Việt Nam trong top 10 tăng trưởng thương mại điện tử
Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa nền kinh tế quốc gia. Với sự bùng nổ của internet và các thiết bị di động, số lượng người tiêu dùng trực tuyến không ngừng gia tăng, giúp Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Năm 2023, tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thương mại điện tử tại Việt Nam đang chứng tỏ tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới.
Theo báo cáo của Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam đang tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM: “Thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta đã ký kết với song phương, đa phương...”
Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, việc xây dựng và ban hành các thể chế quản lý là một yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu mà còn gia tăng đáng kể doanh thu từ các thị trường mới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng là những thách thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý chất lượng hàng hóa, và đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh.
Theo Ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Cơ quan Hải quan đang được Chính phủ giao xây dựng Nghị định về quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử và dự thảo nghị định này thì cũng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ từ năm 2023. Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn thì khi đó Nghị định này sẽ ban hành và chính thức đi vào cuộc sống....”
Việc Tổng cục Hải quan xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử là một bước tiến quan trọng nhằm tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc điều tiết hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhờ các quy định minh bạch, nhất quán và đồng bộ, giúp giảm thiểu chi phí và các rủi ro pháp lý. Đồng thời, cũng giúp cơ quan hải quan thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, đặc biệt là trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Dự kiến Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử sẽ có nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đồng thời đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý, từ chính sách thương mại điện tử đến thanh toán và quản lý mặt hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự thông suốt trong quá trình giao dịch giữa các bên liên quan như người mua, sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất và đơn vị vận chuyển, đồng thời vẫn đảm bảo sự kiểm soát và giám sát cần thiết từ phía cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất xây dựng một hệ thống kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dựa trên nền tảng cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN. Đây là bước tiến quan trọng giúp các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các giao dịch quốc tế mà không gặp phải quá nhiều rào cản về quy trình hải quan.
Đặc biệt, dự thảo cũng nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp cải thiện việc theo dõi và kiểm soát hàng hóa, giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch thương mại điện tử, ngăn chặn các hành vi vi phạm, gian lận thương mại, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế số, việc quản lý hải quan đối với hàng hóa thương mại điện tử đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Dự thảo này không chỉ giúp củng cố hệ thống pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, mà còn tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, giảm thiểu rủi ro về gian lận và buôn lậu.
Với những quy định cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, Dự thảo Nghị định này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho thương mại điện tửphát triển, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn mở rộng ra các thị trường quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tận dụng tối đa tiềm năng của thương mại điện tử, giúp Việt Nam tiến bước trên con đường hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.