Hội thảo nhằm mục tiêu: (i) xác định những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngành dệt may do phụ nữ lãnh đạo phải đối mặt trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0; (ii) chia sẻ kinh nghiệm và các thực tiễn tốt nhất trong tái cơ cấu các DNNVV ngành dệt may do phụ nữ lãnh đạo khi phải đối mặt với tình trạng dư thừa; và (iii) chia sẻ kinh nghiệm và các thực tiễn tốt nhất trong việc nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Lãnh đạo nữ trong ngành dệt may chiếm đa số
Theo bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ Hà Nội (HAWASME), ngành Công nghiệp dệt may đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Một số báo cáo cho biết riêng trong năm 2019, thị trường bán lẻ ngành công nghiệp dệt may toàn cầu đạt 1,9 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 2% GDP toàn cầu và dự kiến đạt khoảng 3,3 triệu USD vào năm 2030. Theo thống kê, ước tính lĩnh vực dệt may tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng từ 20 đến 60 triệu lao động.
Thực tế cho thấy, kể từ những năm đầu 70 của thế kỷ trước, bất chấp nhiều giai đoạn kinh tế thăng trầm, ngành công nghiệp dệt may đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động trên thế giới, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo do đây là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các nền kinh tế, đặc biệt các nền kinh tế đang phát triển có thể tận dụng lợi thế về nguồn lao động rẻ, dồi dào để theo đuổi chiến lược xuất khẩu và tăng trưởng, phát triển kinh tế trong dài hạn.
Điểm đáng lưu ý đó là trong ngành công nghiệp dệt may, tỉ lệ tham gia của nữ giới thường chiếm đa số. Theo nghiên cứu, hơn 70% lao động ngành dệt may ở Trung Quốc là nữ; tỉ lệ này lần lượt ở Việt Nam, Bangladesh và Campuchia lần lượt là hơn 70%, 85% và 90%. Đây cũng là thực tế của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới có chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt may.
Nhiều thách thức đòi hỏi phải tái cơ cấu
Với sự tham gia sâu rộng của phụ nữ trong ngành dệt may từ trước tới nay, việc thúc đẩy sự tham gia của họ cả ở cấp độ lao động và tham gia doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng trao quyền kinh tế cho phụ nữ cũng như thức đẩy bình đẳng giới, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng, và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo.
Mặc dù phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo có nhiều đóng góp tích cực đáng kể trong ngành công nghiệp dệt may, trên thực tế, họ cũng gặp không ít thách thức đặc biệt là dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi phải chuyển đổi và tái cơ cấu lực lượng lao động một cách sâu sắc, điều này có thể gây khó khăn cho lực lượng lao động nói chung, doanh nghiệp nữ nói riêng.
Đặc biệt, các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo trong ngành dệt may có thể gặp nhiều khó khăn như năng suất lao động thấp, chỉ chiếm giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) do hạn chế về năng lực trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, cạnh tranh, chuyển đổi công nghệ, tài chính, kinh nghiệm quản lý...
Với sự xuất hiện và kéo dài của đại dịch COVID-19, những thách thức này thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn đối với các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo khi đối mặt với sự gián đoạn trong các GVC hoặc gặp các khó khăn khác về tài chính, đổi mới, quản lý.... trong giai đoạn "bình thường mới".
Những xu hướng mới và một số khuyến nghị
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong và ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tham gia thảo luận, đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị có thể áp dụng cho hợp tác APEC về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Theo TS. Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), có 4 xu hướng chính tác động đến phát triển ngành dệt may thế giới hiện nay mà các doanh nghiệp cần lưu ý để có định hướng, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Xu hướng đi đầu là ứng dụng kỹ thuật số (số hóa). Đây là một trong những công cụ, giải pháp hữu hiệu, nếu ngành dệt may Việt Nam tận dụng tốt sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt giúp thúc đẩy kinh doanh trực tuyến trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay.
Xu hướng thứ hai là phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội. Do ngành dệt may sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ, việc đảm bảo môi trường làm việc, sức khỏe cho lao động nữ và các cơ hội sinh kế cho họ sau khi nghỉ việc là một vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các vấn đề gắn bó với cộng đồng địa phương, tái chế vật liệu để tái sử dụng, giảm thiểu các tác động đến môi trường nơi đặt nhà xưởng sản xuất... Quan tâm đến những vấn đề này sẽ giúp các doanh nghiệp ngành dệt may phát triển bền vững, không bị đào thải.
Xu hướng thứ ba là gia tăng nhu cầu về sản phẩm dệt may phục vụ các hoạt động tăng cường sức khỏe như quần áo tập luyện, phụ kiện thể thao.... Trong điều kiện phòng chống dịch bệnh và làm việc ở nhà nhiều hơn thì phân khúc thị trường sản phẩm này đã “nở rộ” trong năm 2021 và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục khẳng định ưu thế trong những năm tiếp theo với mức tăng trưởng có thể đạt 7%/năm.
Xu hướng nữa đáng lưu ý là trang phục tôn vinh cá tính người dùng sẽ định hình một phân khúc hàng dệt may độc đáo thời gian tới như: trang phục over-size, trang phục cá tính, trang phục khác biệt với chuẩn mực thông thường...
Theo bà Kim Thu Hương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại Van Laack Việt Nam, ngành dệt may có vai trò quan trọng trong tạo công ăn việc làm cho người lao động góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, hướng về tương lai, trong xu thế phát triển của thế giới, ngành dệt may Việt Nam phải hướng tới đổi mới để bắt kịp xu thế. Trong đó cần chú trọng đổi mới về công nghệ, năng suất, kỹ năng tay nghề của người lao động...
Trong quá trình đổi mới đó, rất cần sự hỗ trợ của chính sách từ Chính phủ và các Bộ, ngành. Đó có thể là chính sách nền tảng dành cho các ngành công nghiệp sản xuất nói chung, ngành dệt may và các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo nói riêng, tập trung hỗ trợ về cải tiến công nghệ, thiết bị, đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại.
Về phía các doanh nghiệp dệt may, cần nghiên cứu nhu cầu của thị trường và đối tác để tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh vào phân khúc các sản phẩm “nhỏ mà tinh” và chú trọng vào những chuỗi cung ứng quy mô nhỏ, phù hợp với năng lực tham gia của doanh nghiệp, từ đó tìm được hướng đi riêng, cạnh tranh hiệu quả với các nguồn cung dệt may khác...
Kết nối trực tuyến từ Philipines, bà Anya Lim - Giám đốc điều hành Anthill Fabric Gallery - Mạng lưới sản xuất, cung cấp hàng dệt may và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại Cebu đã chia sẻ kinh nghiệm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.
Theo đó, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai, bên cạnh việc sử dụng các nguồn dự phòng hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống, doanh nghiệp đã chuyển hướng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và xúc tiến bán hàng qua các kênh thương mại trực tuyến. Tổ chức, sắp xếp công việc cho lao động làm việc tại nhà mà vẫn tham gia được vào các công đoạn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Điểm nhấn tạo đột phá trong năm 2021 so với cách thức kinh doanh cũ là Anthill Farbric đã mở được cửa hàng trực tuyến để đưa sản phẩm dệt may truyền thống của Philippines đến người tiêu dùng, khách hàng khắp nơi tại Philipines và trên thế giới. Trên cửa hàng trực tuyến này không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn chia sẻ những câu chuyện, chủ đề về quy trình sản xuất sản phẩm, kinh nghiệm của người dân địa phương trong việc phát triển nghề truyền thống... Cuối năm 2021, Anthill Farbric cũng đã tổ chức hội thảo trực tuyến để trao đổi, chia sẻ thông tin, giới thiệu sản phẩm, qua đó tăng cường kết nối với các khách hàng, đối tác trên khắp thế giới.
Kết quả của Hội thảo sẽ được báo cáo Nhóm Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Nền kinh tế APEC (PPWE) và các diễn đàn APEC liên quan, nhằm sớm biến định hướng, chính sách thành hiện thực.