Hệ thống thông tin kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập - Nghiên cứu điển hình tại các trường đại học công lập

Đề tài Hệ thống thông tin kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập - Nghiên cứu điển hình tại các trường đại học công lập do TS. Ngô Thị Thu Trang (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

TÓM TẮT:

Đặc trưng cơ bản của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là đơn vị được Nhà nước trang trải các chi phí cho hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ công theo nguyên tắc không bồi hoàn trực tiếp. Các đơn vị SNCL phải quản lý chi tiêu đúng mục đích, đúng dự toán được phê duyệt theo từng nguồn kinh phí, từng nội dung chi tiêu theo tiêu chuẩn, định mức. Để quản lý tài chính, các đơn vị SNCL sử dụng nhiều phương pháp cũng như nhiều công cụ quản lý khác nhau, một trong số đó phải kể đến là hệ thống thông tin kế toán. Thông qua phương pháp điều tra, phỏng vấn chuyên sâu với các đối tượng là kế toán, phụ trách kế toán tại các đơn vị SNCL là các trường đại học công lập ở Việt Nam, bài nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng hệ thống thông tin kế toán tại các đơn vị đó, qua đó đề xuất các giải pháp hoàn hệ thống thông tin kế toán phù hợp với xu hướng tự chủ ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: hệ thống thông tin kế toán, đơn vị sự nghiệp công lập, đại học công lập, tự chủ.

1. Đặt vấn đề

Đơn vị SNCL được xác định là một bộ phận cấu thành bộ máy cơ quan nhà nước và chịu sự quản lý nhà nước cả về tổ chức cũng như hoạt động. Đơn vị SNCL giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công về giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế trạm trại, nông lâm thủy lợi… đáp ứng nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu về đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS 1, IPSAS 6 và IPSAS 22) các đơn vị cung cấp dịch vụ công và các cơ quan chính quyền các cấp bị kiểm soát bởi một đơn vị công ngoại trừ các đơn vị kinh doanh bằng vốn nhà nước được gọi là các đơn vị thuộc lĩnh vực công hay được gọi là “đơn vị bị kiểm soát”. Các đơn vị này hoạt động dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ gồm nguồn ngân sách hoặc phi ngân sách. Theo quan điểm này đơn vị sự nghiệp công lập được hiểu là các đơn vị nhận tài trợ và chịu kiểm soát bởi nhà nước để thực hiện các công việc do nhà nước giao.

Theo chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS01) “Đơn vị kinh tế là một tập hợp bao gồm một đơn vị kiểm soát và tất cả các đơn vị chịu kiểm soát của đơn vị đó cho mục đích lập báo cáo tài chính; Một đơn vị kinh tế có thể bao gồm cả các đơn vị hoạt động vì mục đích xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao và mục đích thương mại. Ví dụ Bộ có thể bao gồm các đơn vị hành chính nhà nước chỉ sử dụng NSNN hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và cả các đơn vị sự nghiệp công lập vừa thực hiện nhiệm vụ được giao và vừa thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật”.

Hiện nay, cơ chế quản lý tài chính trong các đơn vị SNCL có xu hướng thực hiện theo cơ chế tự chủ hoàn toàn kinh phí. Do vậy, hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) cung cấp phải được hoàn thiện để đáp ứng được sự thay đổi này. Mỗi đối tượng khác nhau cần một lượng thông tin khác nhau. Ngoài ra, nhu cầu thông tin hiện nay không chỉ bó hẹp ở những vấn đề nhỏ lẻ mà tiến tới cần phải cung cấp tất cả các thông tin tổng thể minh bạch, rõ ràng tạo cho người cần thông tin đưa ra quyết định phù hợp nhất. Ngoài thông tin về tài chính, họ cần biết cả thông tin về quản lý, quy trình thực hiện, quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi họ tham gia… Một HTTTKT hữu hiệu không nằm riêng lẻ mà phải gắn với một HTTT quản lý tổng thể. Mỗi cơ chế quản lý tài chính khác nhau cần được cung cấp thông tin ở mức độ khác nhau. Do vậy, mỗi đơn vị khi thay đổi cơ chế quản lý tài chính phải thay đổi HTTT (trong đó có HTTTKT) nhằm cung cấp thông tin phù hợp cho các nhà quản lý trong từng cơ chế quản lý.

2. Tổng quan nghiên cứu

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam có rất nhiều công trình nghiên cứu về HTTTKT. Tuy nhiên, mỗi đề tài có cách tiếp cận khác nhau. Sau khi tìm hiểu nhóm nghiên cứu nhận thấy các công trình nghiên cứu về HTTTKT xoay quanh các vấn đề cơ bản sau:

Xét trên góc độ tổng quát, các tác giả Boocholdt (1996), Romney và Steinbart (2008) trong hai cuốn sách cùng tên “Accounting Information Systems” đã trình bày các vấn đề chung nhất về HTTTKT và cách thức tổ chức hệ thống thông tin kế toán trong các tổ chức. Nghiên cứu tập trung vào các nội dung sau: Tổng hợp các định nghĩa về HTTTKT cho mục đích của các thảo luận; Giới thiệu về khung nghiên cứu đề xuất: Kim tự tháp nghiên cứu; trình bày tổng quan về bốn phương pháp đã được sử dụng trong nghiên cứu HTTTKT. Theo Nancy A.Bagranoff và cộng sự (2005): “Kế toán là một hệ thống thông tin, tức là một quá trình thu thập, lưu trữ, xử lý và phân phối thông tin”.

Theo tác giả Nguyễn Hữu Đồng (2011) trong luận án tiến sỹ của mình cho rằng “Hệ thống thông tin kế toán là một trong các hệ thống nhỏ của tổ chức, là hệ thống thu thập, ghi chép, lưu trữ và xử lý số liệu về các nghiệp vụ kinh tế trong mỗi tổ chức để cung cấp thông tin cho những người ra quyết định”. Trong hoạt động của các đơn vị, HTTTKT có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp các thông tin kinh tế tài chính phục vụ cho các đối tượng sử dụng khác nhau. Các tác giả trên thế giới và trong nước luôn phát triển các nghiên cứu về vai trò và hiệu quả của HTTTKT.

Nghiên cứu về vai trò của HTTTKT còn được nhiều tác giả nghiên cứu tại các đơn vị khác nhau. Theo Hanini, Al (2013) cũng nghiên cứu về HTTTKT và vai trò của nó trong việc đo lường và kiểm soát chi phí trong các công ty cổ phần Công nghiệp Jordan nhằm xác định đặc điểm và yêu cầu cần thiết về tài sản, kỹ thuật và tổ chức đối với HTTTKT để đáp ứng các yêu cầu của quản lý hiện đại tại các công ty dược phẩm ở Jordan. Nghiên cứu cho thấy HTTTKT cần có các đặc điểm để phân biệt các thông tin tài chính và phi tài chính theo yêu cầu của nhà quản trị phục vụ cho việc ra quyết định. Nghiên cứu cũng đề nghị cần có sự quyết định của nhà quản lý tạo ra nguồn ngân sách cho việc tái thiết kế hệ thống và phát triển các hệ thống, vì nó có vai trò quan trọng trong việc tạo ra thông tin cần thiết nhanh chóng và chính xác.

Các công trình nghiên cứu trong nước đã kế thừa và thống nhất quan điểm với các nghiên cứu trên thế giới, xác định vai trò trọng tâm của HTTTKT trong quá trình thu thập, lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Theo Nguyễn Đăng Huy và cộng sự (2012): Vai trò cung cấp thông tin, hỗ trợ việc điều hành quản lý hoạt động của DN thể hiện trong việc cung cấp các báo cáo cho các đối tượng sử dụng bên ngoài, hỗ trợ thực hiện và quản lý các hoạt động phát sinh hàng ngày, hỗ trợ ra các quyết định quản trị, hoạch định và kiểm soát, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, HTTTKT còn thể hiện vai trò chủ đạo trong quá trình kiểm soát nội bộ trong một tổ chức.

Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới nhìn chung đều nhất quán về vai trò của HTTTKT và cho rằng HTTTKT được coi như thành phần quan trọng nhất trong quản trị tài chính của tổ chức, giữ vai trò trung tâm của quá trình phân phối và cung cấp nhiều loại thông tin khác nhau trong tổ chức và chính HTTTKT góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp khảo sát, điều tra với các đối tượng là kế toán, phụ trách kế toán và nhà quản lý các cấp tại các đơn vị SNCL để thu thập, xử lý và phân tích số liệu, sử dụng phương pháp phân tích, so sánh để tiến hành đánh giá. Phiếu khảo sát được thiết kế theo sự am hiểu về HTTTKT của các đối tượng được khảo sát nhằm đảm bảo sự hữu ích của thông tin. Nội dung của phiếu được thiết kế gồm 3 phần: phần thứ nhất câu hỏi về các thông tin chung về đối tượng được khảo sát; Phần thứ hai các câu hỏi mang 4 nội dung chính về HTTTKT trong các đơn vị như: thông tin về bộ máy kế toán, chế độ kế toán hiện đang áp dụng, phần mềm kế toán và hệ thống kiểm tra - kiểm soát đang thực hiện tại đơn vị; Phần thứ ba gồm câu hỏi về mức độ quan tâm của các nhà quản trị đến HTTTKT.

Quy mô mẫu: Phạm vị chọn mẫu nghiên cứu điển hình cho các đơn vị SNCL là các trường Đại học Công lập (ĐHCL) tự chủ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng tại 35/89 các trường ĐHCL khu vực miền Bắc với 2 nhóm tự chủ theo mức độ được phân chia tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong nghiên cứu này, tác giả đã thực hiện gửi 200 phiếu khảo sát đến các cán bộ quản lý các cấp và các phụ trách kế toán/kế toán thông qua đường link online hoặc gặp trực tiếp. Kết quả thu về 175 phiếu hợp lệ, đạt yêu cầu, sau đó được tính toán kết quả thông qua phần mềm excel.

4. Thực trạng hệ thống thông tin kế toán tại các đơn vị sự nghiệp – nghiên cứu tại các trường đại học công lập

Dựa vào mục tiêu hoạt động ở từng trường ĐHCL, nhà quản trị mỗi trường cần phải có HTTTKT riêng để đưa ra được những ước tính nhằm xây dựng những chỉ tiêu liên quan đến việc triển khai các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn của đơn vị mình. Với câu hỏi: “Hệ thống thông tin kế toán tại nơi Anh/chị đang làm việc được ghi nhận qua các nội dung như thế nào?”. Kết quả cho thấy 100% các ý kiến đều cho rằng, HTTTKT tại đơn vị mình đều được đánh giá qua các nội dung: bộ máy kế toán, dữ liệu kế toán, phương tiện kỹ thuật sử dụng, hệ thống kiểm soát và kiểm tra kế toán.

4.1. Thực trạng bộ máy kế toán

Bộ máy kế toán bao gồm con người và tổ chức công tác kế toán. Tùy vào đặc điểm hoạt động cụ thể và nghiệp vụ kinh tế phát sinh mà mỗi trường có tổ chức bộ máy kế toán khác nhau nhưng nhìn chung đều tổ chức theo mô hình tập trung, có sự tương đồng về kết cấu nhân sự trong bộ máy, nghĩa là có sự khác nhau về tên gọi của các phần hành kế toán trong bộ máy kế toán (do phân công công việc) nhưng cơ cấu tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị này đều được cơ cấu như sau: Đứng đầu là Trưởng phòng/Kế toán trưởng, tiếp đến là các phó trưởng phòng, dưới phó trưởng phòng là các kế toán viên thực hiện công việc theo sự phân công của Trưởng phòng.

Tại các trường ĐHCL thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, bộ phận kế toán thực hiện việc thu thập, xử lý và hệ thống hóa toàn bộ công tác kế toán tại đơn vị, bao gồm cả kế toán tài chính và KTQT với mục tiêu cuối là cung cấp thông tin theo quy định của cơ quan nhà nước và theo yêu cầu của Ban lãnh đạo nhà trường theo đúng chức năng và nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của phòng kế toán: tổ chức công tác kế toán; lập dự toán, theo dõi việc chấp hành dự toán và quản lý nguồn thu, thanh quyết toán tài chính hàng năm của Trường theo qui định; tổ chức thu đúng, thu đủ các khoản học phí, lệ phí; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; theo dõi và kiểm soát các khoản chi theo quy định; hướng dẫn chế độ kế toán, phổ biến các văn bản của nhà nước về quản lý tài chính, kiểm tra tài chính đối với các đơn vị có hoạt động thu, chi tài chính và sử dụng ngân sách; thực hiện thủ tục kê khai thuế, quyết toán thuế theo quy định; thực hiện các báo cáo kế toán theo quy định của nhà nước và theo yêu cầu của đơn vị; tổ chức bảo quản, lưu trữ chứng từ, hạch toán sổ sách kế toán theo quy định. Từ 31/12/2017 trở về trước các Trường thực hiện theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 và Thông tư số 185/2010/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán HCSN. Từ 01/01/2018 áp dụng chế độ kế toán HCSN mới ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC.

Các cán bộ thực hiện công tác kế toán trong các trường ĐHCL phần lớn có chuyên môn đào tạo phù hợp, trình độ học vấn tương đối cao nhưng nhìn chung nhân lực qua thông tin khảo sát cho thấy thực trạng thống kê qua bảng 1.

Bảng 1. Thống kê mô tả thực trạng bộ máy kế toán  

Câu hỏi

Câu trả lời

Số lượng khảo sát

Tỷ lệ %

Nhân viên kế toán có được học tập, nâng cao trình độ không?

 Thường xuyên

0

0

Thỉnh thoảng

27/175

15,7

Rất it khi

144/175

82,4

Không bao giờ

4/175

1,9

Nhân viên kế toán có chuyên môn về công nghệ thông tin không?

3/175

1,8

Không

172/175

98,2

Khối lượng công việc hàng tháng của nhân viên kế toán thường sẽ như thế nào?

Quá nhiều

92/175

52,5

Nhiều

70/175

40

Không nhiều

12/175

6,8

Quá ít

2/175

0,9

                                                                                   (Nguồn: tác giả tự tính toán)

Từ kết quả của Bảng 1, nhận thấy tại các trường ĐHCL đang gặp một số khó khăn trong bộ máy kế toán như sau:

Thứ nhất, phòng Kế toán - tài vụ trong các nhà trường sẽ gặp khó khăn đôi chút trong việc giữ các cán bộ kế toán nhất là các cán bộ có chuyên môn cao về công nghệ thông tin. Do một phần công việc trong quá trình thực hiện công tác kế toán khá nhiều và cần có sự tiếp cận công nghệ thông tin mới ngoài mức lương nhiều khi chưa tương xứng với công việc của các cán bộ kế toán.

Thứ hai, việc nâng cao trình độ chuyên môn và công nghệ thông tin cho các cán bộ kế toán còn hạn chế. Bản thân cán bộ kế toán cũng tự minh ít khi nâng cao trình độ (82,4%). Do công việc của họ đảm nhận khá lớn nên thời gian để giành cho hoạt động học tập là chưa cao. Do vậy, sẽ có phần lớn cán bộ kế toán hiểu được quy trình thực hiện công tác kế toán thủ công nhưng lại còn hạn chế rất nhiều với việc thực hiện hệ thống phần mềm kế toán.

4.2. Thực trạng dữ liệu kế toán

Dữ liệu kế toán gồm tất cả các số liệu và thông tin phục vụ cho việc xử lý thông tin kế toán trong hệ thống, trợ giúp cho việc ra quyết định của nhà quản lý trong điều hành quá trình hoạt động của đơn vị. HTTTKT trong đơn vị nhận được thông tin kế toán từ hai nguồn là môi trường bên ngoài và bên trong đơn vị. Kết quả khảo sát cho thấy: 100% các Trường ĐHCL đều thu thập thông tin kế toán thông qua các chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, về báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán và các thông tin về phân phối các nguồn từ NSNN cấp; 100% các Trường đều đã có quy định về trình tự luân chuyển cho từng loại chứng từ, quy định rõ mưc thời gian lưu trữ chứng từ.  

4.3. Thực trạng phương tiện kỹ thuật sử dụng

Chất lượng của HTTT kế toán phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị cho hệ thống này. Các máy vi tính sử dụng trong kế toán đóng vai trò quan trọng, là phương tiện kết nối hệ thống thông tin trong đơn vị cũng như những đối tượng bên ngoài. Hệ thống máy vi tính bao gồm phần cứng và phần mềm.

Thực trạng phần cứng: Theo kết quả khảo sát tại các trường ĐHCL, tính đến thời điểm hiện nay thì 100% trường đều đã trang bị máy tính và đã thực hiện việc nối mạng thông qua máy chủ. Tuy nhiên dù hệ thống máy tính đã có nối mạng Internet nhưng chưa thực sự làm nên tính đồng bộ cho HTTT phục vụ công tác quản lý và điều hành DN mà mới chỉ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của những người là kế toán trên máy tính.

Thực trạng về phần mềm: Trong quá trình khảo sát theo bảng 2 tại các trường, tác giả thấy có một số xu hướng lựa chọn phần mềm: nhóm lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao; nhóm lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin ở mức trung bình; nhóm lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin ở mức thấp.

Bảng 2. Thực trạng về việc sử dụng phần mềm kế toán

Câu hỏi

Câu trả lời

Số lượng

khảo sát

Tỷ lệ (%)

Cách thức triển khai?

Sử dụng 1 phần mềm độc lập

103/175

59,09%

Được tích hợp trong HTTT của trường

72/175

40,91%

Đánh giá mức độ hài lòng về phần mềm hiện trường đang sử dụng

Rất tốt

Tốt

Trung bình

Chưa tốt

20/175

105/175

46/175

4/175

11,43%

60%

26,28%

2,28%

                                                                  (Nguồn: tác giả tự tính toán)

4.4. Thực trạng hệ thống kiểm soát và kiểm tra kế toán

Hệ thống kiểm soát là bộ phận cấu thành không thể thiếu được trong HTTTKT nhằm mục đích kiểm tra, kiểm soát tính hợp lý, hợp pháp của dữ liệu kế toán trong quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Công tác kiểm soát có thể được thực hiện do bản thân các kế toán viên, kế toán trưởng trong bộ máy kế toán của doanh nghiệp hoặc do bộ phận kế toán cấp trên và đôi khi cũng có thể do bộ phận kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp thực hiện. Song, đều nhằm mục đích xác nhận tính đúng đắn, trung thực, khách quan của thông tin kế toán và các tài liệu kế toán. Từ kết quả cho thấy 100 % các trường ĐHCL hiện nay đã thực hiện tương đối tốt các thủ tục kiểm tra kiểm soát để bảo đảm chất lượng thông tin cung cấp và bảo mật thông tin. Các trường đều đã chú ý đến việc phân công nhiệm vụ cho các nhân viên kế toán theo nguyên tắc kiêm nghiệm nhưng chưa triêt để.

5. Một số đề xuất hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán tại các trường đại học công lập

Thứ nhất, Hầu hết các trường ĐHCL hiện nay phân lớn sẽ tổ chức bộ máy kế toán theo mô hình tập trung, có rất ít các trường tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức tập trung - nửa phân tán. Với mô hình bộ máy kế toán kết hợp sẽ phù hợp với việc tăng cường tự chủ tài chính trong các trường ĐHCL, với bộ máy này các trường sẽ có cơ sở để đánh giá việc tự chủ của các đơn vị phụ thuộc, đánh giá được phần đóng góp vào nguồn thu của nhà trường. Bên cạnh đó, khối lượng công việc kế toán, thu thập ghi chép ban đầu ở phòng kế toán sẽ được giảm bớt, cán bộ kế toán viên sẽ được bố trí thực hiện các công việc xử lý thông tin, phù hợp với mục tiêu hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán trong nhà trường.

Thứ hai, hệ thống chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ sách kế toán và hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán tại các trường đã được thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện tại. Tuy nhiên, cần có nhưng chứng từ chi tiết, sổ sách theo dõi chi tiết hơn nữa liên quan trực tiếp đến các khoản chi, khoản thu của đơn vị theo từng tình huống cụ thể để đảm bảo tính minh bạch và dễ kiểm tra đối soát.

Thứ ba, hiện nay hệ thống máy tính và phần mềm kế toán ở các trường vẫn cần đầu tư một hệ thống máy tính chất lượng cao và phần mềm kế toán hợp lý hơn phù hợp với lợi ích sử dụng trong một thời gian dài nhưng phải đảm bảo không vượt quá khả năng tài chính của đơn vị. Ngoài ra hệ thống máy tính cần phải được thiết kế đồng bộ với phần mềm đào tạo, phần mèm theo dõi số lượng người học và một số phần mềm khác trong nhà trường.

Thứ tư, hệ thống kiểm soát, kiểm tra của đơn vị cần được hoàn thiện trên các nội dung sau: cần thực hiện triệt để nguyên tắc bất kiêm nhiệm, bảo đảm không có một cá nhân nào vừa thực hiện công việc của các phần hành kế toán trong bộ máy kế toán; cần xây dựng hệ thống giám sát việc truy cập vào hệ thống phần mềm kế toán; kiểm soát tính bảo mật của dữ liệu kế toán trên hệ thống máy tính thống qua việc phân quyền sử dụng cho từng người làm kế toán của các bộ phận kế toán có liên quan trong bộ máy kế toán của đơn vị; thực hiện kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm kê tài sản cố định định kỳ để đảm bảo sự khớp đúng giữa tài sản trên sổ kế toán và hiện vật tại các bộ phận sử dụng, đánh giá hiện trạng tài sản cố định để kịp thời dề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

6. Kết luận

Hoàn thiện HTTTKT cho trường ĐHCL cần phải cân nhắc đến các nội dung là bộ máy kế toán, dữ liệu kế toán, phương tiện kỹ thuật sử dụng, hệ thống kiểm soát và kiểm tra kế toán. Các trường ĐHCL nói chung và các đơn vị SNCL nói riêng đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức rất lớn trong tiến trình tăng cường tự chủ tài chính. Để đứng vững và phát triển trong môi trường hoạt động mới, các đơn vị cần thiết phải đổi mới hệ thống thông tin kế toán của mình một cách triệt để.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, 2007. Hệ thống Chuẩn mực kế toán công quốc tế.
  2. Romney và Steinbart (2008), Accounting Information Systems. 15(3), pp. 221-235.
  3. Chính phủ (2021), Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Nancy A.Bagranoff và cộng sự (2005), Management Information System, Volum 15, Issue 2, pp 434-447.
  5. Nguyễn Đăng Huy, 2008. Giải pháp cho kế toán công ở Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Tài chính kế toán số 1 (54), trang 49 – 51.
  6. Katherine E. Walker (2018), Achieving success in responsibility centrer management: an analysis of stakeholder perceptions of the implementation of responsibility centrer management at public research universities. A Dissertation Presented to The Faculty of the Curry School of Education University of Virginia. PHD.pdf.
  7. Küpper, H. (2013), ‘A specific accounting approach for public universities’,  Journal of Business Economics, 83, 805.829. https://doi.org/10.1007/s11573-013- 0682-4
  8. Đỗ Văn Hiệp (2020), Hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp thuộc Tổng cục công nghiệp Bộ Quốc Phòng, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính.
  9. Hanini, Al (2013), “The Extent of Implementing Responsibility Accouting Features in the jordanian Banks”, European jounal of business and management. 5(1), pp.217-229.

Accounting information system in public-business units – A case studies of public universities

Ph.D Ngo Thi Thu Trang

Trade Union University

Abstract

The basic characteristic of a public business unit is that it is covered by the state for the expenses of the operation and performance of assigned political tasks with funds from the state budget or public funds on the principle of no direct reimbursement. Public business units must use expenditures properly in accordance with approved estimates, funding sources, and standards and norms. To manage finance, public business units use many methods and different management tools, including the accounting information system. Through in-depth investigation and interviews with accountants and managers at all levels of autonomous public universities (which are considered public non-business units) in Vietnam, this study assessed the current accounting information systems of those units. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to complete the accounting information system in line with the trend of financial autonomy in Vietnamese public universities in the current context.

Keywords: accounting information system, public business units, public universities, autonomy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 5 năm 2024]

Tạp chí Công Thương