TÓM TẮT:
Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Để có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới, việc đánh giá hiệu quả thu hút FDI được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Bài viết phân tích thực trạng và đánh giá hiệu quả thu hút FDI tại các khu công nghiệp (KCN) tỉnh BR-VT qua một số tiêu chí.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiệu quả thu hút FDI, khu công nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững, Đại hội Đảng XI đã đặt ra một số yêu cầu và cũng là mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020: “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, áp dụng các hình thức thu hút đầu tư đa dạng, hấp dẫn để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển.” và “Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao”.
Nghị quyết Hội nghị 5, Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một lần nữa khẳng định việc nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong giai đoạn này (BCHTW khóa XII, 2017).
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh BR-VT đã có những chiến lược và giải pháp tích cực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, đã được HĐND khóa V thông qua tại kỳ họp 3, ngày 08/12/2011. Đồng thời, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR-VT giai đoạn 2016 - 2021 cũng được HĐND tỉnh khóa V thông qua tại kỳ họp 11, ngày 11/12/2015. Một trong các nội dung thuộc nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm được nêu lên trong Nghị quyết 3, khóa V là: “Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…”, và trong Nghị quyết 11, khóa V là: “…tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp...”, và “…mời gọi đầu tư vào tỉnh...”. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKHĐT), tính đến tháng 12/2018, BR-VT đã thu hút được 29,6 tỷ USD vốn FDI - với 411 dự án, đứng thứ 4 cả nước, sau Bình Dương (31,7 tỷ USD với 3.508 dự án), Hà Nội (33,1 tỷ USD với 5.092 dự án), và TP. Hồ Chí Minh (45 tỷ USD với 8.092 dự án).
Tính đến cuối 2018, BR-VT có 15 KCN với tổng diện tích 8.510,27 ha, bao gồm: Cái Mép, Đá Bạc, Đại Dương, Đất Đỏ 1, Đông Xuyên, Long Hương, Long Sơn, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1-Conac, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3, và Tiến Hùng. Tổng cộng có 189 dự án FDI đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 11 tỉ USD (Cục Thống kê BR-VT, 2018).
Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các KCN trên đa phần đều có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cũng như có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Lĩnh vực đầu tư đã được các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện rất đa dạng, ví dụ: phân phối khí, cảng và dịch vụ logistics, đóng tàu, gia công cơ khí, vật liệu xây dựng, sản xuất sợi, nhựa, chế biến thực phẩm, điện năng lượng mặt trời, v.v… Với những ưu đãi có được từ chính sách thu hút FDI của Nhà nước và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động, góp phần phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách nhà nước của tỉnh.
2. Cơ sở lý thuyết và đánh giá hiệu quả thu hút FDI
2.1. Vai trò của FDI và KCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Luật Đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và ban hành ngày 29/12/1987, với mục đích mở rộng kinh tế với nước ngoài, phát triển kinh tế quốc dân, đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở khai thác có hiệu quả tài nguyên, lao động và các tiềm năng khác của đất nước (Luật Đầu tư nước ngoài, 1987). Bên cạnh những đóng góp như giúp tăng nguồn thu ngân sách, GDP, thúc đẩy chuyển dịch và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa (Viện Nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương, 2017), đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh v.v… FDI còn được coi là “nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất,…” (Văn Thị Thái Thu, 2019).
Sự hình thành và hoạt động của các KCN được coi là mang tính đột phá trong thu hút đầu tư, huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương và cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Bộ Kế hoạch – Đầu tư, 2011). Năm 2017, Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (BKHĐT), tính đến tháng 8/2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. FDI đóng góp gần 20% GDP, tỷ trọng so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong vốn đầu tư phát triển khoảng 23,7%; 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu FDI chiếm tỷ trọng 72,6% trong xuất khẩu và nộp ngân sách hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước; tạo gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp.
2.2. Tiêu chí đánh giá hiệu quả thu hút FDI nói chung và các KCN nói riêng
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả thu hút FDI ở Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất, mặc dù đã có khá nhiều các chỉ tiêu được sử dụng do quan điểm khác biệt giữa các chuyên gia. Theo Tiến sĩ Ngô Doãn Vịnh, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Chiến lược: “… nên đánh giá hiệu quả trực tiếp của FDI là năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn FDI và đánh giá hiệu quả của khu vực FDI đóng góp cho nền kinh tế quốc dân”. (Thúy Hiền, TTXVN, 2012). Chuyên gia Ngân hàng Thế giới đánh giá cao về kết quả FDI của Việt Nam qua chỉ số tỷ lệ đóng góp của dòng vốn này vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều nguồn vốn được đầu tư vào những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, giá trị thành phẩm không cao (Phương Nga, 2018). Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, năm 2017, có đưa ra đánh giá về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2006 – 2014, dựa trên các tiêu chí: Chỉ số nợ, Tỉ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất (%), Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (%), và Thu nhập bình quân của một lao động trong một tháng. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (2019), hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI nên xem là một trong các tiêu chí thu hút đầu tư FDI.
Tại Hội nghị tổng kết 30 năm Việt Nam thu hút FDI, năm 2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng BKHĐT Nguyễn Chí Dũng đã lưu ý đến định hướng mới trong xem xét, đánh giá thu hút FDI, bao gồm:
1) “Thứ nhất, về ngành, lĩnh vực, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ….”;
2) “Thứ hai, về đối tác, cần tập trung vào thu hút FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị”;
3) “Thứ ba, về địa phương, vùng, thu hút FDI phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch của từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường”;
4) “Thứ tư, có cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước” (Thanh Hằng, 2018).
Đánh giá về kết quả đạt được và những tồn tại trong hoạt động thu hút FDI tại các KCN, khu chế xuất (KCX), Vụ Quản lý các khu kinh tế, BKHĐT đã xét trên các tiêu chí: 1) số lượng dự án đầu tư và nguồn vốn, 2) chất lượng dòng vốn đầu tư xét về quy mô vốn, trình độ công nghệ và lĩnh vực đầu tư, 3) tái cấu trúc sản xuất, và 4) hình thành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, những tồn tại được chỉ ra dựa trên các tiêu chí, gồm: 1) tính tập trung và liên kết, 2) hàm lượng công nghệ, 3) giá trị gia tăng, 4) tác động môi trường.
Với Hà Nội, bên cạnh các tiêu chí tương tự như những địa phương khác - như tạo động lực mới, thúc đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện cơ cấu xuất khẩu, tăng cường sử dụng nhân lực trình độ cao, cải thiện thu nhập của người lao động, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước,… - thì các tiêu chí quan trọng khác - như quy mô vốn, lĩnh vực đầu tư, công nghệ, bảo vệ môi trường - cũng cần được quan tâm xem xét thêm (Phạm Hồng Nhung, trích dẫn bởi Diệu Anh, 2016).
Đánh giá về thực trạng thu hút FDI vào KCN tại Hải Phòng, Trần Thị Phương Mai (2017) đã xét đến các tiêu chí: 1) Số lượng, quy mô dự án, cùng với diện tích đất được lấp đầy, 2) Doanh thu của các doanh nghiệp cùng số thuế nộp cho ngân sách, 3) Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, 4) Số lượng lao động sử dụng, 5) Trình độ công nghệ các doanh nghiệp đang sử dụng; 6) Hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào, 7) Hạ tầng ngay bên trong các KCN, và 8) Nguồn cung lao động.
3. Thực trạng thu hút FDI tại các KCN tỉnh BR-VT
Hiện trong số 15 KCN tại tỉnh BR-VT, riêng KCN Đá Bạc và KCN Long Hương chưa có dự án FDI nào. Tổng vốn FDI đầu tư của các dự án còn hiệu lực tại các KCN ở tỉnh BR-VT là hơn 13 tỉ USD, với hơn 1.500 ha đất được các doanh nghiệp thuê trong các KCN. Bảng 1 trình bày số liệu thống kê về vốn FDI đăng ký, diện tích đất sử dụng và quốc gia/vùng lãnh thổ có các dự án FDI tại các KCN tỉnh BR-VT tính đến tháng 12 năm 2018 (Bảng 1):
Bảng 1. Vốn FDI bình quân/ha, diện tích sử dụng, lĩnh vực đầu tư và quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án FDI tại các KCN tỉnh BR-VT
|
KCN |
Vốn bình quân (USD) |
Diện tích (ha) |
Lĩnh vực |
Quốc gia/Vùng lãnh thổ |
1 |
Đại Dương |
2.916.666,66 |
1,2 |
Sản xuất |
Hàn Quốc |
2 |
Cái Mép |
14.807.754,06 |
115,88 |
Sản xuất, Dịch vụ |
British Virgin Islands, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông |
3 |
Châu Đức |
1.551.650,41 |
119,97 |
Sản xuất-Gia công, Dịch vụ |
British Virgin Islands, CH Seychelles, Hàn Quốc, Hồng Kông |
4 |
Long Sơn |
6.250.000,00 |
40 |
Dịch vụ |
Hàn Quốc |
5 |
Đất Đỏ 1 |
2.022.222,22 |
4,5 |
Sản xuất-Gia công |
Hàn Quốc, Trung Quốc |
6 |
Đông Xuyên |
3.207.802,42 |
83,3 |
Sản xuất-Gia công, Dịch vụ |
Italy, Nhật, Singapore, British Virgin Islands, Nauy, Đức, Đan Mạch, Úc, Pháp |
7 |
Mỹ Xuân A |
9.370.880,56 |
151,41 |
Sản xuất-Gia công-Chế biến, Dịch vụ |
Singapore, Úc, British Virgin Islands, Nhật Bản |
8 |
Mỹ Xuân A2 |
6.468.825,40 |
283,01 |
Sản xuất-Gia công |
Singapore, British Virgin Islands |
9 |
Mỹ Xuân B1 - Conac |
3.497.717,75 |
124,95 |
Sản xuất-Gia công |
Úc, British Virgin Islands |
10 |
Mỹ Xuân – Tiến Hùng |
4.395.033,74 |
60.18 |
Sản xuất-Gia công-Chế biến |
Nhật, Singapore |
11 |
Phú Mỹ 3 |
6.989.866,87 |
96,84 |
Sản xuất-Gia công-Chế biến, Dịch vụ |
Hàn, Nhật Bản |
12 |
Phú Mỹ 1
|
9.036.424,41 |
202,82 |
Sản xuất-Gia công-Chế biến, Dịch vụ |
Panama, Singapore, Nhật Bản, Thái, British Virgin Islands, Hà Lan, Hàn, Đức, Pháp, Canada |
13 |
Phú Mỹ 2 |
9.738.441,56 |
252,05 |
Sản xuất-Gia công-Chế biến, Dịch vụ |
Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Nhật, Sing, Úc, Trung Quốc |
(Nguồn: Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT và các tác giả, 2018)
Bảng 1 cho thấy, xét về tiêu chí Vốn FDI bình quân trên một ha, trung bình có gần 9 triệu USD/ha vốn FDI tại 13 KCN tỉnh BR-VT (8.989.472,72 USD).
Về tiêu chí Lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực Sản xuất - Gia công - Chế biến ở KCN nào cũng có nhưng chỉ phân nửa các KCN có vốn FDI đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ. Sản phẩm thuộc lĩnh vực sản xuất - gia công - chế biến rất đa dạng, từ các sản phẩm gia dụng đến các nguyên vật liệu công nghiệp đầu vào.
Có thể thấy, không có nhiều KCN có vốn FDI đầu tư cho các sản phẩm có chất lượng hay công nghệ cao. Một số dịch vụ thuộc FDI thường đi kèm với các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất.
Với tiêu chí Quốc gia/Vùng lãnh thổ có dự án FDI, chỉ có KCN Đông Xuyên và KCN Phú Mỹ 1 là có số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ nhiều nhất (10), trong khi đó, tại mỗi khu KCN Đại Dương và KCN Long Sơn chỉ có một (1).
4. Kết luận
Căn cứ vào những yêu cầu và cũng là mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ ra, kết quả phân tích ở trên cho thấy, bên cạnh những thành công ban đầu đạt được còn tồn tại chính trong thực trạng hoạt động thu hút đầu tư FDI tại các KCN tỉnh BR-VT, đó là:
- Lĩnh vực đầu tư còn chưa đồng đều giữa sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là tỉ trọng các dự án có sản phẩm chất lượng và công nghệ cao còn ít;
- Số lượng các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư chưa nhiều, trong đó các nhà đầu tư châu Á chiếm phần lớn.
Đây cũng chính là những vấn đề các KCN tỉnh BR-VT cần có giải pháp hợp lý nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động thu hút đầu tư FDI trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác giữa tất cả các bên, bao gồm: UBND tỉnh BR-VT, Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT, chính quyền địa phương và bản thân các doanh nghiệp FDI trong các KCN tại tỉnh BR-VT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2016). Báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa XI và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020).
2. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2017). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Số 11-NQ/TW).
3. Ban Quản lý các KCN tỉnh BR - VT (2018). Báo cáo tổng kết công tác đầu tư, quản lý các KCN năm 2018 - Nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019.4. Bảo Quyên (2019). Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI "thế hệ mới" , VnEconomy Online. http://vneconomy.vn/viet-nam-can-co-co-che-thu-hut-fdi-the-he-moi 20190215091308098.htm
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011). Đánh giá vai trò Khu công nghiệp, Khu chế xuất và khu kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam. http://www.ipcs.vn/vn/danh-gia-vai-tro-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-va-khu-kinh-te-trong-nen-kinh-te-viet-nam-W110.htm
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (4/10/2018). Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới. Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, Hà Nội: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41053&idcm=180
7. Cục Đầu tư nước ngoài - BKHĐT (2018). Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 2018.
8. Diệu Anh (13/10/2016). Thu hút FDI vào các khu công nghiệp: Cần những giải pháp đột phá. Cổng thông tin điện tử Chính phủ - Hà Nội. http://thanglong.chinhphu.vn/thu-hut-fdi-vao-cac-khu-cong-nghiep-can-nhung-giai-phap-dot-pha
9. Phương Nga (2018). WB đánh giá về 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. Tạp chí Tài chính trực tuyến. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-va-mot-so-van-de-dat-ra-301758.html
10. Thúy Hiền (2012). Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam. BNEWS/TTXVN.
11. Thanh Hằng (4/10/2018). Năm bài học quan trọng và những định hướng mới trong thu hút FDI. Báo Điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/5-bai-hoc-quan-trong-va-nhung-dinh-huong-moi-trong-thu-hut-FDI/348374.vgp
12. Trần Duy Đông (2018). Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với thu hút đầu tư nước ngoài. Kỷ yếu 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, 4/10/2018, trang 146.
13. Trần Thị Phương Mai (2017). Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp tại Hải Phòng. Tạp chí Công Thương, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-giai-phap-thu-hut-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-khu-cong-nghiep-tai-hai-phong-46543.htm
14. Văn Thị Thái Thu (8/3/2019). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Tin Kinh tế, TTXVN: https://bnews.vn/wb-danh-gia-ve-30-nam-thu-hut-fdi-cua-viet-nam/95372.html
15. Viện Nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương – BKHĐT (2017). Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp: http://www.ciem.org.vn/Content/files/VNEP/FDI_VNEP_tong%20quan_chi%20Ta%20Thao.pdf
The efficiency of FDI attraction in industrial parks of
Ba Ria – Vung Tau province
PhD. Nguyen Quang Vinh
Office of Science Management and International Cooperation
Industrial University of Ho Chi Minh CityVu Van Truong
Statistics Office of Ba Ria - Vung Tau Province
ABSTRACT:
Foreign Direct Investment (FDI) has played an increasing role in the economic development of Ba Ria - Vung Tau Province in recent years. Assessing the efficiency of FDI attraction has received attention from the Party’s Committee, People’s Council and People’s Committee of Ba Ria - Vung Tau Province in order to make provincial development strategies for the coming years. This paper analyses the status quo and assesses the efficiency of FDI attraction in the province’s industrial parks.
Keywords: Foreign direct investment, effectiveness of FDI attraction, industrial zone, Ba Ria - Vung Tau province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2020]