Vì sao không lựa chọn sàn Alibaba?
Năm 2020 doanh số thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất châu Âu (EU) đã đạt tới 146 tỷ euro, tăng 35% so với năm 2019, chiếm khoảng 25,5% của doanh số TMĐT của cả EU. Dự báo con số này sẽ tăng lên đến 220 tỷ USD trong năm 2022.
TMĐT xuyên biên giới đang là hình thức được ưa chuộng trên toàn thế giới, bổ sung hiệu quả cho kênh thương mại truyền thống.
Số liệu về TMĐT ở Trung Quốc cũng cho thấy, thị trường TMĐT Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ với riêng tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới đạt đến 570 tỷ NDT, tương đương khoảng 90 tỷ USD. Trong đó, Alibaba là sàn TMĐT lớn nhất tại Trung Quốc. JD.com là sàn TMĐT lớn thứ 2 tại thị trường này.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, kế hoạch mở một gian hàng quốc gia trên sàn TMĐT Trung Quốc đã có từ khá lâu, khi một số trang TMĐT lớn của nước này đến Việt Nam và có đề xuất với Chính phủ Việt Nam. Người đầu tiên đặt vấn đề mở gian hàng quốc gia Việt Nam trên Alibaba là ông chủ sàn Jack Ma.
Sau lời đề xuất, Bộ Công Thương cũng đã thông qua Bộ Thương mại Trung Quốc để tìm hiểu về hệ thống sàn của Alibaba, nhưng “chúng tôi thấy vô cùng khó khăn nếu để các doanh nghiệp của mình bán hàng thông qua Alibaba. Bởi khi tìm hiểu mới thấy, chi phí vận hành qua sàn này rất lớn, sàn lại không có nhiều chính sách hỗ trợ logistics”, Cục trưởng Đặng Hoàng Hải thông tin trong cuộc Họp báo công bố chương trình gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT Trung Quốc.
Sau nhiều lần làm việc với Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận thấy Việt Nam thích hợp mở gian hàng trên trang TMĐT khác. Và JD.com được lựa chọn vì hướng đến thị trường nội địa nhiều hơn.
Nhiều lợi thế khi xuất khẩu qua JD.com
Những mặt hàng được lựa chọn để đưa lên sàn JD.com sẽ là những mặt hàng được coi là điểm sáng của hàng Việt và có lợi thế cạnh tranh, tạo một sự thu hút khách hàng nhất định ngay từ thời điểm khai trương gian hàng.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết, hiện các nước như Phần Lan, Đan Mạch, các nước ASEAN cũng đã xây dựng gian hàng trên JD.com. Đây là một sàn lớn, tập trung phân phối hàng nước ngoài vào thị trường Trung Quốc. JD.com cũng có hệ thống siêu thị thực trên toàn quốc và hệ thống logistics hiệu quả.
Cũng theo ông Bùi Huy Hoàng, “xuất khẩu hàng hóa qua JD.com có một lợi thế rất lớn, đó là không phải tuân thủ lệnh 248-249 mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ban hành”. 2 lệnh mới này (có hiệu lực từ 1/1/2022), dự kiến sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hàng hóa là thực phẩm từ các quốc gia khác nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, tham gia bán hàng trên sàn JD.com sẽ giảm thiểu rủi ro cho DN Việt khi bước ra sân chơi lớn.
Cũng theo ông Hoàng, con đường TMĐT xuyên biên giới cũng sẽ là một tín hiệu để doanh nghiệp Việt “nghe ngóng” để từng bước mở rộng thị trường. Bởi nếu tạo được hiệu ứng trên sàn TMĐT thì sẽ kéo theo việc tìm kiếm sản phẩm ở phương thức bán hàng truyền thống.
“Hơn nữa, xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới tức là xuất khẩu bằng thương hiệu, nhãn hiệu của riêng mình, có giá trị kim ngạch cao hơn phương thức xuất khẩu truyền thống (thường là xuất khẩu sản phẩm thô). Do đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu trực tiếp cho sản phẩm của mình, không phải phụ thuộc vào kênh trung gian” - ông Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Nutri Food – đơn vị được giao vận hành gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn JD.com cho biết, hiện đã có hơn 10 doanh nghiệp (đều là các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam) đăng ký bán hàng qua sàn này và sẽ bán chính thức trong tháng 12/2021.
Tất cả các sản phẩm bán trên sàn JD.com đều phải được kiểm tra chất lượng trước tại Trung Quốc, đảm bảo chất lượng mới được tiến hành bán trên sàn này. Do đó, bán hàng qua JD.com là một cách giới thiệu “hàng chính hãng, đặc sản vùng miền của Việt Nam, hạn chế tối thiểu chi phí xây dựng thương hiệu và kênh phân phối”. Hàng Việt có cơ hội tiến sâu vào Trung Quốc.