Từ đào tạo kỹ năng thương mại…
Thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan quản lý đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai được nhiều đề án, nhiệm vụ.
Trong đó, có nhiệm vụ đào tạo kỹ năng thương mại cho công chức, viên chức, chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp của tỉnh, huyện, xã thuộc các tỉnh miền núi, các tỉnh có huyện, xã thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Theo đó, cac cơ quan quản lý đã phối hợp với các trường và các địa phương liên quan tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng ở khu vực các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa với các nội dung:
- Bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận, kết nối cung-cầu, giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức, hợp tác trong sản xuất và buôn bán hàng hóa;
- Kỹ năng về chính sách hội nhập kinh tế, các ưu đãi về đầu tư phát triển, năng lực đối với các sản phẩm là tiềm năng, lợi thế của địa phương;
- Nâng cao kiến thức về kỹ năng bán hàng, phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh;
- Nâng cao năng lực cho công chức, viên chức, chủ hộ kinh doanh của tỉnh, huyện, xã về phát triển hoạt động quản lý và kinh doanh tại các chợ trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo….
Trong đó, kỹ năng bán hàng là mắt xích quan trọng nhất của doanh nghiệp phân phối đơn lẻ cũng như hệ thống phân phối theo chuỗi, với các mục tiêu:
- Xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuẩn làm cơ sở tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh Việt Nam.
- Xác định các nội dung trọng tâm cần đào tạo, bồi dưỡng nhằm trau dồi, bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong đó chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các đơn vị trên trong lĩnh vực bán hàng, phân phối, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu, kinh doanh có điều kiện đối với hàng hóa Việt Nam.
- Kết hợp giữa lý thuyết với thực hành trong đào tạo, bồi dưỡng trong đó việc thực hành được thực hiện thông qua các tình huống giải quyết tại lớp học và khảo sát thực tế tại các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại, doanh nghiệp…
Trên cơ sở đó, sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về hàng hóa Việt, hoạt động kết nối cung - cầu hàng Việt, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa và hàng hóa kinh doanh có điều kiện.
Điều quan trọng hơn, khi đã thành thạo những nguyên tắc, kỹ năng bán hàng, học viên sẽ yêu thích công việc hơn, coi công việc như một phận quan trọng của cuộc sống. Đây chính là động lực sâu bền cho các học viên ở các tỉnh, huyện, xã thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong kinh doanh, phân phối, góp phần kích thích sản xuất trên quy mô hàng hóa.
… đến kỹ năng được rèn luyện thường xuyên
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý còn chủ động giúp hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiếp cận với thị trường nước ngoài. Cuối năm 2020, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Yên Bái trong bối cảnh tình hình dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Yên Bái và thương vụ Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài.
Hội nghị trực tuyến này còn có sự tham gia của đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia; đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh. Tại hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Indonesia và Trung Quốc đã thông tin về tiềm năng lợi thế của các nước, tình hình xuất khập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường này; nhu cầu thị trường, xu thế tiêu dùng hiện tại và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm đặc trưng của các huyện, xã thuộc vùng sâu, vùng xa Yên Bái có tiềm năng xuất khẩ như mật ong, chè, măng tre Bát Độ, tinh dầu quế, tinh bột sắn, sản phẩm gỗ rừng trồng, bột đá, chè, giấy đế, miến đao…
Thông qua hội nghị trực tuyến này, các thương nhân nói chung, trong đó có thương nhân thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái có các kỹ năng về Luật Thương mại Quốc tế, các vấn đề về thuế, hải quan; xác minh mức độ uy tín của của đối tác để tránh rùi ro; tuyển dụng cán bộ am hiểu tiếng để thuận tiện trong giao dịch với các đối tác; quan tâm đến các vấn đề về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, các quy định riêng của các nước để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch…
Bên cạnh đào tạo, Bộ Công Thương còn tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng – tiêu thụ có tính liên tục góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Đến nay đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Từ đó hỗ trợ phát triển, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, đặc trưng thế mạnh các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đồng thời xây dựng mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại một số huyện đảo như: Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo.
Có thể nói điểm nhấn nổi bật và có ý nghĩa nhất là thông qua triển khai Chương trình đào tạo đã giúp các học viên ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo có được những kỹ năng mại cơ bản. Qua đó, học viên là các công chức, viên chức, chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp chủ động kết nối với các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền; tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương cung ứng vào hệ thống phân phối trên cả nước và xuất khẩu.
Các chuyên gia thương mại cho rằng, bồi dưỡng các kỹ năng thương mại để thông qua đó thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng không chỉ là quan điểm phát triển mà còn là một kỹ năng, cần được thực hành thường xuyên để tạo thành một chuỗi cung ứng - tiêu thụ có tính liên tục. Thì nay, chuỗi cung ứng ấy, đã trở thành một kỹ năng của thương nhân ở các địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh có huyện, xã thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo