Trong 5 năm gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức thành công 17 phiên chợ tại 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh bao gồm: Phiên chợ đưa hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới tại các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông. Đặc biệt, vào dịp Tết - thời điểm thường hay xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá ảo trên thị trường.
Cụ thể, phiên chợ hàng Việt về huyện Đăk Glei là hoạt động nằm trong chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia với mục tiêu đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân nông thôn được mua sắm các mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phải chăng; đồng thời, đưa hàng Việt thâm nhập sâu hơn thị trường nông thôn.
Phiên chợ thu hút trên 50 doanh nghiệp với khoảng 100 gian hàng, đây là quy mô tương đối lớn so một phiên chợ hàng Việt thông thường. Tất cả hàng hoá trong phiên chợ đều đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc, giá cả phù hợp và thiết thực với nhu cầu của người dân như: may mặc, đồ dùng gia đình, hoá mỹ phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ...
Đặc biệt, phiên chợ có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và cả một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các đơn vị này đã mang đến phiên chợ những mặt hàng đặc trưng, tiêu biểu của từng địa phương như: sâm Ngọc Linh, rượu sim Thiên Sơn, cà phê Sáu Nhung, cà phê Nguyên Huy Hùng.. Phiên chợ đã tạo điều kiện cho người dân ở các xã xa trung tâm huyện như: Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Nhong, Đăk Blô... có thời gian rộng dài để tham quan, tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng cần thiết.
Phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Ngọc Hồi được tổ chức với quy mô trên 70 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; các sản phẩm của các doanh nghiệp được bày bán tại phiên chợ phong phú và đa dạng như: Cà phê, trà, quần áo, giày dép và các mặt hàng của Siêu thị Co.opmart, Viettel,… Tại phiên chợ, người tiêu dùng được các doanh nghiệp tư vấn các thông tin cần thiết về cách phân biệt hàng thật - giả và cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật.
Phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Đăk Tô được tổ chức với quy mô trên 50 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Hàng hóa là những vật dụng cần thiết trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày và trang phục, trang sức trong các dịp lễ hội.
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Đăk Hà được tổ chức với quy mô gồm 20 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; các sản phẩm của các doanh nghiệp được bày bán tại phiên chợ phong phú và đa dạng như: hàng nông lâm thủy sản, đồ gỗ, quần áo, giày dép, chăn grap, gối, nệm, trà, hàng tiêu dùng: dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, mì tôm, nước giải khát...
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Kon Rẫy được tổ chức với quy mô gần 80 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; các sản phẩm, hàng hóa được bày bán tại phiên chợ là của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như: phụ kiện điện thoại, chăn ga, gối, nệm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm của Siêu thị Co.opmart...
Phiên chợ hàng Việt ở xã Măng Ri huyện TuMơRông tỉnh Kon Tum đã thu hút 60 gian hàng tham gia. Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông là xã thuộc huyện vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; hạ thống giao thông khó khăn nên hàng hóa khan hiếm, không phong phú về chủng loại, mặc khác giá cả lại cao.
Nhằm giúp bà con đồng bào, miền núi huyện TuMơRông tiếp cận với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và là hàng Việt Nam phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, có giá cả hợp lý với thu nhập của người dân, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa huyện TuMơRông. Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Thương mại và Tư vấn công nghiệp tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại xã MăngRi huyện TuMơRông. Tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có rất nhiều mặt hàng phong phú như: mì tôm, xà phòng, bột giặt, nước mắm, quần áo, nồi cơm điện, ấm điện, xoong nồi, chén bát,…
Nhìn chung, mỗi phiên chợ kéo dài từ 3 - 7 ngày, quy mô từ 20 - 100 gian hàng với sự tham gia của 10 - 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mua sắm.
Thông qua các Phiên chợ hàng Việt, người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh đã có điều kiện được tiếp cận với hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đa dạng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, thúc đẩy hoạt động thương mại tại khu vực này ngày càng phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp có cơ hội khảo sát nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tìm kiếm thị trường, mở chi nhánh, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Phiên chợ hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, biên giới còn là cơ hội để xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt, tôn vinh thương hiệu Việt của các doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp với thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có giá cạnh tranh với so với hàng ngoại, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng đang bày bán ở thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới.
Chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới được tổ chức thành công qua mỗi năm đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tại các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn được tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp. Đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa.
Cùng với các chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Kon Tum đã triển khai xây dựng được điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại huyện Kon Plông .
Điểm bán hàng Việt đầu tiên đặt tại huyện Kon Plông nhằm giúp người dân tiếp cận với hàng Việt Nam dễ dàng hơn, phong phú và đa dạng hơn; đồng thời qua đây cũng tạo kênh giới thiệu các mặt hàng đặc sản của tỉnh; góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất-phân phối-tiêu dùng.
Theo đánh giá Sở Công Thương Kon Tum, bước đầu điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã gây được ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Tại điểm bán hàng Việt chỉ trưng bày và bán 100% các sản phẩm “made in Vietnam”, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm; trong đó ưu tiên các sản phẩm đặc thù của các địa phương như sâm dây, táo mèo, măng khô, chuối rừng... Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc mua sắm hàng hoá khi được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý; mà còn kích thích sản xuất hàng hóa của đồng bào các dân tộc thuộc huyện miền núi Kon Pông và các huyện, các xã miền núi lân cận.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, khoảng cách chênh lệch giữa các huyện, thành phố của tỉnh đã được thu hẹp đáng kể, đời sống của người dân được cải thiện. Tuy là tỉnh miền núi điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay đều đạt trên mức 10% hàng năm.