận về Tờ trình số 444/TTr-CP của Chính phủ về "kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình trong thời gian tới”, trong đó nêu một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình và đề xuất, kiến nghị 5 vấn đề.
Theo đó, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội quyết định cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đề xuất Quốc hội giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân được tự quyết định hình thức mua sắm; đồng thời tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án.
Chính phủ cũng đề xuất giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và đề xuất giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương hằng năm của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước của địa phương qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ cũng kiến nghị cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách nhà nước dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.
Qua thảo luận, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết đối với các đề xuất của Chính phủ; ủng hộ chủ trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc và bổ sung một số giải pháp, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các Chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều.
Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm xung quanh 5 vấn đề mà Chính phủ đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 27, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ, hoàn thiện thêm hồ sơ cho đầy đủ. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đã cho ý kiến về phim tài liệu của Đoàn giám sát về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Thường trực Đoàn giám sát tiếp thu toàn bộ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thiện Báo cáo, đảm bảo tiến độ đề ra, chất lượng cao nhất.
Đồng thời đề nghị Báo cáo cần viết sắc sảo, nổi lên được vấn đề trọng tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bao quát đầy đủ các nội dung.
Với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì đồng bào nghèo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với các ý kiến của Đoàn giám sát về các cơ chế đặc thù.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Tổ giúp việc của Đoàn giám sát rà soát, thống nhất các nội dung trong Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam hoàn thiện phim tài liệu về giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.