Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động, với cách làm sáng tạo, sâu sát và sự vào cuộc của hệ thống chính trị toàn thành phố Hà Nội, người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô ngày càng nhận thức rõ hơn mục đích, ý nghĩa cuộc vận động và hướng tới lựa chọn, mua sắm hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh thay cho hàng ngoại cùng loại.
Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện còn hình thức, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn khó kiểm soát, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Đánh giá cao những kết quả, thành tích quan trọng đạt được của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Hà Nội qua 10 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, để cuộc vận động đi vào chiều sâu, thời gian tới thành phố Hà Nội cần đôn đốc các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động tăng cường thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Đặc biệt, thường xuyên phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường phối hợp liên ngành để phát triển thương mại trong nước, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và y tế…
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh đưa hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại, truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nêu rõ, để triển khai hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp, các sở, ban, ngành thành viên, cần xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động ở cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; tránh tình trạng “khoán trắng” cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên hay ban chỉ đạo Cuộc vận động cùng cấp.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền đến mỗi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt hướng tới những đối tượng ít được tiếp cận, biết đến cuộc vận động; tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh.
Đẩy mạnh triển khai các đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Mở rộng các kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cấp ủy để đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự trở thành một cuộc vận động của toàn dân.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã trao bằng khen cho 69 tập thể, 46 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra hoạt động quảng bá, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt tại khu vực Nhà Bát giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ trong 2 ngày 25-26/5, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp có sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, và các quận, huyện, thị xã giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của mình.