Vai trò của thương mại điện tử ngày càng quan trọng
Ngày 24/9, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo hướng dẫn, định hướng kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) trong cả nước phát triển thị trường thông qua TMĐT cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, vai trò của thương mại điện tử trong việc kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế ngày càng quan trọng. Thương mại điện tử đã và đang tạo ra những cơ hội to lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện trải nghiệm mua sắm và giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về TMĐT và tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh việc kết nối giữa các doanh nghiệp với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, TikTok Shop, Alibaba và các giải pháp logistics toàn diện. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu và tối ưu hóa các quy trình vận hành, giúp các doanh nghiệp củng cố thị trường nội địa, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận của các đơn vị tham gia như: Thúc đẩy giải pháp thương mại điện tử – chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp – hộ kinh doanh tỉnh Bình Định và liên kết xuất khẩu sản phẩm khu vực miền Trung – Tây Nguyên thông qua kết nối giao thương của Đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam; Các giải pháp và chính sách hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên thông qua Shopee của Đại diện Sàn TMĐT Shopee; Các giải pháp logistics toàn diện, bảo hiểm cho nông sản & các sản phẩm khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Đại diện Logsun Global Logistics…
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Kha - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, việc triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh trong thời gian qua đã đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các DN trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm 2024, chỉ số TMĐT tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 02 bậc so với năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 06/15 tỉnh, thành thuộc miền Trung - Tây Nguyên.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị có chuyên môn trên cả nước tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn TMĐT; kỹ năng ứng dụng TMĐT để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ hướng đến hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các kênh phân phối mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương, nhất là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh (như phối hợp với các sàn TMĐT Shopee, TikTok shop… xây dựng chương trình quảng bá đặc sản của Bình Định, ngày hội sản phẩm đặc sản Bình Định, tuần lễ sản phẩm Bình Định trên sàn TMĐT…). Xây dựng các chương trình nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm của Bình Định với các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ đưa doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT xuyên biên giới (Amazon, Alibaba…).
Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ quan quản lý thuế, tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (nhất là hệ thống các đại lý bán lẻ, cửa hàng tiện lợi), người tiêu dùng ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, ứng dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT tăng cường hợp tác, chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm, công nghệ để thúc đẩy ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; thu hẹp khoảng cách về phát triển TMĐT của Bình Định nói riêng các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung so với các khu vực khác của cả nước.
Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, với sự góp mặt của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số, thương mại điện tử, bà tin rằng các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có thêm cơ hội kết nối, học hỏi và áp dụng những giải pháp hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế.
“Hi vọng các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kết nối nhanh hơn và hiệu quả hơn các sản phẩm, dịch vụ tạo ra chuỗi giá trị khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đây là tiền đề cho sự hợp tác bền vững và thành công lâu dài. Bộ Công Thương cùng với các cơ quan, tổ chức liên quan, luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình này”, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.