Vốn lớn con, nhiều thịt (con trống trưởng thành có thể nặng từ 8 - 12kg/con) và có phần lạ miệng, nên những chú gà lôi “tốt số” có thể vùng vẫy… đi xa, bất cứ thời điểm nào trong năm. Không hẳn, cứ nén nhịn đến dịp lễ Giáng Sinh.
Mừng bạn mới - bén mồi thơm. “Gà tây nấu rượu chát (vang) hoặc giả cầy hay nấu cà ri… đều cũ rồi. Bắt nó nhậu rượu bưởi cho lạ”, ông Năm Huệ ở làng bưởi Tân Triều xởi lởi.
Theo đó, thịt gà được “uống” rượu hai lượt, lúc tẩm ướp và khi chào bàn. Khi ly rượu thứ ba gần “nhổng ben” (trút gần cạn) thì mùi thơm của men rượu cũng bắt đầu la đà rong chơi.
Thoạt đầu, nghe tựa như mẻ cơm rượu vừa chín tới. Khác ở chỗ, vương chút hậu vị nồng the nhè nhẹ. Như một chữ ký riêng của vò rượu bưởi đường lá cam Biên Hòa, được chưng - ủ theo lối thủ công.
Cạnh con sông đầy (một nhánh của sông Đồng Nai). Sông hiền hòa “vươn mình” trong xanh ôm ấp cù lao Tân Triều cũ kỹ. Sang mùa mùa nắng, sông kiêm thêm chức năng máy điều hòa lộ thiên miễn phí thật dễ thương.
Bên trên, những chùm tia nắng óng ánh, loang loáng chiếu qua kẽ lá bằng lăng ổi với mấy táng cây sộp già nua.
“Đã có món mới. Chỗ ngồi cũng ưng ý, còn thêm bạn tri âm. Xin mời!”, anh Hoàng, tổng quản lý Làng Bưởi Năm Huệ Tân Triều thúc giục khéo léo.
Thật ra, thịt gà tây đi bộ còn dai hơn gà ta thả vườn. Do tuổi đời nó dày dặn hơn: trên 12 tháng tuổi. Thế nên, đầu bếp phải hầm món la-gu này, hơn 30 phút. Mặc dù vậy, cục thịt gà vẫn còn khá “cứng mình”.
Cho nên, người viết liền lái đũa sang gắp một miếng khác, vàng óng tựa mỡ gà mái dầu. Cắn vào, mới biết không phải mỡ gà cũng chẳng giống khoai tây. Thế nhưng, mùi nó vị bùi bùi nửa giống “cơm” trái sa kê nửa giống khoai tây. Và khác biệt hẳn, nhờ nó có độ giòn. Chị bếp Hà mỉm cười bật mí: vỏ bưởi.
Tiết lộ ấy, khiến chị bạn đi cùng tròn mắt ngạc nhiên. Bỗng dưng, chị muốn đặt tên mới cho nguyên liệu vừa quen vừa lạ kia: “nọng bưởi”.
Từ đó, chị chăm chỉ săn tìm “nọng bưởi” trong dĩa gà tây. Bởi nghe nói, trong vỏ bưởi có chứa chất xơ hòa tan (pectin), giúp xua đuổi mỡ thừa - cầu lấy lại dáng xưa.
Sớ thịt gà tây trưởng thành, to và dài gấp hai -ba gà ta thả vườn. Thịt nó mềm dẻo và ngọt thanh nhẹ chứ không đậm như gà ta. Tuy nhiên, vẫn hấp dẫn hơn hàng cùng loại đông lạnh ở một số nhà hàng 4 - 5 sao ở TP.HCM.
Có bữa, người viết ngậm vào lát đùi gà tây xông khói mà cứ ngỡ như uống bột Bích Chi thuở nhỏ.
Nhâm nhi cùng rượu bưởi thật mượt mà. Ngoài ra, những giọt rượu trắng đục này, còn giúp kích thích thèm ăn. Do đó, những cục gà khủng trở nên hấp dẫn lạ, bữa đó.
Ông Năm Huệ còn cho biết thêm, gà tây con dưới 2 tháng tuổi rất khó dưỡng. Kinh nghiệm của ông là, nên cho gà ăn nhiều hành lá xắt nhuyễn, giúp chúng mạnh khỏe hơn.
Qua ngưỡng này, gà sẽ dễ nuôi hơn. Tuy nhiên, khẩu phần thức ăn của chúng phải có 40% cỏ các loại, cùng với lúa, bắp…Cũng nhờ thả nuôi đàn ngỗng sư tử (gần 20 con) với mấy lứa gà tây gối đầu trong các khoảnh vườn bưởi, giúp ông Năm Huệ khỏi phải tốn công dọn cỏ tạp.
Món gà tây “nhậu” rượu bưởi, quả là một trải nghiệm thú vị ở cù lao Tân Triều.
Ngoài ra, hình ảnh mủm mỉm, ánh vàng màu mật ong của cặp đùi với cái ức căng đầy bổ dưỡng của “lão đại” gà tây đút lò, còn chuyên chở một khát vọng no đủ, sung túc. Thiết nghĩ, khát vọng này, mãi không lỗi thời. Huống chi, nó còn được khuyến mãi rượu bưởi.