Góp phần tạo kênh phân phối tin cậy cho doanh nghiệp
Cùng với công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia, nguồn kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ khu trưng bày, gian hàng giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tại triển lãm hội đang là cánh tay nối dài cho việc quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Năm 2022, Kinh phí khuyến công thực hiện cho việc hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn cả nước là 14,2 tỷ đồng, chiếm 10,41% tổng kinh phí thực hiện, cụ thể hỗ trợ 14 phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp khu vực. Thông qua việc xây dựng các điểm trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các địa phương đã góp phần tạo kênh phân phối tin cậy cho doanh nghiệp, tạo được một địa điểm tin cậy trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Mặt khác, từ kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa phương đã được hưởng các quyền lợi thưởng bằng tiền mặt, in hoặc dán nhãn Logo của chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm công nhận. Ngoài ra, được cung cấp thông tin tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương và Nhà nước; ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và kinh phí khuyến công quốc gia để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác…
Bên cạnh đó, sản phẩm CNNT tiêu biểu được hỗ trợ khu trưng bày, gian hàng giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tại hội chợ, triển lãm, xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử (website) để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, đơn vị đã chú trọng tuyên truyền bằng các mô hình áp dụng đề án khuyến công, thông qua các cuộc bình chọn, tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp được tổ chức hàng năm. Sau khi được công nhận, các sản phẩm CNNT tiêu biểu không chỉ được hỗ trợ máy móc, thiết bị mà còn được giới thiệu, quảng bá trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và các chuyên đề về khuyến công. Đồng thời, các sản phẩm được Sở hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các triển lãm, giới thiệu tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương trên cả nước và khu vực, giúp các doanh nghiệp, cơ sở tham gia kết nối thị trường, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu, mở đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, trong số 334 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có 33 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, được ưu tiên hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, nâng chất lượng của sản phẩm, bao bì, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh.
Tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Theo Cục Công Thương địa phương, giai đoạn năm 2022-2025, tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hàng năm; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực thiết kế, phát triển nhãn mác, bao bì phù hợp với thị trường mục tiêu, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Để những định hướng trên được triển khai có hiệu quả, Cục CTĐP sẽ tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại; thực hiện lồng ghép các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia theo các chương trình, đề án: khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bằng hình thức ưu tiên hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT để phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; nghiên cứu, xây dựng các gói hỗ trợ bao gồm các nội dung hỗ trợ cụ thể gắn với nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của từng cơ sở trong việc phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.